Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

jeudi, 27 avril 2023 23:21

Điểm báo Pháp – Kiev và Moskva

Kiev chống tham nhũng, Moskva truy quét đối lập

Báo chí Pháp hôm 27/04/2023, ngoài các thông tin chiến sự tại Ukraine còn chú ý tới việc chính quyền Kiev còn phải nỗ lực chống tham nhũng - một tệ nạn từ thời xô-viết - trong niềm hy vọng hội nhập Châu Âu. Tại Nga, các nhà đối lập cuối cùng chờ ngày ra tòa vì phản đối chiến tranh với Ukraine.

kiev1

Các nhà hoạt động chống tham nhũng kéo ngã hàng rào bao quanh một công trình nằm trong công viên quốc gia Vodytsia ở ngoại ô Kiev, được cho là chính quyền cũ nhận hối lộ để làm ngơ trước việc xây dựng bất hợp pháp. Ảnh chụp ngày 22/06/2021. AP - Efrem Lukatsky

Thủ tướng Pháp trình bày chương trình hành động cho 100 ngày sắp tới, nhưng Le Figaro và Libération đều cho là không thuyết phục. Tờ báo cánh tả chơi chữ bằng dòng tít "Feuilles de doutes" (doute : nghi ngại) thay vì "Feuilles de route" (lộ trình). La Croix đề cập đến "Giấc mơ tan vỡ" về một chế độ dân chủ ở Sudan. Le Monde nhận thấy "Ở tuổi 80, Biden lao vào chiến dịch chống lại Trump", còn Les Echos nói về "Thâm hụt, nợ công : Những quy định mới của Châu Âu".

Tái tranh cử tổng thống Mỹ ở tuổi 80 : Nhiều rủi ro

Trong bài xã luận "Thách thức đầy rủi ro của Joe Biden", Le Monde nhận định tại Hoa Kỳ, hiếm khi một tổng thống mãn nhiệm từ chối tái tranh cử. Sự thiếu vắng những khuôn mặt có thể thay thế, và sự xuất hiện của bà Kamala Harris trong video loan báo ứng cử, cho thấy liên danh Dân chủ năm 2024 cũng là hai nhân vật của bốn năm trước.

Tờ báo cho rằng các điều kiện hiện nay khá thuận lợi cho Joe Biden, nếu ông không sinh năm 1942, thuộc "thế hệ im lặng", trước "thế hệ boomer" (bùng nổ trẻ sơ sinh). Ở tuổi bát tuần từ tháng 11/2022, tổng thống Mỹ tấn công vào một biên giới mà trước đó chưa ai dám thử sức, cử tri Dân chủ cũng không mấy hào hứng. 

Khi bắt đầu vận động tranh cử năm 2020, Biden đã là ứng cử viên lớn tuổi nhất trong lịch sử nước Mỹ. Ông tự giới thiệu như một chiếc cầu cho một thế hệ chính khách mới, và chỉ là một tổng thống chuyển tiếp. Đảng Dân chủ không thiếu những nhân vật cho các ghế thống đốc, thường được coi là đòn bẩy để vươn lên những chức vụ liên bang. Nhưng Joe Biden không hề giúp họ có thể khẳng định.

Thời gian không chờ đợi, một trong những ví dụ là do không rút lui đúng lúc, thẩm phán cấp tiến Ruth Bader Ginsburg của Tối cao Pháp viện sau khi qua đời đã được thay thế bằng một khuôn mặt vô cùng bảo thủ. Như vậy việc Joe Biden ứng cử ẩn chứa những rủi ro cho Hoa Kỳ cũng như thế giới.

Ukraine : "Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh"

Về chiến tranh Ukraine, Le Figaro thuật lại câu chuyện của Alexandre Dikii, một chiến sĩ đã hy sinh vì tổ quốc. Anh tử trận ở Bakhmut ngày 16/04, đúng vào lễ Phục sinh của Chính Thống giáo. Và theo niềm tin dân gian Ukraine, thì cửa Thiên Đàng sẽ mở ngay cho người quá cố. Đã có hai người lính trẻ được chôn cất trong nghĩa trang của ngôi làng Liubartsi ở phía tây Kiev, chỉ có 2.800 dân. Người mẹ, bỗng dưng không còn nhận được tin nhắn hàng ngày của con, đã nằm liệt suốt ba ngày không dậy nổi.

Cũng như nhiều người khác, Alexandre gia nhập đơn vị tình nguyện đầu tiên ngay trong ngày đầu cuộc xâm lăng, và đến tháng Năm thì chính thức nhập ngũ trong quân đội. Người thân cho hay, 15 ngày ngắn ngủi khi chuyển sang chiến trường Bakhmut là một bước ngoặt, anh thay đổi hẳn với cái chết luôn hiển hiện. Trước đó Alexandre từng một mình trong rừng diệt một xe tăng Nga với quả đạn duy nhất còn lại trong tay. Ở Ukraine bây giờ, ngày nào cũng có những người con ngã xuống để đất nước được tồn tại.

Chiến tranh vệ quốc song hành với chống tham nhũng

Cũng theo Le Figaro, "Kiev còn chiến đấu trên mặt trận chống tham nhũng". Ngay trong thời chiến, Ukraine đẩy nhanh cải cách và cố gắng giảm bớt ảnh hưởng của Nga. Thoạt nhìn có vẻ nghịch lý, nhưng Kiev tiếp tục công cuộc cải tổ có từ trước chiến tranh, bộ Chuyển đổi kỹ thuật số được thành lập năm 2019 là một trong những đơn vị mà công việc không bị gián đoạn vì cuộc xâm lăng. Tổng thống Volodymyr Zelensky đã chọn Mykhailo Fedorov mới 28 tuổi làm bộ trưởng.

Một ứng dụng ra mắt tháng 2/2020 cho phép người dân chỉ trong vài phút có thể thành lập doanh nghiệp hoặc đãng ký kết hôn. Sau khi quân Nga tràn sang, ứng dụng này giúp cảnh báo những nơi vừa bị phá hủy hay chỉ điểm cho quân đội các thiết bị quân sự, địch quân, tội phạm chiến tranh, bọn nằm vùng. Đối với hàng triệu người phải vội vã di tản, hộ chiếu số hóa đã cứu họ. Ông Fedorov giải thích, ban đầu chuẩn bị trở thành một "con cọp kỹ thuật số", nhưng rốt cuộc lại xây dựng được một cỗ máy chiến tranh thời đại tin học.

Cuộc xâm lăng của Nga còn giúp đẩy nhanh nhiều việc khác. Vitaly Chabin, người sáng lập tổ chức phi chính phủ Trung tâm Hành động Chống tham nhũng nói : "Chính chiến tranh đã tiêu diệt các tài phiệt chứ không phải chính phủ". Chẳng hạn tỉ phú Rinat Akhmetov chỉ trong một năm đã bị mất nhà máy luyện kim Azovstal sau khi Nga chiếm được Mariupol, các cơ sở khác bị bom, hỏa tiễn phá hoại, tài sản 13 tỉ euro bị bốc hơi hết 2/3. Với đạo luật ban hành ngày 24/02/2022, một loạt nhà máy mang tính chiến lược đã bị quốc hữu hóa, 70 % các kênh truyền hình do 6 nhà tài phiệt nắm nay được chính phủ kiểm soát. Tỉ phú Igor Kolomoisky, người tài trợ cho Zelensky lúc mới tham gia chính trường cũng bị điều tra và mới đây bị tước quốc tịch.

Cuộc kháng chiến vệ quốc không thể tách rời khỏi cuộc chiến chống tham nhũng, đặc biệt là Ukraine tin rằng chỉ có thể thoát khỏi móng vuốt của Kremlin nếu được gia nhập Liên Hiệp Châu Âu (EU) và NATO. Từ tháng Giêng, thống đốc bốn vùng nằm sát tiền tuyến đã được thay thế bằng các quân nhân hay sĩ quan tình báo. Đến tháng Hai, một xì-căng-đan tham nhũng làm bộ trưởng quốc phòng Reznikov suýt mất chức. Ở Kiev, người ta xầm xì rằng Reznikov còn giữ được ghế là nhờ thân thiết với các đồng nhiệm phương Tây. Một nhà hoạt động cho rằng trợ giúp tái thiết của phương Tây sẽ ồ ạt trong thời hậu chiến, nhưng mỗi xì-căng-đan tham nhũng sẽ làm giảm đi viện trợ.

Nông dân Ukraine và những cánh đồng đầy bom mìn

Không chỉ chiến trường mới nguy hiểm, mà những cánh đồng cũng đầy dẫy mìn gài lại và đạn chưa nổ. La Croix cho biết những người nông dân Ukraine cố gắng tự gỡ mìn để có thể trồng trọt.

Đặc phái viên tờ báo đi thăm một vùng quê ở Kherson, nơi một số nông dân đang dùng máy dò kim loại rà trên cánh đồng, đằng xa là một chiếc rờ-moọc đã đầy được phân nửa số "thu hoạch" gồm mảnh vỡ hỏa tiễn, dây cáp, vỏ bom bi… Khi phát hiện một vật bị vùi dưới đất, họ cắm một lá cờ nhỏ để các máy cày cố tránh đi. Theo bộ nông nghiệp Ukraine, hiện có ít nhất 470.000 hecta đất trồng bị mìn bẫy, những ước lượng khác cho rằng lên đến 2 triệu hecta.

Một dân làng kể lại, hai tháng sau khi Zovrika được giải phóng, đại diện quân đội họp dân và giải thích ưu tiên được dành cho việc gỡ mìn các tuyến đường và làng mạc, còn muốn giải tỏa cả vùng phải mất 15 năm ! Trong điều kiện đó, nông dân đành phải tự cứu mình dù biết rằng vô cùng nguy hiểm, để có thể canh tác trở lại lúa mì, cải dầu, hướng dương, lúa mạch… Mối nguy còn tăng lên theo với thời gian, vì cỏ dại mọc lên che khuất những quả mìn và đạn cối chưa nổ.

Bị đàn áp, nhiều luật sư Nga phải lưu vong

Tại Nga "Các luật sư trong tầm ngắm của Kremlin", theo Le Monde. Có một biếm họa thường xuyên xuất hiện trên mạng xã hội. Sau song sắt, một tù nhân kêu lên : "Tôi muốn gặp luật sư của tôi !". Lời đáp có ngay lập tức ở xà lim bên cạnh : "Tôi ở đây nè !". Bức hình này xuất phát từ đâu, Trung Quốc, Iran hay Ai Cập ? Chỉ biết rằng cư dân mạng Nga đã chia sẻ từ lâu. Áp lực của Moskva lên các luật sư ngày càng nặng nề hơn trong số các nước độc tài. Mới nhất là vụ đào thoát của Vadim Prokhorov, luật sư từng biện hộ cho các nhà đối lập nổi tiếng Boris Nemtsov hay Ilia Iachine.

Ông Prokhorov cũng bào chữa cho nhà đấu tranh Vladimir Kara-Mourza, hôm 17/04 bị tuyên án 25 năm tù vì cáo buộc "phản quốc", nhưng mọi người hết sức ngạc nhiên khi luật sư vắng mặt trong phiên tòa. Hôm sau, luật sư Prokhorov cho biết đã chạy trốn khỏi nước Nga. Ông nói rằng rất đau lòng khi không thể biện hộ cho người bạn, nhưng ông bị đe dọa dữ dội kể cả trực tiếp. Mở màn cho "phong trào" trốn ra nước ngoài là luật sư Ivan Pavlov hồi tháng 9/2021, và cuộc xâm lăng Ukraine lại càng đẩy nhanh hơn, đến nay khoảng vài chục luật sư chọn cuộc sống lưu vong.

Chính khách đối lập cuối cùng còn ở bên ngoài song sắt

Về phía các chính khách đối lập, nếu còn lại một người chưa bị bỏ tù, thì người đó chính là Yevgeny Roizman, cựu thị trưởng Ekaterinburg, thành phố lớn thứ tư của nước Nga. La Croix nói về "Nhà đối lập kiên cường trước chế độ Nga trên ghế bị cáo". Dù bị gây sức ép nặng nề, ông nói "Tôi không xê dịch khỏi nơi đây dù chỉ một milimet".

Tháng 7/2022 Roizman bị khởi tố vì "nói xấu quân đội Nga", chín tháng sau lại phải ra tòa với nguy cơ lãnh án 5 năm tù. Lâu nay ông chưa bị Kremlin ra tay nhờ được người dân Ekaterinburg vô cùng yêu mến. Năm 2013, việc ứng cử viên độc lập đầu tiên đắc cử tại thành phố lớn này khiến Moskva hết sức không vui, và năm năm sau hủy bỏ việc bầu cử phổ thông trực tiếp.

Trong thời gian đó, Yevgeny Roizman đã chiếm được trái tim của cư dân. Khác với giới quan lại, ông thường xuyên tiếp dân, giải quyết những vướng mắc họ gặp phải. Bị ép từ chức năm 2018, Roizman tiếp tục gặp gỡ người dân qua những hoạt động từ thiện của hiệp hội mà ông làm chủ tịch. Ông liên tục phản đối cuộc xâm lăng Ukraine với những bài viết trên mạng xã hội, bài cuối cùng vào tháng 8/2022, khi Yevgeny Roizman bị tư pháp cấm sử dụng internet.

Châu Âu "làm Thổ Nhĩ Kỳ nghẹt thở bằng những nụ hôn"

Nhìn sang Thổ Nhĩ Kỳ, Le Monde nhận thấy "Châu Âu mơ về một thời kỳ hậu Erdogan". Libération dành hồ sơ cho "Erdogan, tổng thống mãn nhiệm, phải chăng sắp sửa ra đi ?". Trên đỉnh cao quyền lực, tổng thống Recep Tayyip Erdogan không ngần ngại đả kích, thậm chí thóa mạ các đồng nhiệm Châu Âu. Ông ta từng gọi bà Angela Merkel là "Đức quốc xã", hay đặt vấn đề về "sức khỏe tâm thần" của ông Emmanuel Macron. Nhưng không khí đã thay đổi với chiến dịch tranh cử tổng thống : đang gặp khó khăn trong các cuộc thăm dò, tổng thống mãn nhiệm tránh chỉ trích các đồng nhiệm Châu Âu đã từng ra sức giúp đỡ sau trận động đất khủng khiếp hồi tháng Hai.

Thiên tai làm trên 50.000 người chết và mấy chục ngàn người mất tích, hàng triệu người sơ tán tại miền nam Thổ Nhĩ Kỳ và biên giới Syria cũng làm thay đổi ván cờ, và là cơ hội để Châu Âu chứng tỏ trọng lượng. Một nhà ngoại giao nói, ý tưởng là "làm Thổ Nhĩ Kỳ nghẹt thở bằng những nụ hôn". Châu Âu viện trợ càng nhiều càng tốt để tránh Erdogan giành lợi thế chính trị tại những vùng bị tàn phá. Cùng với "ngoại giao động đất", các nhà lãnh đạo Châu Âu theo dõi sát sao cuộc tranh cử.

Sau nhiều năm căng thẳng với Erdogan, lần đầu tiên Bruxelles bắt đầu tin vào chiến thắng của Kemal Kiliçdaroglu, thủ lãnh đối lập đứng đầu một mạng lưới liên minh rộng rãi. Còn hai tuần nữa mới đến bầu cử, thái độ của Châu Âu chủ yếu là "wait and see" (chờ đợi và quan sát). Hiện nay Ankara đang chận không cho Thụy Điển gia nhập NATO, và từ chối trừng phạt Nga, nếu đối lập chiến thắng sẽ có những thay đổi quan trọng.

Thụy My

Published in Quốc tế