Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Israel-Iran : Vì sao lửa chiến tranh không lan khắp Trung Đông ?

Les Echos ngày 28/10/2024 giải thích "Israel-Iran : Vì sao Cận Đông không bùng cháy". Từ nhiều tháng qua, nguy cơ này vẫn ám ảnh mọi người, chiếm trang nhất các tờ báo nghiêm túc nhất, được nhiều nhà phân tích nêu ra và các nhà lãnh đạo lo lắng. Nhưng nhật báo kinh tế Pháp cho rằng nguy cơ này đã bị phóng đại.

israel1

Chiến đấu cơ của Không quân Israel cất cánh từ một địa điểm không được nêu tên đi oanh tạc Iran, ngày thứ Bảy 26/10/2024. AP - HO

Một sự biểu dương lực lượng của Israel để cảnh cáo

Le Monde lưu ý phải mất gần một tháng chờ đợi thì sự kiện mang tính quyết định này mới diễn ra. La Croix nhận xét, Israel đáp trả các cuộc tấn công của Iran, nhắm vào các cơ sở quân sự "nhưng một cách chừng mực". Sáng sớm thứ Bảy 26/10, những tiếng nổ lớn kèm theo những vệt sáng trên bầu trời Iran. Israel loan báo tấn công nhắm vào "các địa điểm sản xuất tên lửa, giàn hỏa tiễn địa-không và các hệ thống khác". Iran nói rằng chỉ có những "thiệt hại hạn chế", "một số hệ thống radar bị hư hại".

Hasni Abidi, giám đốc Trung tâm nghiên cứu về thế giới Ả rập và Địa Trung Hải (Cermam) ở Genève phân tích, chiến dịch này không tương xứng với quy mô mà Israel tuyên bố trước đó, "không triệt đường sống của Iran cũng không đặt chế độ vào tình trạng nguy hiểm". Đây là cuộc tấn công với "sự kềm chế rất lớn, không nhằm gây căng thẳng thêm tình trạng khu vực".

Bernard Hourcade, giám đốc nghiên cứu của CNRS nói thêm : "Chiến dịch này là sự biểu dương lực lượng của Israel (...) Mấy chục phi cơ được tiếp liệu trên không bay ngang Irak theo ba đợt liên tiếp, bay nhiều tiếng đồng hồ xung quanh Tehran, ít có người chết, ít thiệt hại... Người Israel đã chứng tỏ khống chế được bầu trời Iran và có thể oanh tạc ồ ạt khi cần", ở cách Tel-Aviv đến 1.600 kilomet.

Trái banh đang trên phần sân của Iran

Daniel Hagari, phát ngôn viên quân đội Israel xác nhận hiện nay có thể tự do hoạt động rộng rãi hơn trên không phận Iran. Le Figaro dẫn lời ông Hagari đe dọa : "Các mục tiêu này được chọn lựa trong vô số mục tiêu tiềm năng đủ loại. Chúng tôi có thể chọn thêm nếu cần". Tấn công vào các địa điểm sản xuất tên lửa, drone và phòng không, Nhà nước Do Thái tránh được đáp trả vừa có thể không tập tiếp. Một địa điểm trước đây là nơi làm giàu uranium cũng bị nhắm đến, như một lời cảnh cáo.

Tuy nhiên chương trình nguyên tử vốn hết sức quan trọng đối với nước Cộng hòa Hồi giáo, lẫn các cơ sở dầu lửa đều không bị nhắm đến. Và cũng không gây bất ngờ : cuộc tấn công được tiến hành sau khi lễ hội Sim’hat Torah của người Do Thái kết thúc vào thứ Năm, và trước bầu cử tổng thống Mỹ.

Theo báo Mỹ Axios được La Croix dẫn lại, Israel đã cảnh báo trước cho Iran về các mục tiêu, thông qua các kênh trung gian. Lần này khác với thường lệ, Tel-Aviv có vẻ tôn trọng lằn ranh đỏ của Washington. Báo Al Monitor cho rằng Benyamin Netanyahou đã được đền bù qua việc Hoa Kỳ tiếp tục chuyển giao vũ khí, đạn dược, gia tăng tấn công vào phe Houthi ở Yemen. Trái banh nay ở trên phần sân của Iran. Chuyên gia Trita Parsi thuộc Hội đồng quốc gia Mỹ-Iran nhận định, nếu Iran chứng tỏ biết kềm chế, chương này có thể đóng lại nhưng cuộc xung đột vẫn tiếp tục.

Kịch bản thảm họa đã không xảy ra

Les Echos giải thích "Israel-Iran : Vì sao Cận Đông không bùng cháy". Từ nhiều tháng qua, nguy cơ này vẫn ám ảnh mọi người, chiếm trang nhất các tờ báo nghiêm túc nhất, được nhiều nhà phân tích nêu ra và các nhà lãnh đạo lo ngại, từ Joe Biden đến Emmanuel Macron hay người đứng đầu ngoại giao Châu Âu Josep Borrel, và một "nhà hòa giải" bất ngờ là Vladimir Putin. Nhưng nhật báo kinh tế Pháp cho rằng nguy cơ này đã bị phóng đại.

Cuộc không tập của Israel sáng thứ Bảy khiến kịch bản thảm họa lại được gợi lên : tác động domino lôi kéo đa số nước trong khu vực vào cuộc đối đầu quân sự. Đây sẽ là trận đại hồng thủy chưa từng thấy tại vùng này kể từ sau chiến tranh Kippur tháng 10/1973, khi đó Israel bị bất ngờ tấn công bởi Ai Cập và Syria với sự hợp sức của tám nước Ả rập : Saudi Arabia, Jordan, Iraq, Libya và toàn bộ Bắc Phi !

Do Cận Đông chiếm 60% trữ lượng dầu lửa của hành tinh, giá dầu sẽ vọt lên tận đỉnh như đã từng làm kết thúc "30 năm huy hoàng" ở phương Tây. Một số chuyên gia nêu ra cái giá 240 đô la một thùng. Tất cả các nước nhập khẩu sẽ bị suy thoái ngay lập tức, ở phương Tây và cả Trung Quốc, Ấn Độ ; căng thẳng nội bộ tại những nước có nhiều người Hồi giáo nhập cư như Pháp, Bỉ, Hoa Kỳ.

Điều nghịch lý là kịch bản này khó thể diễn ra được. Ít nhất là trước mắt, vì Israel chỉ trả đũa hạn chế, và nếu Iran đáp lại cho có lệ thì chu kỳ sẽ tạm dừng ở đây. Nhất là xung đột sẽ không lan rộng trong trung hạn và dài hạn vì lý do đơn giản : để có cháy rừng trước hết phải có rừng ! Nghĩa là đa số nước trong khu vực liên kết chống lại kẻ thù. Giống như thời Đệ nhất Thế chiến, bảy đế quốc Châu Âu (Pháp, Anh, Ý, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Áo-Hung, Đức) khi xảy ra sự kiện đại công tước François Ferdinand bị ám sát năm 1914, tất cả các nước cùng một phe liền xung đột với phe đối nghịch, kể cả với những nước không có xung khắc tay đôi.

Không ai muốn chết cho Tehran

Nhưng tình hình Cận Đông hiện nay khác hẳn, theo Les Echos. Từ ba thập niên qua, bất đồng chỉ được thể hiện qua việc triệu hồi đại sứ hay cấm vận như Qatar đã từng bị. Cuộc xung đột duy nhất có thể biến thành chiến tranh là giữa Israel và Iran, một cuộc chiến bị hạn chế vì không có biên giới chung trên đất liền hay trên biển. Chỉ có thể song đấu bằng chiến đấu cơ hay hỏa tiễn (và không kéo dài vì Iran chỉ có vài trăm hỏa tiễn đạn đạo tầm xa), phải bay qua không phận Jordan, Saudi Arabia, Iraq.

Trên lý thuyết, những nước này có thể vào cuộc vì bị vi phạm chủ quyền, nhưng họ không hề nhúc nhích trong khi đây đã là đợt tấn công ăn miếng trả miếng thứ năm. Nhất là dù ghét Israel, Hoa Kỳ hay phương Tây nói chung, chẳng ai sẵn sàng chết cho Tehran. Iran, quốc gia duy nhất có đa số người Ba Tư và hệ phái Shia đóng vai trò quan trọng, theo giáo sư Thomas Juneau ở đại học Ottawa, đang phải chịu đựng "sự cô đơn chiến lược". Tuy có mạng lưới các lực lượng ủy nhiệm - quân nổi dậy Houthi ở Yemen, dân quân Shia ở Iraq, Hezbollah, Hamas - nhưng Iran không có nước đồng minh nào trong khu vực.

Người bạn Nga đang sa lầy ở Ukraine, Trung Quốc không có ý định viễn chinh. Các nước Ả rập đã ký hiệp ước Abraham hòa giải với Israel năm 2020 (Morocco, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Sudan, Bahrein) không nước nào hủy bỏ, Ai Cập và Jordan dù đả kích Israel về vấn đề Gaza nhưng không hề triệu hồi đại sứ. Cũng như Saudi Arabia, tuy ngoài mặt chỉ trích nhưng bên trong họ thấy hả dạ khi Nhà nước Do Thái giáng những đòn chí mạng vào các lực lượng tay sai của Tehran.

Vẫn còn lại hai giả thiết đáng lo. Thứ nhất, Israel rốt cuộc đánh vào các cơ sở dầu lửa của Iran, và Tehran trả đũa bằng cách nhắm vào các nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia - được Mỹ ủng hộ, hay Azerbaijan - được Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ, vì cung cấp nhiên liệu cho phương Tây, khiến chiến tranh bùng nổ. Nhưng kịch bản này khó thể xảy ra. Thứ hai, Iran quyết định vượt ngưỡng, chế tạo bom nguyên tử, mà theo đánh giá là chỉ cần vài tháng. Chuyên gia François Heisbourg nhận định : "Như vậy là thay đổi hẳn một kỷ nguyên. Tuy không làm chiến tranh lan rộng, nhưng mở đường cho cuộc chạy đua hạt nhân ở Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia, Ai Cập", chưa kể nỗ lực tuyệt vọng của Israel để phá hủy.

Nga-Iran, trục chống phương Tây mới

Trên phương diện địa chính trị, Le Monde nói về "Nga-Iran, trục chống phương Tây mới". Do bị các nước dân chủ trừng phạt, Moskva cố gắng chuyển hướng xuất khẩu sang Châu Á và vùng Vịnh. Tờ báo cho biết một dự án cũ về tuyến đường xe lửa dài 162 kilomet dọc theo biển Caspian có thể được thực hiện, nhằm thay thế kênh đào Suez và với mục đích xây dựng một trật tự thế giới mới. Đoạn đường sắt này nối hai thành phố Racht của Iran có 700.000 dân, với Astara của Nga chỉ 50.000 dân nằm dọc biên giới Iran-Azerbaijan. Đây là mắt xích còn thiếu của một kế hoạch quy mô là hành lang giao thông quốc tế Bắc-Nam (INSTC) nối Nga với Ấn Độ thông qua Azerbaijan và các cảng Iran, rút ngắn được 20 ngày hải hành trên biển.
Georgia : Đối lập tố cáo bầu cử gian lận

Tại Châu Âu, cuộc bầu cử ở Georgia (Gruzia) được các báo rất chú ý, đảng Giấc mơ Georgia cầm quyền chiếm 54% nhưng rất nhiều dấu hiệu cho thấy có sự gian lận. Phe đối lập tố cáo cuộc bỏ phiếu đã bị "đánh cắp". Bốn đảng đối lập đều vượt ngưỡng 5% để vào Quốc hội, tổng cộng phe thân Châu Âu chiếm 37%, và cả bốn đảng đều lớn tiếng phản đối, trong đó hai đảng từ chối công nhận kết quả bầu cử. Theo 529 quan sát viên của OSCE đến từ 42 nước trong cuộc họp báo sau đó, cuộc bỏ phiếu này bất bình đẳng, có những trường hợp mua phiếu, không khí đàn áp bao trùm và chính quyền tạo nhiều áp lực.

Các tổ chức phi chính phủ địa phương từ nhiều tháng qua cho biết đảng cầm quyền gây sức ép lên người dân và doanh nghiệp. Đường phố thủ đô Tbilissi và nhiều thành phố, làng mạc phủ đầy áp-phích của đảng Giấc mơ Georgia, các đảng đối lập ít được hiện diện. Trong khi các thăm dò trước đó cho thấy đến 80% dân Georgia muốn nước mình được gia nhập Liên Hiệp Châu Âu, đảng Giấc mơ Georgia ra sức tuyên truyền bôi xấu phương Tây, chính quyền lộ rõ bộ mặt thân Nga.

Thụy My

Additional Info

  • Author Thụy My
Published in Quốc tế
samedi, 20 avril 2024 12:39

Israel đáp trả Iran

Mặc dù Mỹ không ủng hộ (qua lời nói, thực tế thì ai mà biết được), Israel đã đáp trả Iran bằng cách bắn thẳng sang thành phố Isfahan (cách Israel hơn 2.000 km) và các nước đồng minh của Iran Syria, Iraq vào sáng sớm ngày 19/4, khoảng 4g12, giờ Paris. Thiệt hại như thế nào thì chưa có số liệu cụ thể.

dothai1

Israel đã bắn thẳng sang thành phố Isfahan (cách Israel hơn 1.500 km) và các nước đồng minh của Iran Syria, Iraq vào sáng sớm ngày 19/4

Israel không bắn "vãi đạn" như Iran mà vẫn có hiệu quả. Chỉ bằng 1% của Iran thôi. Đây là một cảnh báo cho Iran biết "bố mày mà bắn 300 quả, thì chúng mày nát nhừ".

Đòn trả đũa của Israel cũng là để chứng minh "nói là làm" mà làm có hiệu quả. Và cũng qua đây, Israel lấy lại thế thượng phong "răn đe" (Chúng mày thích bắn à ? Ừ thì bắn).

Cũng nên biết, các căn cứ quân sự đặt quanh thành phố Isfahan là nơi thiết đặt những trung tâm nghiên cứu làm giàu chất uranium để chế tạo bom nguyên tử. Mỹ và Israel biết rất rõ nơi nào là trung tâm nghiên cứu phản ứng chính chất uranium. Tehran rất lo ngại vì chỉ cần một quả bom từ 2 đến 5 tấn tấn là đủ phá hủy những trung tâm nghiên cứu đặt sâu dưới lòng đất. Quân đội Israel hiện đang sở hữu khoảng chục quả bom loại này.

Theo những nhà quan sát quân sự ở Trung Cận Đông, cuộc đáp trả của Israel vào các căn cứ quân sự quanh Isfahan là do các chiến đấu cơ tàng hình F-35 thực hiện. Hệ thống bảo vệ vùng trời của Iran đã tỏ ra bất lực trước cuộc đáp trả này.

Chính vì thế chúng ta có cảm tưởng như Iran có vẻ không muốn trả đũa tiếp.

Theo như thông báo của Iran cũng như của quốc tế, chưa có thiệt hại gì ở khu vực hạt nhân của Iran. Nếu Iran mà trả đũa lại lần nữa thì chắc chắn chỗ này sẽ là mục tiêu số 1. Có lẽ chính vì vậy Iran rét. Mà rồi không biết Israel nó có tha hay không ?

dothai2

Một trong những căn cứ quân sự quanh Isfahan phát nổ khi bị trùng bom sáng 19/4

Những điều giống nhau giữa nước độc tài Iran và nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam :

1. Hãng thông tấn của Iran (tương đương với TTXVN - Thông tấn xã Việt Nam) đưa tin : Trái ngược với những tin đồn và những khẳng định của phía Israel, không hề có một cuộc tấn công nào của nước ngoài vào khu vực Ispahan, cũng như các khu vực khác của đất nước ta. Mẹ kiếp, nó bắn rầm rầm, nổ đinh tai nhức óc mà vẫn nói bằng được là không có gì. Dân Iran chắc toàn điếc và đui ?

2. Có thể các bạn không biết, nhân chuyện này tôi nói để các bạn biết luôn. Ở Iran chuyện hối lộ, ăn hối lộ cũng khủng khiếp như ở nước ta. Iran bị cấm vận, hàng hóa khan hiếm thì chỉ dân khổ vì các (các cấp) lãnh đạo của Iran lợi dụng tình hình đều buôn bán lậu nên  giầu khủng khiếp và khi giầu có, nhiều tiền thì cũng cho con cái ra nước ngoài học. Cũng như ở ta thôi, họ cho con cái sang học ở phương Tây chứ không phải sang Nga đâu (ngu gì). Và cũng như ở ta và ở Nga, khi nắm trong tay nhiều tiền của thì họ cũng mua bất động sản ở Phương tây.

Tất cả các nước độc tài chống phương Tây đều như thế này nhé. Giống hệt nhau luôn. Chỉ khổ mấy thằng dân (ngu), không những bị khổ vì chế độ mà lại còn ủng hộ chế độ để nó chống Phương Tây. Chống thế thì chống làm gì, theo phương Tây luôn cho dân bớt khổ. Thích chống cũng được, tự do mà. Nhưng mà chống cho ra chống. Chứ không phải chống để mình sướng, dân khổ.

Thôi. Nói thế thôi. Nói mãi rồi mà người ta đâu có hiểu.

Hoàng Quốc Dũng

(20/04/2024)

Additional Info

  • Author Hoàng Quốc Dũng
Published in Quan điểm

Hậu oanh kích Israel : Iran hồi hộp, Ukraine cay đắng

Le Figaro ngày 17/04/2024 dẫn lại tít của một nhật báo Israel "Bây giờ thì chính Iran phải toát mồ hôi hột" chờ đợi, khi Israel vẫn chưa ra tay trả đũa. Le Monde nhận thấy sự tham gia tích cực của Hoa Kỳ, Anh, Pháp để bảo vệ Israel tạo ra tâm trạng cay đắng nơi Ukraine, hàng ngày phải chịu đựng những cuộc oanh tạc khốc liệt của Nga suốt hai năm qua.

iran1

Một hệ thống Vòm Sắt chống hỏa tiễn đặt trên chiến hạm Saar-6 của Israel ngoài khơi thành phố Eilat, ngày 17/04/2024. Reuters - Ammar Awad

"Bây giờ chính Iran phải toát mồ hôi" chờ đợi

Sau cuộc tấn công ồ ạt của Iran, Mỹ, Pháp, Anh đều gây sức ép lên Nhà nước Do Thái để tránh xung đột lan rộng trong khu vực. Tuy nhiên hiện Israel vẫn chưa cho biết ý định trả đũa 350 hỏa tiễn và drone mà Tehran bắn sang cuối tuần qua. "Bây giờ thì chính người Iran phải toát mồ hôi hột" - tít của nhật báo Israel Yedioth Ahronoth tóm tắt cuộc chiến tranh cân não hiện thời giữa đôi bên.

Hai ngày sau trận bão lửa, chính phủ Benyamin Netanyahou chưa có quyết định nào. Thủ tướng Israel chịu áp lực từ đủ mọi phía, đến nỗi, theo báo chí địa phương, ông phải từ chối đối thoại với nhiều nhà lãnh đạo các nước vì biết rằng thế nào cũng bị đòi hỏi phải kềm chế. Le Figaro cho biết ông Netanyahou đã trấn an các nước vùng Vịnh và Jordanie. Về phía Washington yêu cầu được thông báo trước nếu Israel tấn công Iran, để có thể bảo vệ các căn cứ Mỹ tại Trung Đông.

Trong nội bộ, dư luận đang chia rẽ. Chỉ có 29% người dân Israel muốn trả đũa quân sự ngay lập tức, 37% cho rằng nên đợi ít lâu, và 25% không muốn đánh trả. Trong chính phủ, một số đòi trừng phạt Iran để không ảnh hưởng đến sức mạnh răn đe của Israel, số khác muốn kiên nhẫn hơn trong lúc đang được quốc tế ủng hộ. Hơn nữa, nếu đánh Iran còn phải đối phó với Hamas ở phía nam, Hezbollah và Syria ở phía bắc.

Các nhà bình luận đề ra một số giải pháp, như đánh vào các đoàn xe chở vũ khí cho Hezbollah hay các vị trí quân sự của Iran ở Syria, hoặc các căn cứ của phiến quân Houthi ở Yemen đang đe dọa lưu thông trên Hồng Hải. Cũng có thể tấn công tin học vào các nhà máy điện để Tehran chìm trong bóng tối, giao thông rối loạn... Hồi cuối năm ngoái, ba phần tư số trạm xăng ở Iran bị tê liệt vì bị một sự cố máy tính bí ẩn. Một loạt quan chức cao cấp của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo có thể rơi vào tầm ngắm của Mossad. Theo truyền thông Israel, tướng Amir Ali Hajizadeh, tư lệnh không quân, được cho là đầu não của các vụ tấn công bằn hỏa tiễn và drone, đứng đầu danh sách đen này.

Iran tấn công theo cách của Nga ở Ukraine nhưng thất bại

Ở góc độ quân sự, Iran đã sử dụng cùng phương pháp với Nga ở Ukraine, nhưng kết quả lại khác biệt. Hàng trăm drone và hỏa tiễn do Iran bắn sang vấp phải hệ thống phòng không vô cùng hiệu quả của Nhà nước Do Thái cùng với các đồng minh.

"Tiếng ồn của các drone Shahed, công cụ khủng bố, đều như nhau trên bầu trời Trung Đông hay Châu Âu". Trên mạng xã hội X hôm 14/04, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lên án Iran, đồng thời so sánh với những gì mà đất nước ông phải chịu đựng suốt hai năm qua. Trên thực tế, rõ ràng Tehran bắt chước cách thức của Moskva ở Ukraine khi vạch kế hoạch tấn công Israel. Trước khi bắn đi đợt hỏa tiễn, Iran phóng sang hàng loạt drone để làm bão hòa hệ thống địa-không của đối phương. Hai nhà nghiên cứu Brian Carter và Frederick W. Kagan ghi nhận các drone được phóng sang rất lâu trước đó, với hy vọng đến mục tiêu cùng lúc với các hỏa tiễn đạn đạo và hành trình. Nga đã nhiều lần dùng cách này.

Tuy vậy chỉ có từ 5 đến 7 trong số 110-120 hỏa tiễn đạn đạo tới được Israel, toàn bộ drone và hỏa tiễn hành trình đều bị tiêu diệt trước khi đến được mục tiêu. Để so sánh, Ukraine chỉ chặn được phân nửa số hỏa tiễn đạn đạo của Moskva, và ba phần tư số drone, hỏa tiễn hành trình - dễ chặn hơn vì bay chậm. Le Monde ghi nhận sự khác biệt này là do số lượng và chất lượng vượt trội của hệ thống phòng không Israel. Phải đối phó với vô số vụ bắn rốc-kết của Hamas và Hezbollah từ đầu những năm 2000, Nhà nước Do Thái đã phát triển hệ thống địa-không nhiều lớp hoàn chỉnh, gồm Vòm Sắt cho hỏa tiễn tầm ngắn và hệ thống Arrow để đối phó với hỏa tiễn tầm xa. Một tổ hợp phòng không tốt nhất thế giới, theo giới quân sự.

Nếu đồng minh yểm trợ Kiev như với Tel Aviv ?

Bên cạnh đó là sự hỗ trợ của các đồng minh. Một số lớn bị các hỏa tiễn không đối không từ các chiến đấu cơ Mỹ, Anh cất cánh từ Jordanie, Iraq bắn hạ. Hoa Kỳ tiêu diệt trên 80 drone và ít nhất 6 hỏa tiễn đạn đạo Iran.Pháp không cho biết chi tiết, nhưng theo Le Monde, có sự tham gia của sáu chiếc Rafale tại căn cứ không quân ở Jordan trong khuôn khổ chiến dịch "Chammal" chống lại tổ chức Nhà Nước Hồi giáo.

Địa lý cũng đóng một vai trò. Iran nằm cách Israel hơn 1.000 kilomet, còn Nga ở sát bên Ukraine. Israel và đồng minh có thời gian để phát hiện và xác định quỹ đạo của hỏa tiễn Iran, còn Ukraine thì không. Vả lại vì đã biết trước, nhiều phi cơ tiếp liệu Mỹ có mặt trong khu vực để giúp các tiêm kích có mặt trên không trong thời gian cần thiết.

Đối với Kiev, thất bại của Iran chứng tỏ có thể chống lại các vụ oanh kích hàng loạt đã phá hoại 80% mạng lưới điện của Ukraine trong những tuần qua, nhưng với điều kiện có đủ hỏa tiễn địa-không cần thiết và các chiến đấu cơ hiện đại, trang bị hỏa tiễn không đối không hiệu quả. Đây cũng chính là những gì Kiev không ngừng đòi hỏi từ nhiều tháng qua.

Tehran và chiếc bẫy vừa sập xuống

Le Monde nhận định chiếc bẫy "thống nhất các mặt trận" đã khép lại với Iran. Tuy Hamas kêu gọi, Tehran từ chối đối đầu trực diện với Nhà nước Do Thái, chủ trương "kiên nhẫn chiến lược". Iran cho rằng Israel sẽ thất bại, do đang trong ngõ cụt về quân sự ở Gaza và bị cô lập trên trường quốc tế.

Nhưng Nhà nước Do Thái đã buộc Tehran ra khỏi vùng xám, lâu nay vẫn đứng sau giựt dây các tổ chức tay sai. Israel dồn Iran vào chân tường, với việc tấn công vào lãnh sự quán ở Damas làm 7 người chết trong đó có 2 tướng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo. Tehran phải chọn lựa, hoặc đáp trả với nguy cơ phải trực tiếp chiến đấu với Israel, hoặc mất đi uy tín trước các đồng minh.

Nước Cộng hòa Hồi giáo tìm kiếm lối thoát thông qua con đường ngoại giao. Những thông điệp được trao đổi với Hoa Kỳ qua trung gian Thụy Sĩ. Một nhà quan sát cho biết, "Iran nghĩ rằng Mỹ có thể gây sức ép lên Israel, nhất là ở Hội đồng Bảo an, qua việc lên án cuộc tấn công vào cơ sở ngoại giao, hoặc bảo đảm sẽ không có những vụ khác nhắm vào lợi ích của Iran tại Syria – điều mà Mỹ không thể thực hiện". Đòi hỏi này từ một chế độ mà khi mới ra đời năm 1979 đã bắt các nhà ngoại giao Mỹ làm con tin có vẻ quá đáng.

Cuộc oanh kích của Iran thực sự nguy hiểm cho an ninh của Israel đã thất bại nhờ sự can thiệp của liên minh quân sự hình thành xung quanh Washington, Luân Đôn, Paris và một số đối tác Ả rập. Vụ tấn công khiến phương Tây siết chặt đoàn kết với Nhà nước Do Thái, đào sâu hố ngăn cách với một số quốc gia trong khu vực. Một chuyên gia nhận xét cho tới nay, Iran vẫn thủ lợi trước tình hình hỗn loạn trong khu vực. Nhưng nay Tehran đành trưng ra khuôn mặt hòa dịu, với hy vọng Israel sẽ không tấn công vào lãnh thổ mình. Trong trường hợp ngược lại, sẽ là "giờ của sự thật" đối với chiến lược quốc phòng dựa vào các mạng lưới dân quân tay sai.

Tâm trạng cay đắng của Ukraine

Trong khi mọi chú ý đang đổ dồn về phía Trung Đông, Le Monde nhận thấy Ukraine "cảm giác bị coi là hạng hai, được giúp đỡ ít hơn". Sự tham gia tích cực của Hoa Kỳ, Anh, Pháp để bảo vệ Israel trước Iran tạo ra tâm trạng cay đắng nơi người Ukraine, hàng ngày phải chịu đựng những cuộc oanh tạc khốc liệt của Nga suốt hai năm qua.

Một làn sóng đắng cay lan tràn sau khi các đồng minh của Israel can thiệp một cách vô cùng nhanh chóng. Dân biểu Bohdan Yaremenko, cựu chủ tịch ủy ban đối ngoại của Quốc hội Ukraine, nhìn nhận tất nhhiên người Ukraine quan sát cách thức xử sự khác nhau, và "rất khó chấp nhận bị coi là một đối tác hạng hai". Trên mạng xã hội, Vitaliy Deynega, người sáng lập tổ chức nhân đạo Come Back Alive (Sống sót trở về), nhận xét "Mạng sống của người Ukraine ít giá trị hơn của người Israel". Tổng thống Ukraine cũng không giấu đi nỗi niềm. Tối thứ Hai khi nói chuyện với quốc dân, ông tuyên bố : "Khi hỗ trợ Israel, thế giới tự do đã chứng tỏ một sự đoàn kết như vậy hiệu quả đến 100%. Hành động tương tự có thể bảo vệ Ukraine".

Tâm trạng u uẩn càng gia tăng khi gần đây nhiều nhà máy nhiệt điện và thủy điện của Ukraine đã bị bom Nga phá hủy hay làm hư hại, tổng thống Ukraine không ngừng kêu gọi viện trợ hệ thống phòng không, nhưng hiện chỉ mới có Đức loan báo gởi thêm một giàn Patriot. Phó giám đốc think tank New Europe Center, Sergiy Solodkyy, lo ngại vì lực lượng Ukraine không chỉ thiếu chiến đấu cơ và lá chắn tên lửa, mà tiền tuyến rất cần những vũ khí thông thường như đạn pháo. Theo ông, sự thiếu quyết tâm của phương Tây có thể tạo ra "tâm trạng bị bỏ rơi hay bị quên lãng" nơi người Ukraine. "Đó là một thảm họa, tôi tin rằng hiện đang là cảm xúc chung". Đối với Bohdan Yaremenko, dân biểu đảng cầm quyền, "Ukraine đang kiệt lực".

Cầm cự bằng drone do các quỹ từ thiện mua tặng

Từ nhiều tháng qua, viện trợ quân sự 60 triệu đô la của Hoa Kỳ vẫn bị Quốc hội chặn lại. Volodymyr Zelensky cảnh báo, không có sư trợ lực này "Ukraine sẽ thua trận". Sự chậm chạp của phương Tây gây hậu quả trực tiếp trên mặt trận, trong lúc Ukraine đang thiếu đạn và khó tuyển được tân binh.

Dân biểu Yaremenko nói, cần phải bảo đảm được rằng tham gia quân đội không có nghĩa là "một đi không trở lại". Vitaliy Deynega của Come Back Alive cho biết hiện nay phương tiện chính của Ukraine để cầm cự là những drone do các tổ chức từ thiện mua tặng. Cựu thứ trưởng quốc phòng nói : "Đó là một trong những lý do chính khiến chúng tôi không thua trận. Trong sáu tháng qua, Ukraine đã chứng tỏ đã buộc Nga phải trả cái giá đắt dù không có viện trợ phương Tây, tuy nhiên thiệt hại cũng nặng nề". 

Tướng Oleksandr Syrsky báo động lực lượng Ukraine ít ỏi phải đối phó với các đợt tấn công của Nga tại nhiều điểm. Ông viết trên mạng Telegram : "Tình hình mặt trận phía đông xấu đi nhiều trong những ngày gần đây". Moskva đang tập trung vào thành phố mỏ nhỏ bé Tchassiv Yar nằm cách Bakhmut 15 kilomet. Thủ tướng Cộng hòa Czech cho biết đã tìm được 300.000 đạn pháo, và 180.000 quả đạn "sẽ được chuyển đến mặt trận Ukraine trong những tháng tới".

Lần đầu tiên từ 11 năm, Việt Nam bán đấu giá vàng thỏi

Theo Les Echos, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ quay lại với phương thức không dùng đến từ 11 năm qua, là bán đấu giá vàng thỏi. Lý do là sự khác biệt giá cả giữa thị trường nội địa và quốc tế. Giá bán trong nước đã tăng 16% trong năm qua, cao hơn hẳn giá thế giới. Vào đầu tuần, giá một lượng vàng đã lên đến 3.420 đô la. Và từ cuối 2023, một lượng – đơn vị tính toán tương đương 37,8 gam hay 1,21 once – kim loại quý này thường xuyên cao hơn thị trường thế giới gần 1.000 đô la.

Nhật báo kinh tế dẫn nguồn từ báo chí trong nước cho biết, dưới sự thúc giục của thủ tướng Phạm Minh Chính nhằm chấn chỉnh lại tình hình, Ngân hàng Nhà nước quyết định cho bán đấu giá. Hồi năm 2013, có 76 cuộc đấu giá đã được tổ chức, bơm vào thị trường 69,9 tấn vàng thỏi. Lần này việc đấu giá sẽ được loan báo trước một ngày, người tham gia phải đặt cọc trước 17 giờ. Chỉ có các ngân hàng và tổ chức được phép mua bán vàng thỏi với Ngân hàng Nhà nước mới được đấu giá, và hiện chỉ có 15/26 đơn vị đáp ứng được yêu cầu.

Thụy My

Additional Info

  • Author Thụy My
Published in Quốc tế