Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Khu phố cổ Mosul, căn cứ địa cuối cùng của Daesh tại miền bắc Iraq đang bị bao vây chặt chẽ. Được đồng minh Tây phương yểm trợ, sau 8 tháng nỗ lực quân đội chính phủ dường như sắp chiếm lại được toàn bộ thành phố lớn thứ hai của Iraq bị Daesh đánh chiếm vào mùa xuân 2014 và tuyên cáo thành lập Vương Triều Hồi giáo. Trận "xung phong cuối cùng" diễn ra như thế nào ? Bị dồn vào chân tường, Daesh không mất thế chủ động.

mosul1

Quang cảnh khu phía tây thành phố cổ Mosul, Iraq. Ảnh chụp ngày 27/06/2017. Reuters

Sau ba tháng chuẩn bị, tám tháng chiến đấu gian nan chấp nhận thiệt hại giành từng thước đất, quân đội Iraq tung ra đợt "xung phong cuối cùng" từ Chủ Nhật 18/06/2017. Mục đích là đánh chiếm khu phố cổ Mosul, nơi tử thủ cuối cùng của Daesh.

Ngày 21/06/2017, hai di tích lịch sử của Mosul bị đánh sập. Đền thờ Hồi giáo al-Nuri là địa điểm biểu tượng của thánh chiến. Đây là nơi mà vào năm 2014, sau khi chiếm được Mosul, thủ lĩnh Daesh Abu Bakr al-Baghdadi, xuất hiện lần đầu và cũng là lần cuối, tự xưng là lãnh đạo một Vương triều Hồi giáo (Califat).

Daesh tố cáo không quân Mỹ dội bom phá di tích. Tuy nhiên, Bagdad cho biết chính Daesh phá hủy đền thờ Hồi giáo al-Nuri và tòa tháp nghiêng al-Hadba. Chính phủ Iraq xem đây là dấu hiệu cho thấy Daesh đã mất tinh thần, tự thú nhận chiến bại.

Bị liên quân quốc tế tấn công khắp mặt trận từ Syria cho đến Iraq, liệu Daesh đã hoàn toàn suy sụp tinh thần tự phá biểu tượng ?

Trong chương trình Décryptage của RFI tiếng Pháp ngày 22/06/2017, giáo sư Myriam Benraad, chuyên gia Pháp về Trung Đông tại Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Gia CNRS cho rằng Daesh phá hủy di tích không phải vì suy sụp tinh thần. Trái lại đó là thái độ quyết tử :

Không. Đây không phải là hành động tuyệt vọng của Daesh. Phải phân tích kỹ những tuyên bố về trận đánh này tại Mosul. Daesh nói Mỹ và liên quân quốc tế oanh kích đền thờ Hồi giáo al-Nuri và tháp nghiêng al-Hadba. Thế nhưng, nếu xem kỹ hình ảnh và phim video thì đúng là một vụ nổ mìn chứ không phải là do oanh tạc.

Daesh phá đền thờ lịch sử vì không muốn quân đội Iraq chiếm lại và từ địa điểm biểu tượng này tuyên cáo chiến thắng Daesh. Chúng ta phải thấy Daesh đi theo một "logic" phóng lao thì phải theo lao. Đánh sập đền thờ là nhằm không cho Mỹ và quân đội Iraq chiếm nơi biểu tượng mà vào tháng 7 năm 2014, thủ lĩnh của Daesh là Abu Bakr al-Baghdadi, tuyên bố thành lập vương triều Hồi giáo tại một vùng lãnh thổ Iraq và Syria mà họ mới chinh phục và muốn các vùng khác thần phục.

Stéphane Mantoux, chuyên gia quân sử thế giới và chiến lược quân sự của Daesh có cùng nhận định :

Chính Daesh phá đền thờ và hình ảnh video cho phép xác nhận nhưng xin bổ sung một nhận xét. Daesh phá đền và tháp nghiêng nhưng vẫn tiếp tục cố thủ, tiếp tục chiến đấu chứ không bỏ khu phố cổ. Xung đột vẫn diễn ra tại khu vực hoang tàn đổ nát này.

Theo bản tin của AFP ngày 25/06/2017, lực lượng Iraq tiến sát vào ổ kháng cự cuối cùng của thánh chiến ở trung tâm thành phố Mosul tan nát vì bom đạn. Ba năm sau ngày chiến thắng, giờ đây chiến binh Daesh chỉ còn kiểm soát khoảng một cây số vuông. 70% diện tích thành phố đã được giải phóng, theo lời một sĩ quan tình báo nói với AFP. Mosul sẽ thất thủ trong nay mai.

Trên lý thuyết, Daesh không thể nào đương cự lại sức mạnh áp đảo của liên quân quốc tế và quân đội Iraq. Thế nhưng, phe thánh chiến chấp nhận trận đánh. Chuyên gia Myriam Benraad phân tích :

Theo thẩm định của nhiều người, trận Mosul xem như đã được định đoạt từ nhiều tháng nay, từ tháng 10 năm 2016 khi chiến dịch tái chiếm bắt đầu.

Trước hết là tương quan lực lượng hoàn toàn bất lợi cho Daesh. Từ hàng chục ngàn chiến binh lúc ban đầu, sau đó lớp tử trận, lớp đào ngũ, lực lượng chống cự chỉ còn vài trăm ở Mosul.

Trong khi đó, phương tiện của Mỹ thì khỏi nói, quân đội Iraq được trang bị rất dồi dào.

Tuy nhiên, Daesh chứng tỏ họ có ý chí chống cự đến cùng. Quyết tâm buộc đối phương phải chấp nhận thiệt hại và gây thiệt hại cho thường dân. Daesh đánh canh bạc cuối cùng trong một "logic" mà họ đã làm ở các nơi khác, rất khủng khiếp trong quá khứ, như trận Falluja trong những năm đầu tiên. Do vậy chúng ta không ngạc nhiên với mức độ tàn phá của trận Mosul

Ẩn số hiện nay là chuyện gì sẽ xảy ra sau trận Mosul với thời hậu Daesh.

Còn theo nhà nghiên cứu chiến lược quân sự Stéphane Mantoux, chiến binh tử thủ tại Mosul là người Iraq theo hệ phái Sunni nhưng cán bộ nồng cốt toàn là người nước ngoài mà đa số đến từ Tchechenia. Đó là những kẻ kiên quyết nhất, chuẩn bị đánh đến cùng với mọi phương tiện, chiến thuật khó đối phó, với giao thông hào ngập xăng dầu và nhiều bất ngờ khác chờ binh sĩ Iraq :

Khu vực chung quanh dẫn đến đền thờ al-Nuri là những con đường nhỏ hẹp như mô tả. Chiến xa và xe bọc thép của quân đội Iraq tiến rất khó khăn. Lực lượng phản công phải đánh chiếm từng con đường, giành lại từng ngôi nhà. Chiến binh Daesh ẩn nấp trên các nóc nhà ném lựu đạn vào lính Iraq. Thêm vào đó, Daesh đã có thời giờ xây dựng một hệ thống đường hầm, địa đạo chằng chịt ở khu phố cổ để có thể di chuyển từ con đường này qua con đường khác mà không bị phát hiện, không bị oanh kích hay pháo kích. Họ cũng đục tường để có lối đi xuyên qua dãy phố này đến dãy phố khác mà không cần ra đường. Các tay súng thiện xạ của Daesh phục kích kẻ thù bằng các loại vũ khí tối tân nhất có thể bắn xuyên qua vỏ xe bọc thép. Gài mìn chống chiến xa trong các tòa nhà để diệt các toán quân tràn vào đánh chiếm.

Chiến binh Daesh còn được trang bị đủ loại súng tốt từ trung liên , đại liên cho đến súng chống tăng. Họ còn một loại "vũ khí" cực kỳ nguy hiểm là bom người.

Phát minh mới nhất và vô cùng lợi hại là gắn rocket trên xe bom, để từ xa, họ phá hủy các chướng ngại vật rồi cứ thế lao thẳng vào phòng tuyến kẻ thù.

Lực lượng Iraq còn gặp phải một trở ngại khác là không thể nào phân biệt ai là Daesh ai là thường dân. Daesh áp dụng chiến tranh du kích thành thị, trà trộn trong dân, sử dụng dân chúng như những tấm bia thịt chống không kích và bất ngờ tấn công vào binh sĩ đối phương trên bộ. Không phân biệt, không phát hiện được chiến binh Daesh, các đơn vị đặc nhiệm của Iraq không thể triển khai sở trường cận chiến.

Chuyên gia Myriam Benraad nhận định :

Vâng. Chúng ta thấy trong trận Falluja trước đây, khi bị bao vây tứ phía, chiến binh Daesh tẩu thoát bằng cách lẩn trốn trong hàng ngũ thường dân tị nạn chiến cuộc. Ở Mosul, cũng thế, một bộ phận lực lượng thánh chiến kéo đi bố trí ở nơi khác nhưng để lại những chiến binh tinh nhuệ nhất để tử thủ. Chiến binh Daesh để lại không phải là những kẻ tuyệt vọng mà là những tay súng kinh nghiệm trận mạc và liều chết.

Do đó, họ ở lại chiến trường không phải để đàm phán mà là để tử chiến. Phá đền thờ và tháp nghiêng lịch sử là một thái độ quyết liệt chứ không phải vì tuyệt vọng.

Hơn nữa, Daesh gài mìn khắp nơi trong thành phố gây khó khăn cho dân cư muốn hồi hương. Trở lại thành phố xưa là một ước mơ xa vời vì để dân chúng có thể phục hồi sinh hoạt hằng ngày thì phải dọn sạch mìn bẫy, từng căn nhà, từng con đường, tạo ra một môi trường an toàn trước khi dân hồi cư. Đây là một công việc cực kỳ khó khăn và tốn kém thời gian.

Kể từ khi chiến dịch tái chiếm Mosul khai diễn vào tháng 01/2017, ít nhất 500.000 ngàn dân chạy thoát và tạm trú ở các trại tị nạn, theo số liệu của Liên Hiệp Quốc. Trong số gần 200.000 người còn lại, bao nhiêu người đã chết hay bị Daesh giữ làm bia người.

Theo bản tin của AFP ngày 26/06/2017, lực lượng Iraq đã phải tạm ngưng tấn công để củng cố vòng vây sau khi bị Daesh bất ngờ phản kích. Ngày hôm trước, chiến binh Daesh theo chân dân tị nạn trở về nhà, xâm nhập vào Tanak và Yarmouk, hai khu vực đã được "giải phóng" nằm ngoài khu phố cổ. Thiệt hại của quân đội chính phủ không được loan báo.

Daesh đã chứng tỏ họ rất linh động trên chiến trường và thích nghi với từng đối thủ. Đánh nhau với quân đội Syria và không quân Nga, kém chính xác, họ phản ứng cách khác. Đương đầu với quân đội Iraq và hỏa lực hùng hậu của Hoa Kỳ, họ chiến đấu cách khác.

Tú Anh

Published in Quốc tế