Hội nghị cấp cao Mỹ-Trung bàn về Bắc Triều Tiên (RFI, 21/06/2017)
Bắc Triều Tiên là chủ đề chính trong cuộc gặp cấp cao Mỹ-Trung hôm nay 21/06/2017. Ngoại trưởng và tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc được tiếp đón tại Washington, hai ngày sau cái chết của sinh viên Otto Warmbier, sinh viên Mỹ vừa được Bình Nhưỡng trả về.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (T) và đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị (Wang Yi) bên lề hội nghị G20, Bonn, Đức, ngày 17/02/2017. © REUTERS/Brendan Smialowski/Pool
Tổng thống Donald Trump dường như đã mất hẳn niềm tin vào khả năng Bắc Kinh ngăn chận được cuộc chạy đua vũ khí nguyên tử của Bắc Triều Tiên. Ông viết trên Twitter : "Tôi hoan nghênh nỗ lực của chủ tịch Tập Cận Bình và Trung Quốc về Bắc Triều Tiên, nhưng đã không mang lại kết quả. Ít nhất tôi cũng biết rằng Trung Quốc đã có cố gắng".
Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI Heike Schmidt phân tích :
"Tin Twitter này của ông Donald Trump là một cái tát đối với người đồng nhiệm Trung Quốc. Tập Cận Bình biết quá rõ : tất cả các cố gắng nhằm kìm hãm bớt nhà độc tài Bắc Triều Tiên Kim Jong-un đều thất bại.
Từ tháng Hai, Trung Quốc nói rằng đã ngưng toàn bộ việc nhập khẩu than đá, khiến Bình Nhưỡng mất đi 40% thu nhập. Tuy vậy, việc trừng phạt này không làm chế độ Bắc Triều Tiên phải lùi bước, và Bắc Kinh thì vẫn tiếp tục cung cấp nhiên liệu cho Bình Nhưỡng.
Còn các sáng kiến Ngoại giao lại rơi vào tai của một người điếc. Tháng Ba vừa rồi, ngoại trưởng Vương Nghị đã đề nghị cho đóng băng các chương trình nguyên tử và hỏa tiễn đạn đạo Bắc Triều Tiên, đổi lấy việc ngưng các cuộc tập trận giữa Hoa Kỳ và Hàn Quốc. Một đề nghị "phải chăng" theo phía Bắc Kinh, nhưng Bình Nhưỡng đã làm ngơ.
Có lẽ đó là do Trung Quốc chưa đặt toàn bộ sức nặng lên bàn cân. Nỗi sợ diễn ra cảnh hỗn loạn ngay sát biên giới là quá lớn. Hiện có 28.000 lính Mỹ trú đóng tại Hàn Quốc, và trong trường hợp xảy ra xung đột, Trung Quốc vốn có hiệp ước hỗ tương quân sự với Bắc Triều Tiên, buộc lòng phải cứu giúp nước láng giềng".
Tổng thống Mỹ Donald Trump coi hồ sơ nguyên tử Bắc Triều Tiên là ưu tiên hàng đầu, nên đã chấp nhận gác qua một bên vấn đề thâm hụt thương mại, để mong Bắc Kinh giúp gây áp lực lên Bình Nhưỡng. Nay bà Susan Thornton, thứ trưởng phụ trách Châu Á-Thái Bình Dương tuyên bố : "Chúng tôi không chờ đợi vấn đề này được giải quyết hôm nay, nhưng hy vọng sẽ có những tiến triển về các mặt khác, như biện pháp tạo lòng tin giữa hai quân đội".
Theo AFP, tình hình căng thẳng tại Biển Đông tiếp tục là mối quan ngại lớn của Hoa Kỳ và các đồng minh trong khu vực, trước việc Bắc Kinh giương móng vuốt tại vùng biển chiến lược này.
Tướng Joseph Dunford, tổng tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, hôm thứ Hai tuyên bố, Lầu Năm Góc sẽ duy trì các đường dây liên lạc với Trung Quốc để phòng tránh mọi leo thang tại Biển Đông.
Thụy My
*********************
Cái chết của Warmbier buộc Mỹ phải mạnh tay hơn với Bình Nhưỡng (RFI, 21/06/2017)
Chỉ vài ngày sau khi được Bắc Triều Tiên trả tự do và được đưa về nước trong tình trạng hôn mê, sinh viên Mỹ Otto Warmbier đã qua đời ngày 19/06/2017. Đối với nhiều dân biểu Hoa Kỳ, cái chết của sinh viên này là một vụ "sát nhân" và mọi con mắt đang đổ dồn về Nhà Trắng để xem chính quyền tổng thống Donald Trump sẽ đáp trả chế độ Bình Nhưỡng như thế nào.
Otto Warmbier trong cuộc họp báo tại Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên, tháng 02/2016 - REUTERS/Kyodo
Phản ứng về cái chết của sinh viên Warmbier, tổng thống Trump hôm qua đã lên án mạnh mẽ chính quyền Bắc Triều Tiên là một "chế độ tàn bạo". Ngoại trưởng Rex Tillerson thì tuyên bố Hoa Kỳ sẽ buộc Bắc Triều Tiên chịu trách nhiệm về việc "giam cầm phi lý" sinh viên Warmbier và ông yêu cầu Bình Nhưỡng trả tự do cho 3 công dân Mỹ khác.
Nhưng một số nghị sĩ đòi chính quyền Trump phải có hành động đáp trả mạnh mẽ và dứt khoát với Bình Nhưỡng. Thượng nghị sĩ Cộng Hòa bang Texas Ted Cruz đã tuyên bố : " Chế độ Bắc Triều Tiên sai lầm khi nghĩ rằng cách họ đối xử man rợ một công dân Mỹ bị giam cầm trong điều kiện tồi tệ trong suốt một năm sẽ được để yên". Còn thượng nghị sĩ John McCain thì cho rằng Hoa Kỳ " không thể và không nên dung thứ việc các quốc gia thù nghịch giết hại công dân Mỹ".
Thật ra thì trước khi sinh viên Warmbier được trả về trong tình trạng hôn mê, gây sốc mạnh cho dư luận Mỹ, Washington đã cân nhắc nhiều phương án để ngăn chận một nước Bắc Triều Tiên ngày càng hiếu chiến. Đặc biệt với việc Bình Nhưỡng liên tục bắn thử tên lửa, đe dọa Hoa Kỳ và các đồng minh khu vực, chính quyền Trump đã nhờ đến sự trợ giúp của Trung Quốc.
Nhưng hôm qua, tổng thống Trump đã tỏ cho thấy là Mỹ sẵn sàng hành động một mình, khi ông viết trên mạng xã hội Twitter : " Tôi đánh giá rất cao những nỗ lực của chủ tịch Tập Cận Bình và Trung Quốc để giúp giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên, nhưng những nỗ lực đó đã không đạt kết quả".
Cho tới nay, Hoa Kỳ và các nước khác chủ yếu dùng các biện pháp trừng phạt kinh tế để gây áp lực lên Bình Nhưỡng. Chưa biết là sau cái chết của sinh viên Warmbier, Mỹ sẽ đề ra những biện pháp nào khác. Trước mắt, Washington hôm qua đã điều hai oanh tạc cơ siêu thanh bay đến không phận bán đảo Triều Tiên như là một hình thức "biểu dương lực lượng". Có điều, Hoa Kỳ sẽ khó có một hành động quân sự, vì động thái này dẫn đến chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, với những hậu quả khó lường trước đối với các nước trong khu vực, đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc. Chính quyền Trump chỉ có thể ban hành các biện pháp trừng phạt kinh tế nặng nề hơn, hoặc dọa đưa Bắc Triều Tiên trở lại danh sách các quốc gia yểm trợ khủng bố, hoặc ban hành lệnh cấm công dân Mỹ du lịch đến Bắc Triều Tiên.
Có điều, mạnh tay hơn với Bình Nhưỡng chắc chắn là gây nguy hại cho 3 công dân Mỹ còn bị giam cầm ở Bắc Triều Tiên, vì không loại trừ khả năng chế độ Kim Jong-Un sẽ trả đũa. Tóm lại, trước một quốc gia bất chấp luật pháp như Bắc Triều Tiên, Hoa Kỳ khó có thể làm gì khác hơn, cho dù dư luận nước này có phẫn nộ đến đâu về cái chết của sinh viên Warmbier.
Thanh Phương
The Straits Times ngày 7/1/2017 có bài bình luận về chính sách đối ngoại của Singapore, đặc biệt là quan hệ với hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc, trước bối cảnh có sự thay đổi lớn trong đời sống chính trị tại Mỹ. Tờ báo Singapore đã nêu vấn đề : phải chăng đã đến lúc Singapore chủ động rời xa tầm ảnh hưởng của Mỹ ?
"Đây là thời điểm thích hợp cho Singapore – giống như Philippines - vạch ra một lộ trình mới, một hướng đi mới trong chính sách đối ngoại của mình. Chính sách đối ngoại hiện nay của Singapore chỉ còn phù hợp với cảm xúc của những người hoài cổ, còn với tương lai thì cần phải tỉnh táo – trái tim chỉ dành cho quá khứ, còn khối óc thì phải dành cho tương lai".
Có thể thấy rằng, Singapore là một trong những trụ móng quan trọng nhất đối với Mỹ khi xoay trục đối ngoại về Châu Á – Thái Bình Dương, bởi đảo quốc sư tử này được xem là nơi thể hiện sự đối trọng về lợi thế cũng như lợi ích của hai cường quốc Trung – Mỹ tại địa bàn chiến lược mới của Washington.
Singapore luôn bị xem là gần Mỹ hơn gần Trung, vì vậy khi chính sách đối ngoại của Singapore thay đổi theo chiều hướng ngược lại thì có thể nhận diện việc xoay trục của Washington đã thất bại. Bởi lẽ "móng cũ đã nhổ mà móng mới không xây được" thì Washington mất cả thế và lực khiến cho đối thủ có thể vô hiệu hóa các nước đi của mình. Có chủ quan quá không ?
Sai lầm không thể sửa chữa của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á thời hậu Chiến tranh Lạnh
Có thể thấy rằng, sau khi người Pháp và người Anh rút khỏi khu vực Đông Nam Á thời hậu Thế chiến II, người Mỹ đã có một sự thay thế hoàn hảo tại khu vực này. Đỉnh cao ảnh hưởng của Mỹ tại Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương là trong những năm 1960 của thế kỷ 20. Nhiều hiệp định được ký kết đã tạo ra những quan hệ đồng minh quan trọng, đối tác chiến lược giữa Mỹ với nhiều quốc gia trong khu vực.
Từ Thái Lan, Phillipines đến New Zealand, Australia đã một thời là đồng minh không thể thiếu của Mỹ khi hiện thực hóa đối trọng với ảnh hưởng của Liên Xô và Trung Quốc tại đây. Và chính điều đó đã tạo ra địa chính trị định hình cho chiến lược đối ngoại của các quốc gia tại Đông Nam Á, trong đó có Singapore.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long có chuyến thăm chính thức Mỹ vào tháng 8/2016, sau 31 năm của người đứng đầu chính phủ Singapore tới xứ cờ hoa.
Singapore chọn đường lối đối ngoại độc lập ngay sau khi thành lập vào năm 1965, mà cụ thể là tham gia Phong trào Không liên kết để đảm bảo tính trung lập của mình trong thời Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, Singapore đã chọn kết nối ngoại giao ngay với Hoa Kỳ, song lại là thành viên cuối cùng trong ASEAN thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc vào tháng 10/1990.
Do vậy, cho dù tiêu chí làm bạn với tất cả các quốc gia luôn được xem là một trong những tiêu chí nền tảng cho việc xây dựng chiến lược đối ngoại của Singapore, nhưng đảo quốc này luôn bị xem là quá gần với Mỹ và không thân thiện với Trung Quốc. Vì vậy quan hệ Mỹ - Singapore được xem là một trong những trụ móng quan trọng của Mỹ tại Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, có "một thay đổi quan trọng đã diễn ra vào năm 1992, khi Mỹ rút khỏi căn cứ hải quân tại vịnh Subic của Phillipines, một căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ tại Châu Á – Thái Bình Dương, bên cạnh các căn cự tại Okinawa và đảo Guam. Đây là thời kỳ Liên Xô vừa tan rã và Mỹ thể hiện sự thống sóa i của mình. Song Mỹ đã sai lầm", theo The Straits Times.
Tờ báo Singapore cho rằng sai lầm của Washington thể hiện ở chỗ xem thường sự trỗi dậy của Trung Quốc thông qua việc thực hiện các cải cách kinh tế của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình. Sai lầm đó xuất phát từ thực tế là quy mô nền kinh tế Trung Quốc những năm 1990 còn rất nhỏ.
Nhưng "đến nay, sau 25 năm của sự sai lầm đó là vai trò giữa Mỹ và Trung Quốc tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đã bị đảo ngược. Mỹ đang suy giảm ảnh hưởng về kinh tế và mất vị thế về chính trị, mà nguyên nhân quan trọng là do tập trung vào cuộc chiến chống khủng bố cũng như tác động bởi sự toàn cầu hóa với nước Mỹ. Trong khi đó Trung Quốc ngày càng gia tăng sức mạnh quân sự và kinh tế cũng như ảnh hưởng về chính trị", The Straits Times bình luận.
Mỹ đã thực sự mất ảnh hưởng tại khu vực Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương ?
The Straits Times cho rằng, không phải vì Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Singapore và là nguồn lớn nhất về du lịch của Singapore nên không thể để cho quan hệ Singapore – Trung Quốc xấu đi và có thể xem đây là lý do phải hiệu chỉnh lại vai trò của Singapore tại khu vực Châu Á -Thái Bình Dương, mà nguyên nhân là bởi Mỹ.
Theo tờ báo Singapore thì một thực tế hiện nay đã và đang diễn ra cho thấy vai trò và tầm ảnh hưởng của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương đã bị hạ thấp. Washington không thể xây dựng trụ móng tại địa bàn mới và ngày càng trở nên thất thế trước Bắc Kinh. Dù có sự đổi thay quyền lực tại Washington song dường như việc xoay trục của Mỹ đã thất bại.
"Cả Thái Lan và Philippines, hai đồng minh quân sự quan trọng của Mỹ, đã tái kiểm định chính sách đối ngoại của mình bằng việc gần gũi hơn với Trung Quốc. Trong khi đó cả Campuchia, Lào và Myanmar đều muốn hội nhập kinh tế chặt chẽ hơn với Trung Quốc. Malaysia cũng xích gần Bắc Kinh hơn Washington".
Hiện nay chỉ còn Indonesia là thành viên ASEAN thể hiện quan điểm độc lập và cứng rắn với Trung Quốc, song những động thái của Jakarta không làm Bắc Kinh quá bận tâm. Điều đó một phần là khi Indonesia càng quyết liệt thì ASEAN càng dễ phân rã, một phần do Jakarta không phải là đồng minh hay đối tác chiến lược của Washington.
"Trong khi đó kinh tế Trung Quốc phát triển nóng với hai con số liên tục trong hơn hai thập kỷ từ năm 1992 đến năm 2014. Điều đó khiến cho Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất, nhì của mỗi thành viên ASEAN và nhiều nước trên thế giới. Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc luôn vượt quá 3 nghìn tỷ USD, sức mạnh kinh tế của Trung Quốc đã thực sự che khuất Hoa Kỳ", The Straits Times bình luận.
Còn nhớ trong một buổi nói chuyện tại Đại học Harvard năm 2015, cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd đã nhận định rằng, Washington phải sẵn sàng đối mặt với một thực tế là phải chia sẻ lợi ích và tầm ảnh hưởng với Bắc Kinh tại khu vực Châu Á. Hoa Kỳ không thể phủ nhận vai trò ngày càng lớn của Trung Quốc tại khu vực này.
Còn Giáo sư Hugh White, nghiên cứu chiến lược tại Đại học Quốc gia Australia thì đặt vấn đề : "Khi căng thẳng chiến lược gắn liền với Châu Á ngày càng rõ ràng hơn khiến cho các nước nhỏ và trung bình trong khu vực phải đối mặt với một lựa chọn khắc nghiệt. Đó là một sự lựa chọn phức tạp, hoặc rời xa Mỹ để tránh đối đầu với Trung Quốc, hoặc đứng về phía Mỹ thách thức với Trung Quốc. Vậy chọn Mỹ hay chọn Trung ?", theo The Straits Times ngày 27/9/2016.
Có thể thấy rằng, khi Singapore không muốn làm xấu quan hệ với Trung Quốc thì có nghĩa mối quan hệ Singapore – Hoa Kỳ không thể bình thường như trước đây được nữa, trong khi mối quan hệ này được xem là nền tảng quan trọng cho việc xoay trục của Washington từ Đại Tây Dương và Địa Trung Hải về Châu Á – Thái Bình Dương.
Thực tế này chứng tỏ vị thế vai trò của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á và Nam Thái Bình Dương đã thật sự suy giảm và qua đây cũng có thể nhận diện việc xoay trục chiến lược đối ngoại của Washington dưới thời chính quyền Obama đã thất bại. Vấn đề tiếp theo như thế nào, có lẽ khi tân Tổng thống Trump vào Nhà Trắng thì mới có thể đoán biết, chúng ta cùng chờ xem.
Ngọc Việt
Nguồn : Một Thế Giới, 10/01/2017
Hàng không mẫu hạm Mỹ USS Carl Vinson rời cảng North Island, Coronado, California, Hoa Kỳ, ngày 05/01/2017. REUTERS/Mike Blake
Vào lúc chiếc tàu sân bay duy nhất của Trung Quốc lần đầu tiên vượt chuỗi đảo thứ nhất, ra Tây Thái Bình Dương rồi đổi hướng đi vào tập trận trong Biển Đông, không có một hàng không mẫu hạm Mỹ nào hoạt động trên biển. Thế nhưng tình trạng này không kéo dài vì vào hôm nay, 06/01/2017 chiếc tàu Mỹ USS Carl Vinson đang trên đường đến công tác tại vùng Tây Thái Bình Dương. Giới phân tích đã nghĩ đến một kịch bản nhìn chung khó có thể xẩy ra, nhưng biết đâu chừng. Đó là tàu sân bay Trung Quốc sẽ chạm trán hàng không mẫu hạm Mỹ đang có mặt trong khu vực.
Trong một thông cáo công bố hôm 03/01/2017, Hải Quân Mỹ cho biết hải đội tác chiến của tàu sân bay Carl Vinson bao gồm một tuần dương hạm và hai khu trục hạm đều được trang bị tên lửa dẫn đường, đã hộ tống chiếc mẫu hạm rời căn cứ ở San Diego, bang California, trực chỉ Tây Thái Bình Dương.
Theo Hải Quân Mỹ, hải đội tác chiến của tàu sân bay Carl Vinson, với tổng cộng khoảng 7.500 người, sẽ tập trung vào các chiến dịch bảo đảm an ninh hàng hải cũng như hợp tác an ninh trên hiện trường khu vực. Thông cáo nói rõ là cụm tàu này sẽ tiến hành nhưng cuộc tập trận song phương trong khu vực rộng lớn Ấn Độ-Châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có những bài tập chống tàu ngầm, triển khai đội hình, sử dụng vũ khí, cũng như chặn xét các tàu khác…
Hải Quân Mỹ không cho biết là hải đội tàu sân bay Carl Vinson có vào Biển Đông hay không, nhưng báo chí Đài Loan cho rằng mẫu hạm Mỹ và tàu sân bay Trung Quốc của Mỹ hoàn toàn có thể cùng tuần tra ở Biển Đông trong những ngày tới đây.
Ngay cả trong trường hợp chiếc Carl Vinson không vào Biển Đông, mà chỉ quanh quẩn ngoài Tây Thái Bình Dương, thì tàu Liêu Ninh của Trung Quốc cũng có thể chạm trán tàu Mỹ trên đường về căn cứ ở Thanh Đảo, nếu chọn tuyến đường giống như khi đi, tức là băng ngang eo biển Ba Sĩ, ra Tây Thái Bình Dương rồi lại rẽ ngang eo biển Miyako để trở lại biển Nhật Bản và lên Thanh Đảo.
Trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang căng thẳng, đặc biệt là sau vụ Hải Quân Trung Quốc bị Hoa Kỳ tố cáo là cố tình đánh cắp một chiếc tàu lặn Mỹ, giữ lấy trong một vài ngày rồi sau đó trả lại, một cuộc đối đầu giữa hai chiếc tàu sân bay được cho là sẽ đậm nét khiêu khích mà cả hai bên bình thường ra đều tìm cách né tránh.
Dẫu sao thì giới diều hâu Trung Quốc đã lên tiếng đe dọa trước, là Bắc Kinh sẽ có biện pháp trả đòn nếu Mỹ tăng cường hiện diện quân sự tại Biển Đông.
Phản ứng trước thông tin Mỹ phái hàng không mẫu hạm nguyên tử Carl Vinson trở lại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, một lãnh đạo thuộc Học Viện Khoa Học Quân Sự của Quân Đội Trung Quốc đã tố cáo việc Mỹ triển khai chiếc Carl Vinson là nhằm mục tiêu ngăn chặn Trung Quốc tại Biển Đông.
Trên báo Anh Ngữ China Daily, nhân vật này nêu bật : "Nên chờ xem là chiếc USS Carl Vinson sẽ ở Biển Đông trong bao lâu. Họ chỉ quá cảnh hay sẽ ở lâu, hay tiến hành tập trận. Và cũng chờ xem là chiếc tàu đó ở cách các đảo của Trung Quốc bao xa ?".
Một chuyên gia nghiên cứu cao cấp của Hải Quân Trung Quốc thì gắn liền việc chiếc Carl Vinson đến công tác ở vùng Tây Thái Bình Dương, với thông tin báo chí theo đó Mỹ có ý định đặt các giàn đại pháo chống hạm trong vùng Biển Đông, để đe dọa là Bắc Kinh "chắc chắn sẽ có biện pháp đối phó" nếu lực lượng Mỹ đe dọa các lợi ích của Trung Quốc tại Biển Đông.
Trọng Nghĩa