Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Diễn văn tại Nghị Viện Châu Âu : "Nước cờ" quan trọng trong cuộc tái tranh cử của Tổng thống Pháp

Bài diễn văn của tổng thống Pháp trước Nghị Viện Châu Âu hôm 19/01/2022, với tư cách chủ tịch luân phiên Liên Âu trong 6 tháng kể từ tháng Giêng, là chủ đề chính của đa số các báo Pháp. Vì sao tổng thống Pháp đã quyết định chỉ chính thức thông báo ra tái cử sau bài phát biểu trước Nghị Viện Châu Âu ? Châu Âu có ý nghĩa như thế nào trong cuộc tranh cử tổng thống Pháp ?... Truyền thông Pháp cố gắng soi sáng những ý nghĩa chính trị đằng sau sự kiện này.

macron1

Ngày 01/01/2022, cờ Liên Âu được treo tại Khải Hoàn Môn, Paris, không kèm theo cờ Pháp. Nhiều chính trị gia chỉ trích chính phủ Macron hạ thấp vị thế của nước Pháp. AFP - ALAIN JOCARD

Phát biểu của tổng thống Pháp Emmanuel Macron trước Nghị Viện Châu Âu là chủ đề chính trang nhất của Le Monde, với tựa đề : "Tranh cử tổng thống : Nối lại cuộc tranh luận về Châu Âu". Le Monde nhận xét, với nước cờ khẳng định rõ ràng lập trường toàn tâm toàn ý vì Liên Hiệp Châu Âu (EU), tổng thống Pháp muốn đẩy các đối thủ từ hữu sang tả vào thế bị động. Diễn văn về Liên Âu đọc trước Nghị Viện Liên Âu, nhưng dụng ý chủ yếu của tổng thống Macron là nhắm vào các đối thủ trong cuộc tranh cử tổng thống tại Pháp.

"Cải thiện Châu Âu để tăng cường sức mạnh của Pháp"

Hồ sơ "Emmanuel Macron muốn chơi lá bài Châu Âu" của Le Monde nhấn mạnh là tổng thống Macron đặt ra cho mình nhiệm vụ làm sáng tỏ vai trò của Liên Âu đối với người dân Pháp, một chủ đề thường được coi là "phức tạp". Trong hiện tại, cho dù 57% người Pháp không tin tưởng là nhiệm kỳ chủ tịch Liên Âu của nước Pháp làm thay đổi được những điều căn bản, nhưng cũng có đến 54% có một thái độ thiện cảm với Liên Hiệp Châu Âu (Điều tra của Harris Interactive, tháng 11/2021). Dụng ý của tổng thống Pháp là nhắm vào nhóm cử tri đó.

Cùng với những phát biểu về Liên Âu của tổng thống, những người ủng hộ đảng cầm quyền LREM (Nước Cộng Hòa Tiến Bước) đã dán ở khắp nơi trên đất Pháp gần 80.000 áp phích có in khẩu hiệu "Cải thiện Châu Âu để củng cố nước Pháp", trên nền hình ảnh lá cờ Liên Hiệp Châu Âu (với 12 ngôi sao vàng trên nền xanh da trời) tung bay tại Khải Hoàn Môn ngày mùng một tháng Giêng vừa qua. Lá cờ Châu Âu tại Khải Hoàn Môn không kèm theo cờ Pháp, đã bị hai ứng viên cực hữu Marine Le Pen và Eric Zemmour cực lực lên án, trong lúc ứng cử viên cánh hữu Valérie Pécresse lo ngại "bản sắc Pháp bị xóa nhòa".

Theo nhà tranh đấu môi trường, cựu nghị sĩ Châu Âu, chính trị gia kỳ cựu Daniel Cohn-Bendit, "dựa vào Liên Âu để tăng cường sức mạnh của nước Pháp" là chiến lược tạo nên sự khác biệt giữa ông Macron với các đảng phái chính trị khác. Nghị sĩ Châu Âu Pascal Canfin ghi nhận, đảng cầm quyền tại Pháp và các đồng minh hoàn toàn thống nhất về "mối quan hệ thiết thân với Liên Âu", trong lúc nội bộ cánh tả chia rẽ về chủ đề này, còn cánh hữu ngày càng ngả sang lập trường chống Liên Âu. Ứng cử viên cánh hữu Valérie Pécresse, đối thủ số một của ông Macron, có lập trường ủng hộ chính quyền Ba Lan trong cuộc chiến chống lại Tòa án Công lý Liên Âu.

Thái độ với EU không còn tương phản như 5 năm trước

Tuy nhiên, Le Monde cũng tỏ ra dè dặt về khả năng thành công của chiến thuật này của tổng thống Macron, với lý do là giờ đây về Liên Hiệp Châu Âu, thái độ của những người ủng hộ và những người không, đã không còn đến mức tương phản như năm 2017. Bản thân những cộng sự của tổng thống Macron cũng thừa nhận một cách không chính thức là chính ứng cử viên cánh hữu Valérie Pécresse "cũng là một người ủng hộ Liên Âu". Các chính trị gia bài Châu Âu trước đây giờ cũng chấp nhận tính ưu việt của euro, đồng tiền chung Châu Âu.

Diễn văn về Liên Âu trước Nghị Viện Châu Âu của tổng thống Pháp cũng là một tít chính trang nhất của nhật báo thiên hữu Le Figaro. Bài "Macron chuẩn bị tuyên bố tái tranh cử tổng thống" nhấn mạnh đến việc tổng thống Pháp chọn thời điểm chính thức ra ứng cử, sau bài diễn văn, bởi ông Macron muốn phát biểu trước Nghị Viện Châu Âu với tư cách trọn vẹn trong vai trò tổng thống Pháp, chứ không phải với tổng thống tái ứng cử. Tương tự như Le Monde, Le Figaro nhấn mạnh đến dụng ý của tổng thống Pháp khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của Liên Âu là nhằm mục tiêu làm nổi bật trước cử tri Pháp hai quan điểm hoàn toàn đối lập, "ủng hộ Liên Âu" và "chống Liên Âu", nhằm gây phân hóa trong hàng ngũ cánh hữu.

Mưu đồ "phá vỡ cánh hữu" của Macron

Theo Le Figaro, nếu như trong cuộc tranh cử 2017, ông Macron đã thành công trong việc phá vỡ sự đoàn kết của cánh tả, nhưng chưa làm được việc phân hóa cánh hữu, thì mục tiêu lần này sẽ là hoàn tất việc phá vỡ sự đoàn kết của cánh hữu, và nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên Liên Âu được tổng thống mãn nhiệm sử dụng như một phương tiện.

Tổng thống Macron nhấn mạnh đến những thành tựu của Liên Âu, cụ thể là Châu Âu đã chế tạo được vac-xin ngừa Covid, tổ chức sản xuất, phân phối. Nước Pháp đã có thể tiêm chủng ngay từ tháng Giêng 2021, nếu không có Liên Âu thì không thể. Theo Le Figaro, thông điệp của tổng thống Pháp là "phải yêu Liên Âu với ông ấy, hoặc ghét Liên Âu, như những người khác".

Xây dựng Liên Âu, "thành tựu chính" của tổng thống mãn nhiệm

Về chủ đề này, báo công giáo La Croix có bài "Emmanuel Macron, trên đấu trường Nghị Viện Châu Âu". Bài viết điểm lại hàng loạt điều đã làm được của tổng thống Pháp trong hồ sơ Châu Âu. Hơn bốn năm sau phát biểu về chính sách Châu Âu tại Đại học Sorbonne, mùa thu năm ngoái, tổng thống Pháp khẳng định 35, 36 trong số 60 đề xuất đã được thực hiện, cụ thể như việc thành lập lực lượng cứu nạn khẩn cấp của Liên Âu (RescEU), hướng Ngân Hàng Đầu Tư Châu Âu sang các đầu tư xanh, cải thiện quy chế về lao động biệt phái Châu Âu… Tuy nhiên, hàng loạt thách thức còn đó, như việc bảo vệ nền công nghiệp điện hạt nhân, như năng lượng chủ yếu trong tiến trình chuyển sang nền kinh tế xanh, cần nhận được tài trợ, cũng như việc thâm hụt ngân sách. Đây là các chủ đề khiến Paris mất đi nhiều ủng hộ.

Diễn văn của tổng thống Pháp trước Nghị Viện Châu Âu cũng là một tít chính trang nhất của Libération. Bài "Liên Âu : tại Strasbourg, Macron đưa ra ‘tầm nhìn’ ". Libération cũng nhấn mạnh đến việc bài diễn văn Châu Âu, trước hơn 700 nghị sĩ thuộc 26 quốc tịch, cho phép tổng thống Macron khẳng định những đường hướng chính trong chiến lược tranh cử tổng thống, chỉ chưa đầy ba tháng trước cuộc bỏ phiếu. Trong giới thân cận với tổng thống, nhiều người ca ngợi "Châu Âu, đó chính là thành tựu chủ yếu của nhiệm kỳ Macron. Không có những biện pháp mạnh, tương tự như luật hôn nhân đồng giới (thông qua dưới thời tổng thống Hollande), không có cải cách hưu trí, nhưng những cải cách về Châu Âu sẽ là những gì đọng lại".

"Paris tuân lệnh Bruxelles" : Quan niệm sai lầm phổ biến tại Pháp

Về phần mình, nhật báo kinh tế Les Echos có bài phân tích trang nhất "Không, nước Pháp không tuân lệnh từ Bruxelles !". Bài viết của Les Echos có mục tiêu giải tỏa một quan điểm phổ biến tại Pháp là hành pháp Châu Âu áp đặt cho nước Pháp các chính sách. Bài viết của Les Echos có mục tiêu phê phán một quan điểm phổ biến tại Pháp, theo đó hành pháp Châu Âu (Ủy Ban Châu Âu) áp đặt cho nước Pháp các chính sách.

Theo Les Echos, trên thực tế, chính quyền Pháp, đặc biệt trong những năm gần đây, đã hành động tích cực, để ảnh hưởng đến chính sách chung của Châu Âu, trong nhiều lĩnh vực. Nói nước Pháp bị Liên Âu điều khiển vừa mang tính đơn giản hóa vấn đề, cũng như trái với sự thực.

Les Echos nhấn mạnh là các cáo buộc như kiểu ứng viên Eric Zemmour, về việc bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp chỉ là "nhân viên" của Ủy Ban Châu Âu, là "xuất phát từ sự không hiểu biết đáng lo ngại về cơ chế vận hành của Liên Âu, và trọng lượng chính trị của nước Pháp trong Liên Âu". Trên thực tế, Liên Hiệp Châu Âu là một dạng "Liên bang các quốc gia" (Fédération d’Etats-nations, theo diễn đạt của Jacques Delors), nơi tiếng nói của các quốc gia thành viên luôn có vai trò quan trọng nhất. Các quyết định chiến lược của Liên Âu được đưa ra dựa trên sự thỏa hiệp của lãnh đạo các quốc gia Châu Âu, và "rất hiếm khi nào một quốc gia bị đặt vào vị thế thiểu số, liên quan đến một chủ đề căn bản đối với quốc gia này".

Paris, "nguồn ý tưởng" của EU

Les Echos điểm lại, từ hai chính trị gia Pháp Jean Monnet và Robert Schuman (hai đồng tác giả Tuyên bố 09/05/1950, thường được coi là quyết định khai sinh dự án xây dựng Liên Âu), nước Pháp luôn nổi bật lên như "một nguồn ý tưởng quan trọng" với Liên Âu. Đóng góp cụ thể mới đây của Pháp đã trở thành chiến lược Châu Âu, là kế hoạch chấn hưng hậu Covid 750 tỉ euro, tài trợ bằng tiền vay của khối, sáng kiến ban đầu nhận được sự dè dặt của chính phủ Đức. Liên Âu cũng chuyển dần dần từ một chính sách thương mại quá mở, thiếu chọn lọc, sang chiến lược hướng đến bảo vệ nhiều hơn các lợi ích của khối. Paris cũng thành công trong việc thuyết phục Đức ủng hộ đánh thuế các đại gia kỹ thuật số. Chính sách công nghiệp chung của Châu Âu vốn là vấn đề húy kỵ, nay đã trở thành mục tiêu trung tâm của Liên Hiệp. Khái niệm "chủ quyền Châu Âu" do Pháp thúc đẩy cũng ngày một phổ biến trong Châu Âu, đến mức mà Đức và Hà Lan giờ đây cũng coi như mục tiêu chủ đạo trong chính sách Châu Âu của các quốc gia này.

Les Echos khen ngợi tổng thống Pháp, từ khi lên nắm quyền, đã không ngừng nỗ lực theo hướng vừa đưa ra các đề xuất, vừa tích cực khẳng định tính đúng đắn của các đề xuất này. Tính chất bài bản, tầm nhìn và nỗ lực kiên định của tổng thống Macron từ 5 năm nay đã mang lại kết quả. Những điều này khiến cho nước Pháp, chính phủ Pháp có vai trò hàng đầu tại Bruxelles. Việc chủ tịch Ủy Ban, chính trị gia Đức Ursula von der Leyen, "đã được Pháp chọn, nếu không nói là được điện Elysée đặt vào cương vị này năm 2019, cho thấy sự phối hợp mật thiết giữa Paris và Bruxelles".

Les Echos nhấn mạnh : "Có thể không đồng ý với tầm nhìn Châu Âu của tổng thống mãn nhiệm, nhưng khẳng định Pháp bị Bruxelles sai khiến là hoàn toàn sai lầm".

Tân chủ tịch Nghị Viện Liên Âu "chống phá thai"

Vẫn về Liên Âu, các báo Pháp chú ý nhiều đến tân chủ tịch Nghị Viện Châu Âu, một chính trị gia người Malta, được bầu lên ngày hôm qua. Việc bầu bà Roberta Metsola, chính trị gia cánh trung hữu, làm chủ tịch Nghị Viện gây nhiều phản đối. Le Monde có bài xã luận "Một nữ chủ tịch Nghị Viện Châu Âu chống nạo thai". Theo Le Monde, chọn một chính trị gia chống nạo thai làm chủ tịch Nghị Viện Châu Âu 40 năm sau khi bà Simone Veil (cố chủ tịch Nghị Viện Châu Âu, 1972 - 1982) bảo vệ thành công luật chấm dứt hình sự hóa đối với việc phá thai tại Pháp, và sau cuộc chiến quyết liệt tại Ba Lan của giới bảo vệ quyền nạo thai chống lại chính quyền bảo thủ, "là hoàn toàn mâu thuẫn với các mục tiêu vì con người và khai sáng của Liên Âu".

Nhật báo công giáo La Croix cũng dành một bài xã luận cho chủ đề này, với tiêu đề "Bôi xấu", chỉ trích cách truyền thông Pháp nhất loạt đưa tin về một người chống phá thai được bầu làm chủ tịch Nghị Viện. Theo La Croix, việc đưa tin nghiêng về một phía như vậy làm lu mờ đi các phẩm chất của tân chủ tịch, lập trường chống tham nhũng dũng cảm của bà Roberta Metsola, cũng như những khát vọng xây dựng Châu Âu của chính trị gia này.

Omicron : Nước Pháp đang bước qua đỉnh dịch  

Làn sóng dịch bệnh Covid thứ 5 với biến thể Omicron đang đạt đỉnh tại Pháp, nhưng có thể sẽ sớm chấm dứt là hồ sơ trang nhất của Le Figaro.  "Covid : Khởi đầu của sự kết thúc ?" là tựa của tờ báo. Le Figaro đưa ra hai dấu hiệu cho thấy điều này. Thứ nhất là từ hơn một tuần nay, số lượng người chuyển sang các khoa điều trị tích cực liên tục giảm tại Pháp, và hy vọng trong những ngày tới, số người nhập viện sẽ đạt đỉnh. Dấu hiệu thứ hai là, tại vùng Ile-de France (gồm Paris và các tỉnh phụ cận), đỉnh dịch đã vượt qua. Căn cứ trên số liệu của mạng lưới Obépine theo dõi diễn biến dịch bệnh tại hơn 200 điểm trên cả nước, tình hình tại các vùng khác cũng sẽ tương tự như Ile-de-France trong những ngày tới.

Theo Le Figaro, trong bối cảnh này, việc áp dụng giấy chứng nhận tiêm chủng, vừa được Nghị Viện Pháp thông qua, gây phân hóa mạnh trong chính giới, bởi chỉ trong vài tuần nữa nước Pháp sẽ trở lại "đời sống bình thường", có thể không còn cần đến việc áp dụng giấy chứng nhận tiêm chủng. Tuy nhiên, theo Le Figaro, cũng cần thận trọng, bởi dịch bệnh còn lâu mới kết thúc trên quy mô thế giới, và không thể loại trừ khả năng một biến thể mới nổi lên.  

Pháp : "Giấy chứng nhận y tế" cứu gần 4.000 mạng người  

Báo chí Pháp cũng dành nhiều giấy mực để nói về "thành công của giấy chứng nhận y tế", được ban hành mùa hè vừa qua, đã dấy lên một làn sóng phản đối mạnh mẽ, kéo dài tại Pháp. Le Monde dẫn kết quả một nghiên cứu của Hội Đồng phân tích Kinh tế (CAE), thuộc phủ thủ tướng Pháp, có sự tham gia của nhiều khoa học gia độc lập, cho thấy "giấy chứng nhận y tế" (với người đã tiêm chủng, đã mắc và khỏi Covid-19, hoặc xét nghiệm âm tính) đã cho phép tránh được gần 4.000 người chết, tức 32% so với số 12.000 người qua đời vì Covid, từ tháng 7 đến tháng 12/2021.

Trung Quốc truy bắt hơn 10.000 người Hoa sống tại 120 nước

Mối đe dọa Trung Quốc cũng là một hồ sơ lớn trang nhất của Le Monde hôm nay. Nhật báo Pháp giới thiệu kết quả điều tra của một tổ chức phi chính phủ Thuỵ Điển. Theo đó, kể từ năm 2014 đến nay, chính quyền Trung Quốc đã truy bắt để đưa về nước khoảng 10.000 người, đang sống tại 120 quốc gia, trong số họ có nhiều nhà hoạt động nhân quyền, tranh đấu cho quyền của các cộng đồng thiểu số bị đàn áp tại Trung Quốc.  

Pháp : Nghị quyết lên án Bắc Kinh phạm "tội ác chống nhân loại"

Cũng về Trung Quốc, ngày mai, Quốc hội Pháp sẽ bỏ phiếu về một nghị quyết lên án "các tội ác chống nhân loại" của chính quyền Trung Quốc đối với cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ, đa số theo đạo Hồi. Dự thảo nghị quyết kêu gọi phủ tổng thống Pháp "có lập trường rõ ràng về vấn đề này". Theo Libération, nếu được thông qua, đây là lần đầu tiên Quốc hội Pháp có một nghị quyết về vấn đề này. Dự thảo nghị quyết do đảng Xã hội đề xuất.  

Đi nghỉ tại đảo ăn chơi, bộ trưởng giáo dục Pháp bị lên án

Trở lại thời sự nước Pháp, việc bộ trưởng giáo dục đi nghỉ tại một hòn đảo nổi tiếng ăn chơi đúng vào lúc nước Pháp đang cao điểm của dịch và trong lúc chính sách phòng dịch tại trường học chưa được xác định, cũng là chủ đề chính của nhiều báo. "Ibiza. Học sinh Blanquer phải giải trình về việc vắng mặt" là hồ sơ chính của Libération. Ibiza là tên hòn đảo nơi bộ trưởng giáo dục chọn làm nơi nghỉ, Blanquer là tên của vị bộ trưởng.

Nhật báo thiên tả có bài xã luận nhan đề "Quá trớn", lưu ý đây không phải là lỗi lầm đầu tiên của bộ trưởng giáo dục, khi điểm lại hàng loạt hành động bất cẩn của bộ trưởng giáo dục trước đây. Nhưng điều mà Libération nhấn mạnh là, sai lầm lớn nhất của viên bộ trưởng – một thành viên quan trọng trong chính phủ, người vốn được tổng thống cưng chiều – không phải là có mặt tại hòn đảo ăn chơi, bởi ông Blanquer hoàn toàn có thể làm việc từ xa trong thời gian ở đây, mà là ông ta đã "làm việc tồi", và đã thể hiện rõ ràng là "xử lý kém tình hình".  

Trò chơi video : Microsoft vươn lên thứ 3 thế giới, sau vụ sát nhập 70 tỉ đô la

Hồ sơ lớn trang nhất nhật báo kinh tế Les Echos hôm nay là việc tập đoàn Microsoft mua lại công ty trò chơi điện tử khổng lồ Activision Blizzard với giá kỷ lục gần 70 tỷ đô la. Việc sát nhập này cho phép tập đoàn tin học Mỹ vươn lên vị trí thứ ba thế giới trong lĩnh vực trò chơi video, sau tập đoàn Trung Quốc Đằng Tấn (Tencent) và Sony, Nhật Bản.

50 giải Nobel : Giảm 2% chi phí quân sự, dành tiền cho chuyện khẩn cấp

Cũng về kinh tế, nhưng liên quan đến khí hậu-môi trường và dịch bệnh, các vấn đề khẩn cấp của thế giới. Nhóm Global Peace Dividend, gồm hơn 50 giải Nobel, ra một tuyên bố chung gửi đến tất cả các quốc gia trên thế giới, đề nghị giảm 2% chi phí quân sự, để dành một nghìn tỉ euro trong 5 năm, đầu tư cho các vấn đề khẩn cấp của hành tinh, là thông tin của Libération.

Theo nhóm 50 giải Nobel, trong năm 2020, 2 triệu người trên thế giới chết vì Covid, 120 triệu người bị lâm vào cảnh nghèo đói, 98 triệu người phải hứng chịu các thảm họa do biến đổi khí hậu. Thiệt hại tài chính ít nhất 150 tỉ đô la/năm do các thảm họa khí hậu, trong bối cảnh các nước giàu không tìm được nguồn lực để giảm mạnh khí thải. Trong bối cảnh này, chi phí quân sự đã tăng đến mức kỷ lục, với 1.730 tỉ đô euro, gấp hai lần so với năm 2020. Chi phí quân sự tăng khắp nơi, trừ Nam Mỹ. 50 giải Nobel khẳng định không thể rót tiền ngày càng nhiều hơn cho chi phí quân sự trong bối cảnh này.

Trọng Thành

Additional Info

  • Author Trọng Thành
Published in Quốc tế