Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Bao bọc Israel, Washington muốn chứng tỏ uy thế ở Trung Đông

Chủ đề được nhiều báo Pháp hôm nay quan tâm là khủng hoảng chính trị nội bộ sau khi Hạ Viện Pháp hôm qua chặn việc thảo luận dự luật mới về nhập cư. Thượng đỉnh khí hậu COP28 cũng được đề cập đến nhiều. Nhìn chung, hai chủ đề này hôm nay phần nào lấn át các hồ sơ nóng khác như xung đột Israel-Hamas và chiến tranh Ukraine.

israel1

Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại New York, Hoa Kỳ, ngày 20/09/2023. AP - Susan Walsh

Nhập cư : Bộ trưởng Nội vụ Pháp bị sỉ nhục, tổng thống bị thách thức

Báo thiên hữu Le Figaro khẳng định việc Hạ Viện Pháp ngăn chặn việc thảo luận dự luật mới về nhập cư khiến bộ trưởng Nội vụ Darmanin, người đề xuất dự luật đầy tham vọng này"bị sỉ nhục", còn thổng thống Macron "bị thách thức".  

Le Figaro xem đây không chỉ là thất bại đầy ngạc nhiên và cay đắng của bộ trưởng Darmanin, mà còn là thất bại của toàn bộ chính phủ của Macron và là  khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong nhiệm kỳ thứ hai của tổng thống Macron.

Cho dù tổng thống đã bác đơn xin từ chức của bộ trưởng Nội vụ, nhưng theo Le Figaro, giờ đây ông Macron phải tìm ra một giải pháp, vì chuyện này xét  rộng ra khiến người ta nhìn nhận lại về khả năng của tổng thống lãnh đạo và cải cách đất nước khi đảng của ông không chiếm được đa số tuyệt đối ở Quốc hội.    

Libération, tờ báo thiên tả, lưu ý từ khi ông Macron tái đắc cử, việc chỉ nắm đa số tương đối đã gây nhiều trở ngại cho ông, nhưng vụ Hạ Viện chiều qua chặn việc thảo luận dự luật nhập cư càng dẫn đến sự suy yếu nghiêm trọng của chính quyền Macron, đồng thời cho thấy nhập cư là một đề tài rất nhạy cảm tại Pháp và đáng được quan tâm nhiều hơn.

COP28 : Một dự thảo thỏa thuận gây thất vọng

Về COP28, chủ tịch Sultan Al Jaber hôm qua, 11/12/203, đã công bố dự thảo thỏa thuận mới về nhiên liệu hóa thạch. Trong bài viết "COP28 : Cuộc sống của năng lượng hóa thạch vẫn được kéo dài", Libération cho biết đây là lần đầu tiên việc giảm sản xuất năng lượng hóa thạch được nhắc đến, nhưng thiếu chi tiết về tầm mức và thời hạn.

Les Echos trong mục Giải mã nhận định, từng đặt hy vọng vào COP28, nay các nhà đấu tranh chống năng lượng hóa thạch đã thất vọng, bởi thỏa thuận mà chủ tịch COP 28 công bố chiều qua tại Dubai bị đánh giá là ít tham vọng hơn so với dự kiến ban đầu, chỉ nói đến giảm sử dụng, chứ không chấm dứt hoàn toàn năng lượng hóa thạch. Riêng về than đá, thậm chí dự thảo thỏa thuận còn bị xem là tụt lùi so với COP26 tại Glasgow, khi đó đã nói đến việc "chấm dứt dần dần" việc sử dụng.

Không chỉ bị nhiều tổ chức phi chính phủ và xã hội dân sự chỉ trích là tập hợp những ý tưởng tệ hại, dự thảo thỏa thuận còn bị bộ trưởng Môi trường của nhiều nước xem là "hoàn toàn chưa đủ" (Tây Ban Nha), "có nhiều yếu tố không thể chấp nhận được" (Pháp), "cần được thúc đẩy đáng kể" (Mỹ).

Câu hỏi mà La Croix đặt ra là liệu COP28 có đạt thỏa thuận cuối cùng không. Trưởng phái đoàn của 195 bên tham gia COP28 đã được mời họp kín vào 21 giờ tối qua cho cuộc đám phán cuối cùng trước ngày bế mạc hội nghị.

Cũng về COP28, Les Echos đề cập đến mối lo của các nước đang phát triển về hàng rào thương mại mà Mỹ và Liên Âu dựng lên với danh nghĩa chống biến đổi khí hậu, cụ thể là biện pháp áp thuế carbon với hàng nhập khẩu vào Liên Âu, hay đạo luật chống lạm phát IRA của Mỹ, một phần trong chương trình chống biến đổi khí hậu của tổng thống Biden.

Kế hoạch của FAO giảm nạn đói và kềm chế mức tăng nhiệt độ dưới 1,5 độ C

Trong khi đó, báo Le Monde quan tâm đến kế hoạch của Cơ quan Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) giảm nạn đói mà vẫn bảo đảm mục tiêu nhiệt độ Trái đất chỉ tăng tối đa 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Trên thực tế, hơn 9% dân số thế giới đói ăn dài ngày, 1/3 dân số chịu cảnh mất an ninh lượng thực ở những mức độ khác nhau, trong khi biến đổi khí hậu tác động mạnh đến sản xuất nông nghiệp. Ngược, lại nông nghiệp cũng là nguyên nhân gây biến đổi khí hậu, với 1/3 lượng khí thải nhà kính là từ các hoạt động nông nghiệp. Kế hoạch của FAO kéo dài nhiều năm, liên quan đến 10 lĩnh vực như chăn nuôi, đánh bắt cá… và dự kiến sau 2 năm nữa sẽ phải ra được các kế hoạch hành động cấp quốc gia.

Về an ninh lương thực, sau hai năm nữa, số người đói ăn lâu ngày phải giảm bớt 150 triệu. Theo Liên Hiệp Quốc, năm 2023 số này là 735 triệu người. Đến năm 2050, mọi người trên thế giới đều phải được tiếp cận các loại thực phẩm lành mạnh. Hiện nay mới chỉ có 40% dân số có đủ tiền mua thực phẩm đáp ứng các khuyến cáo về dinh dưỡng.

Về chống biến đổi khí hậu, FAO đề ra mục tiêu đến năm 2030 giảm 25% lượng khí thải từ hoạt động nông nghiệp và đến năm 2035 thì đạt trung hòa carbon, đến năm 2045 thì giảm một nửa khí thải methan. Và mục tiêu cuối cùng là đến năm 2050 nông nghiệp trở thành "giếng hút carbon". Nhưng để đạt được những mục tiêu nói trên, theo Le Monde, cần một sự thay đổi quy mô lớn, bởi theo số liệu của FAO, mới chỉ có 4% nguồn tài chính chống biến đổi khí hậu được dành cho lĩnh vực chế biến thực phẩm.

Zelensky có thuyết phục được Nghị viện Mỹ không "bỏ rơi" Ukraine ?

Hôm nay 12/12, theo lời mời của nguyên thủ Mỹ Biden, tổng thống Ukraine Zelensky đến Nhà Trắng. Le Figaro nhận xét, trái ngược với lần đầu đến Nhà Trắng sau khi chiến tranh Ukraine nổ ra, khi Zelensky được Nghị Viện Mỹ tiếp đón như một người hùng, đến chuyến công du thứ 3, ông Zelensky đang trong hoàn cảnh tuyệt vọng nhất, do Hạ Viện Mỹ mới đây đã chặn khoản viện trợ 61 tỉ đô la của chính quyền Biden dành cho Kiev.

Theo Le Figaro, dù Ukraine vẫn được sự ủng hộ của Washington và chính tổng thống Biden, sẽ có rất ít khả năng ngân sách viện trợ quân sự khẩn cấp cho Ukraine mà tổng thống đề xuất sẽ được thông qua. Le Figaro trích dẫn đài CNN cho biết chính quyền Biden hiện giờ chỉ còn khoảng 2 tỉ đô la để viện trợ quân sự cho Ukraine, trong khi một nửa viện trợ quân sự mà Kiev nhận được vốn là từ Washington. 

Tổng kết thương vong của Ukraine : Bí mật được Kiev bảo vệ nghiêm ngặt

Không nói đến tình hình chiến sự Ukraine, Le Figaro có bài viết "Tổng kết thương vong của Ukraine vẫn là một bí mật được chính quyền bảo vệ nghiêm ngặt".

Tại Ukraine, mọi người lính, nhất là những người đã tử trận, được tôn vinh là anh hùng, những tượng đài, công trình kỷ niệm trang nghiêm được thấy ở mọi nơi, các liệt sĩ được tôn vinh trên các mạng xã hội… Kiev không muốn những người đã thiệt mạng bị rơi vào quên lãng. Le Figaro nhấn mạnh là, khác với Nga, chính quyền Ukraine nắm rõ thông tin của từng binh sĩ và luôn cung cấp thông tin đầy đủ cho gia đình họ khi được hỏi. Mỗi đơn vị đều thống kê đầy đủ tổn thất nhân mạng.

Thế nhưng, con số binh sĩ tử trận vẫn chưa từng được chính quyền hay quân đội Ukraine công bố. Các số liệu mà phương Tây đưa ra đều bị Kiev bác bỏ. Theo Le Figaro, hiện nay tại Ukraine, chỉ có những nhà đối lập với chính quyền mới dám đề cập đến vấn đề này. Một nhà báo Ukraine, từng có những hiềm khích cá nhân với Zelensky, nói với Le Figaro là chính quyền sợ bị xã hội chỉ trích về trách nhiệm trước những mất mát lớn đó.

Tuy nhiên, theo bà Anna Colin Lebedev, giảng viên khoa học chính trị tại Đại học Nanterre, của Pháp, chuyên về xã hội hậu Xô Viết, đó cũng là do xã hội Ukraine không đòi hỏi thông tin, bởi họ lo sợ và ý thức được rằng khi được số hóa, những mất mát đó sẽ thành "vô hình" và sẽ chỉ còn là con số. Những tổn thất nhân mạng đó không chỉ nhiều về số lượng. Lebedev nhận định nhiều nạn nhân thiệt mạng cũng là "những người giỏi nhất trong số chúng ta" như người Ukraine vẫn hay nói : năng động nhất trong đời sống xã hội, hành động vì lợi ích của đất nước…

Nhà nước Palestine : Kẻ "chỉ điểm" cho Israel ?

Về xung đột Israel - Palestine, báo Le Monde, phát hành từ trưa hôm qua, không nói về tình hình Gaza mà hướng sự chú ý đến "sức ép an ninh ở Cisordanie (West Bank)" và nhận định từ khi xảy ra vụ tấn công của tổ chức Hamas vào Israel làm bùng nổ chiến tranh, ngày càng có nhiều nghi ngờ về việc Nhà nước Palestine ở Cisjordanie buộc phải phối hợp với Israel, cung cấp thông tin về vũ khí, số điện thoại, xe cộ và việc di chuyển của các thành viên nhánh vũ trang Fatah, giúp Israel tấn công vào một số địa điểm của nhánh vũ trang này.

Nhiều người xem các lãnh đạo của Nhà nước Palestine là những kẻ phản bội, thay vì chống lực lượng Israel chiếm đóng thì lại giúp đỡ Israel triệt hạ những người kháng chiến.

Bao bọc Israel, Washington muốn cho thấy Mỹ vẫn có trọng lượng ở Trung Đông

Báo công giáo La Croix nói về "thành trì Mỹ". Một nhà ngoại giao từng nói "Israel là nước bị tấn công nhiều nhất, nhưng cũng được bảo vệ nhất tại Liên Hiệp Quốc". Theo La Croix, tình hình trong những ngày qua đã xác nhận điều đó. Mỹ đã chặn dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an kêu gọi ngưng bắn nhân đạo ngay lập tức ở dải Gaza. Không chỉ ủng hộ Israel về mặt ngoại giao, hàng năm Mỹ còn viện trợ quân sự cho Israel 3,5 tỉ euro. Một chuyên gia mỉa mai : "Về quốc phòng, Israel là bang thứ 51 của Mỹ".

Trên thực tế, có rất nhiều chương trình trang bị vũ khí và tình báo gắn kết các nhà công nghiệp và công ty công nghệ cao của hai nước. Và theo nhiều nhận định, trong trường hợp khủng hoảng nghiêm trọng và kéo dài, Israel sẽ chỉ trụ được vài tuần nếu không có sự hỗ trợ hậu cần của Mỹ.

Chính quyền Biden biết cái giá chính trị mà họ sẽ phải trả, nhưng vẫn bảo vệ vô điều kiện Israel trong cuộc chiến chống Hamas, bởi theo La Croix, nhìn từ Washington, điều này liên quan đến cả vùng Trung Đông. Ủng hộ Israel là cách để Washington phô trương sức mạnh trước những nước thù địch như Iran, Nga, thậm chí cả Thổ Nhĩ Kỳ. Và trên hết, Mỹ muốn chứng tỏ vẫn còn trọng lượng ở Trung Đông.

Đầu tư công nghiệp : Châu Á dẫn đầu thế giới, vượt xa Châu Âu

Trong lĩnh vực kinh tế, Le Monde quan tâm đến đầu tư công nghiệp. Theo báo cáo của cơ quan nghiên cứu Trendeo, Viện Tái công nghiệp hóa, cơ quan tư vấn McKinsey và tập đoàn Fives, được công bố hôm 11/12, đầu tư tại Châu Âu trong năm nay đã giảm 38%, nhất là Đức (-74%) và Pháp (-21%). Đầu tư tại Trung Quốc cũng giảm 28%. Trái lại, đầu tư tại Hàn Quốc đã tăng hơn 2.111%.

Về tổng thể, Châu Á dẫn đầu thế giới về đầu tư công nghiệp, chiếm tới 54,5% tổng đầu tư công nghiệp của toàn cầu, vượt xa Châu Mỹ (28%) và Châu Âu (6,7%). Vấn đề của Châu Âu là dù có khả năng đầu tư cao bằng Mỹ, Châu Âu lại chủ yếu đầu tư ra nước ngoài. Trong vòng 7 năm qua, chỉ có 1/3 dự án đầu tư của Châu Âu được tiến hành ngay tại châu lục, trong khi đầu tư quốc tế vào Châu Âu cũng giảm.

Các nhà máy của Châu Âu cũng nhỏ hơn so với quy mô bình quân của thế giới. Nhưng điều đáng khích lệ là các dự án đầu tư của Châu Âu có chất lượng cao và được xem là lành mạnh hơn, bảo vệ môi trường hơn, tiêu thụ ít năng lượng hơn…

Căng thẳng địa chính trị thúc đẩy giao thương giữa các nước bạn hữu

Về thương mại thế giới, Les Echos cho biết giao thương hàng hóa giữa các nước "bạn hữu" đã gia tăng trong thời gian qua trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị khiến các nước phải tổ chức lại mạng lưới cung ứng. Hội nghị Liên Hiệp Quốc về thương mại và phát triển hôm qua cho biết giao thương Mỹ - Trung bị tác động nhiều nhất, và các doanh nghiệp ở những vùng khác, nhất là Tây Á và Mexico, có cơ hội để tham gia nhiều hơn vào các chuỗi cung ứng đang bị ảnh hưởng từ mối lo về địa chính trị.

Thùy Dương

Additional Info

  • Author Thùy Dương
Published in Quốc tế