Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Pháp "cần đoàn kết" trước khủng hoảng xã hội và khủng bố

Vụ khủng bố tại Strasbourg, cuộc khủng hoảng xã hội mà nước Pháp đang trải qua là hai chủ đề chính trên các nhật báo số ra ngày 13/12/2018. Nước Pháp, một lần nữa, trở thành mục tiêu tấn công của khủng bố Hồi giáo cực đoan, khi cuộc khủng hoảng xã hội Áo Vàng còn chưa chấm dứt.

khungbo1

Khu chợ Noël ở Strasbourg đóng cửa ngày 12/12/2018 sau vụ khủng bố tối 11/12. Reuters/Vincent Kessler

Nhiều tin đồn cho rằng đó là một âm mưu chính trị để dập tắt hẳn phong trào Áo Vàng, còn chưa hài lòng về những biện pháp nhượng bộ của chính phủ.

Với xã luận của nhật báo công giáo La Croix, đây là thời điểm toàn nước Pháp "phải đoàn kết", không phải là lúc cất lên những tiếng nói chỉ trích, cáo buộc chính sách an ninh của chính phủ, cảnh sát, tư pháp... mà theo họ là "không hiệu quả". Một sự kiện đau thương như vậy cần được phân tích kỹ lưỡng để rút ra bài học cần thiết, chứ không phải là công cụ để gây chia rẽ.

Từ bốn năm nay, người dân Pháp phải đối mặt với những cuộc tấn công ngay trên lãnh thổ, nhưng họ biết giữ bình tĩnh, dũng cảm đối mặt, không để những kẻ khủng bố hăm dọa. Họ đoàn kết để tiếp tục sống. "Cùng nhau", "đoàn kết" là những từ đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh khủng hoảng mà Pháp đang trải qua.

Xã luận của nhật báo thiên tả Libération cũng nhấn mạnh đến "đoàn kết dân tộc" trong bối cảnh hiện tại, vậy mà một bộ phận đối lập lại tranh thủ cơ hội để tấn công chính phủ, mà theo Libération, những lời chỉ trích này là "vô lý". Thực vậy, tình trạng khẩn cấp đã được ghi trong luật thông thường ; việc giam cứu những người bị liệt vào danh sách "S" - điều này hiện bị luật pháp, thậm chí là Hiến Pháp cấm - cần sự thay đổi thể chế quan trọng. Ngoài ra, phải nhấn mạnh rằng làm sao có thể giam giữ vô thời hạn khoảng 10.000 người, mà không có lý do tư pháp, mà chỉ xuất phát từ một hồ sơ mang tính "công cụ theo dõi", chứ không phải là một danh sách tội phạm. Đề xuất giam giữ những người trong danh sách "S" nhiều lần đã bị phản bác vì vi hiến.

Về phần người dân, thêm một lần nữa phẫn nộ, tiếp tục kháng cự ngay từ đầu vụ thảm sát. Nền Cộng Hòa chống cự và hành động. Thay lời kết luận, bài xã luận đặt câu hỏi : Vậy phải cổ vũ, củng cố cho việc này ? Hay gây chia rẽ ?

Strasbourg : Đêm kinh hoàng và câu hỏi về biện pháp an ninh

Trang nhất của Le Figaro là hình ảnh xe cứu thương và quân nhân Pháp trước một lối vào khu chợ Noel với hàng tựa : "Strasbourg : cú sốc và cuộc truy đuổi". Ít nhất 750 cảnh sát và hiến binh được huy động để truy tìm một thủ phạm, "Chérif Chekatt : một kẻ lưu manh đi theo Hồi giáo cực đoan, bị theo dõi trước khi ra tay hành động".

Nhật báo Libération "Thuật lại vụ tấn công : Đêm kinh hoàng tại Strasbourg" với năm trang phóng sự về "Lộ trình của kẻ tấn công ngay trung tâm thành phố", bắt đầu từ lúc 19h50 tối thứ Ba 11/12 và cuộc truy tìm "Chérif Chekatt, nghi phạm nằm trong danh sách "S" đầy tiền án tiền sự", ngay từ thời thiếu niên và nhiều lần bị án tù ở Pháp và ở Đức. "Sau vụ tấn công ở Strasbourg, chính phủ đối đầu với một mặt trận mới" là nhận định của nhật báo kinh tế Les Echos.

Libération cũng đặt câu hỏi về "An ninh ở trung tâm thành phố Strasbourg". Làm thế nào giải thích việc một người đàn ông dễ dàng mang vũ khí vào khu chợ Giáng Sinh trong khi biện pháp khám xét người và tư trang được áp dụng ở các lối vào.

Theo con số chính thức, để bảo vệ cho hội chợ Noel thu hút 2 triệu khách tham quan, hàng ngày có khoảng 260 nhân viên cảnh sát quốc gia, 50 cảnh sát của thành phố và vài chục quân nhân trong chiến dịch Sentinelle tuần tra. Dường như người dân Strasbourg cho rằng nguy cơ khủng bố đã giảm bớt, thêm vào đó là tâm lý đi đâu trong trung tâm thành phố cũng bị khám xét, nên lực lượng an ninh, được áp dụng từ năm 2015 để bảo vệ khu chợ, có vẻ đã được giảm nhẹ hơn so với những mùa Giáng Sinh trước. Một số nhiệm vụ thường do lực lượng cảnh sát đảm nhiệm đã được giao cho các công ty cung cấp dịch vụ an ninh tư nhân.

Trong bài viết "Khủng bố, chất vấn về sự cảnh giác", La Croix cũng đồng tình rằng "trong khi cường độ đe dọa có vẻ giảm đi, thì từ vài tháng nay, nhiều nhà quan sát cảnh báo về sự lơ là cảnh giác". Điều này được một nghị sĩ Châu Âu nêu lên trước Nghị Viện Châu Âu chỉ vài giờ trước khi xảy ra vụ nổ súng. Ông nói : "Xu hướng hiện nay là giảm nhẹ mối đe dọa vì một số tổ chức khủng bố chịu thất bại, nhưng đây có lẽ là một sai lầm nghiêm trọng".

Đúng là "cường độ nguy cơ khủng bố đã giảm bớt, căn cứ vào số âm mưu khủng bố bị phá vỡ : 17 vụ vào năm 2016, 20 vào năm 2017, 6 vào năm 2018", theo ông Sébastien Pietrasanta, một cố vấn về khủng bố. Tuy nhiên, vụ khủng bố ở Strasbourg nhắc lại rằng nguy cơ khủng bố vẫn tồn tại, dù đã thay đổi bản chất, từ giờ chủ yếu xuất phát từ bên trong nước Pháp, từ những tên tội phạm như Chérif Chekkat, dù khả năng một đội khủng bố từ nước ngoài thâm nhập vào Pháp vẫn còn đó.

An ninh : Tổng thống Macron lại hứng chỉ trích

Trang nhất của Le Monde dành nói về "Vụ tấn công ở Strasbourg : Nước Pháp lại bị chấn động". Phong trào Áo Vàng chưa chấm dứt, tổng thống "Macron lại bị cả cánh tả và cực tả chỉ trích" về chính sách an ninh của chính phủ, theo nhận định của Le Monde.

Vụ xả súng ở Strasbourg là vụ tấn công khủng bố thứ năm xảy ra trong nhiệm kỳ tổng thống của Macron và có thể là một trong những vụ đẫm máu nhất cùng với các vụ tấn công ở Carcassonne và Trèbes.

Thực vậy, cánh hữu, đại diện là chủ tịch đảng Những Người Cộng Hòa (Les Républicains), Laurent Wauquiez, và cực hữu, đại diện là bà Marine Le Pen, chủ tịch đảng Tập Hợp Quốc Gia (Rassemblement national) lại "làm dấy lên cuộc tranh luận về những người bị liệt vào danh sách "S" theo dõi đặc biệt". Cả hai yêu cầu nghiêm khắc hơn với những cá nhân trở nên cực đoan. Theo thống kê của Le Figaro, có 18 thành phần bị liệt vào danh sách theo dõi đặc biệt đã ra tay hành động từ năm 2012 đến năm 2018.

Biện pháp xoa dịu Áo Vàng : Từ thông báo đến thực hành

Theo dự kiến trước khi xảy ra vụ thảm sát ở Strasbourg, chính phủ dành cả sáng thứ Tư 12/12 cho việc bàn cách triển khai các biện pháp được tổng thống Pháp công bố để xoa dịu phong trào Áo Vàng. Theo xã luận của Le Monde, "trong bối cảnh này, khả năng của chính phủ trong việc theo đuổi các biện pháp cải cách, kể cả hồ sơ nhạy cảm là cải cách hưu trí, trở thành trọng tâm của các cuộc thảo luận".

Công việc khẩn cấp trước mắt của chính phủ là giải thích nội dung các biện pháp trên. Theo Le Monde, vì các biện pháp được đưa ra khá khẩn cấp, chưa được đánh giá trước và cách thực hiện chưa hẳn được xác định, nên chính phủ sẽ còn rất nhiều việc phải làm, đặc biệt về mặt tài chính.

Tiếp theo, các biện pháp được tổng thống thông báo sẽ được đưa vào chương trình nghị sự của Nghị Viện. Le Monde đề cập đến "Những điểm còn mù mờ và lịch trình ngân sách bị đảo lộn trước các biện pháp tăng sức mua". Theo đó, chính phủ sẽ còn phải nêu chính xác các biện pháp tài chính để thực hiện những lời hứa của tổng thống, tiếp theo là chạy đua với thời gian để những điểm sửa đổi được đưa vào dự luật tài chính cho năm 2019 và thông qua dự luật này vào trước Giáng Sinh để các biện pháp có thể được áp dụng từ ngày 01/01/2019.

"Điện Elysée muốn các doanh nghiệp tham gia đóng góp cho phong trào Áo Vàng" là hàng tựa trên Le FigaroLes Echos. Tổng thống Macron đã tiếp nhiều chủ doanh nghiệp lớn, đại diện của giới chủ và yêu cầu họ thưởng tiền cho nhân viên dịp lễ cuối năm. Bộ trưởng kinh tế Pháp Bruno Le Maire không loại trừ khả năng "đề nghị" doanh nghiệp "nỗ lực lớn" để cùng chi trả cho kế hoạch Áo Vàng.

Brexit : Thủ tướng Theresa May thoát hiểm

Brexit là chủ đề thời sự lớn thứ hai được các nhật báo Pháp quan tâm. "Theresa May cứu được vị trí thủ tướng" là thông tin trên trang nhất của nhật báo kinh tế Les Echos. Tương tự, Le Figaro cho biết : "Theresa may thoát khỏi cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm của phe phản đối Liên Hiệp Châu Âu trong nội bộ đảng Bảo Thủ".

Chỉ một phần ba (117 người) nghị sĩ bảo thủ bỏ phiếu bất tín nhiệm, hai phần ba còn lại tiếp tục ủng hộ thủ tướng Anh trong cuộc bỏ phiếu nội bộ tối 12/12. Như vậy, bà May còn có một năm tạm thời lặng gió để tiếp tục điều hành chính phủ và thực hiện Brexit.

Trước cuộc bỏ phiếu, "bà May rơi vào tình cảnh tuyệt vọng, các đối thủ của bà thì rình rập phản công", theo nhận định của Le Monde. Bà phải hoãn đưa hồ sơ Brexit ra thảo luận ở Quốc hội, đi một vòng qua Bỉ, Đức, Hà Lan để tìm thêm chút nhượng bộ từ phía Liên Hiệp Châu Âu trong hồ sơ Brexit. Lãnh Công Đảng đối lập Jeremy Corbyn cho là "thủ tướng bỏ trốn" và chuyến đi của bà chỉ "mất thời gian và tốn tiền".

Nhật báo công giáo La Croix đánh giá cao "sự bền bỉ, khảng khái trong cơn bão Brexit của bà Theresa May" trong bài viết phác lại sự nghiệp từ khi bà lên làm thủ tướng Anh.

Hưu chiến thương mại Mỹ-Trung chỉ là hình thức

Thời sự Châu Á không được đề cập nhiều trên các nhật báo Pháp, trừ cuộc hưu chiến thương mại Mỹ-Trung. Theo mục "Nhìn từ nơi khác" của Le Monde, "giữa Trump và Tập, cuộc hưu chiến chỉ là hình thức".

Bài viết đặt một số câu hỏi : Các cuộc đàm phán sẽ đi đến đâu ? Kịch bản thứ nhất, Trung Quốc có thể mua nhiều hơn đậu nành của Mỹ ; như thế, tổng thống Trump có thể nói đến một chiến thắng lớn và vẫy cờ trắng. Có lẽ sẽ không có gì thay đổi cả, nhưng ít nhất hai bên có thể chấm dứt tung đòn ngoại giao và thương mại. Điều này đã xảy ra với Thỏa thuận Tự do Mậu dịch Bắc Mỹ.

Một giả thuyết khác : Trung Quốc có thể sẽ thông báo thay đổi sâu rộng nền kinh tế nước này, hoặc chính quyền Mỹ sẽ khẳng định là Bắc Kinh đã nói vậy. Trên thực tế, sẽ không có gì thay đổi đáng kể và Donald Trump, cuối cùng nhận ra điều đó và cuộc chiến thương mại tái diễn.

Vậy kịch bản nào có thể xảy ra ? Theo tác giả bài viết, điều này tùy thuộc vào tiến triển của tình hình kinh tế Hoa Kỳ. Nếu tăng trưởng tiếp tục như khi diễn ra các cuộc tái đàm phán thỏa thuận NAFTA, tổng thống Mỹ có thể chấp nhận một số nhượng bộ. Nhưng nếu xuất hiện dấu hiệu suy thoái, ông Trump sẽ chỉ ra một thủ phạm. Và người ta biết trước là ai !

Thu Hằng 

Published in Quốc tế

Khủng hoảng Pháp : Đối thoại Áo Vàng "Hồi 1"

Thủ phạm giết người tại Strasbourg bị bắn hạ, cuộc khủng hoảng Áo Vàng chuyển qua bước ngoặt mới với quyết định mở đối thoại của chính quyền là các chủ đề thời sự lớn trong nước của báo chí Pháp hôm nay, 14/12/2018.

aovang1

Một số trụ sở thị trấn và xã mở cửa lắng nghe người Áo Vàng ngày 08/12/2018. Trong ảnh, một tòa thị chính địa phương. Ảnh chụp màn hình

Les Echos báo động cuộc chiến chống biến đổi khí hậu có nguy cơ bị lỡ dở với tựa lớn trang nhất : "COP 24 : Sự thoái thác trách nhiệm toàn cầu về khí hậu".

Trước hết về vụ "Sát thủ Strasbourg bị cảnh sát bắn hạ". Theo Le Figaro, cái chết của hung thủ Chérif Chekatt đã được đón nhận với nhiều tràng vỗ tay dài của cư dân thành phố, phải sống trong nỗi lo sợ từ hai ngày nay. Le Figaro vui mừng : "Thế là hết cơn ác mộng, Strasbourg rốt cuộc đã trở lại bình yên. Nước Pháp thở phào sau một trận đánh mới thành công chống lại nạn Hồi giáo cực đoan", vẫn liên tục âm thầm đe dọa đất nước. Thị trưởng Strasbourg lập tức cho biết chợ Noel nổi tiếng của thành phố sẽ được mở cửa lại ngay từ sáng nay, 14/12.

Le Figaro trở lại với cuộc truy lùng người bị coi là "kẻ thù số một" của nước Pháp, kéo dài gần 48 giờ. Theo một số thông tin đầu tiên của cơ quan điều tra, thì một phụ nữ đã nhận dạng được kẻ giết người tại khu phố Neudorf. Hung thủ sau đó đã bị một tổ cảnh sát đường phố (Brigades spécialisées de terrain-BST) phát hiện khi đang đi bộ trên hè. Bị phát hiện, Chérif Chekatt đã nổ súng, và bị trúng đạn trả đũa của cảnh sát. Trên người hung thủ còn khẩu súng lục đã cũ, có thể chính là thứ vũ khí được sử dụng để reo rắc chết chóc hôm trước.

Ngay tối hôm qua, bình luận với Le Figaro, một sĩ quan cảnh sát cao cấp cho biết trên thực tế, lực lượng an ninh gần như nắm chắc đến 90% là hung thủ không thể trốn khỏi khu vực đã bị vây chặt, sau khi gây án. Với hồ sơ 27 lần phạm pháp, cơ quan an ninh nắm rõ nhân thân và tính cách của hung thủ, một phần tử trộm cướp vặt. Nhiều nguồn tin cũng cho biết thủ phạm sẽ khó có thể lẩn trốn được lâu dài, nhất là khi đã bị trúng thương và không có cơ sở hậu thuẫn.

"Dân chủ", "tranh luận" : Phương thức tốt nhất chống khủng bố

Khủng bố Hồi giáo là điều mà nhiều lần nước Pháp phải đối mặt trong những năm gần đây, nhưng điều khác thường là vụ tấn công nói trên xảy ra cùng lúc với cuộc khủng hoảng xã hội "Áo Vàng" chưa từng có, đang trong giai đoạn cao trào. Le Monde có bài phân tích : "Giới chính trị bị kẹt giữa hai mặt trận, phản kháng xã hội và chống khủng bố".

Trong lúc hung thủ vụ thảm sát Strasbourg chưa bị bắn hạ, lời kêu gọi người Áo Vàng không nên biểu tình vào thứ Bảy tới của chính phủ nhận được các phản ứng trái ngược nhau. Le Monde ví tình thế của giới chính trị Pháp trong bối cảnh hiện nay như thế "đi trên dây". Nếu tập trung quá vào vụ tấn công Strasbourg thì có thể bị lên án là có mưu đồ "làm lu mờ phong trào xã hội" đang diễn ra. Tuy nhiên, trong lúc, kẻ giết người còn đang lẩn trốn, liệu có quyền để biểu tình diễn ra, với nhiều hậu quả dự báo ? Bên cạnh đó có cả vấn đề : Liệu việc nối lại ngay lập tức các tranh luận chính trị về cuộc khủng hoảng xã hội hiện nay có xúc phạm đến nỗi đau của người dân Strasbourg ? Theo Le Monde rút cuộc, các lực lượng chính trị Pháp đã tìm được thỏa hiệp chưa từng có, để đối phó với tình huống chưa từng có này.

Le Monde ghi nhận một hiện tượng hiếm có : Đó là thủ tướng Pháp Edouard Philippe và lãnh đạo đảng đối lập cực tả Nước Pháp Bất Khuất, Jean-Luc Mélenchon, dường như đã "đứng về cùng một bên" trong thời điểm đầy thách thức này đối với nước Pháp.

Thủ tướng Philippe, trong cuộc đối thoại trực diện với chính trị gia đối lập, đã khẳng định : "Phương thức tốt nhất để cùng nhau chống lại chủ nghĩa khủng bố, thường là nên tiếp tục thực thi những điều mà chúng ta vốn tin tưởng : nền dân chủ, tranh luận, và cả tình huynh đệ nữa" (phát biểu của thủ tướng ngay lập tức đã được lãnh đạo đối lập Nước Pháp Bất Khuất vỗ tay hưởng ứng, cả nhóm nghị sĩ đối lập đứng dậy vỗ tay, khiến cả Quốc hội cùng đứng lên hoan nghênh).

Cụ thể là, chính phủ sẵn sàng tranh luận về kiến nghị bất tín nhiệm (do khủng hoảng Áo Vàng) mà ba đảng đối lập cánh tả đưa ra, theo đúng lịch trình dự kiến, chứ không thoái thác, vì lý do "đoàn kết quốc gia" có thể bị xâm phạm, trong bối cảnh báo động khủng bố cấp cao. Lãnh đạo đối lập nói trên cũng là người vừa tuyên bố ủng hộ chính phủ trong cuộc chiến chống khủng bố, nhưng cũng ủng hộ cuộc biểu tình của những người Áo Vàng.

Về phần mình, ngày hôm qua, người phát ngôn chính phủ Benjamin Grivaux cho biết hiện tại chính phủ "không quyết định cấm biểu tình vào ngày thứ Bảy", tuy nhiên theo ông, điều mà chính quyền mong muốn là không nên có biểu tình vào ngày này. Người phát ngôn chính phủ kêu gọi mỗi người Pháp hãy suy nghĩ về trách nhiệm của mình, trước việc có nên biểu tình hay không trong bối cảnh hiện nay, khi vụ thảm sát Strasbourg vừa diễn ra, trước dịp nghỉ lễ cuối năm, và trong lúc lực lượng an ninh đang phải rất vất vả đối phó trên nhiều mặt trận.

Nhà bình luận của Le Monde nhận xét là phản ứng của giới chính trị Pháp dường như rất tương hợp với nguyên tắc "cùng một lúc", một diễn đạt cửa miệng của tổng thống Macron vốn được nhiều người khen, nhưng không ít kẻ chê. Diễn đạt  này hàm ý là cần đáp ứng cùng lúc nhiều đòi hỏi, thậm chí trái ngược nhau, không nên nhất bên trọng, nhất bên khinh.

"Sổ góp ý" : Kinh nghiệm tiền Cách mạng 1789

Chính trong bối cảnh căng thẳng xã hội hiện nay, La Croix chào mừng cuộc "Đối thoại : hồi I" giữa phong trào Áo Vàng và chính quyền, với ghi nhận là chính phủ đã đo lường được các nguy cơ bạo lực mới do phẫn nộ xã hội, nên quyết định mở một cuộc đối thoại rộng lớn ngay từ ngày mai. Cùng lúc đó, các tòa thị chính địa phương bắt đầu mở các "cahiers de doléances" (tạm dịch là "sổ góp ý"), để thu nhận ý kiến của người dân.

Bài xã luận La Croix, mang tựa đề "Viết ra để được nghe", khen ngợi biện pháp mới đang bắt đầu được thực thi này. "Sổ góp ý" vốn là một hình thức chuyển đạt những nguyện vọng, thỉnh cầu từ người dân lên nhà vua, thông qua các đại diện chính quyền cấp dưới (trước Cách mạng Pháp 1789). Cho dù rõ ràng mang hơi hướng "gia trưởng", kinh nghiệm xưa đang được sử dụng trở lại này có thể coi là một giải pháp hữu hiệu trong tình hình hiện nay, khi cho phép đông đảo cư dân bày tỏ các phẫn nộ của mình lên trang giấy. Điều này chắc chắn tốt hơn nhiều so với một ngày thứ Bảy bạo lực nữa.

Tuy nhiên, theo La Croix, bên cạnh biện pháp này, chính phủ Pháp cần phải tiến hành "các đối thoại có chất lượng" trong cuộc thương lượng rộng lớn tại địa phương, theo chủ trương của chính tổng thống Pháp. Tài chính và môi trường là hai trong số các vấn đề chính cần được bàn bạc đến nơi đến chốn trong các cuộc thảo luận. La Croix khép lại bài xã luận, với cảnh báo : "chế độ quân chủ xưa kia đã tiêu vong, chính vì không lắng nghe các sổ thỉnh nguyện của người dân. Giờ đây thời thế đã thay đổi. Các cuốn sổ quý giá này không đòi hỏi điều gì khác hơn là các gánh nặng cần được toàn thể dân tộc chia sẻ. Tóm lại, chấm dứt mọi đặc quyền, đặc lợi".

Thương lượng toàn quốc thế nào mới thành công ?

Vẫn La Croix có bài phân tích "Trong những điều kiện nào, cuộc thương lượng toàn quốc có thể thành công ?", với rất nhiều đề xuất về các "phương pháp" tiến hành. Nhiều ý kiến cho rằng 3 tháng, như đề nghị của chính phủ, là quá ngắn để thực hiện được mục tiêu "xây dựng một khế ước xã hội mới", trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay.

Hiệp hội Démocratie ouverte (Nền dân chủ mở) gửi đến phủ tổng thống và phủ thủ tướng một kế hoạch ba giai đoạn, tổng cộng 6 tháng, để "thoát khỏi cuộc khủng hoảng bằng con đường dân chủ", lấy cảm hứng từ kinh nghiệm của Island và Estonia. Còn theo một thị trưởng ở tỉnh miền tây Côtes d’Armor, thì thảo luận nên được tiến hành theo nhịp độ hàng tuần và tại các khu vực có số lượng dân cư không vượt quá 60.000 người, để bảo đảm các đại diện dân cử có mối liên hệ trực tiếp và chặt chẽ với các công dân.

Biểu tình hồi V chỉ có lợi cho những kẻ phá phách

Về viễn cảnh người Áo Vàng xuống đường ngày mai thứ Bảy (15/12) hay không, Libération có bài "Áo Vàng : Do dự trên thực địa", cho thấy sự phân rẽ trong hàng ngũ của phong trào. Xã luận của Libération dự đoán, nếu xu thế biểu tình, với các bạo động đi kèm tiếp diễn, phong trào Áo Vàng sẽ mất đi uy tín trong xã hội, vốn coi đây là một phong trào bất bạo động, phi chính trị, với các yêu sách được đông đảo người dân ủng hộ. Theo Libération, biểu tình ngày thứ Bảy tới (còn được gọi là Hồi V) sẽ chỉ có lợi cho những kẻ cực đoan, phá phách, những người Áo Vàng nên biết dừng đúng lúc, trước khi mọi sự trở nên tồi tệ.

Báo chí Pháp tiếp tục có nhiều bài vở phân tích về các nguyên do sâu xa dẫn đến cuộc phản kháng Áo Vàng. La Croix ghi nhận có 5 cuộc khủng hoảng khác nhau trong cuộc khủng hoảng Áo Vàng, với loạt bài nhận định của 5 chuyên gia. Hôm nay, La Croix đăng tải bài cuối cùng trong loạt bài này, nói về cuộc khủng hoảng thứ năm do hậu quả của tiến trình phi công nghiệp hóa từ từ đang diễn ra tại phương Tây.

Bốn cuộc khủng hoảng trước là khủng hoảng về phương thức tái phân phối phúc lợi, khủng hoảng về truyền thông - thông tin, khủng hoảng về quan hệ xã hội (một bộ phận xã hội bị bỏ rơi, không được công nhận, và phong trào được coi là một cách thức để gây dựng các quan hệ xã hội) và khủng hoảng về đại diện chính trị.

Macron : Người Áo Vàng "đầu tiên"

Le Figaro có bài phân tích đáng chú ý của nhà triết học Gaspard Koenig mô tả nước Pháp hiện nay đang trong một biến đổi mang tính cách mạng. Bài viết mang tựa đề "Tocqueville đã mô tả những gì mà chúng ta đang sống".

Alexis de Tocqueville nổi tiếng với công trình nghiên cứu kinh điển "Chế độ cũ và Cách mạng" (1856). Theo nhà triết học Gaspard Koenig, "có một nghịch lý" là các cuộc cách mạng thường bùng nổ tại các xã hội đang tìm đường cải cách, và một phần lớn những yêu sách tại các bùng binh mà người Áo Vàng đang trấn giữ hiện nay là trùng khớp với các "chẩn đoán" về xã hội của phong trào "Tiến bước !" (En Marche !) của ứng cử viên tổng thống Macron cách nay hai năm. Điểm chung của phong trào Tiến bước ! tranh cử tổng thống (2016-2017) và phong trào Áo Vàng trên các bùng binh cuối năm 2018 này là "cả hai đều thoát khỏi các cấu trúc chính trị hay nghiệp đoàn truyền thống, cả hai đều tấn công, với lòng chân thành và cương quyết, chống lại các cấu trúc xơ cứng của xã hội Pháp".

Vào thời điểm đó, các thành viên phong trào của tổng thống Pháp tương lai đã gõ cửa hàng trăm ngàn nhà người dân Pháp để tiếp xúc, để tìm hiểu, và chắc chắc là họ đã hiểu được "những bế tắc" của đông đảo dân chúng trên thực địa. Xét theo nghĩa này, thì tổng thống Pháp Emmanuel Macron chính là người Áo Vàng "đầu tiên".

Tác giả bài viết nhấn mạnh là có ba bài học lớn có thể rút ra từ cuốn sách kinh điển của nhà chính trị học Pháp thế kỷ 19, trong đó có bài học về "tập trung quyền lực thái quá", và đây là "một bi kịch quốc gia". Nguyện vọng của những người Áo Vàng hiện nay là được chia sẻ quyền lực. Theo tác giả, "cần phải trao cho họ, và cùng với quyền lực là trách nhiệm đi kèm".

Thượng đỉnh Khí hậu COP 24 : Hành động hay tự sát ?

Khủng hoảng xã hội và nguy cơ khủng bố tại Pháp không che khuất được vấn đề khí hậu, thách thức số một của hành tinh. Nhiều báo Pháp hôm nay có tin bài về chủ đề này. Khí hậu là chủ đề trang nhất của Les Echos. Theo tờ báo kinh tế, sau gần hai tuần khai mạc, và chỉ còn ít giờ nữa kết thúc, hội nghị quan trọng hai năm một lần này vẫn chưa ra được một văn bản chắc chắn về các quy tắc hướng dẫn việc thực thi Thỏa thuận Paris 2015. Nỗ lực nhất tại hội nghị này là nhóm 11 nước Châu Âu, trong đó có Pháp, Đức, Tây Ban Nha, và 47 quốc gia thuộc nhóm các nước có nguy cơ bị tổn hại nhiều nhất do biến đổi khí hậu. Bị chỉ trích mạnh là nước Ba Lan chủ nhà, không thực hiện được vai trò dẫn dắt hội nghị. Nước Mỹ của tổng thống Trump thì bất hợp tác, còn Trung Quốc cũng tỏ ra không mấy nhiệt tình.

Bài "Hội nghị về khí hậu còn có cơ hội thành công hay không ?" của La Croix cho biết hội nghị khí hậu tại Ba Lan có thể kéo dài thêm hai ngày, cho đến Chủ Nhật. Áp lực gia tăng trong những ngày gần đây để buộc các nước đang chần chừ phải gia tăng cam kết giảm khí thải.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc một lần nữa rung chuông cảnh báo : "Bỏ lỡ cơ hội này sẽ làm hỏng mất cơ hội cuối cùng để ngăn chăn biến đổi khí hậu vượt tầm kiểm soát. Để như vậy sẽ không chỉ là phi đạo lý, mà còn là tự sát".

Trọng Thành

Hung thủ sau đó đã bị một tổ cảnh sát đường phố (Brigades spécialisées de terrain-BST) phát hiện khi đang đi bộ trên hè. Bị phát hiện, Chérif Chekatt đã nổ súng, và bị trúng đạn trả đũa của cảnh sát. Trên người hung thủ còn khẩu súng lục đã cũ, có thể chính là thứ vũ khí được sử dụng để reo rắc chết chóc hôm trước.

Published in Quốc tế