Macron – Le Pen : Hai nhãn quan đối chọi về chính sách ngoại giao (RFI, 03/05/2017)
Về chính sách ngoại giao, hai ứng cử viên tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Marine Le Pen có những quan điểm đối chọi nhau trên hầu hết các hồ sơ, kể cả vai trò của nước Pháp trên trường quốc tế.
Hai ứng viên tổng thống Pháp : Marine Le Pen (T), lãnh đạo đảng cực hữu Mặt Trận Quốc Gia, và Emmanuel Macron, đứng đầu phong trào Tiến Bước ! REUTERS/Charles Platiau
Đối chọi nhau rõ rệt nhất chính là về Châu Âu. Bà Le Pen thì chủ trương một Châu Âu "của những quốc gia có chủ quyền và của các dân tộc tự do". Theo chiều hướng này, ứng cử viên cực hữu cam kết là nếu đắc cử tổng thống, ngay trong những tháng đầu tiên cầm quyền, bà sẽ trả lại cho dân Pháp "chủ quyền về tiền tệ, lập pháp, lãnh thổ và kinh tế". Bà cũng dự trù tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc đưa nước Pháp ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu.
Trong khi đó, ông Macron muốn đẩy mạnh hơn nữa hội nhập Châu Âu, vì theo ông, tương lai của nước Pháp là trong Liên Hiệp Châu Âu và khối euro. Ông là ứng cử viên tổng thống duy nhất đưa ra rất nhiều đề nghị về Châu Âu, chẳng hạn như ông muốn ngay từ mùa thu năm nay sẽ tổ chức các "hội nghị dân chủ" ở từng quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu, để chính người dân ở các nước tham gia vào việc đề ra một "lộ trình" cho ủy Ban Châu Âu. Để thể hiện quyết tâm thúc đẩy hội nhập Châu Âu, trong mỗi cuộc mít tinh tranh cử, ông đều cho phân phát rất nhiều cờ Liên Hiệp Châu Âu bên cạnh cờ Pháp, trong khi ở các cuộc mít tinh của bà Le Pen chỉ có quốc kỳ Pháp.
Về quan hệ giữa Pháp với các cường quốc khác, ai cũng thấy rõ là bà Le Pen có lập trường rất thân Nga và bà đã sang Matxcơva để tiếp kiến tổng thống Vladimir Putin vào tháng Ba vừa qua. Ứng cử viên cực hữu đã ca ngợi ông Putin là có một nhãn quan mới về một "thế giới đa cực". Trong khi đó, ông Macron vẫn cho rằng nước Nga của Putin đang thi hành một chính sách ngoại giao "nguy hiểm", bất chấp luật pháp quốc tế.
Về hồ sơ quốc tế nóng bỏng nhất hiện nay là Syria, hai ứng cử viên tổng thống Pháp cũng có nhiều khác biệt. Bà Le Pen vẫn cho rằng tổng thống Bachar al-Assad là "giải pháp duy nhất" để tiêu diệt lực lượng Hồi Giáo cực đoan ở Syria và theo ứng cử viên cực hữu, quốc tế phải tiếp tục đối thoại với ông Assad, vì không có ai khác đáng tin cậy.
Trong khi đó, ông Macron ban đầu cũng cho rằng không nên đặt điều kiện tiên quyết là Assad phải ra đi, nhưng sau vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ngày 04/04, mà chế độ Damas bị tố cáo là thủ phạm, lập trường của ứng cử viên cánh trung đã thay đổi. Nay cựu bộ trưởng Kinh Tế Pháp đòi phải đưa tổng thống Syria ra xét xử trước các tòa án quốc tế về những tội ác đã gây ra. Tuy nhiên, ông Macron cho rằng ưu tiên số một hiện nay vẫn là phải nhổ tận gốc tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo Daech.
Trái ngược với ông Macron, bà Le Pen chủ trương nước Pháp ra khỏi bộ chỉ huy quân sự của khối NATO, Liên Minh Bắc Đại Tây Dương. Về phần mình, ông Macron muốn là NATO chỉ can thiệp bên ngoài khu vực địa lý của khối này khi các lợi ích của nước Pháp bị đe dọa.
Có một điểm mà hai ứng cử viên gần như đồng ý với nhau, đó là nước Pháp không nên can thiệp vào những cuộc xung đột không liên quan đến Pháp, trừ trường hợp tự vệ chính đáng. Cả hai ứng cử viên đều dự trù tăng ngân sách quốc phòng của Pháp lên ít nhất là 2% tổng sản phẩm nội địa GDP, như yêu cầu của Mỹ đối với các nước thành viên NATO. Ngoài ra, ông Macron và bà Le Pen cũng đồng ý là phải tăng ngân sách cho viện trợ phát triển của Pháp lên 0,7% GDP.
Thanh Phương
*************************
Bầu tổng thống Pháp : Đông đảo các giới kêu gọi bầu cho Macron (RFI, 03/05/2017)
Gần sát đến ngày bầu cử, trước nguy cơ cử tri không đi bỏ phiếu sẽ có lợi cho ứng viên Mặt Trận Quốc Gia, Marine Le Pen, từ hôm qua 02/05/2017, nhiều giới xã hội Pháp đã nhất loạt lên tiếng kêu gọi ủng hộ ứng viên Emmanuel Macron của phong trào Tiến Bước !.
Người tuần hành phản đối Le Pen, mang mặt nạ khuôn mặt Jean-Marie Le Pen - cha của ứng viên Marine Le Pen, với mái tóc dài, Paris, /01/05/2017. REUTERS/Gonzalo Fuentes
Bằng nhiều cách khác nhau, qua các diễn đàn trên báo chí, ra thông cáo và kiến nghị hay tổ chức hội họp, hàng loạt các nghệ sĩ, chính khách, giới chủ, các nhà khoa học và cả các cơ quan truyền thông lớn liên tục ra lời kêu gọi cử tri ngăn chặn ứng viên của Mặt Trận Quốc Gia và bỏ phiếu cho ứng viên Emmanuel Macron.
Mặc dù hầu hết các thăm dò ý định bỏ phiếu vòng 2 đều nghiêng về ứng viên Macron với tỷ lệ chênh lệch khá xa, khoảng 60% số phiếu ủng hộ, nhưng khoảng cách này dường như có xu hướng thu hẹp dần. Ngoài ra, theo các thăm dò dư luận, tỷ lệ cử tri không đi bầu vòng 2 có thể sẽ khá cao, dao động trong khoảng từ 22 đến 28%. Các nhà phân tích cho rằng nếu tỷ lệ cử tri vắng mặt hoặc bỏ phiếu trắng cao vô hình chung sẽ làm tăng tỷ lệ phiếu bầu cho ứng viên Marine Le Pen.
Trong chiến dịch tranh cử tổng thống lần này, giới nghệ sĩ tỏ ra kín đáo, không bày tỏ công khai quan điểm hay tham gia vận động tranh cử cho ứng cử viên nào.
Tuy nhiên, trong bối cảnh không loại trừ khả năng ứng viên Marine Le Pen thắng cử, nhiều nghệ sĩ đã lên tiếng. Đó là các nhà điện ảnh có tên tuổi lớn của Pháp như Mathieu Kassovitz, Luc Besson hay giải Nobel Văn học Jean-Marie Gustave Le Clézio.
Bên giới truyền thông, nhật báo công giáo La Croix đi đầu đã kéo theo hàng loạt các tờ báo khác cũng kêu gọi cử tri hãy đi bỏ phiếu cho ứng viên Emmanuel Macron để ngăn Marine le Pen thắng cử.
Ba hiệp hội lịch sử, Viện Hàn Lâm Khoa Học Pháp cũng như lãnh đạo tập đoàn chế tạo máy bay Airbus, ông Tom Enders, cũng đã tuyên bố ủng hộ hoàn toàn ứng viên của phong trào Tiến Bước !. Tối qua, một cuộc mít tinh của giới văn hóa chống Mặt Trận Quốc Gia đã diễn ra tại Paris. Ngày thứ Sáu tới, theo dự kiến, một diễn đàn kêu gọi cử tri đi bỏ phiếu sẽ được tổ chức tại thủ đô Pháp với sự tham dự của nhiều chính khách thuộc phe tả cũng như hữu.
Anh Vũ