Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Từ Mỹ-Liên Xô đến Mỹ-Trung : Ba cường quốc trong một thế giới đổi thay

Le Monde ngày 23/11/2023 nhận định "Trong các hội nghị thượng đỉnh giữa siêu cường, thách thức đã thay đổi nhưng Hoa Kỳ vẫn trên đỉnh cao quyền lực". Tờ báo nhắc lại lịch sử : Hai hội nghị thượng đỉnh, ba cường quốc, nhưng là một thế giới khác.

daicuong1

Diễn hành dọc theo Central Park West, New York nhân ngày lễ Tạ Ơn 23/11/2023. Suốt cả thế kỷ, Hoa Kỳ luôn là siêu cường số một thế giới. AP - Jeenah Moon

Cuộc mật đàm giữa Mỹ và Qatar về con tin

Tại Trung Đông, tin về việc hoãn thả các con tin ở Gaza sang ngày thứ Sáu 24/11 đều được các báo cập nhật trên trang web. Trên báo giấy, Le Monde chạy tựa "Gaza : Một thỏa thuận để thả con tin", La Croix nhấn mạnh "Israel-Gaza : Chờ đợi và hy vọng", Le Figaro mô tả "Trong Gaza bị tàn phá, những trận đánh cuối cùng trước khi hưu chiến". Nhật báo cánh hữu thuật lại chuyện hậu trường trong bài "Con tin ở Gaza : Joe Biden và Qatar đã bí mật thương lượng việc trả tự do như thế nào".

Dù về mặt chính thức luôn khẳng định không thể đàm phán với những kẻ sát nhân Hamas, nhưng các nhà lãnh đạo Israel và Mỹ với sự trợ giúp của những nhân vật Ai Cập trong bóng tối và được Qatar khuyến khích, đã rất nhanh chóng bắt tay vào việc. Theo Reuters, đầu tiên Qatar đề nghị Mỹ lập một ê-kíp thương lượng thả con tin. Có thể hiểu là đã có một ít cơ sở, và Hamas muốn thương thảo, nhưng phải giữ bí mật vừa theo truyền thống, vừa vì chấn thương trầm trọng nơi Israel sau vụ thảm sát hàng loạt mới xảy ra.

Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Jake Sullivan đề nghị nhà ngoại giao thông thạo Trung Đông Brett McGurk, và một cộng sự là Josh Geltzer lập thành tổ đàm phán. Tại Washington, chỉ có vài người được biết ngoài tổng thống Joe Biden, là ngoại trưởng Antony Blinken, giám đốc CIA Bill Burns, và viên phó của Sullivan là Jonathan Finer.

Biden rắn giọng, Hamas xuống nước

Nhà ngoại giao Brett McGurk mỗi ngày đều liên lạc bằng điện thoại với thủ tướng Qatar Mohammed Ben Abdelrahman al-Thani, ông al-Thani chuyển thông điệp của Mỹ đến những người phụ trách nhánh chính trị của Hamas tại Doha là Khaled Mechaal và Ismaël Haniyeh. Hai người này liên lạc với nhánh quân sự đang ẩn náu ở đâu đó trong Dải Gaza. Ở chiều ngược lại, McGurk báo cáo cho chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia.

Nhiều ngày trôi qua. Dưới áp lực Mỹ, Benyamin Netanyahou hoãn lại chiến dịch trên bộ ở Gaza, còn Hamas gợi lên một ít hy vọng. Ngày 18/10, Joe Biden trao đổi với Benyamin Netanyahou, vừa an ủi, cảm thông, nhưng vừa muốn đưa vấn đề con tin lên hàng đầu. Hai ngày sau, Hamas chấp nhập thả vô điều kiện hai con tin Mỹ ngày 20/10 và 23/10 thả tiếp hai con tin Israel. Ngày 24/10, Israel chuẩn bị khởi động chiến dịch, thì Hamas cho phía Mỹ biết chấp nhận thả một số phụ nữ và trẻ em để đổi lấy hưu chiến, nhưng không cung cấp bằng chứng là họ còn sống.

Washington bật đèn xanh cho chiến dịch trên bộ ở phía bắc Gaza. Joe Biden gọi cho quốc vương Qatar nhấn mạnh : nếu không có tên tuổi, giới tính, quốc tịch của 50 con tin được thả, sẽ ngưng đàm phán. Sau cuộc gọi, Hamas phải xuôi theo. Ngày 14/11, Biden gọi điện cho biết chi tiết thỏa thuận và Netanyahou chấp nhận một cách khó khăn. Brett McGurk nắm lấy tay ông an ủi : "Chúng ta cần sự trao đổi này". Đến 18/11, cuộc họp cuối cùng diễn ra tại Doha giữa hai giám đốc CIA và Mossad để giải quyết các chi tiết hậu cần.

Đạo đức giả và quyền tự vệ của Israel

Triết gia André Perrin trên Le Figaro vạch ra những lỗ hổng của những lời kêu gọi đạo đức giả kiểu như "Israel có quyền tự vệ, nhưng…". Ông tóm lược những lý lẽ được đưa ra sau vụ thảm sát kinh hoàng của Hamas.

Thứ nhất, Israel có quyền tự vệ. Thứ hai, chỉ được tự vệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến thường dân. Thứ ba, việc này hoàn toàn không thể thực hiện, một mặt vì Dải Gaza rất hẹp mà lại đông dân, mặt khác Hamas chủ trương dùng dân làm bia đỡ đạn. Phe khủng bố trà trộn trong dân chúng và giấu vũ khí, đạn dược trong các bệnh viện, trường học, như vậy không thể nào tấn công mà không ảnh hưởng đến dân. Thứ tư là hệ quả : Israel không có quyền tự vệ !

Còn những ai đòi hỏi Israel chỉ có thể đáp trả với mức độ tương xứng, lại chưa bao giờ nói rõ "tương xứng" là như thế nào. Phải chăng là không được vượt quá mức độ bạo lực của Hamas mà chỉ tương đương ? "Mắt đổi mắt, răng đổi răng", trong trường hợp này Tsahal phải hành động ở Gaza đúng y những gì Hamas đã làm trên lãnh thổ Israel. Đó là xông vào tấn công làm đúng 1.400 người chết, không được hơn ! Nam, nữ, trẻ em phải bị giết trong cùng điều kiện : hãm hiếp, chặt đầu, mổ bụng, phân thây, thiêu sống… Thêm vào đó là bắt đúng 250 con tin để rồi thương lượng sau.

Như vậy khả năng duy nhất để đáp trả tương xứng, với trường hợp Israel, là không đáp trả. Điều mà người ta vẫn nói một cách rất chính trị là "ngưng bắn ngay lập tức" !

Armenia quay lưng với Nga

Tại Châu Âu, Les Echos nhận thấy sau khi Thượng Karabakh bị chiếm, "Armenia quay lưng lại với Nga". Điều 4 của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể, tương đương với Điều 5 của NATO, bảo đảm trợ giúp lẫn nhau "kể cả về quân sự" trong trường hợp một thành viên bị tấn công. Thế nhưng tháng 9 năm ngoái Azerbaijan kéo quân sang, Erevan đề nghị kích hoạt nhưng các nước trong khối đứng đầu là Nga lại làm ngơ.

Giờ đây đã mất Thượng Karabakh, Armenia cảm thấy mối quan hệ này là vô nghĩa. Từ nhiều tháng qua, Armenia không ngừng nói lên sự thất vọng, và hôm nay 23/11 thủ tướng Nikol Pachinian không đến Minsk dự hội nghị thượng đỉnh của liên minh này, gây bực tức cho Vladimir Putin. Erevan còn tham gia Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), nơi đã ra lệnh truy nã tổng thống Nga, quay sang Liên Hiệp Châu Âu vốn đã chi viện vũ khí không sát thương cho Armenia.

Le Monde nói về "Cuộc sống mới của những người tị nạn Thượng Karabakh". Hầu như toàn bộ 100.000 dân phải vội vã chạy khỏi vùng đất mà tổ tiên họ đã sinh sống từ cả ngàn năm trước. Nhiều người tị nạn vẫn còn lặn lội đi tìm chỗ ở, và những địa điểm phù hợp túi tiền lại ở gần nơi quân Azerbaijan đóng nhất. Chính phủ Armenia trợ cấp cho họ trong vòng sáu tháng. Một khó khăn nữa là việc làm không có mấy, và rất nhiều người không kịp mang theo giấy tờ. Tại làng Hrazdan, hiệu trưởng trong hai tháng tiếp nhận 85 học sinh từ Thượng Karabakh chạy sang. Ông cho biết các đều em nói không muốn trả thù người Azerbaijan, chỉ nhớ quê hương và mong được về nhà. Nhưng thế hệ này biết rằng nay chỉ là giấc mơ mà thôi.

Vệ tinh dọ thám : Bắc Triều Tiên đổi đạn lấy công nghệ Nga ?

Liên quan đến Châu Á, Les Echos  Le Figaro quan tâm đến sự kiện Bắc Triều Tiên thành công trong việc đưa một vệ tinh dọ thám khá thô sơ lên quỹ đạo. Sau hai lần thất bại, hôm thứ Ba 21/11 Bình Nhưỡng đã phóng thành công vệ tinh quân sự Malligyong-1, khiến Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản đều lên tiếng phản đối. Washington tố cáo Bắc Triều Tiên vi phạm trắng trợn các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Seoul loan báo ngưng một phần hiệp định quân sự liên Triều nhằm làm giảm căng thẳng ký năm 2018, và dự định tập trận chung với Hải quân Mỹ, Nhật để trả đũa.

Nhưng Bình Nhưỡng bất chấp, và còn tuyên bố sẽ phóng "nhiều vệ tinh khác" trong tương lai gần, đe dọa dùng vũ khí nguyên tử "chiến thuật". Bóng dáng Kremlin lảng vảng quanh vụ này, vài tuần sau chuyến thăm Nga hôm 13/09, khi đó Kim Jong-un đã tham quan sân bay vũ trụ Vostochny có Putin đi kèm. Các nhà quan sát đều cho rằng có sự trao đổi giữa đôi bên, Bắc Triều Tiên giao "trên 1.000 container vũ khí, đạn dược" cho Nga, để đổi lấy việc hỗ trợ về công nghệ của Moskva, mà Malligyong-1 là kết quả trực tiếp. Bộ trưởng quốc phòng Hàn Quốc Shin Won-sik khẳng định, đặc biệt nhờ đó Bình Nhưỡng đã giải quyết được khó khăn về động cơ. Moskva im lặng về chủ đề này.

Một nguồn tin ngoại giao Châu Âu nhận định, việc tìm thấy đạn pháo Bắc Triều Tiên trên chiến trường Ukraine "chỉ còn là vấn đề thời gian". Những hình ảnh vệ tinh được Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế phân tích cho thấy trên 70 toa tàu xếp hàng ở ga Tumangang gần biên giới Nga hôm 05/10, đông đảo chưa từng thấy từ 5 năm qua. Tương tự ở bến cảng Rajin-Sonbong vào giữa tháng 10, 300 hộp thép đã được sang mạn qua tàu Nga để đưa đến Siberia rồi tới gần biên giới Ukraine.

Có được sự ủng hộ của Moskva – đã phủ quyết một dự thảo nghị quyết năm 2022 – và sự trung lập giả vờ của Bắc Kinh, Kim Jong-un không sợ bị Liên Hiệp Quốc trừng phạt thêm. Chuyên gia Sue Mi Terry nói "ông ta chẳng mất gì cả, tại sao không làm ?", và lo ngại một vụ thử hỏa tiễn đạn đạo trong lúc thế giới đang lo lắng về các cuộc khủng hoảng ở Gaza và bên dòng sông Dniepr.

Hai thượng đỉnh, hai thế giới

Về quan hệ Mỹ-Trung, Le Monde nhận định "Trong các thượng đỉnh giữa siêu cường, thách thức đã thay đổi nhưng Hoa Kỳ vẫn trên đỉnh cao quyền lực". Tờ báo nhắc lại lịch sử : Hai hội nghị thượng đỉnh, ba đại cường, nhưng là một thế giới khác.

Khi tổng thống Mỹ George Bush gặp đồng nhiệm Liên Xô Mikhail Gorbachev hai ngày 02 và 03/12/1989 ở ngoài khơi Malta, chủ yếu về việc kết thúc chiến tranh lạnh. Bức tường Berlin đã sụp đổ trước đó ba tuần, ông Bush muốn tham khảo Gorbachev, vốn hiểu rằng đã yếu đi vì các cuộc cách mạng trong khối Hiệp ước Warszawa. Mỹ lo sợ đế quốc xô-viết tan rã trong hỗn loạn. Gorbachev trấn an, khẳng định Liên Xô không còn coi Hoa Kỳ là kẻ thù. Chiến tranh lạnh rõ ràng đã kết thúc.

Ba mươi bốn năm sau, trong một thế giới hoàn toàn khác mà tổng thống Joe Biden và chủ tịch Tập Cận Bình đã gặp gỡ hôm 15/11 tại San Francisco (California). Vẫn là hai đại cường, nhưng Trung Quốc đã hất cẳng người thừa kế của Liên Xô là nước Nga. Bị Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) truy nã, tổng thống Nga Vladimir Putin đành phải dự họp G20 và BRICS qua video, còn việc họp thượng đỉnh Nga-Mỹ thậm chí không còn được đặt ra sau vụ xâm lăng Ukraine.

Suốt thế kỷ, Mỹ luôn là siêu cường số 1

Siêu cường số một thế giới thì từ hơn một thế kỷ qua vẫn luôn là Mỹ. Năm 2022, Hoa Kỳ chiếm 1/4 tổng sản phẩm nội địa (GDP) thế giới, tiếp theo là Trung Quốc 18%, Liên Hiệp Châu Âu 17%, còn Nga lẹt đẹt mãi phía sau với chỉ 2%. Trung Quốc phát triển chỉ thiệt hại cho Châu Âu và Nhật Bản chứ không phải Hoa Kỳ.

Cũng như Gorbachev trước ông Bush, Tập Cận Bình tỏ ra hòa dịu, tuyên bố : "Thế giới đủ lớn cho sự thành công của cả hai nước". Ông Tập hứa hẹn với 300 doanh nhân Mỹ : "Cánh cửa quan hệ Mỹ-Trung không bao giờ đóng lại". Le Monde lưu ý, đó là vì kinh tế Trung Quốc đang phải chịu đựng những làn gió ngược : tăng trưởng chậm, khủng hoảng địa ốc, đông đảo thanh niên thất nghiệp, dân số giảm. Hoa Kỳ ngày nay không hy vọng thay đổi tính chất chế độ Trung Quốc như Liên Xô thời trước. Cho dù Joe Biden vẫn coi Tập Cận Bình là "nhà độc tài", Bắc Kinh chỉ phản ứng lấy lệ. Sự đối địch về ý thức hệ không mang tính quyết định so với kinh tế và công nghệ.

Nhà chính trị học Mỹ Joseph Nye, người đưa ra khái niệm "quyền lực mềm", nhấn mạnh ưu thế địa chính trị to lớn của Hoa Kỳ : được hai đại dương bao quanh ở bờ đông và bờ tây, phía bắc và nam là hai láng giềng thân thiện ; trong khi Trung Quốc xung đột lãnh thổ với hầu hết các nước lân cận. Ngược với Trung Quốc, Mỹ độc lập về năng lượng, và tình hình dân số tốt hơn. Một ưu thế khác là Hoa Kỳ thu hút nhiều bộ óc từ khắp thế giới. Tuy vậy Mỹ vẫn lo nhất là cạnh tranh công nghệ, nên đã cấm xuất khẩu chất bán dẫn sang Trung Quốc. Chính sách ngăn chặn thời chiến tranh lạnh vẫn còn đó, dù đối tượng đã khác.

OpenAI, "siêu phẩm Hollywood"

Chủ đề lớn khác là sự đổi ngôi kịch tính ở OpenAI, công ty đã làm rung chuyển thế giới với ChatGPT. Libération đưa tít "Trí thông minh nhân tạo gặp vấn đề", với Les Echos là "Sự quay lại khó tin của Sam Atman nơi OpenAI". Libération nhận thấy giữa Sam Atman và AI là chiến thắng của phe "vội vã" trước phe "thận trọng". Trí thông minh nhân tạo (AI) liệu có thể tiêu diệt loài người ? Nhiều nhà khoa học lo lắng, kể cả những người đồng sáng tạo. Nhưng các nhà đầu tư thì không thể chờ đợi trong lúc những người cạnh tranh đang gia tăng nỗ lực. Chưa đầy một tuần sau khi hội đồng quản trị OpenAI sa thải tổng giám đốc Sam Atman vì cho rằng tiến quá nhanh là "nguy hiểm", Atman đã quay lại và ba thành viên "quá thận trọng" trong hội đồng quản trị phải ra đi !

Xã luận của Les Echos tóm tắt "Ba người thắng và một kẻ bại". Nhật báo kinh tế ví von, các kịch tác gia Hollywood đã chấm dứt đình công đúng lúc, vì họ có đủ mọi chất liệu cho một loạt phim hấp dẫn về OpenAI. Người chiến thắng trước nhất đương nhiên là Sam Atman, sau khi định sang Microsoft, quay lại trên thế mạnh. Thứ hai là nhân viên OpenAI, hầu như toàn bộ đã đe dọa sẽ rời công ty : không có Atman, cổ phiếu của họ sẽ không còn giá trị. Thứ ba là tập đoàn Microsoft, tuy chiếm 49% vốn của OpenAI nhưng không có quyền hạn gì, nay có được tiếng nói quyết định. Còn kẻ bại trận là hội đồng quản trị vừa bị bãi nhiệm – những người giám sát cam kết của OpenAI là phát triển trí thông minh nhân tạo không vì lợi nhuận, và "đem lại lợi ích tối đa cho nhân loại".

Thụy My

Additional Info

  • Author Thụy My
Published in Quốc tế