Trọng Thành, RFI, 23/09/2021
Sáu ngày kể từ khởi đầu "khủng hoảng tàu ngầm", tổng thống Hoa Kỳ và tổng thống Pháp đã có cuộc điện đàm hôm qua 22/09/2021. Thông cáo chung khẳng định "các tham vấn công khai giữa các đồng minh" có thể đã giúp tránh được cuộc khủng hoảng ngoại giao, được coi là nghiêm trọng nhất trong quan hệ song phương kể từ năm 2003, khi Pháp không tham gia vào cuộc chiến Irak do Mỹ khởi xướng.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và nguyên thủ Pháp Emmanuel Macron tại thượng đỉnh G7- Anh hôm 13/06/2021. Reuters – Doug Mills
Trong cuộc điện đàm nói trên, tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden cũng thừa nhận "vai trò chiến lược" của Pháp và Liên Âu, và tầm quan trọng của một "nền quốc phòng Liên Âu", điều mà tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nỗ lực thúc đẩy trong thời gian qua. "Nền quốc phòng Liên Âu" vốn là vấn đề mà chính quyền Mỹ lâu nay vốn có thái độ không rõ ràng.
Thông tín viên Guillaume Naudin tường trình từ Washington :
"Cuộc đối thoại kéo dài khoảng nửa giờ được Nhà Trắng đánh giá là hữu nghị, và kết thúc cuộc điện đàm là một loạt đồng thuận. Sau một tuần lễ căng thẳng, đây đã là một thành quả. Hai vị nguyên thủ quốc gia đồng ý là việc tiến hành tham vấn công khai giữa các đồng minh có thể đã giúp tránh được các diễn biến vừa qua, nói một cách khác là tránh được khủng hoảng ngoại giao song phương. Rõ ràng là lãnh đạo hai nước đã quyết định chấm dứt cuộc khủng hoảng này.
Hai bên cũng nói đến việc khởi sự "các tham vấn sâu nhằm thiết lập các điều kiện cho sự tin tưởng lẫn nhau", nhưng không cho biết chi tiết. Điểm đồng thuận cụ thể hơn là hai tổng thống sẽ gặp nhau vào cuối tháng 10 và đại sứ Pháp sẽ trở lại Washingston vào tuần tới.
Nhìn chung, Hoa Kỳ thừa nhận vai trò chiến lược của nước Pháp và của Liên Hiệp Châu Âu tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và một nền quốc phòng Châu Âu mạnh hơn và hiệu quả hơn sẽ đóng vai trò tích cực hơn vào an ninh xuyên Đại Tây Dương. Đây chính là điều mà nước Pháp đã bày tỏ từ nhiều tháng nay, trong khi tìm cách thuyết phục các đối tác Châu Âu. Kể từ giờ, chính tổng thống Mỹ đã khẳng định điều này, nhưng với một điểm hơi khác biệt : Một nền quốc phòng như vậy của Liên Âu sẽ đóng vai trò bổ sung cho khối NATO".
Tiếp theo cuộc điện đàm của nguyên thủ quốc gia hai nước, ngoại trưởng Pháp, Mỹ có kế hoạch gặp nhau hôm nay tại New York bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.
Nhận định về cuộc điện đàm giữa hai tổng thống Pháp, Mỹ, ông Benjamin Haddad, giám đốc phụ trách Châu Âu của viện tư vấn Atlantic Council, chuyên về quan hệ Hoa Kỳ - Châu Âu, trụ sở tại Washington, nhận xét : Phía Mỹ đã hiểu rằng cuộc khủng hoảng tàu ngầm gây sốc với Paris "chủ yếu không phải về mặt thương mại mà vấn đề chính là sự tan vỡ niềm tin". Đồng thời ông cảnh báo quan hệ song phương Pháp-Mỹ khó mà được khôi phục ngay sau một cuộc đối thoại như vậy.
Trọng Thành
*********************
Thùy Dương, RFI, 23/09/2021
Cuộc điện đàm giữa tổng thống Pháp Emmanuel Macron với đồng nhiệm Mỹ Joe Biden, vốn dĩ rất được trông chờ trong những ngày qua, cuối cùng đã diễn ra ngày 22/09/2021. Một thông cáo chung mang tính hòa giải rất cao đã đưa ra, hướng tới sự tăng cường hợp tác. Sự hợp tác Pháp - Mỹ cũng phải liên quan đến Liên Hiệp Châu Âu. Điều này đã được đề cập nhiều lần trong thông cáo chung của hai nguyên thủ quốc gia.
Lãnh đạo ngoại giao Châu Âu Josep Borell (trái) họp với ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bên lề Đại Hội Đồng LHQ ở New York, Hoa Kỳ, ngày 22/09/2021. AFP – Jason Decrow
Cũng trong ngày hôm qua, đến lượt lãnh đạo ngoại giao Châu Âu Josep Borrell gặp ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc tại New York. Đôi bên nhấn mạnh đến việc Âu - Mỹ phải củng cố sự tin cậy lẫn nhau.
Từ Bruxelles, thông tín viên RFI Pierre Benazet giải thích :
"Sau cuộc điện đàm giữa tổng thống Pháp và Mỹ, ông Josep Borrell đã có cuộc gặp với ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Đây là cơ hội để lãnh đạo ngành ngoại giao Châu Âu nhấn mạnh và gửi đi một thông điệp giống hệt thông điệp của nước Pháp. Josep Borrell tuyên bố "Chúng ta phải củng cố niềm tin xuyên Đại Tây Dương", tương tự như khẳng định trong thông cáo của hai vị tổng thống.
Theo hai vị nguyên thủ quốc gia, hành động của Pháp và Liên Hiệp Châu Âu ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương có tầm quan trọng chiến lược. Vì thế, đối với Liên Âu, cần tích cực tranh thủ tuyên bố này. Thứ nhất, bởi vì các nước Châu Âu đã quyết định thành lập một mặt trận chung với Pháp : sau một vài ngày lần chần tránh né, giờ đây họ tin rằng mối liên kết xuyên Đại Tây Dương nhìn chung đã suy yếu. Thứ hai, bởi vì mối quan tâm của Liên Âu là đầu tư vào khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương, nơi đang trở thành trọng tâm mới của thế giới.
Vả lại, liên minh Anh, Úc và Mỹ đã được công bố ngay trước hôm Bruxelles công bố chiến lược ở vùng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Các nước Liên Âu hiện giờ hy vọng có thể được kết nối với các sáng kiến của Mỹ trong khu vực này".
Thùy Dương
***********************
BBC, 23/09/2021
Pháp và Mỹ đã nỗ lực để chấm dứt căng thẳng bùng phát tuần qua sau khi hiệp ước Aukus giữa Mỹ, Anh và Úc được thông qua.
Tàu ngầm và tàu tuần dương của Mỹ di chuyển qua Eo biển Hormuz. Ảnh : Hải quân Mỹ
Hiệp ước này đã khiến Pháp mất hợp đồng trị giá 37 tỷ đôla đóng tàu ngầm đã ký với Australia.
Paris cho biết chỉ biết được thông tin về hiệp ước này vài giờ trước khi được công bố chính thức.
Tổng thống Pháp và Mỹ đã công bố một tuyên bố chung cho biết tình hình sẽ được cải thiện từ sự tham vấn công khai giữa các đồng minh.
Joe Biden và Emmanuel Macron đã có cuộc điện đàm trong 30 phút hôm thứ Tư 22/9. Hai nhà lãnh đạo sẽ gặp tại Châu Âu vào cuối tháng 10.
Sự giận dữ của Pháp là rõ ràng - Bộ trưởng Quốc phòng Pháp gọi hiệp ước là một "cú đâm sau lưng".
Trong một bước đi hiếm có giữa các đồng minh, Tổng thống Pháp Macron đã yêu cầu triệu hồi các đại sứ Pháp tại Washington và Canberra.
Tuy nhiên, đại sứ của Pháp tại Washington sẽ trở lại Mỹ. Không có thông tin liệu đại sứ Pháp ở Canberra sẽ trở lại hay không.
Tổng thống Biden đã tái khẳng định tầm quan trọng đối với sự tham gia của Pháp và Châu Âu tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Tuyên bố này nhấn mạnh đến sự công nhận của Mỹ về tầm quan trọng của một nền quốc phòng Châu Âu mạnh mẽ hơn để bổ sung cho Nato - một trong những kế hoạch trọng điểm của Tổng thống Pháp Macron.
Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken và người đồng cấp Pháp, Jean-Yves Le Drian dự kiến sẽ có cuộc họp song phương hôm 23/9 bên lề cuộc họp tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, theo nguồn tin từ một quan chức Mỹ.
Phân tích của Nomia Iqbal, phóng viên tại Washington
Đây là "lời xin lỗi mà không phải xin lỗi" kinh điển của người Mỹ : một lời xin lỗi vì quá trình (thiếu sự tham vấn), nhưng không phải xin lỗi vì chính sách (Aukus).
Nhưng chúng ta đã có bức ảnh Tổng thống Biden mỉm cười trong buổi điện đàm với Tổng thống Macron, một nỗ lực cho thấy mọi thứ ổn.
Với các thông điệp được đưa ra, chúng thường khá nhạt nhẽo, nhưng lại mang rất nhiều ý nghĩa.
Đầu tiên, đây là một tuyên bố chung, thường thì có một tuyên bố từ mỗi bên, vì vậy cả hai nhà lãnh đạo đang cố gắng cho thấy một sự đoàn kết sau "cuộc điện đàm thân thiện kéo dài 30 phút".
Tuyên bố nói rõ Tổng thống Biden là người chủ động gọi - có lẽ đây là điều mà Pháp muốn nêu rõ.
Sau đó là một dòng thông tin này trong tuyên bố : "Hai nhà lãnh đạo đã đồng ý rằng tình hình này sẽ được cải thiện từ các tham vấn công khai" - một lần nữa, đây có phải là điều gì đó Pháp muốn ?
Thế nhưng Mỹ cũng có điều cần nói. Biden không thay đổi thông điệp cốt lõi rằng Châu Âu cần tăng cường nền quốc phòng của mình.
Sau đó tuyên bố kết thúc với lời nhắc nhở rằng Mỹ sẽ hỗ trợ thêm việc chống khủng bố tại dải Sahel, nơi người Pháp nhận được sự hỗ trợ khổng lồ.
Tóm lại, đây là một tuyên bố được soạn thảo rất rõ ràng để cả hai bên cùng hiểu nhau và đi tiếp.
Nhưng một cuộc điện đàm kèm theo nụ cười là một chuyện. Còn khi 2 vị tổng thống gặp trực tiếp vào tháng sau tại Châu Âu thì sẽ thế nào ?
Điều này đáng quan tâm khi Tổng thống Macron đang đối diện với cuộc bầu cử vào năm tới.
Thái độ cứng rắn của Macron với Biden quan trọng, trong nội bộ nước Pháp, nhưng công bằng mà nói thì Macron cần tìm một lối ra.
Cuộc điện đàm ngày hôm nay mở ra lối ra đó.
Trước đó, Thủ tướng Anh, Boris Johnson nói với Tổng thống Macron "donnez-moi un break" (tạm dịch 'cho tôi thời gian') và nói ông Macron hãy vượt qua sự giận dữ về Aukus.
Được công bố vào tuần rồi, Aukus được xem là một nỗ lực nhằm đối phó với sự bành trướng của Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp trên Biển Đông.
Giới phân tích nhận định đây có lẽ là một thỏa thuận an ninh quan trọng nhất giữa 3 quốc gia kể từ Thế chiến 2.
Tuy nhiên cuộc gặp vào tuần tới giữa giới chức EU và Australia chưa chắc sẽ có kết quả tốt đẹp.
Đây là sự kiện thứ 3 - giữa EU và Australia hoặc giữa EU và Mỹ - có thể bị hoãn theo sau tuyên bố về thỏa thuận Aukus.
Nguồn : BBC, 23/09/2021