Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Biden gọi Putin là "đồ tể" "không thể giữ quyền", Nhà Trắng phải "chữa cháy"

Thu Hằng, RFI, 27/03/2022

Bài diễn văn của tổng thống Mỹ đọc tại lâu đài hoàng gia Warszawa, Ba Lan, chiều 26/03/2022 được đánh giá là "lịch sử". Trước khoảng 1.000 người tham dự, ông Joe Biden công kích gay gắt đồng nhiệm Nga, cáo buộc ông Putin là người chịu trách nhiệm về những tội ác tàn bạo tại Ukraine.

biden1

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại lâu đài Hoàng Gia, Warszawa, Ba Lan ngày 26/03/2022.  © Reuters

Nguyên thủ Mỹ gọi đồng nhiệm Nga là "đồ tể" trong bối cảnh chiến tranh tại Ukraine do Nga phát động đã khiến ít nhất 10.000 người chết, gồm cả quân và dân ở cả hai bên trong hơn một tháng, trước khi kết luận "người đàn ông này không thể tiếp tục nắm quyền".

Ngoài ra, ông Joe Biden đánh giá cuộc chiến ở Ukraine là "thất bại chiến lược" của Moskva, đồng thời cảnh báo chính quyền Nga "đừng nghĩ đến việc tiến một centimet nào vào lãnh thổ của NATO". "Cam kết chặt chẽ" của Washington về nguyên tắc phòng thủ chung với các nước thành viên NATO cũng được ông Biden nhấn mạnh trong cuộc họp với đồng nhiệm Ba Lan Andrzej Duda.

Ngay sau những lời chỉ trích của ông Biden nhắm trực tiếp tổng thống Nga, Nhà Trắng đã phải "chữa cháy" với giải thích nguyên thủ Mỹ "không nói đến quyền lực của ông Putin ở Nga, cũng như thay đổi chế độ". "Điều mà tổng thống (Mỹ) muốn nói, đó là ông Putin không được phép thể hiện quyền lực đối với các nước láng giềng và trong vùng".

Ông Dmitri Peskov, phát ngôn viên của điện Kremlin, ngay lập tức kêu gọi ông Biden "suy nghĩ kỹ" trong các phát biểu vì "những lời xúc phạm cá nhân theo kiểu này luôn làm giảm bớt cơ hội trong quan hệ song phương (của Nga) với chính phủ Mỹ hiện nay".

Tương tự với chính quyền Kiev, tổng thống Mỹ "không tin" là các mục tiêu của Nga đã thay đổi sau khi Moskva tuyên bố tập trung lực lượng "giải phóng" vùng Donbass ở miền đông Ukraine thay vì "phi quân sự và phi phát xít hóa Ukraine". Đây là lý do để Nga mở chiến dịch tấn công nước láng giềng ngày 24/02.

Thu Hằng

***********************

Tại Ba Lan, tổng thống Mỹ kêu gọi "thế giới tự do" chống lại Putin

Thu Hằng, RFI, 26/03/2022

Trong ngày công du thứ hai Ba Lan, tổng thống Mỹ Joe Biden dự buổi họp giữa hai bộ trưởng Quốc Phòng và Ngoại Giao Mỹ và Ukraine sáng 26/03/2022. Đây là cuộc gặp đầu tiên của Joe Biden với các quan chức cấp cao Ukraine kể từ cuộc xâm lăng của Nga.

biden2

Thăm lính Mỹ tại Ba Lan, Joe Biden nói "các bạn đang trong lòng cuộc chiến giữa dân chủ và độc tài". Ảnh chụp ngày 25/03/2022.  AP - Evan Vucci

Chiều cùng ngày, ông Biden đọc bài diễn văn trước cung điện hoàng gia Warszawa để kêu gọi "thế giới tự do" chống Nga xâm lược Ukraine, cũng như kêu gọi các nền kinh tế lớn ngăn cản tổng thống Putin.

Theo AFP, ông Biden đã đến thăm quân nhân Mỹ của sư đoàn 87 không vận đóng ở phía đông nam Ba Lan chiều 25/03. Ông ca ngợi vai trò "trung tâm" của lực lượng này "trong cuộc chiến giữa các nền dân chủ và các nhà độc tài". Nguyên thủ quốc gia Mỹ cũng ca ngợi lòng dũng cảm của người dân Ukraine, khiến ông nhớ lại sự kiện Thiên An Môn năm 1989, đồng thời tái khẳng định tổng thống Nga là "một tội phạm chiến tranh".

Người tị nạn Ukraine muốn Biden giao thêm vũ khí và đóng không phận

Ba Lan hiện tiếp đón khoảng 2 triệu người tị nạn Ukraine. Hàng nghìn trong số này đã tập trung chiều 25/03 gần khách sạn của tổng thống Mỹ để yêu cầu có thêm biện pháp chống Nga.

Đặc phái viên RFI Simon Rozé tường thuật từ Warszawa :

""Đóng cửa không phận", đoàn người biểu tình đồng thanh hô vang khẩu hiệu trên. Vài nghìn người tị nạn Ukraine có chung yêu cầu lập vùng cấm bay trên không phận nước họ. Đây là thông điệp gửi trực tiếp đến ông Joe Biden, đang ở khách sạn chỉ cách đó vài trăm mét. Bà Daria Kariniuk, phải bỏ chạy khỏi Kiev, phát biểu nhiều lần.

Bà nói : "Trước hết, tôi xin chân thành cảm ơn người dân Ba Lan. Nhưng tôi cũng muốn nói rằng tất cả những người Ukraine có mặt tại đây đều muốn trở về nhà. Để có được điều đó, chúng tôi phải thắng trận. Cách duy nhất để giành chiến thắng là phải có thêm vũ khí.

Tổng thống Biden đang ở Ba Lan. Ông ấy sẽ nói chuyện với người tị nạn. Nhưng chúng tôi không muốn ông ấy nói về người tị nạn. Chúng tôi cũng không muốn ông ấy nói về vũ khí, mà muốn ông ấy giao vũ khí và đóng không phận để bom của Nga không dội xuống Ukraine. Chúng tôi cần có các phương tiện để làm điều đó, chúng tôi không thể tự tay làm được. Chúng tôi có quân đội tốt nhất, phi công thiện chiến nhất, chúng tôi chỉ cần thêm các hệ thống phòng không".

Được trực tiếp nêu tên, ông Joe Biden sẽ có cơ hội trả lời vào thứ Bảy này (26/03). Chiều nay, trước cung điện hoàng gia Warszawa, tổng thống Mỹ đọc một bài diễn văn mà Nhà Trắng cho là mang tính đột phá".

Thu Hằng

**********************

Chiến tranh Ukraine : Thổ Nhĩ Kỳ gạt khả năng trừng phạt các tài phiệt Nga

Minh Anh, RFI, 27/03/2022

Dưới áp lực các đòn trừng phạt phương Tây ngay từ đầu cuộc chiến Ukraine, các nhà tài phiệt Nga tìm kiếm các điểm đến mới để cất giấu tài sản và cho các khoản đầu tư. Thổ Nhĩ Kỳ, tuy hậu thuẫn Ukraine nhưng từ chối trừng phạt Nga. Hôm 26/03/2022, ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, xác nhận nước này có thể đón nhận những nhà tài phiệt đó nhưng cũng đặt ra một số điều kiện.

biden3

Du thuyền Solaris của tỷ phú Nga Roman Abramovich neo đậu tại cảng biển Bodrum, Tây Nam Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 22/03/2022.  Reuters – Yoruk Isik

Từ Istanbul, thông tín viên đài RFI, Anne Andlauer giải thích :

"Để biện minh cho việc từ chối tham gia các loạt trừng phạt của phương Tây chống lại Nga, Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh đến các lợi ích kinh tế của mình : Sự phụ thuộc của họ trong nhiều lĩnh vực nhập khẩu từ Nga, đặc biệt là khí đốt – vào thời điểm nước này đang bị lạm phát ở mức hơn 50% trong một năm.

Nhưng các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, tuy không nói thẳng ra, cũng cân nhắc rằng kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ có thể hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng giữa Nga và các cường quốc phương Tây. Tại Diễn đàn Doha, ở Qatar, khi bị chất vấn về vấn đề các nhà tài phiệt Nga, ngoại trưởng Mevlüt Çavuşoglu bảo đảm rằng những người đó có thể "đến" Thổ Nhĩ Kỳ và "làm ăn" ở đó chừng nào các hoạt động của họ vẫn "hợp pháp và không đi ngược với luật pháp quốc tế".

Kể từ đầu cuộc chiến tại Ukraine, nhiều nhà tỷ phú Nga – trong đó có Roman Abramovich, một người thân cận của ông Vladimir Putin – đã đưa các chiếc du thuyền sang trọng của họ đến ẩn náu tại những vùng biển Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi các chiếc phi cơ riêng thì quá cảnh ở sân bay Istanbul.

Hôm thứ Sáu, 25/3, tổng thống Recep Tayyip Erdogan – dù không nói đến các nhà tài phiệt – nhưng giải thích rằng ông sẽ "không đóng cửa" với những ai muốn Thổ Nhĩ Kỳ là "bến đỗ" cho nguồn vốn của họ".

Cũng trong ngày hôm qua, ngoại trưởng Anh, bà Liz Truss tuyên bố, các biện pháp trừng phạt do Luân Đôn đưa ra nhắm vào Nga kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược có thể sẽ được dỡ bỏ nếu Moskva cam kết tuân thủ lệnh ngưng bắn toàn diện và rút các đạo quân của mình.

Minh Anh

*********************

Người Nga vượt biên Mexico xin tị nạn ở Mỹ

Thu Hằng, RFI, 26/03/2022

Ngay khi Moskva khai chiến ở Ukraine, rất nhiều người Nga đã tìm đường trốn chế độ Vladimir Putin và để tránh bị trấn áp do chỉ trích hoặc phản đối chiến tranh. Ngoài tuyến đường sắt "Allegro" nối Saint-Peterburg với Helsinki (Phần Lan), nhiều người đã đi xa hơn, sang tận Mexico để từ đó xin tị nạn tại Mỹ.

biden4

Tijuana, biên giới Mỹ và Mexico. Một bà mẹ Nga bồng con đi di tản vì chiến tranh Ukraine. Ảnh chụp ngày 17/03/2022. AP - Gregory Bull

Những người mang quốc tịch Nga không cần visa để vào Mexico và có thể ở lại đây 6 tháng. Những người Nga đầu tiên đã đến Tijuana, thành phố sát biên giới với Mỹ, vào khoảng mùa hè 2021 và ngày càng có nhiều người Nga đến khu vực này. Chỉ riêng từ tháng 08/2021 đến tháng 01/2022 đã có hơn 8.600 người Nga xin tị nạn ở Mỹ.

Thông tín viên RFI Gwendolina Duval tường trình từ Tijuana ngày 25/03/2022 :

"Tất cả những người đến đây là để đi sang Mỹ và để có thể xin quy chế tị nạn. Vì những người Nga rời nước đến Mexico là những nhà đối lập chính trị với tổng thống Putin, nhà báo hoặc chủ doanh nghiệp. Vì thế, như mọi di dân khác đi qua ngả Tijuana, họ hy vọng vượt biên để vào lãnh thổ Mỹ xin tị nạn.

Trái với những người mang quốc tịch khác ở khu vực biên giới, người Nga thường là những người xuất thân từ tầng lớp xã hội cao hơn, nên có khả năng tài chính lớn hơn. Họ không sống trong những khu dành cho di dân mà ở khách sạn. Thậm chí một số người mua hoặc thuê xe ô tô ở Mexico để tăng thêm cơ may vượt biên sang được Mỹ.

Tuy nhiên, họ thường bị chặn trước khi sang được bên kia biên giới. Còn khi bị phía Mỹ bắt được thì họ sẽ bị trả về Mexico. Thực ra, đây là quy định chung đối với tất cả các di dân, không phân biệt quốc tịch. Biện pháp này nằm trong điều 42 đang hiện hành, liên quan đến dịch tễ, do tổng thống Donald Trump ban hành cách đây hai năm.

Quy định này cấm mọi di dân vào lãnh thổ Mỹ để xin tị nạn. Chỉ có người Ukraine hiện được miễn quy định này từ vài ngày nay vì lý do nhân đạo do xung đột. Đây là trường hợp đặc biệt duy nhất, mọi di dân khác không được hưởng ưu đãi đó. Bất chấp phản đối của khoảng 30 người vào tuần trước ở đồn biên phòng San Ysidro, người Nga bị đối xử như khoảng 2 triệu người nhập cư khác, bất kể quốc tịch Mexico, Nam Mỹ hay Haiti, bị chính quyền Mỹ trả về Mexico trong năm ngoái".

Washington : Mexico là một ổ gián điệp Nga

Mexico bị Mỹ tố cáo là nước có số gián điệp Nga đông nhất trên thế giới trong giai đoạn chiến tranh Ukraine. Theo phát biểu ngày 24/03 của tướng Glen VanHerck, tư lệnh quân khu bao gồm Hoa Kỳ, Canada, Mexico và Bahamas, đội ngũ này hoạt động "rất hung hăng và năng nổ""theo dõi sát" khả năng gây "ảnh hưởng" trong khu vực và bất lợi cho Mỹ.

Sáng 25/03, khẳng định không có thông tin về việc gián điệp Nga hoạt động đông đảo ở Mexico, tổng thống Obrador nhấn mạnh : "Mexico là một nước tự do, độc lập, có chủ quyền, chúng tôi không phải là thuộc địa của Nga hay Trung Quốc và Mỹ".

Thu Hằng

Published in Quốc tế