Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Thủ tướng Liz Truss từ chức, chính trường Anh Quốc thêm hỗn loạn

Sự kiện nữ thủ tướng Anh Liz Truss bị buộc phải tuyên bố từ chức vào trưa hôm qua, đẩy chính trường Vương Quốc Anh sâu thêm vào tình trạng hỗn loạn dĩ nhiên là đề tài được tất cả các tờ báo lớn xuất bản tại Pháp vào hôm 21/10/2022, phân tích và bình luận rộng rãi. 

liz0

Thủ tướng Anh Liz Truss sau khi tuyên bố từ chức, tại số 10 phố Downing, Luân Đôn, ngày 20/10/2022. AFP – Daniel Leal

Trên trang nhất của mình, nhật báo kinh tế Les Echos đã tóm lược tình hình trong hàng tựa lớn : "Hỗn loạn chính trị tại Luân Đôn", kèm theo nhận định "Bị chính sách kinh tế đầy phiêu lưu của mình làm suy yếu, nữ thủ tướng Liz Truss đã bỏ cuộc". Theo tờ báo Pháp, sau những thăng trầm bắt nguồn từ vụ Brexit, tức là quyết định rời bỏ Liên Hiệp Châu Âu, đất nước Anh lại bước vào một "giai đoạn bấp bênh"

Nhiệm kỳ thủ tướng ngắn nhất và vô tích sự nhất 

Nhật báo cánh hữu Le Figaro cũng chạy trên trang nhất hàng tít lớn : "Vương quốc Anh : Cuộc khủng hoảng bất tận", ghi nhận rằng bà Liz Truss đã từ chức thủ tướng vỏn vẹn sau không đầy 6 tuần tại chức, sau "một loạt sai lầm đã đẩy đất nước vào tình trạng hỗn loạn". 

Arnaud De La Grange, thông tín viên Le Figaro tại Luân Đôn, đã nêu bật thực tế oái oăm là bà Liz Truss, người từng mơ ước trở thành "Bà Đầm Thép" (Iron Lady) – biệt danh của bà Margaret Thatcher, người nắm kỷ lục về nhiệm kỳ thủ tướng dài nhất tại Anh Quốc từ 1979 đến 1990 – rốt cuộc đã phải từ chức sau vỏn vẹn 44 ngày tại vị và "sẽ đi vào sách giáo khoa trong tư cách là thủ tướng có nhiệm kỳ ngắn nhất trong lịch sử hiện đại của nước Anh", phá vỡ kỷ lục trước đó của ông George Canning, vốn chỉ làm thủ tướng trong 119 ngày trước khi qua đời vào năm 1827.

Theo phóng viên Le Figaro, điều mỉa mai là trước Hạ Viện Anh hôm thứ Tư 19/10 bà Liz Truss còn hùng hồn đảm bảo rằng sẽ không từ nhiệm khi khẳng định : "Tôi là một chiến binh, không phải là một kẻ chạy trốn". Thế nhưng, 24 tiếng đồng hồ sau, bà bước ra bậc thềm của phủ thủ tướng Anh để tuyên bố từ chức. 

Đối với tờ báo Pháp, hai tháng sau cuộc đảo chính lật đổ cựu thủ tướng Boris Johnson, các nghị sĩ đảng Bảo Thủ Anh một lần nữa lại hạ bệ người lãnh đạo của họ, một dấu hiệu phản ánh tình trạng hoàn toàn hỗn loạn trong đảng đang cầm quyền tại Luân Đôn. 

Trong bài xã luận ngay trên trang nhất với tựa đề "Hụt hơi", Le Figaro không ngần ngại nhận định : "Sau 3 năm mệt mỏi vì những hành động ngông cuồng của Boris Johnson, 44 ngày nắm quyền của bà Liz Truss được đánh dấu bằng một cơn lốc của những mâu thuẫn và bất cập vượt xa bất cứ điều gì mà Vương Quốc Anh từng biết đến. Bị trừng phạt vì những thay đổi 180 độ trong các định hướng kinh tế của mình, và bị 2 nhân vật nặng ký trong chính phủ của bà bỏ rời, người tự cho mình là một Margaret Thatcher mới (12 năm cầm quyền với bàn tay sắt bọc nhung), bà Liz Truss đã giành được danh hiệu người có nhiệm kỳ ngắn nhất, và có lẽ vô tích sự nhất trong 300 năm lịch sử chính trị của nước Anh".

Đối với Le Figaro, đó là những gì sẽ xẩy ra khi người ta đồng hóa chức vụ dân cử cao cả nhất với những tính toán nhỏ nhen trong nội bộ guồng máy đảng, trong tay của vài ngàn đảng viên của đảng Bảo Thủ. 

Một trong những nguy cơ trước mắt của tình trạng hỗn loạn chính trị hiện nay tại Anh Quốc đã được Le Figaro nêu bật trong bài "Nợ của Vương Quốc Anh trở nên rủi ro như của Ý", nhấn mạnh đến việc nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới đang phải đối mặt với những lỗ hổng không quen thuộc đối với các quốc gia khu vực đồng euro. 

Theo Le Figaro, từng nổi tiếng là vững chắc, các món nợ công của Anh đang phải đối mặt với việc lãi suất tăng mạnh, như thường thấy ở các nước mới nổi. 

Rau diếp còn tươi lâu hơn thủ tướng Anh Liz Truss 

Nhật báo thiên tả Libération cũng đưa lên trang nhất sự kiện nữ thủ tướng Anh từ chức, mô phỏng lời một hát ru nói về những con rối "Liz Truss, xoay một tory nhỏ rồi bỏ đi" thay thế từ tour nghĩa là "vòng" bằng từ "tory" chỉ đảng Bảo Thủ Anh. 

Trong bài phân tích bên trong ở trang quốc tế, Libération nhấn mạnh trong hàng tựa : "Vương Quốc Anh : Đảng Bảo Thủ vẫn sa lầy dù không còn Liz Truss". Tờ báo cho rằng việc thủ tướng Liz Truss tuyên bố từ chức sau một thời gian tại chức ngắn kỷ lục đã càng khiến cho đảng Bảo Thủ lún sâu thêm vào tình trạng hỗn loạn, bị bắt buộc phải chọn một người đứng đầu chính phủ mới trước ngày 28 tháng 10. Trong bối cảnh đó, một sự trở lại của cựu thủ tướng Boris Johnson được nhắc đến.

Libération không ngần ngại chế nhạo chính trường Anh khi nhắc lại sự kiện là từ hơn một tuần lễ nay, tờ báo "lá cải" Daily Star nổi tiếng ở Anh Quốc đã bày trên bàn một cây rau diếp bên cạnh một chân dung của bà Liz Truss, và đặt camera quay và phát đi trực tiếp. Ý tưởng của tờ báo là xem giữa bà Truss và cây rau diếp, bên nào sẽ tồn tại được lâu hơn.

Kết luận của Libération đầy tính châm biếm : "Và rốt cuộc thì rau diếp đã chiến thắng, vẫn tươi tốt, không bị phân hủy nhanh như một thủ tướng thuộc đảng Bảo Thủ Anh Quốc, đã phải từ chức sau 44 ngày ngắn ngủi đầy biến động ở số 10 Downing Street, tức phủ thủ tướng Anh tại Luân Đôn".

Tờ báo Pháp nhắc lại rằng hình tượng cây rau diếp đã được chính tuần báo uy tín Anh The Economist đưa ra một ngày sau khi bà Truss trình bày một ngân sách nhỏ thảm hại hôm 23/9 dẫn đến sự sụp đổ của Truss. Vào khi ấy, Tuần báo Anh đã viết : "Nếu bỏ đi 10 ngày để tang Nữ hoàng Elizabeth II, bà Truss đã điều hành việc nước trong vỏn vẹn 7 ngày. Đại khái là tuổi thọ của một cây rau diếp". 

Một tình trạng bất ổn đáng lo ngại cho dân chủ

Nhât báo công giáo La Croix cũng nêu bật cuộc khủng hoảng chính trị tại Anh trong bài xã luận ngay trên trang nhất với tựa đề : "Bất ổn định tại Vương Quốc Anh".

Đối với tờ báo Pháp, tình trạng bất ổn định được minh chứng một cách hùng hồn qua thực tế là nước Anh sẽ có đến 3 thủ tướng riêng trong năm 2022 sau khi người thay thế bà Liz Truss được chỉ định sau ngày 28/10 tới đây.

Theo La Croix, đây là điều chưa từng được biết đến trong lịch sử của nền dân chủ Anh, và một đất nước như đang bị sốc. Người Anh nổi tiếng là bình tĩnh, thế mà khi đưa tin về thông báo từ chức của bà Truss, nhà báo của đài BBC đã phải thốt lên "Atonishing !" tức là "Khó có thể tin được !".

Trong bài xã luận, La Croix thấy rằng 6 năm sau một cuộc trưng cầu dân ý làm rạn nứt đất nước, tình trạng bất ổn định đang ăn mòn Nghị Viện Anh. Đảng Bảo Thủ, nắm quyền từ năm 2010, đã không thể thống nhất về một tầm nhìn đáng tin cậy cho tương lai đất nước, thậm chí còn góp phần làm cho giới làm chính trị mất thêm uy tín, rơi vào những cuộc đấu tranh phe phái xứng đáng với là một vở kịch của Shakespeare.

Đối với tờ báo công giáo, cuộc khủng hoảng sâu sắc ở đất nước phát minh ra nền dân chủ nghị viện không phải là tin tốt. Trong lịch sử, Vương quốc Anh luôn duy trì một vai trò mẫu mực trong việc thực hiện các quyền tự do và pháp quyền. Chính quyền Anh, theo La Croix, cần phải nhanh chóng tìm ra con đường đổi mới, bằng những hành động thực tế và thành thật hơn.

Cơn lạnh nhạt giữa Paris và Berlin

Dĩ nhiên, trang nhất các báo Pháp không chỉ dành riêng vụ nữ thủ tướng Anh từ chức. Trang nhất của Le Monde trở lại với căng thẳng vừa lộ rõ giữa Pháp và Đức. Tựa lớn của tờ báo ghi nhận : "Giữa Paris và Berlin, một cuộc khủng hoảng đã lộ ra công khai". Điều này được thấy rõ qua việc tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm thứ Tư đã quyết định hoãn vô thời hạn một phiên họp của Hội đồng bộ trưởng Pháp-Đức dự trù ngày 26/10 tại Fontainebleau. 

Theo Le Monde, bất đồng giữa Paris và Berlin ngày càng nhiều trong các hồ sơ liên quan đến quốc phòng và năng lượng, trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine. Các chương trình quân sự của Pháp-Đức đang chững lại, trong khi Berlin lại tham gia vào dự án lá chắn chống tên lửa ở Châu Âu mà Pháp đã từ chối. 

Tổng thống Pháp tỏ ra khó chịu trước tuyên bố của thủ tướng Đức về việc áp dụng lá chắn năng lượng trị giá 200 tỷ euro để bảo về người dân Đức. Paris cũng đang thúc đẩy việc áp đặt giá trần cho khí đốt, tại hội nghị thượng đỉnh ở Bruxelles mở ra vào hôm nay thứ Năm, với hy vọng cô lập Berlin vốn chống lại việc này.

Ván cược sinh thái của thủ tướng Pháp

Như nói ở trên, Libération đã chạy trên trang nhất một tựa đề về khủng hoảng chính trị tại Anh. Tuy nhiên, tít lớn của tờ báo lại liên quan đến nước Pháp : "Để ngày mai sống tốt hơn", phần đặt cược trên vấn đề sinh thái của Elisabeth Borne.

Tờ báo giới thiệu cuộc phỏng vấn độc quyền với đương kim thủ tướng Pháp, người sẽ trình bày vào hôm nay "22 công trường" của bản "quy hoạch sinh thái" mà tổng thống Macron đã hứa. 

Người Công giáo thiên hữu

Nhật báo La Croix thì dành trang nhất cho một đề tài tôn giáo, xã hội : "Phong trào biểu tình vì mọi người, một kỷ nguyên đã kết thúc". 

Theo La Croix, những người Công giáo đã tham gia phong trào mang tên tiếng Pháp là La Manif Pour Tous 10 năm trước đây, để chống lại luật Taubira mở cửa cho hôn nhân giữa những người đồng giới và cho phép họ nhận con nuôi, giờ đây đã không còn nhiệt tình như xưa. Nhiều người còn gợi lên một di sản khó chịu nếu không muốn nói là đáng xấu hổ.

Tuy nhiên, theo tờ báo, phong trào đó đã cho thấy là một số lớn tín đồ Công giáo có xu hướng thiên hữu.

Trọng Nghĩa

Additional Info

  • Author Trọng Nghĩa
Published in Quốc tế