Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Mỹ trừng phạt nhiều doanh nghiệp Trung Quốc cộng tác với Iran (RFI, 25/03/2017)

Ngày 24/03/2017 chính quyền Mỹ thông báo một loạt các biện pháp trừng phạt nhắm vào 30 tổ chức và cá nhân thuộc 10 quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc, bị cáo buộc cộng tác với các chương trình phát triển vũ khí của Iran và Bắc Triều Tiên.

qt2

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tiếp kiến chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh ngày 19/03/2017. REUTERS/Thomas Peter

Theo AFP có tổng cộng 9 doanh nghiệp, tổ chức và công dân Trung Quốc bị trừng phạt vì "chuyển giao các yếu tố nhạy cảm cho chương trình tên lửa đạn đạo của Iran". Các biện pháp trừng phạt nói trên nằm trong khuôn khổ một quy định mới của chính quyền Mỹ trong lĩnh vực chống phổ biến vũ khí, có tên gọi tắt là INKSNA, nhắm vào Iran, Bắc Triều Tiên và Syria.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, "việc phát triển công nghệ tên lửa của Iran làm gia tăng căng thẳng tại khu vực". Washington cáo buộc Teheran hỗ trợ quân sự cho các lực lượng nổi dậy Houthis theo hệ phái Shia tại Yemen.

Hoa Kỳ đã dỡ bỏ phần lớn các trừng phạt chống Iran, sau khi quốc tế đạt được một thỏa thuận với Teheran về chương trình hạt nhân hồi tháng 7/2015, tuy nhiên Washington vẫn duy trì các biện pháp trừng phạt đối với chương trình tên lửa đạn đạo của nước này.

Ngoài 30 tổ chức và cá nhân nói trên, còn có 19 tổ chức và cá nhân khác bị trừng phạt vì bán cho hoặc mua của Iran, Bắc Triều Tiên và Syria các thiết bị, dịch vụ hay công nghệ bị Mỹ cấm. Kể từ khi lên nắm quyền, tổng thống Donald Trump muốn siết chặt các trừng phạt đối với Iran.

Hạt nhân Bắc Triều Tiên

Về tham vọng vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, tân chính quyền Mỹ và Trung Quốc đã bày tỏ lập trường chung là tiếp tục hợp tác, nhân chuyến công du của ngoại trưởng Mỹ Tillerson tới Bắc Kinh hôm Chủ nhật trước, 18/03. Tuy nhiên, khả năng Trung Quốc thực thi nghiêm túc đến đâu nghị quyết của Hội Đồng Bảo An trừng phạt Bắc Triều Tiên về chương trình hạt nhân tên lửa là một vấn đề còn để ngỏ.

Theo giới quan sát, chế độ Bình Nhưỡng sở dĩ có thể tiếp tục phát triển được chương trình bom hạt nhân và tên lửa đạn đạo một phần là nhờ nguồn tài chính có được thông qua các công ty Bắc Triều Tiên làm ăn với Trung Quốc. Chưa kể các nghi vấn về vấn đề chuyển giao công nghệ tên lửa, hạt nhân.

Trọng Thành

********************

Thủ tướng Nhật cố bác bỏ tai tiếng tham nhũng (RFI, 25/03/2017)

Bị tố cáo rót tiền cho hiệu trưởng một trường tư thục có xu hướng dân tộc chủ nghĩa, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 24/03/2017 đã cho công bố một số thư điện tử email để biện minh cho sự trong sạch của ông.

qt1

Yasunori Kagoike, hiệu trưởng trường tư thục Moritomo Gakuen điều trần trước Quốc Hội ngày 23/03/2017. Reuters

Theo hãng tin Pháp AFP, trong một cuộc điều trần trước Quốc Hội Nhật Bản ngày 23/03/2017, ông Yasunori Kagoike, hiệu trưởng trường tư thục đang là trung tâm của một tai tiếng tham nhũng, đã khai rằng phu nhân của thủ tướng Nhật là bà Akie Abe, vào năm 2015, kín đáo chuyển cho ông một triệu yen (8.300 euro) tiền mặt, nói là thay mặt thủ tướng chính phủ.

Lời chứng được đưa ra trước Quốc Hội sau khi tuyên thệ nói sự thật đã góp thêm vào một loạt những thông tin do báo chí tiết lộ, theo đó nhân vật này đã có thể mua được với giá cực rẻ, nhưng trong những điều kiện bất minh, một khu đất thuộc sở hữu của nhà nước Nhật, để xây dựng một trường tiểu học.

Một ngày sau cáo buộc đó, thủ tướng Abe đã công bố các bức email trao đổi giữa vợ ông với ông Kagoike, và tuyên bố trước Nghị Viện Nhật Bản rằng : "Không hề có bất kỳ cuộc giao dịch một triệu yen nào được nêu lên trong các bức email".

Thủ tướng Nhật nói tiếp : "Tôi công bố tất cả các email để chấm dứt mọi sự hiểu lầm". Ông Abe còn tố cáo ông Kagoike là chỉ cho biết "một phần của thông tin" trong buổi điều trần trước Quốc Hội.

Thủ tướng Abe đến nay đã nhiều lần phủ nhận việc ông đã chi tiền cho ông Kagoike và từng cam kết là sẽ từ chức nếu có bằng chứng cho thấy ông có dính líu đến vụ giao dịch bất động sản nói trên.

Theo các nhà phân tích, trên nguyên tắc thì việc ông Abe tặng tiền cho ông Kagoike không có gì là phi pháp, nhưng nếu việc này là có thật, thì uy tín của thủ tướng Nhật sẽ bị sứt mẻ nghiêm trọng vì đã rất nhiều lần phủ nhận việc đó.

Trọng Nghĩa

Published in Quốc tế