Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hôm 11/03/2018, tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi chính thức khai trương Liên minh Năng lượng mặt trời tại New Delhi. Mục tiêu của liên minh này là thúc đẩy mạnh năng lượng mặt trời tại các quốc gia đang phát triển, đa số nằm ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, vốn có điều kiện tự nhiên thuận lợi, nhưng cũng là nơi điện mặt trời rất kém phát triển.

solaire1

Khu dân cư Bestech Park View ở Gurgaon (ngoại ô New Delhi) đã cho lắp pin mặt trời trên nóc 8 tòa nhà, cung cấp 8% lượng điện tiêu thụ.© RFI/Sébastien Farcis

Liên minh Năng lượng mặt trời phải vượt qua nhiều thách thức để đạt được mục tiêu này, trước hết là làm sao để công nghệ điện mặt trời thích nghi được với các điều kiện khí hậu, môi trường tại chỗ.

Thông tín viên Sebastien Farcis tường trình từ New Delhi :

Một trong các nguyên tắc chính của Liên minh Năng lượng mặt trời là tập hợp nhu cầu của hàng chục quốc gia thành viên, để đưa ra các đơn đặt hàng chung, nhờ vậy mà hạ được giá cả. Đây cũng chính là đề nghị của Ấn Độ, khi gọi thầu 500.000 máy bơm sử dụng năng lượng mặt trời, để đáp ứng như cầu của nhiều nước Châu Á và Châu Phi.

Đây là một nỗ lực đúng hướng, nhưng khó áp dụng, theo ông Vinay Rustagi, giám đốc văn phòng tư vấn về năng lượng tái tạo Bridge to India. Ông nói : "Các tiêu chuẩn và nhu cầu kỹ thuật của các nước rất khác biệt, cũng như cách kinh doanh và quản lý các chuỗi cung ứng. Các doanh nghiệp Ấn Độ sẽ phải lưỡng lự khi tham gia vào các thông báo mời thầu, phục vụ thị trường nhiều nước Châu Phi hay Mỹ La tinh".

Theo chuyên gia này, ngược lại, Liên minh Năng lượng mặt trời mới ra đời có thể góp phần cải thiện công nghệ sản xuất tấm pin. Ông giải thích : "Phần lớn các công nghệ này được phát triển tại phương Tây và cho phương Tây, là nơi có khí hậu khô và không khí sạch. Như vậy, các tấm pin sản xuất theo lối này sẽ ít hiệu quả tại Ấn Độ, nơi không khí bị ô nhiễm, nhiều bụi bặm và khí hậu rất nóng. Vậy là công nghệ điện mặt trời cần phải thích ứng với các nước Châu Phi và Châu Á, và Liên minh Năng lượng mặt trời phải giữ được một vai trò trong hướng cách tân này".

Mục tiêu liên minh đề ra là huy động được 800 tỉ euro, từ đây đến 2030, cho đầu tư và nghiên cứu.

Published in Quốc tế