Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tập Cận Bình muốn thành "Mao của thế kỷ 21"

Ám ảnh "khủng hoảng tài chính" toàn cầu 10 năm sau vụ phá sản của ngân hàng Mỹ Lehman Brothers, những lợi hại của việc đồng euro tăng giá, hay việc nhiều nơi tại Châu Âu đang đối mặt với tình trạng "quá tải du lịch", là một số chủ đề trang nhất của báo Pháp ngày đầu tuần lễ thứ hai tháng 8/2017. Trước hết xin giới thiệu bài phân tích trên Le Figaro tham vọng trở thành một Mao Trạch Đông thứ hai của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trước thềm Đại Hội 19 của Đảng Cộng Sản mùa thu năm nay.

mao1

Ông Tập Cận Bình phát biểu nhân ngày thành lập Quân Đội Trung Quốc, Bắc Kinh, 01/08/2017. REUTERS/Damir Sagolj

Bài "Tại Trung Quốc, Tập Cận Bình (Xi Jin Ping) tự khẳng định là nhà tư tưởng mới của chủ nghĩa cộng sản" nhấn mạnh đến một điều đã trở thành truyền thống của nước Trung Quốc cộng sản. Đó là các lãnh đạo nổi tiếng nhất, bắt đầu với Mao Trạch Đông (Mao Tse Tung), đều được nâng lên hàng "các đại trí thức".

Trong những tháng gần đây, để chuẩn bị cho kỳ Đại Hội quan trọng sắp tới, cỗ máy tuyên truyền của chế độ "chạy hết công suất" để giới thiệu ông Tập Cận Bình như "một ngọn đèn pha tư tưởng mới, có thể mang lại sự vĩ đại cho Trung Quốc". Hiếm khi sự sùng bái cá nhân trên báo chí Nhà nước Trung Quốc lại mãnh liệt đến như vậy. Độc giả có thể thấy những dòng ca tụng lãnh đạo họ Tập như là "kiến trúc sư và người cầm lái thúc đẩy sự nghiệp tái sinh vĩ đại của nhân dân Trung Quốc".

"Đóng góp lớn cho nhân loại"

Nhiều "chuyên gia" ca ngợi tầm cỡ nhân loại của tư tưởng Tập Cận Bình. Một giáo sư tôn vinh "tư tưởng cầm quyền" của "hoàng đế đỏ" như là "một bước tiến lớn lao của chủ nghĩa Mác tại Trung Quốc trong giai đoạn đương đại", và đồng thời cũng là "một đóng góp lớn cho nhân loại". Các cán bộ của đảng được khuyến khích tắm mình trong nguồn suối trí thức này. Một phụ trách trường học của đảng còn gọi đây là "nhiệm vụ quan trọng nhất" của các nhà nghiên cứu.

Chính trị gia Lâm Hòa Lập (Willy Lam), đại học Trung Văn Hồng Kông (CUHoa Kỳ), giải thích cơn sốt tư tưởng Tập Cận Bình tại Trung Quốc, chính là "vừa để củng cố quyền lực, vừa để thỏa mãn ham muốn bản ngã" của ông Tập. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Hồng Kông, trên thực tế Tập Cận Bình hoàn toàn "không phải là một nhà trí thức, cũng không phải là một nhà tư tưởng độc đáo", "về mặt lý thuyết, ông ta không đề xuất một điều gì mới mẻ, cả về mặt kinh tế, xã hội hay chính trị". Ngược lại, lãnh đạo Trung Quốc đương nhiệm lại xuất sắc trong việc tuyên truyền cho "một giấc mơ Trung Hoa".

Theo nhiều nhà quan sát, như nhà Hán Học Pháp Jean-Pierre Cabestan, Đại học Báp-tít tại Hồng Kông, thì Đảng Cộng Sản Trung Quốc của ông Tập cố gắng thích nghi học thuyết Mác-Lê Nin với hiện thực của xã hội Trung Quốc hiện nay. Các phát biểu của chủ tịch Trung Quốc đang được nhào nặn thành một tập hợp lý luận gắn bó.

Theo Le Figaro, tham vọng của Tập Cận Bình là rất lớn. Mục tiêu của chủ tịch Trung Quốc là đưa "tư tưởng" của mình vào Hiến pháp, nhằm vĩnh viễn để lại tên tuổi, tiếp theo Mao Trạch Đông. Chỉ có "người cầm lái vĩ đại" Mao Trạch Đông mới có được tôn vinh là "nhà tư tưởng". Lãnh đạo Đặng Tiểu Bình (Deng Xiao Ping), người khởi xướng cải cách kinh tế Trung Quốc cũng chỉ được coi là "nhà lý luận", một danh hiệu "kém vẻ vang hơn". Giang Trạch Dân (Jiang Ze Min) và Hồ Cẩm Đào (Hu Jin Tao) thậm chí còn không được nêu tên trong văn bản này.

Theo nhà Hán học Jean-Pierre Cabestan, để đạt được cương vị "trí thức" ngang với Mao Trạch Đông, Tập Cận Bình phải kiểm soát được Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Le Figaro nhấn mạnh là hiện tại, ông Tập đang đưa những người thân tín vào các cương vị chủ chốt trong đảng, tuy nhiên, điều quan trọng là ông ta "phải hóa giải được sự lưỡng lự của các phe phái", bởi trào lưu sùng bái cá nhân ông Tập hiện nay nhắc lại hồi ức không xa về Mao Trạch Đông, người chủ xướng cuộc "Đại Nhảy Vọt", để lại nhiều hậu quả khủng khiếp cho xã hội Trung Hoa.

"Các tham vọng toàn cầu của Tập Cận Bình"

Cũng về Tập Cận Bình, Le Monde bắt đầu loạt bài "Các tham vọng toàn cầu của Tập Cận Bình" (kéo dài 8 số). Số đầu tiên hôm nay mang tựa đề "Những Con Đường Tơ Lụa Mới, Chân trời của Trung Quốc thế kỷ XXI". Cũng Le Monde có bài phóng sự giới thiệu về Trùng Khánh (Chong Qing), được mệnh danh là một thành phố ga trọng điểm trên tuyến đường sắt Âu-Á, tuyến đường mà Bắc Kinh đang đầu tư, đi vào hoạt động từ năm 2014.

Mỹ : "Gọng kìm siết lại" quanh Trump, trong lúc thất nghiệp giảm mạnh

Về thời sự quốc tế, Les Echos chú ý đến tình thế khó khăn tổng thống Mỹ Donald Trump trong nghi án Nga can thiệp, đồng thời ghi nhận tỉ lệ thất nghiệp tháng 7 giảm đến mức thấp nhất kể từ năm 2001 (4,3%). Tổng thống Trump vừa rời Nhà Trắng về nghỉ tại khu chơi golf New Jersey hôm thứ Sáu, tuần trước, 4/8, đúng vào lúc các thông tin tốt lành về thất nghiệp giảm tại Mỹ được công bố.

Donald Trump nhanh chóng tung lên Twitter một thông điệp ca ngợi thành quả "tuyệt vời" này, với nhận xét là ông chỉ "vừa mới bắt đầu" nhiệm kỳ. Tuy nhiên, cũng vào thời điểm đó, Robert Mueller - viên chưởng lý phụ trách điều tra – thông báo thành lập "bồi thẩm đoàn", một giai đoạn được đánh giá là "quyết định" trong tiến trình điều tra. Việc này chưa khẳng định ngay là các cáo buộc sẽ trực tiếp nhắm vào tổng thống, tuy nhiên điều có thể thấy là các phương tiện được triển khai là "hùng hậu".

Để giới hạn khả năng can thiệp của tổng thống, hai dự luật được đệ trình trước Quốc Hội Mỹ trong tuần này, với mục tiêu không cho phép Donald Trump cách chức chưởng lý Mueller, nếu không có sự đồng ý của ba thẩm phán liên bang.

Bắc Kinh "phó mặc" Bắc Triều Tiên cho Liên Hiệp Quốc

Báo Le Figaro ghi nhận Washington đã giành được "một chiến thắng ngoại giao đáng kể" hôm thứ Bảy, 05/08, với việc 15 thành viên Hội Đồng Bảo An nhất trí thông qua một nghị quyết trừng phạt nghiêm khắc Bình Nhưỡng. Nghị quyết được đánh giá là "khắc nghiệt chưa từng có" nhằm để đáp lại hai vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa. Điều gây "ngạc nhiên" là chính Trung Quốc đã ủng hộ nghị quyết trừng phạt đồng minh cứng đầu này.

Le Figaro cũng ghi nhận thái độ quyết liệt khác thường của ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) trong cuộc gặp đồng nhiệm Bắc Triều Tiên Ri Su Yong, bên lề các hội nghị ASEAN mở rộng tại Manila, đang diễn ra.

Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu các trừng phạt mới có hiệu quả ? Theo nhà báo Eduardo Porter, phát biểu trên New York Times, trừng phạt kinh tế chỉ đạt mục tiêu khi "thực sự được thực thi một cách đa phương". Kinh nghiệm cho thấy hàng loạt trừng phạt nhắm vào Bình Nhưỡng từ năm 2006, đã không cản trở Bắc Triều Tiên tiếp tục đàn áp dân chúng một cách tàn bạo, đồng thời vẫn bám được được vào các phao cứu nạn kinh tế mà Bắc Kinh và Moskva chìa ra.

Bắc Triều Tiên, một "vùng dự trữ nhân công" của Trung Quốc

Về quan hệ kinh tế Bắc Triều Tiên – Trung Quốc trên thực địa, Libération có bài phóng sự "Bắc Triều Tiên, vùng dự trữ nhân công của Trung Quốc", ghi nhận nhu cầu sử dụng nhân công giá rẻ tại Bắc Triều Tiên của nhiều doanh nghiệp miền đông bắc Trung Quốc, đặc biệt tại tỉnh biên giới Cát Lâm (Ji Lin).

Xu thế sử dụng nhân công Bắc Triều Tiên – thông qua các công ti nhận thầu - gia tăng một mặt do giá cả hấp dẫn, mặt khác do tình trạng dân số trong độ tuổi lao động giảm mạnh tại khu vực này. Tỉnh Cát Lâm là nơi rất nhiều cư dân Trung Quốc gốc Triều Tiên di cư sang Hàn Quốc để tìm cơ hội cải thiện cuộc sống. Mức di cư ở quy mô lớn. Cụ thể như ở Tumen, một thị trấn biên giới Trung Quốc, dân cư hiện chỉ còn 27 ngàn người, giảm hai phần ba trong vòng 16 năm.

Hiện tượng sử dụng lao động Bắc Triều Tiên chiếm tỉ lệ nhỏ trong nền kinh tế Trung Quốc, nhưng đây là một "phương diện" đáng kể trong trao đổi kinh tế Trung – Triều, ước tính khoảng 5,5 tỉ đô la năm 2015.

Euro tăng giá 10% có đáng lo ?

Trở lại với Châu Âu, câu hỏi "đồng euro tăng giá 10%, so với đô la, trong vòng ba tháng, liệu có đáng lo ?" là hàng tựa trang nhất của Le Figaro. Theo tờ báo, mức tăng này là kết quả của "tình trạng kinh tế khỏe mạnh" của Châu Âu và tình hình chính trị tương đối ổn định của khu vực. Tuy nhiên, Le Figaro cũng lưu ý về ảnh hưởng tiêu cực của xu thế này đối với các hoạt động xuất khẩu của Châu Âu, đặc biệt đối với các quốc gia như Pháp, do "nhạy cảm nhiều hơn" đối với vấn đề giá cả.

Theo kinh tế gia Alain Durré, nông sản chưa qua chế biến và các sản phẩm có hàm lượng công nghệ thấp của ngành xe hơi là hai trong số các lĩnh vực của Pháp có thể bị tác động nhiều.

Tài chính : "Vũ khí hủy diệt hàng loạt" ?

Cũng về kinh tế, báo Les Echos dành hồ sơ lớn để mổ xẻ các hiểm họa của hệ thống tài chính thế giới, 10 năm sau khủng hoảng. Xã luận Les Echos với tựa đề "Tài chính : Ảo tưởng an toàn" nhấn mạnh đến tài chính như "một vũ khí hủy diệt hàng loạt", và thế giới hiện nay chưa thực sự thoát khỏi nguy cơ này. Les Echos điểm mặt ba đe dọa, "hai cũ và một mới".

Đe dọa mới đầu tiên là hiện tượng "tài chính trong bóng tối" (shadow banking), hay tài chính ngoài sổ sách. Les Echos so sánh hiện tượng này với việc bụi không được quét dọn, dồn vào dưới thảm. "Tài chính trong bóng tối" chiếm đến một phần tư tổng lượng tài chính toàn cầu, và trở nên một lĩnh vực phức tạp chưa từng thấy. Mối đe dọa lớn thứ hai là xu thế giảm nhẹ các quy định đối với các ngân hàng dưới thời tổng thống Trump. Việc quay trở lại tình trạng trước 2007 được đánh giá là rất nguy hiểm.

Đe dọa chủ yếu thứ ba mức nợ nần thái quá của nhiều quốc gia. Theo Les Echos, cho đến nay, về thực chất tình hình hoàn toàn không được cải thiện, từ năm 2007 đến nay.

Tờ báo kinh tế Pháp trong một bài viết khác đặt vấn đề : Phải chăng tất cả các bài học từ cuộc khủng hoảng lớn này đã được hiểu đầy đủ ? Một trong vấn đề mà Les Echos lưu ý là các bong bóng mới trên thị trường cổ phiếu, đặc biệt do khối lượng tiền lớn do ba ngân hàng lớn nhất thế giới (Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản) phát ra, hơn 13.500 tỉ đô la hiện nay, so với 3.500 tỉ hồi 2007.

Cũng về chủ đề này, Les Echos phỏng vấn nguyên kinh tế gia của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF, Raghuram Rajan, một trong vài chuyên gia hiếm hoi báo trước cuộc khủng hoảng tài chính 2007. Cựu chuyên gia kinh tế IMF thừa nhận nhiều tiến bộ đạt được trong lĩnh vực các quy định kiểm soát ngân hàng, thế nhưng lĩnh vực tài chính trong bóng tối đang hoàn toàn bị bỏ ngỏ. Mà đây là nguy cơ lớn nhất cho một cuộc khủng hoảng mới.

"Lôgic điên rồ" của bóng đá thế giới

Cũng về lĩnh vực tài chính, nhưng liên quan đến bóng đá, xã luận Le Monde có bài "Lô gic điên rồ của bóng đá thế giới". Nhân dịp siêu sao bóng đá Neymar, người Brazil, được câu lạc bộ bóng đá Pháp Paris Saint Germain (PSG), do Qatar sở hữu, mua lại với giá kỉ lục 222 triệu euro, Le Monde cố gắng làm sáng tỏ những "lô gic" nào ẩn đằng sau thương vụ được đánh giá là "điên rồ" này.

Thương vụ Neymar là kết quả của ba lô gic : "sao hóa, đầu cơ và toàn cầu hóa". Đối với nền công nghiệp giải trí mang tính sân khấu hiện nay, Neymar trở thành một nơi đầu tư "chắc chắn". Siêu sao sân cỏ, đẹp trai, hình ảnh tiếp thị được chăm chút tới từng milimét, danh thủ Brazil đã trở thành một "nhãn hiệu mang tính toàn cầu". Sở hữu được Neymar đồng nghĩa với việc mở ra cơ hội lớn xâm nhập vào "các thị trường hứa hẹn nhất, như Trung Quốc, Hoa Kỳ hay Châu Phi". Đối với Qatar, đây còn là một phương tiện ngoại giao, đúng vào thời điểm quốc gia này chuẩn bị cho Cúp thế giới 2022, trong bối cảnh bị các quốc gia vùng Vịnh cô lập.

Tựu chung, theo Le Monde, nếu không có các biện pháp can thiệp tương thích, bóng đá hiện đại chỉ là "một tấm gương phản ánh sự tàn bạo của một thế giới, mà những người giàu nhất ngày càng giàu hơn, người dễ tổn thương nhất càng dễ tổn thương hơn".

Đáy biển : Quốc tế thương lượng kiểm soát việc khai thác

Đại dương đang trở thành một vấn đề trọng tâm trong các thương thuyết toàn cầu. Le Figaro có bài điểm lại các nỗ lực gần đây của cộng đồng quốc tế. Ngày 21/07, tại Liên Hiệp Quốc, các nước đạt thỏa thuận mở thương thuyết về một hiệp định quốc bảo tế bảo vệ đa dạng sinh học tại biển khơi, chống nạn khai thác hải sản quá mức, biến đổi khí hậu và ô nhiễm.

Bắt đầu từ hôm nay, một thương thuyết quan trọng khác (dưới sự điều phối của Cơ Quan Quốc Tế về Đáy Biển/ISA, thành lập năm 1994) diễn ra tại Jamaica, giữa 168 thành viên của Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Mục tiêu của thương lượng liên quan đến toàn bộ các hoạt động khai thác khoáng sản nằm ngoài khu vực đặc quyền kinh tế 200 hải lý của các nước.

So với những năm 1970, khoa học hiện nay đã có nhiều tiến bộ. Nhiều nghiên cứu cho thấy tầm quan trọng của đa dạng sinh học dưới đáy đại dương, không kém các khoáng sản. Ngày 26/06, một nhóm các nhà khoa học quốc tế (thuộc Liên minh bảo vệ biển sâu/Deep sea conservation coalition) công bố thư ngỏ trên Nature Geosience, đặt vấn đề về trách nhiệm của Cơ Quan Quốc Tế về Đáy Biển/ISA, nếu khai thác được cấp phép, đa dạng sinh học bị phá vỡ.

Nhiều tổ chức bảo vệ môi trường kêu gọi minh bạch hơn trong cơ chế điều hành của ISA. Năm 2016, Liên Hiệp Quốc từng nhấn mạnh đến vai trò vô cùng quan trọng của đáy biển, không chỉ đối với các đại dương, mà đối với cả việc sản xuất khí oxy cho khí quyển. Liệu điều đó có đủ để ngăn chặn cơn khát khoáng sản dưới đáy biển ?

Trọng Thành

Published in Quốc tế