Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Khủng bố Manchester : An ninh Anh phải đổi mới hoàn toàn

Khủng bố đẫm máu nhắm vào một buổi trình diễn nhạc pop, với đa số là thanh thiếu nhi, tại Manchester, Anh Quốc, đêm thứ Hai 22/05, là chủ đề lớn của các nhật báo Pháp hôm nay, át đi cả một chủ đề cũng rất được quan tâm khác là cuộc đối thoại cải cách luật lao động, vừa khởi sự giữa tân chính quyền Macron với các nghiệp đoàn.

khungbo1

Trụ sở cơ quan tình báo Anh MI6 ở Vauxhall Cross, Luân Đôn, còn được gọi là "Legoland. Ảnh : Flirks

"Manchester : Tuổi thơ bị sát hại", "Manchester : Gia đình là đích nhắm của khủng bố" là tựa trang nhất của LibérationLe Monde. "Châu Âu đối mặt với cú sốc khủng bố", tựa La Croix. Báo Le Figaro nói đến : "Chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo tiếp tục chống Châu Âu". Báo Pháp nêu vấn đề hệ thống tình báo Anh Quốc cần phải thay đổi hoàn toàn, để có thể đối phó với đe dọa khủng bố, đặc biệt trong bối cảnh hợp tác chống khủng bố với Liên Âu bị đặt thành vấn đề, với Brexit.

Anh Quốc vừa hứng chịu vụ tấn công kinh hoàng nhất kể từ sau cuộc khủng bố làm 52 người chết tại xe điện ngầm Luân Đôn hồi 2005. Bài "Tình báo Anh trước đe dọa khủng bố" của Le Figaro dẫn lời giám đốc MI6, cơ quan tình báo đối ngoại, đặc trách chống khủng bố Hồi giáo (tên chính thức là Secret Intelligence Service), ông Alex Younger : "Cần phải thay đổi hoàn toàn cách làm việc của chúng ta". Lãnh đạo MI6 cảnh báo, nếu không thích ứng được với các thách thức khủng bố mới dưới đủ mọi hình thức, Anh Quốc hoàn toàn có thể sẽ bị thất thủ trước kẻ thù.

Trên thực tế, trước mối đe dọa khủng bố dâng cao, Anh Quốc đang chuyển sang một phương thức đối phó hoàn toàn mới. Cụ thể là các trao đổi thông tin với các đồng nhiệm Châu Âu, Hoa Kỳ, Úc hay Thổ Nhĩ Kỳ được tiến hành liên tục, đặc biệt với các cuộc làm việc phối hợp "hàng tuần", và được "định chế hóa", theo lời giải thích của một cựu lãnh đạo chống khủng bố của Scotland Yard.

Hiện tại với khoảng 12.700 nhân viên tình báo - làm việc cho ba cơ quan riêng rẽ - hệ thống chống khủng bố của Luân Đôn còn lớn hơn cả Pháp và Đức. Riêng MI6, có 2.500, MI5 – phụ trách an ninh nội địa – có 4.000 nhân viên và cơ quan GCHQ, chuyên kiểm soát trong lĩnh vực điện tử, có hơn 6.500 người. Trong một thời gian dài, nước Anh tưởng như bình yên hơn các nước Châu Âu lục địa, nhờ vị trí quốc đảo. Tuy nhiên vụ khủng bố tại cầu Westminster và trước nhà Quốc hội hồi tháng Ba và vụ Manchester mới đây đã buộc Luân Đôn phải đối mặt với một "thực tế nghiệt ngã".

Luân Đôn đang có kế hoạch tăng gấp đôi số chuyên gia chống khủng bố. MI6 có kế hoạch tuyển mộ thêm khoảng 800 nhân viên trong bốn năm tới. Còn theo Le Monde (bài "Chính sách an ninh Anh Quốc bị thách thức"), chính phủ Anh trong những tháng gần đây đã có kế hoạch phát triển gấp đôi mạng lưới chống khủng bố hiện có của Anh trên phạm vi toàn cầu.

Brexit đe dọa làm yếu hợp tác chống khủng bố

Về chủ đề này, trả lời Libération, chuyên gia Pháp về tình báo, ông Pierre Berthelet, nhận xét : "về phương diện an ninh, việc Anh Quốc ra khỏi Liên Âu đặt ra một vấn đề thực sự" đối với hợp tác chống khủng bố. Hiện tại, nước Anh đóng vai trò tích cực trong lĩnh vực này, lãnh đạo cảnh sát hình sự Châu Âu là một người Anh (ông Robe Wainright, cựu chuyên gia cơ quan an ninh nội địa MI5). Luân Đôn đặc biệt tích cực hợp tác với Châu Âu kể từ vụ khủng bố năm 2005.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, như giáo sư Steve Peers, cuộc ly dị với Liên Âu có thể sẽ làm suy giảm đáng kể các hợp tác giữa Luân Đôn với phần còn lại của Châu Âu. Theo Le Figaro, giám đốc cảnh sát hình sự Châu Âu lo ngại là, với Brexit, Luân Đôn sẽ từ bỏ bốn công cụ vốn rất hiệu quả của Liên Âu trong lĩnh vực này. Đó là khả năng truy cập vào cơ sở dữ liệu tin học của hệ thống các nước trong khối tự do đi lại Châu Âu Schengen (SIS), hợp tác tư pháp xuyên biên giới, lệnh truy nã toàn Châu Âu và tất nhiên là định chế hùng mạnh Europol. Hiện tại, Luân Đôn và Bruxelles bắt đầu cuộc mặc cả cam go trong lĩnh vực hợp tác chống khủng bố.

Cách đây ít lâu, thủ tướng Anh đã khiến các đồng nhiệm Châu Âu bực mình, khi tuyên bố nếu "cuộc ly dị gây tổn hại quá nhiều" cho Anh Quốc, thì hợp tác chống khủng bố với Châu Âu cũng "sẽ suy yếu".

Tổng thống Trump - Giáo hoàng Francis : Hội kiến hứa hẹn bất ngờ

Cuộc hội kiến ngày hôm nay giữa tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và giáo hoàng Francis tại Vatican là một tiêu điểm thời sự khác. Báo Le Figaro có bài "Giáo hoàng Francis chờ đón Donald Trump với thái độ rộng mở và tò mò". Tổng thống Trump khẳng định "rất nóng lòng" được gặp giáo hoàng.

Quan hệ giữa lãnh đạo Công giáo và nguyên thủ Mỹ được ví với một bộ phim hành động ly kỳ. Cuộc gặp giữa hai người được coi là nằm trong số "năm người có uy quyền nhất" thế giới (theo tạp chí Forbes) được toàn thế giới theo dõi. Cuộc hội kiến hôm nay được đánh giá là hết sức đặc biệt, bởi đây là lần đầu tiên giáo hoàng bỏ qua nguyên tắc không bao giờ tiếp các nguyên thủ quốc gia vào ngày thứ Tư hàng tuần, vốn được dành cho các buổi tiếp xúc với công chúng.

Le Figaro điểm lại cuộc đụng độ đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo. Đó là vào năm 2016, trong thời gian tranh cử tổng thống Mỹ, trên đường trở về từ Mexico, giáo hoàng Francis đã gián tiếp lên án chính sách xây từng ngăn biên giới của ứng cử viên Donald Trump, với nhận định : "Một người chỉ nghĩ đến dựng nên những bức tường, chứ không phải là những cây cầu, không thể là một người Thiên Chúa giáo tốt". Ứng cử viên Trump ngay lập tức đã lên án sự can thiệp của giáo hoàng và khẳng định "tự hào là người Thiên Chúa".

Tuy nhiên, quan hệ giữa hai bên đã êm dịu trở lại. Hôm qua, một giới chức Vatican, Đức ông Pizzaballa, phụ trách Jerusalem, đã lên tiếng thừa nhận nỗ lực "quan trọng và tích cực" của tổng thống Mỹ trong chặng công du Trung Cận Đông, chứng tỏ ông Donald Trump đã hiểu được ý nghĩa của "đối thoại liên tôn giáo".

Theo Le Figaro, sẽ có nhiều bất ngờ trong cuộc gặp mặt lần đầu tiên trực tiếp giữa hai người, vốn có một loạt quan điểm đối kháng, về nhập cư, về người tị nạn, về sinh thái.

La Croix có bài "Một cuộc gặp đầy tế nhị giữa Donald Trump và giáo hoàng Francis". Theo tờ báo Công giáo, nếu như giáo hoàng có thể hoan nghênh phát biểu chừng mực về đạo Hồi của ông Donald Trump hôm Chủ Nhật, ngược lại với lời lẽ chống Hồi giáo thường thấy, thì chắc chắn lãnh đạo Công giáo không bỏ lỡ dịp để "cổ vũ cho hòa bình", và nhấn mạnh đến đòi hỏi phải "ngăn chặn các dòng vũ khí và dòng tiền, cơ sở của bạo lực".

Theo cách nhìn này, thì chủ đề hợp đồng vũ khí trị giá 110 tỉ đô la giữa tổng thống Mỹ và Saudi Arabia chắc chắn sẽ có mặt trên chiếc bàn phân cách hai lãnh đạo, vào buổi sáng hôm nay tại Vatican.

Những cố vấn Cận Đông của tổng thống Mỹ

Về hồ sơ chính sách Cận Đông của nước Mỹ, báo Le Figaro chú ý đến vai trò đặc biệt của các cố vấn đối với tổng thống Donald Trump. Bài "Những cố vấn thì thầm bên tai tổng thống" giới thiệu trước hết hai nhân vật có ảnh hưởng lớn. Hòa giải hay căng thẳng gia tăng giữa Israel và Palestine phụ thuộc vào hai nhân vật đặc biệt này. Nhân vật thứ nhất là một luật sư – ông Jason Greenblatt - xuất thân từ cộng đồng Do Thái chính thống, từng có thời gian sống tại một khu định cư Do Thái ở vùng West Bank của người Palestine. Viên cố vấn cổ vũ cho chính sách hòa bình hiện là đặc phái viên của tổng thống Mỹ về tiến trình hòa bình Cận Đông.

Người thứ hai cũng có ảnh hưởng lớn đến quan điểm của tổng thống, đó là đương kim đại sứ David Friedman, người có chủ trương chuyển tòa đại sứ Mỹ Tel Aviv về Jerusalem, một chính sách được dự đoán sẽ đổ thêm dầu vào lửa. Tuy nhiên, theo Le Figaro, cố vấn thứ ba có tiếng nói có thể nói là "quyết định" trong hồ sơ này hiện tại chưa lên tiếng. Đó là con rể của tổng thống Trump, ông Jared Kusnher, vốn được coi là người thân Israel.

Lâu đài Versailles : Cơ hội hòa dịu Pháp-Nga

Le Monde cũng chú ý đến một hội kiến quốc tế khác, giữa tân tổng thống Pháp Emmanuel Macron và đồng nhiệm Nga Vladimir Putin.

Cuộc gặp dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 29/05, tại lâu đài Versailles, nhân dịp khánh thành triển lãm về hoàng đế Nga Pierre đệ nhất, đánh dấu quan hệ ngoại giao 300 năm giữa hai nước, khi đại sứ quán Nga lần đầu tiên được mở tại Paris.

Theo Le Monde, chọn lâu đài Versailles và dịp triển lãm này làm nơi hội kiến với lãnh đạo Nga, tân tổng thống Pháp một mặt muốn nhấn mạnh đến tính chất "không quá chính thức" của cuộc gặp, mặt khác muốn đề cao một biểu tượng hòa giải, trong bối cảnh quan hệ song phương Nga – Pháp chứa đầy nghi ngại, với việc Paris chủ trương duy trì các biện pháp trừng phạt kinh tế của Liên Âu với Moskva, do can thiệp của Nga vào Ukraine.

Pháp : Luật lao động, thành công bước đầu của tổng thống Macron

Về tình hình nội bộ của Pháp, tờ báo kinh tế Les Echos đặc biệt chú ý đến cuộc gặp gỡ ngày hôm qua giữa tân tổng thống với các lãnh đạo nghiệp đoàn, để bàn về hồ sơ cải cách lao động đầy gai góc.

Dưới hàng tựa trang nhất : "Luật lao động : Macron hạ nhiệt", Les Echos cho biết tổng thống Emmanuel Macron đã có cuộc gặp với toàn bộ các lãnh đạo nghiệp đoàn.

Theo Les Echos, giới chủ và lãnh đạo các công đoàn của người lao động đều cảm thấy được bảo đảm hơn sau cuộc gặp hôm qua. Như vậy, mục tiêu ban đầu của tân tổng thống đã trở thành hiện thực.

Các bất đồng giữa chính phủ với các nghiệp đoàn là rất nhiều, đặc biệt trong vấn đề trần đền bù việc sa thải trái luật và cơ chế giải quyết tranh chấp lao động, tuy nhiên điều quan trọng là các bên đều hứa hẹn "sẽ sẵn sàng nỗ lực làm việc trong suốt mùa hè này, để có thể nhanh chóng đi đến một thỏa hiệp".

Tổng thống Pháp không đi vào chi tiết cụ thể trong các đàm phán. Đây là phần việc của thủ tướng. Hôm nay, tân thủ tướng Edouard Philippe có cuộc gặp lãnh đạo hiệp hội của giới chủ Medef và hai công đoàn FO và CGC.

Pháp : Thành công "chưa từng thấy" của sách cẩm nang hạnh phúc

Trong lĩnh vực văn hóa, báo Le Figaro chú ý đến thành công khá ngoạn mục trong thời gian gần đây, được đánh giá là "chưa từng thấy", của loại sách được gọi là hướng dẫn phát triển một đời sống nội tâm hạnh phúc (bien-être).

Một ví dụ mà Le Figaro đưa ra là cuốn "Le sel de la vie" (tạm dịch là : Vị mặn cuộc đời) của nhà nhân học Pháp François Héritier, người kế nhiệm nhà bác học Levis-Strauss. Trong cuốn sách này, tác giả đã trộn lẫn những hồi ức, cảm giác, cảm nhận của cá nhân để làm nên một thứ "cẩm nang" cho hành trình tìm kiếm một thứ hạnh phúc bình dị trong đời sống hàng ngày. Không có gì là to tát, không liên quan đến chính trị, chỉ duy nhất những điều nhỏ nhoi, có thể mang lại những hương vị tinh tế, mà tác giả gọi là "vị mặn cuộc đời".

Trong số các cuốn được Le Figaro giới thiệu có tiểu thuyết mang tên "Ta deuxième vie commence quand tu comprends que tu n’en as qu’une" (tạm dịch là : Cuộc đời thứ hai bắt đầu, khi bạn hiểu bạn chỉ có một) của Raphael Giordano. Sách hiện tại bán được hơn 600.000 bản.

Nhân dịp này, Le Figaro nhắc đến tiểu thuyết "L'Homme qui voulait être heureux" (Người muốn hạnh phúc) của nhà tư vấn tâm lý Laurent Gounelle, được coi là đã mở ra dòng sách này tại Pháp. Sách được dịch ra 25 thứ tiếng. 

Trọng Thành

Published in Quốc tế