Vấn đề Biển Đông và Triều Tiên trong Tuyên bố chung G7 (VOA, 11/06/2018)
Tuyên bố chung của lãnh đạo 7 nước công nghiệp phát triển (G7) hôm 9/6 đề cập đến hàng loạt các vấn đề quan trọng như cam kết sẽ đấu tranh chống chủ nghĩa bảo hộ, xóa bỏ rào cản thương mạị, đặc biệt có nhấn mạnh đến hai chủ đề nóng của khu vực Châu Á : là vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và vụ tranh chấp Biển Đông.
Thủ tướng Đức Angela Merkel nói chuyện với Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 9/6/2018 tại Canada.
Tuyên bố chung của G7 đưa ra tại Charlevoix, tỉnh Quebec của Canada, dài 8 trang có đoạn :
"Chúng tôi tiếp tục kêu gọi Triều Tiên từ bỏ tất cả vũ khí hủy diệt hàng loạt (WMD) và tên lửa đạn đạo một cách hoàn toàn, có thể được kiểm chứng và không thể đảo ngược, cũng như các chương trinh hạt nhân và các cơ sở liên quan".
Tuyên bố của G7 kêu gọi tất cả các bên duy trì áp lực mạnh để buộc Triều Tiên thay đổi tiến trình sản xuất vũ khí hạt nhân và thực hiện các bước để giải trừ hạt nhân.
"Chúng tôi một lần nữa kêu gọi Triều Tiên tôn trọng quyền làm người của người dân và lập tức giải quyết vấn đề bắt cóc người".
Nhóm 7 cường quốc thế giới bày tỏ quan tâm sâu sắc về vấn đề tranh chấp Biển Đông :
"Chúng tôi lo ngại về tình hình ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, và một lần nữa phản đối bất kỳ hành động đơn phương nào có thể gây thêm căng thẳng và bất ổn trong khu vực. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên không theo đuổi việc quân sự hóa tại các khu vực có tranh chấp".
Tuy nhiên, hôm 9/6 tại hội nghị thượng đỉnh G7, Tổng thống Mỹ Donald Trump không tán thành, và không ký vào tuyên bố chung của nhóm G7, viện lý do là "tuyên bố sai trái" của Thủ tướng Canada Justin Trudeau về việc Mỹ áp thuế lên hàng nhập từ Canada.
********************
Mỹ : Chính sách về Đài Loan không thống nhất vì áp lực Trung Quốc (CaliToday, 10/06/2018)
Hoa Kỳ đã gửi tín hiệu hỗn hợp về chính sách Đài Loan của mình. Nhưng quyết định không gửi các viên chức cao cấp của Mỹ trong ngày khai trương Đại sứ quán mới ở Đài Bắc là một ví dụ về sự nhạy cảm vấn đề này và sự cần thiết để giữ quan hệ song phương với Trung Quốc trên lãnh vực chính trị.
Tổng thống Thái Anh Văn bắt tay tân đại sứ Mỹ tại Đài Bắc - Photo Credit : Taiwan Insight
Tôn trọng nguyên tắc một Trung Quốc là điều cần thiết để đối thoại mang tính xây dựng với Bắc Kinh. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã được nhắc nhở về điều đó ngay sau khi ông nhậm chức sau những bình luận nói rằng Đài Loan được sử dụng như một con bài để thương lượng trong các cuộc đàm phán về thương mại.
Giữa những nỗ lực trong sự bắt đầu một cuộc chiến tranh thương mại Trung Quốc – Hoa Kỳ và căng thẳng tăng cao vấn đề Eo biển Đài Loan, không có chỗ cho sự không chắc chắn lập trường của Mỹ về những gì Trung Quốc coi là một vấn đề cốt yếu.
Thật đáng tiếc, do đó giờ đây Mỹ dường như đang gửi tín hiệu hai chiều về chính sách Đài Loan của mình.
Các nguồn tin từ Trung Quốc và Mỹ đã nói với tờ Post rằng Mỹ sẽ không gửi một viên chức cao cấp nội các trong ngày khai trương Đại sứ quán mới tại Đài Bắc hôm thứ Ba, để tránh đối kháng từ Bắc Kinh
Nhưng bất kỳ sự hổ trợ nào mà Bắc Kinh có thể cảm thấy sẽ bị căng thẳng là do hai sự kiện. Một là quyết định của Ngũ Giác Đài tăng hỗ trợ quân sự cho Đài Loan, với sự ủng hộ mạnh mẽ từ các nhà lập pháp tại Quốc hội Hoa Kỳ.
Hai là có một tường trình rằng Hoa Kỳ có thể gửi một chiến hạm tuần tra qua Eo biển Đài Loan, sau các cuộc tập trận trên biển và trên không của Trung Quốc trong khu vực đã gây áp lực lên Đài Loan, khi nhà lãnh đạo Thái Anh Văn từ chối xác nhận nguyên tắc một Trung Quốc.
Tại hội nghị thượng đỉnh an ninh khu vực tại Singapore hồi đầu tháng này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã mô tả sự hỗ trợ quân sự tăng cường khi cung cấp "các trang bị quân sự và dịch vụ quốc phòng cần thiết để duy trì sự tự vệ đầy đủ của hòn đảo".
Đó là một phần của một đường lối khó khăn mà ông đã hướng tới Trung Quốc, bao gồm cả việc tiếp tục chỉ trích các hoạt động của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Các diều hâu trong chính phủ Hoa Kỳ đã có một chiến thắng đáng kể trong năm nay với sự thông qua Dự Luật Du Lịch Đài Loan, thúc đẩy mối quan hệ gần gũi hơn thông qua các liên hệ chính thức mặt đối mặt và đã đưa đến các cuộc viếng thăm của các nhà lập pháp cao cấp Mỹ.
Mối quan tâm của Bắc Kinh về vấn đề đàm phán thương mại là Mỹ có sự áp lực khi dùng con bài Đài Loan là điều dễ hiểu.
Ngọc Thạch (theo SCMP)
******************
Nga tiêu hủy các tài liệu lưu trữ về trại cải tạo ? (RFI, 10/06/2018)
Tại Nga, một nhà sử học tình cờ phát hiện được nhiều hồ sơ lưu trữ bao gồm các thông tin về tù nhân tại các trại cải tạo thời Liên Xô đã bị tiêu hủy. Phát hiện này đang dấy lên nỗi bất bình của các nhà bảo vệ nhân quyền. Chính quyền Nga thường xuyên bị chỉ trích tìm cách che giấu những năm tháng đen tối thời Liên Bang Xô Viết để củng cố tính thống nhất quốc gia.
Thắp nến tưởng niệm các nạn nhân trại Gulag Solovetsky ngày 29/10/2015 tại Moskva, trước tảng đá lấy từ trại này. Reuters/Maxim Shemetov
Từ Moskva, thông tín viên Jean-Didier Revoin cho biết thêm chi tiết :
"Chính trong quá trình lục tìm để biết xem có còn ai sống sót từ trại cải tạo Magadan, ở vùng Viễn Đông của Nga hay không mà sử gia Sergey Prudovski đã phát hiện ra các phiếu ghi số hiệu tù nhân đã bị tiêu hủy.
Như vậy là không thể nào tìm lại được các thông tin về ngày nhập trại, các vụ chuyển trại, ngày ra hay các vụ tù nhân tử vong. Theo như trả lời của bộ Nội Vụ Nga, căn cứ theo các chỉ dẫn được đưa ra cho chính quyền địa phương, các cơ quan an ninh và các cơ quan chính phủ quản lý các hồ sơ lưu trữ thời Xô Viết với nhà nghiên cứu, các phiếu tù nhân chỉ được lưu giữ trong một thời hạn nhất định.
Lệnh hủy hồ sơ mang tính nội bộ nói trên tương phản với nỗ lực của chính quyền trong thời gian gần đây nhằm thừa nhận các tội ác do chế độ Xô Viết gây ra. Hồi cuối tháng 10/2017, một ''bức tường thương tiếc'' đã được ông Vladimir Putin khánh thành tại Moskva nhằm tưởng niệm nạn nhân của các trấn áp chính trị.
Năm 2015, một bảo tàng về trại lao cải đã được mở tại thủ đô nước Nga cũng nhằm để tưởng niệm nạn nhân của các trại lao cải, nhưng chỉ đến năm 1958… Điều đó cho thấy chính quyền Nga đang xét lại quá khứ một cách dè dặt. Thái độ này sẽ khiến cho nhiệm vụ của những ai muốn đưa ra ánh sáng về giai đoạn trại tập trung này, thêm phần phức tạp".
Minh Anh