Mỹ, Iran cận kề chiến tranh
Khi nào vùng Vịnh bốc cháy ? Vào lúc nhật báo Mỹ New York Times đưa tin tổng thống Trump suýt "bật đèn xanh" cho chiến dịch quân sự nhắm vào cơ sở quân sự của Iran, nhưng đã dừng lại vào phút chót, tất cả các tờ báo Paris đồng loạt chạy tựa : "Căng thẳng Tehran – Washington tăng thêm một nấc".
Những mãnh của chiếc drone Mỹ bị tên lửa Iran bắn rơi được trưng bày tại Tehran ngày 21/06/2019. Tasnim News Agency/Handout via Reuters
Sau khi drone của Mỹ bị Iran bắn hạ, Le Figaro ghi nhận "Nguy cơ xung đột ngày càng lớn". Tình hình "xấu thêm" khiến báo kinh tế Les Echos lo ngại giá dầu hỏa sẽ "bốc cháy". Nhưng theo tờ báo này, Iran không phải là yếu tố quyết định đối với giá xăng dầu trên thế giới, mà điều quan trọng nhất là mức tiêu thụ của nhân loại.
Trong cuộc đọ sức giữa một bên là nhà tỷ phú New York Donald Trump luôn khoe khoang tài đàm phán xuất chúng của mình và bên kia là giáo chủ Khamenei ở xứ nổi tiếng với khu chợ Bazar, cây bút uy tín của Le Monde, Alain Frachon, tóm tắt tình hình : đôi bên cùng tuyên bố không muốn chiến tranh, nhưng lại cùng "phô trương cơ bắp", cùng chơi đòn "gây áp lực tối đa" với đối phương. Làm thế nào để tránh lún sâu vào vòng xoáy chiến tranh ?
Dưới hàng tựa "Tehran và Washington trong bầu không khí chiến tranh", Libération đặt câu hỏi : cứ bảo rằng căng thẳng đang leo thang, vậy cầu thang dẫn tới chiến tranh vùng Vịnh có bao nhiêu bậc ? Tờ báo thiên tả này quy trách nhiệm cho tổng thống Hoa Kỳ "đổ dầu vào lửa" trong vùng Vịnh và cho rằng rồi đây ông Donald Trump sẽ phải "xử lý" chiến thuật "gây áp lực tối đa" của mình. Đúng là các đòn trừng phạt của Mỹ đẩy kinh tế Iran đến sát bờ vực thẳm, nhưng từ một năm qua Tehran vẫn không có nhu cầu đối thoại với Hoa Kỳ. Đàm phán về một thỏa thuận hạt nhân mới với Iran mà Washington mong muốn không hề có một chút tiến triển.
Những động thái gần đây nhất của Iran là dấu hiệu cho thấy giới lãnh đạo ở Tehran đang rơi vào cảnh "tuyệt vọng", như phân tích của một chuyên gia thuộc viện nghiên cứu Brookings Institution được Libération trích dẫn. Điều ngạc nhiên duy nhất theo chuyên gia này là Tehran đã "kiên nhẫn đợi chờ một thời gian dài trước khi có phản ứng mạnh mẽ".
Giờ đây đôi bên cùng khoanh tay đợi xem cuộc đọ sức Mỹ - Iran có bước sang một khúc quanh mới sau vụ Tehran bắn hạ drone của Hải Quân Hoa Kỳ hay không.
Con tàu điên trong Nhà Trắng
Thêm một cuốn sách về Donald Trump. Một năm rưỡi trước đây, nhà văn kiêm nhà báo người Mỹ, Michael Wolff đã cho ra mắt công chúng cuốn "Fire and Fury –Lửa và cuồng nộ bên trong Nhà Trắng", tác giả nay lại thu hút bạn đọc với "Siege : Trump Under Fire – tạm dịch là Thế vây hãm, đạn chĩa vào Trump".
Báo Les Echos giới thiệu qua về cuốn sách mới mà trong đó Wolff tiết lộ, hơn hai năm Donald Trump ở Nhà Trắng, những cộng sự viên còn trụ lại bên ông, hay những người mới được tuyển vào đều ý thức được một điều : họ phục vụ Donald Trump, chứ không phải là làm việc cho tổng thống Hoa Kỳ vì quyền lợi của nước Mỹ.
Bên trong phủ tổng thống lúc nào cũng nặng trĩu bầu không khí của những phe phái, của những cãi vã liên hồi. Ngay cả chàng rể cưng của ông là Jared Kushner cũng đã trả giá cho bài học đó. Michael Wolff kết luận : ông "thường xuyên nhận thấy rằng những cộng sự viên càng gần gũi với Donald Trump càng tỏ ra nghi ngờ về sự tỉnh táo của nguyên thủ quốc gia Mỹ".
Cuộc chạy đua vào phủ thủ tướng Anh
Ngoài Iran và lò lửa ở vùng Vịnh, đề tài thu hút báo chí Pháp hôm nay là cuộc chạy đua vào số 10 Downing Street, căn hộ dành cho thủ tướng Anh. Tranh chiếc ghế thủ tướng của Theresa May giờ đây còn lại hai đối thủ đối thủ là Boris Johnson và Jeremy Hunt. Les Echos đánh giá "Bàn thắng đang nghiêng về ông Johnson".
Le Figaro cho biết, bà May giữ bí mật tuyệt đối khi được hỏi sẽ bỏ phiếu cho ai trong số hai nhân vật này. Bí mật ấy bà giữ rất kín, kể cả với người bạn đời. Nhưng có ít khả năng bà tặng lá phiếu của mình cho Boris Johnson, người không ngừng "ném đá" vào kế hoạch Brexit của bà. Tương tự như báo Les Echos, Le Figaro cũng cho rằng, Boris Johnson đang chiếm thế thượng phong. Nhưng tờ báo này không loại trừ khả năng "ngựa về ngược", nhất là với Boris Johnson, rủi ro về những sai lầm chiến lược hay những phát biểu vụng về của ông ta là "rất lớn".
Libération công bằng hơn Le Figaro và Les Echos khi phác họa chân dung của hai ứng viên thủ tướng Anh. Boris Johnson được tờ báo đặt cho cái tên là "kẻ nói láo" và bài viết trên Libération đưa ra ngay một thí dụ cụ thể : hôm 03/05/2019, Johnson viết tin nhắn trên Twitter "vừa hoàn thành nhiệm vụ công dân, đi bầu tại Luân Đôn".
Rủi thay, đúng ngày hôm đó không có cuộc bầu cử nào tại khu vực Luân Đôn, mà chỉ có những cuộc bầu cử địa phương tại một vài tỉnh thành ở Vương Quốc Anh. Đáng nói hơn nữa, theo nhật báo Libération, đây chỉ là một viên sỏi mới trong khu vườn đã đầy dẫy những "dối trá" khác của Boris Johnson.
Ở bên kia góc đài, đối thủ của Johnson là đương kim ngoại trưởng Jeremy Hunt. Tờ báo mô tả ông này là một người "nho nhã", không bao giờ lớn tiếng với ai hay biến mình thành trò cười cho thiên hạ. Có điều, so với một Boris Johnson quá sôi động thì ông Hunt có vẻ "mờ nhạt".
Đồng tiền libra của Facebook : phúc hay họa ?
Les Echos trở lại với đồng tiền ảo libra của Facebook với câu hỏi : "Có nên sợ đồng tiền của Facebook" ?
Theo quan điểm của chuyên gia kinh tế Pascal de Lima được tờ báo trích dẫn, lo ngại này là chính đáng, bởi một khi libra đã là một ngoại tệ, được hơn hai tỷ người trên hành tinh sử dụng (70 % sống tại Châu Á) thì Facebook mặc nhiên đóng vai trò của một ngân hàng, có nghĩa sẽ phải điều chỉnh chính sách tiền tệ chống lạm phát hoặc để kích thích đầu tư và tiêu thụ. Ngân hàng đó cũng sẽ phải mở hay khóa van tín dụng tùy vào hoàn cảnh, tùy vào chính sách và mục tiêu kinh tế. Nhưng "ngân hàng" Facebook và đồng tiền libra phục vụ "chính sách và mục tiêu kinh tế của quốc gia nào ?" Đó là chưa kể, tới nay, Facebook có nhiều sơ sót trong việc bảo mật các dữ liệu cá nhân cho người sử dụng, thử hỏi, làm sao chúng ta dám tin cậy mạng xã hội này để ủy thác tiền bạc, dùng đồng tiền đó để mua bán ?
Xã luận của Le Monde khắt khe hơn với mạng xã hội do Zuckerbeg lập ra, qua nhận định : "Đã qua rồi cái thời mà Facebook bảo gì người sử dụng cũng răm rắp tin theo". Facebook đã moi đủ loại thông tin : chúng ta ăn gì, mua gì, đi chơi đâu, đi nghỉ mát ở đâu và cả khuynh hướng chính trị của chúng nữa.
Bây giờ Facebook muốn "quản lý luôn cả túi tiền" của chúng ta với đồng libra. Đừng quên rằng, 98% thu nhập của Facebook có được là nhờ tiền quảng cáo. Le Monde hoài nghi : "Có gì bảo đảm rằng, sau đồng libra, trong tương lai, Mark Zuckerberg sẽ không sáng chế ra thêm những sản phẩm tài chính khác" ? Mỗi lần Facebook bị bắt quả tang vi phạm những sai lầm nghiêm trọng, Zuckerberg chỉ biết xin lỗi suông. Đã đến lúc nên "ngừng tin vào những lời nói suông đó".
Quảng trường Concorde-Paris và Thế Vận Hội Olympic 2019
Năm năm trước Thế Vận Hội 2024, Le Figaro lưu ý độc giả trong hai ngày cuối tuần này, quảng trường Concorde - Paris khoác lên mình màu cờ Olympic.
Để thu hút chú ý của công chúng, Ủy ban Tổ chức Thế Vận Hội Paris Cojo cùng với bộ Thể Thao Pháp và Ủy ban Olympic Quốc gia dự trù hơn 700 sinh hoạt trên toàn quốc trong hai ngày 22 và 23/06/2019. Riêng tại Paris, năm nay quảng trường Concorde là điểm hẹn của giới yêu thể thao. Đây là nơi để giới thiệu với công chúng hơn 30 bộ môn được thi đấu tại Olympic và cuộc tranh tài Paralympic, 150 vận động viên nổi tiếng của Pháp sẽ về đây, cùng thi đấu và chung vui với khán giả đúng theo tinh thần lễ hội thể thao. Tờ báo kết luận : Quảng trường Concorde sẽ là "tủ kính đẹp nhất của Thế Vận Hội Olympic".
Thanh Hà