Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Phim "Mulan" : Mưu sự tại Disney, thất bại tại Bắc Kinh

Cuộc bầu cử đầy hiểm nguy tại Mỹ, phe tả ở Mỹ mất mẹ, phụ nữ Belarus trên tuyến đầu cách mạng, tại Châu Á, tuổi trẻ Thái Lan tranh đấu cho một nền dân chủ theo mô hình Tây phương, Trung Quốc nhìn nhận mỗi năm có 1,3 triệu người Duy Ngô Nhĩ được đào tạo, giáo huấn, phim Mộc Lan không hấp dẫn khán giả Hoa Lục vì mang màu sắc tuyên truyền cho chế độ, Covid-19 tấn công đợt hai tại Châu Âu, là những chủ đề đập vào mắt trên báo Pháp hôm nay.

mulan1

Phim "Mulan" trình chiếu tại Hồng Kông ngày 16/09/2020.  Reuters – Tyrone Siu

Trước hết về thời sự Hoa Kỳ, trang nhất của Le Monde ghi hàng tựa lớn : Bầu tổng thống Mỹ, trận đấu ở Tối Cao Pháp Viện có thể huy động được cử tri Dân Chủ. Le Figaro dự báo : Trận đấu này là thế cờ quan trọng trong cuộc đua vào Nhà Trắng. La Croix nói rõ hơn : Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg qua đời tạo cho Donald Trump thế thượng phong.

Libération cũng cho rằng cái chết của vị thẩm phán cấp tiến làm cho cánh tả Mỹ mồ côi, phe Cộng hòa hối thúc Donald Trump cấp tốc bổ nhiệm một thẩm phán bảo thủ thay thế, cử tri Dân chủ rất xôn xao.

Vì sao có tình trạng căng thẳng này ở Tòa Án Tối Cao ? Les Echos gián tiếp trả lời với các bài báo : "Bầu cử đầy bất trắc bắt đầu tại một số bang", "Nguy cơ có bàn tay nước ngoài can thiệp" với "Hiểm nguy là kết quả không được hai bên công nhận". Nhật báo kinh tế cho biết thêm "FBI lo ngại xảy ra bạo động".

"Bắc Kinh chấp nhận thông tin 1,3 triệu người Duy Ngô Nhĩ đang được giáo huấn

Nhìn về Châu Á, thời sự liên quan đến Trung Quốc vẫn chiếm số một. Le Monde với bài : Bắc Kinh chấp nhận thông tin 1,3 triệu người Duy Ngô Nhĩ "đào tạo", từ trong ngoặc kép của Le Monde .

Sách trắng của Trung Quốc công bố hôm 17/09/2020 cho biết "Từ 2014 đến nay, mỗi năm có khoảng 1,29 triệu người Duy Ngô Nhĩ được tham gia học tập". Đa số "được bằng đào tạo chuyên môn, tìm được việc làm, nâng cao thu nhập cho gia đình".

Le Monde cũng đưa độc giả xuống nam Thái Bình Dương, nơi mà ảnh hưởng Trung Quốc rất mạnh, làm Salomon chia đôi. Một tỉnh của quốc đảo Salomon, là Malita, tính đến giải pháp ly khai để bảo vệ độc lập và tiếp tục bang giao với Đài Loan. Vào cuối Thế chiến thứ hai, Malita là chiếc nôi của phong trào tranh đấu chống thực dân Anh giành độc lập.

Phong trào sinh viên thanh niên Thái Lan tranh đấu cũng được hai nhật báo lớn chú ý. Le Monde với "cuộc nổi dậy chưa từng thấy của thanh niên Thái". Thế hệ trẻ không đòi cách mạng nhưng muốn cải cách chính trị để Thái Lan trở thành một quốc gia tân tiến, một chế độ quân chủ lập hiến theo mô hình dân chủ Tây Phương". Le Figaro xem đây là một cuộc "xung đột giữa thế hệ già thủ cựu với thế hệ trẻ trang bị ý thức chính trị dân chủ", trong bối cảnh "nguyên trạng" không thế tồn tại.

Để tránh xung đột đẫm máu, mỗi bên phải nhường nhau một bước, theo nhận định và kêu gọi của giáo sư Thitinan Pongsudhirak, đại học Chulalongkorn.

"Mộc Lan", chiến sĩ của Tập Cận Bình ?

Trang quốc tế của nhật báo thiên hữu đặc biệt nói đến cuốn phim "Mộc Lan" của hãng phim Mỹ Disney. Với tựa "Nỗ lực của Disney để chiều lòng Bắc Kinh biến thành thảm họa", Le Figaro giải thích : Cuốn phim, dựa theo một huyền thọai của Trung Hoa nhưng với kịch bản và đối thoại do Đảng cộng sản Trung Quốc kiểm soát với mục đích tuyên truyền đã gặp thất bại tại Hoa lục trong khi trên thế giới ngày càng có nhiều tiếng nói kêu gọi tẩy chay.

Thứ Sáu vừa qua, khản giả Trung Quốc khám phá trên màn ảnh lớn cuốn phim của Hollywood về một trong những anh thư nữ kiệt của Trung Hoa : Mộc Lan. Nhưng câu chuyện cô gái giả trai giải phóng khỏi tập tục truyền thống để thay cha bảo vệ đất nước, trong kịch bản 2020, biến thành một chiến sĩ dân tộc cực đoan, tuân thủ quyền lực tối thượng của một hoàng đế, chống những chiến binh da rám nắng từ hướng Tây, ám chỉ người Hồi, xăm lăng Trung Hoa. Câu chuyện sao mà giống diễn văn tuyên truyền của Đảng cộng sản Trung Quốc nhằm biện minh cho chính sách đàn áp sắc dân Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, ở phía tây Trung Quốc, bất kham đối với chính quyền Bắc Kinh. Đó là chưa kể tài tử đóng vai ông bố của Mộc Lan rất giống chủ tịch Tập Cận Bình.

Từ 10 năm nay, Trung Quốc khai thác Hollywood như là một công cụ để phát huy quyền lực mềm, tài trợ và quảng bá những kịch bản được chọn lọc kỹ. Để có thể xâm nhập thị trường 1,3 tỷ người, nhiều hãng phim nước ngoài phải tuân thủ các tiêu chuẩn của Trung Quốc, các yếu tố văn hóa, tập quán và nhất là nội dung chính trị. Mặt khác, qua hợp tác này, điện ảnh Trung Quốc còn học được kiến thức làm phim của Mỹ, Gillian Triệu, đại diện cho Warner Bros tại Hoa lục, xác nhận.

Theo Le Figaro, cho đến nay, sự kiểm soát của cơ quan tuyên truyền để sản xuất phim thường xuyên gặt lấy thất bại bởi vì khó có thể làm một cuốn phim tuyên truyền ăn khách. Loại phim này không làm hài lòng khán giả ngoại quốc đã đành, nó cũng không được yêu thích tại Hoa Lục bởi vì khán giả Trung Quốc không ưa những màn trình diễn ngu ngơ sáo rỗng. Hình ảnh Trung Quốc đưa vào phim còn nhằm để đi qua kiểm duyệt hơn là cần thiết cho kịch bản.

Phim Mộc Lan cũng thế, với sự đồng lõa của Disney, chính quyền Trung Quốc áp đặt tới cùng, đến mức mà nữ diễn viên chính là Lưu Diệc Phi (Liu Yi Fei) phải lên tiếng ủng hộ chính sách đàn áp tại Hồng Kông và một phần ngoại cảnh được quay gần một trại cải tạo ở Tân Cương.

Trong phần mở đầu, Disney còn cám ơn 8 cơ quan chính quyền Tân Cương trong đó có công an địa phương, lực lượng quản lý các trại cải tạo hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ.

Hệ quả là cuốn phim bị bài bác khắp nơi. Ở nước ngoài, đương nhiên, từ một năm nay, những lời kêu gọi tràn ngập internet từ Hồng Kông, Đông Nam Á cho đến Hoa Kỳ. Nhiều dân biểu Mỹ viết thư hỏi Disney giải thích về mối quan hệ với chính quyền Tân Cương.

Tại Hoa Lục, Mộc Lan cũng không thu hút được người xem. Một cư dân mạng, sau khi xem phim, cảnh báo : Nếu bạn tôn trọng lịch sử và văn hóa Trung Hoa thì đừng xem. Kho tàng lịch sử của chúng ta bị hư hại. Điều này làm tôi muốn bệnh".

Phản ứng của Bắc Kinh ra sao ? Theo Le Figaro, chính quyền Trung Quốc tuy chính họ phê chuẩn cuốn phim, lý giải gượng gạo : Phim thất bại vì thiếu hiểu biết về văn hóa Trung Quốc. Một nền văn hóa mà chính quyền Trung Quốc tham gia bóp méo, nhật báo thiên hữu kết luận.

Belarus, nhà nhà tranh đấu ?

Tranh đấu chính trị huy động toàn xã hội công dân Belarus với phụ nữ lên tuyến đầu. Đấu tranh cũng không giới hạn ở các cuộc biểu tình mà đã được củng cố ở từng khu phố. Đó là hai đặc điểm mà La Croix Le Monde tường thuật.

Phụ nữ Belarus đóng vai trò số một trong phong trào phản kháng chống chế độ và nay trở thành mục tiêu trấn áp của chính quyền. Nhật báo công giáo thuật lại cuộc biểu tình ngày Chủ nhật 20/09 cho dù hàng trăm phụ nữ bị bắt.

Theo phân tích của nhà xã hội học Ioulia Shukan, phụ nữ Belarus biết biểu dương thế mạnh của phái yếu, mặc y phục trắng, màu của đối lập, tuần hành và tặng hoa cho cảnh sát. Để làm gì, trong một xã hội còn nặng truyền thống, phụ nữ Belarus không đòi hỏi nữ quyền mà xuống đường vì tình trạng bất công làm cho họ phẫn nộ.

Le Monde, đưa độc giả đến một số khu phố không xa phủ tổng thống của Lukashenko với bài phóng sự "Cách mạng dưới chân cao ốc". Phong trào chống Lukashenko được tổ chức ngay từ khu phố, lan rộng ra, làm thay đổi mô hình xã hội.

Đó là một khuôn mặt khác của cuộc nỗi dậy chống chế độ bám trụ của Lukashenko, không hùng dũng như các cuộc xuống đường nhưng với những tấm vải mang màu cờ đối lập, những cuộc trao đổi, những buổi ăn chung của những người quen biết nhau sống gần nhau tạo ra một "khu đổi mới".

Một người dân giải thích : Chúng tôi sợ lắm chứ. Nhưng ôm nổi sợ ở trong nhà là coi như thua. Khu đổi mới nằm gần dinh tổng thống có được biệt danh này cũng nhờ hai Disc Jockey, Kirill Galanov và Vladislov Sokolovsky. Trong lúc đang để nhạc cho một cuộc mít-ting do chính quyền tổ chức, hai anh được một nhóm biểu tình đi ngang qua kêu gọi "xuống đường với chúng tôi đi hai bạn". Thế là hai chàng trẻ tuổi chơi liền bài hát Peremen (Đổi Mới). Hệ quả là cả hai đi tù 10 ngày và mất việc nhưng trở thành thần tượng của Minsk.

Liên Âu : Khi thành viên bắt chẹt nhau

Quyết định theo lối nhất trí của Liên Hiệp Châu Âu một lần nữa có nguy cơ làm hại uy tín của Bruxelles trên ít nhất hai hồ sơ quốc tế : trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ và Belarus.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Liên Hiệp Châu Âu không đạt được đồng thuận trước ngày họp của Hội Đồng Châu Âu 24/09 ? Đảo Cyprus từ chối biểu quyết trừng phạt Belarus nếu Liên Âu không trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ. Theo Le Monde, đại diện ngoại giao Joseph Borrell kêu gọi 27 thành viên thông qua biện pháp trừng phạt chính quyền Lukashenko trước ngày 24 nếu không, uy tín Châu Âu sẽ bị tổn hại. Việc trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ cũng nằm trong chương trình nghị sự, và đảo Cyprus, bị Ankara tranh chấp lãnh thổ không bỏ lỡ cơ hội bắt chẹt các thành viên khác.

Hồ sơ thứ hai là hiệp định thương mại Liên Âu với bốn nước Châu Mỹ Latinh Mercosur (Argentina, Brazil, Paraguay và Uruguay). Lần này, Pháp là nước gây khó khăn. Paris viện lý do không có điều khoản bảo vệ rừng và môi trường. Les Echos cho biết thêm, hai tổ chức sinh thái tại Pháp kêu gọi tổng thống Macron bỏ dự thảo hiệp định tự do mậu dịch này.

Về thời sự vùng Vịnh, La Croix tìm hiểu vì sao Washington muốn tái lập trừng phạt Iran, chống lại Liên Hiệp Quốc ? Với nhận định "Trung Đông bình thường hóa không hòa bình" nhật báo công giáo giải thích :

Thứ nhất, Donald Trump đã tạo được một liên minh Ả Rập-Israel chống Iran. Hệ quả là có người đề nghị giải Nobel Hòa Bình. Thứ hai là nhân mùa bầu cử, Donald Trump khai thác thành công này để lấy phiếu.

Hồ sơ Covid-19 tiếp tục làm nhức óc chính phủ Pháp. Tựa lớn của Le Figaro. Hành pháp đi dây giữa nguy cơ đóng cửa trường với giảm nhẹ thủ tục vệ sinh dịch tễ. Vào lúc số lớp học đóng cửa gia tăng, Bộ Giáo dục dựa vào ý kiến của Thượng Hội Đồng Y Tế công cộng để ban hành biện pháp cho phép học sinh bỏ khẩu trang.

Thủ đô Madrid của Tây Ban Nha trở thành "tâm dịch" của Châu Âu cũng là một vấn đề gây lo ngại.

Trong lãnh vực thế thao, sự kiện nổi bật nhất là vận động viên Slovenia 21 tuổi đoạt áo vàng Vòng đua xe đạp nước Pháp. Tên của người hùng : Tadej Pogacar

Tú Anh

Additional Info

  • Author RFI tiếng Việt
Published in Quốc tế

Ghét Trung Quốc, từ sản phẩm Mỹ

Tuấn Khanh, RFA, 05/09/2020

Sau Việt Nam, đến Hồng Kông, Thái, Đài Loan... cũng bắt đầu vào chiến dịch tẩy chay phim Mulan và diễn viên Lưu Diệc Phi.

mulan1

Lưu Diệc Phi, nữ diễn viên trong vai Mulan (Mộc Lan)

Hãng phim Disney định làm lớn trong năm nay về phim Mulan, với kế hoạch đặc biệt khi có dịch covid-19 diễn ra. Từ tháng Ba, hãng này dự định cho trình chiếu bán vé online, như một cuộc cách mạng về điện ảnh trực tuyến. Thế nhưng đại tác phẩm điện ảnh mang câu chuyện kể Trung Quốc đã vấp phải vô số điều xui rủi.

Nguyên do của cuộc tẩy chay đang lan rộng ở nhiều quốc gia như Thái Lan, Đài Loan, Hồng Kông… bởi diễn viên Lưu Diệc Phi trước đó đã cho đăng một thông điệp trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc, có nội dung bằng tiếng Anh là : "I also support Hong Kong police. You can beat me up now" (tạm dịch : Tôi cũng ủng hộ cảnh sát Hồng Kông đó. Có ngon thì đánh tôi đi"). Đã vậy, cô ta còn thêm "What a shame for Hong Kong". (Thật là xấu hổ cho mảnh đất Hồng Kông).

Tin nhắn này của Lưu Diệc Phi xuất hiện, sau khi có những người đấu tranh đòi dân chủ ở Hồng Kông bị cảnh sát đánh đập, và trên mạng xuất hiện những lời tố cáo.

Ở Trung Quốc từ khoảng một thập niên nay, đã lộ diện một loạt những diễn viên điện ảnh hay ca sĩ luôn lớn tiếng phát ngôn để tìm sự yểm trợ của Nhà nước cộng sản Trung Quốc. Bất chấp các chính sách của Bắc Kinh có thể gây phản ứng trên toàn cầu, những diễn viên này luôn ra mặt ủng hộ, như một cách để giành thị phần.

Hashtag tẩy chay him Mulan ngày một phổ biến ở các quốc gia Châu Á gần Trung Quốc như Thái Lan, Đài Loan, Hồng Kông, và cả Việt Nam là #boycottmulan hay #banmulan.

Trong cuộc chiến đấu của mình, giới trẻ ở Hồng Kông đã biết giỏi liên kết với giới trẻ của các quốc gia khác. Một liên minh được thành lập có tên Hong Kong-Thailand-Taiwan network (Milk Tea Alliance), đã có lời hứa yểm trợ qua lại cho nhau. Chẳng hạn ở Thái, những hashtag như vậy dễ dàng được tìm thấy trên các tấm bảng quảng cáo của những tiệm bán trà sữa.

Năm ngoái, bộ phim này dự định trình chiếu ở Việt Nam đã gặp phản ứng dữ dội của khán giả mọi tầng lớp. Chiến dịch đòi tẩy chay Mulan đã diễn ra khi ngay có những phút phim quảng cáo đầu tiên. Lý do là diễn viên Lưu Diệc Phi (Liu Yifei) đóng vai chính trong phim này là người luôn nhiệt tình quảng bá cho đường lưỡi bò của Trung Quốc. Cuối cùng dự định cho xuất hiện phim Mulan tại Việt Nam đã bị hủy bỏ.

Sau sự kiện Lưu Diệc Phi và kể cả việc Thành Long (Jacky Chan) phải hủy bỏ chuyến thăm Việt Nam với ý nghĩa đại sứ từ thiện, với giới phát hành phim Việt Nam cũng như ở nước ngoài đều có ghi chú riêng về thị trường : nơi đây không còn dễ làm ăn với các ngôi sao Trung Quốc có khuynh hướng ủng hộ chính quyền Bắc Kinh.

Tuấn Khanh

Nguồn : RFA, 05/09/2020 (tuankhanh's blog)

Tham khảo thêm : https://bit.ly/2QZF0dO

**********************

Vì sao Joshua Wong và giới đấu tranh Thái chống phim Mộc Lan ?

BBC, 04/09/2020

Phim Mộc Lan, do hãng Mỹ Disney chuyển thể từ phim hoạt hình cùng tên (Mulan), đang gặp kêu gọi tẩy chay ở vài nước Á Châu.

mulan2

Diễn viên chính của phim, cô Lưu Diệc Phi, năm ngoái làm nhiều fan giận dữ vì cô lên tiếng ủng hộ cảnh sát Hong Kong trong lúc họ bị tố cáo có bạo lực với người biểu tình đòi dân chủ.

Giờ đây có những nhà hoạt động Thái Lan và Đài Loan lại kêu gọi khán giả không xem phim.

Gần đây ở Hong Kong, Luật an ninh quốc gia mới [còn được gọi là Luật Chống biểu tình] nhắm vào sự ly khai, lật đổ và khủng bố với những hình phạt lên đến tù chung thân.

Luật có hiệu lực vào 30/6, được Bắc Kinh đưa ra sau khi tình trạng bất ổn ngày càng gia tăng và phong trào dân chủ ngày càng lan rộng.

Nay nhà hoạt động Joshua Wong (Hoàng Chi Phong) đang kêu gọi những ai "tin vào nhân quyền" thì hãy tẩy chay phim Mộc Lan (Mulan).

Joshua Wong cáo buộc hãng phim Disney "cúi đầu trước Bắc Kinh".

Đáng quan tâm là tháng rồi chính bộ trưởng tư pháp Mỹ William Barr cũng nói Disney và nhiều hãng phim Hollywood đã "cúi đầu trước Bắc Kinh" khi kiểm duyệt phim ảnh để có thể phát hành ở Trung Quốc, thị trường phim thứ hai thế giới.

Bản đầu của Mulan năm 1998 thất bại ở chính Trung Quốc, và Disney hy vọng bản mới sẽ thành công hơn.

Bộ phim được quay một phần tại Trung Quốc, kịch bản cũng bám sát hơn vào truyện gốc thế kỷ thứ Sáu.

mulan3

Diễn viên chính của phim, cô Lưu Diệc Phi

Nhân vật Mộc Lan là nữ anh hùng chiến đấu cho lẽ phải.

Vì thế nhiều người biểu tình ở Hong Kong cũng xem cô là biểu tượng đấu tranh của họ.

Tháng rồi khi nhà hoạt động Agnes Chow bị tạm giữ, người ủng hộ gọi cô là "Mộc Lan thực thụ".

Hiện nay tại Thái Lan cũng xảy ra biểu tình của hàng ngàn người đòi chính phủ quân sự thay đổi.

Phong trào sinh viên này muốn thay đổi hiến pháp, bầu cử mới, đòi thủ tướng từ chức.

Họ cũng chống Trung Quốc vì lo ngại ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Người biểu tình ở Hong Kong, Đài Loan và Thái Lan gọi nhau là liên minh trà sữa "#MilkTeaAlliance", ám chỉ thức uống nổi danh trong vùng.

Sinh viên Thái Netiwit Chotiphatphaisal đã dùng Twitter để kêu gọi khán giả không xem phim Mộc Lan để "Disney và chính phủ Trung Quốc biết rằng bạo lực nhà nước chống nhân dân là không thể chấp nhận".

Do dịch Covid-19, phim Mộc Lan đã không thể ra rạp mà phải chiếu trên mạng Disney Plus.

Một thăm dò trên mạng Trung Quốc Weibo, khi trailer của phim mới ra, cho thấy 115.000 người "thỏa mãn" với những gì họ biết về phim.

"Trung Quốc rốt cuộc đã có công chúa Disney", một người bình luận.

Published in Diễn đàn