Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Dằn mặt Nga, NATO không quên mối đe dọa Trung Quốc

Các nền dân chủ Châu Á-Thái Bình Dương cố gắng vận động NATO lưu ý đến mối đe dọa từ Trung Quốc. Lần đầu tiên dự họp, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand hy vọng Liên minh Bắc Đại Tây Dương nhìn nhận rằng cũng như Nga, Bắc Kinh cũng đang thách thức trật tự thế giới tự do.

nato1

Tổng thống Mỹ Joe Biden được tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (trái) và thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez tiếp đón tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid ngày 29/06/2022.  Reuters - Pool

G7 quyết làm Nga thất bại, Trung Quốc trong tầm ngắm

Les Echosghi nhận "Các nước G7 chứng tỏ quyết tâm làm cho Nga phải thất bại tại Ukraine". Bên cạnh việc tiếp tục hỗ trợ Kiev, G7 còn muốn đặt mức trần giá dầu để làm giảm thu nhập của Moskva. "Nga không thể chiến thắng, và không nên để cho Nga có thể chiến thắng". Bằng tuyên bố trên đây, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thể hiện quyết tâm của các nước G7 tại hội nghị thượng đỉnh Elmau (Đức) kết thúc hôm qua. Ông nói "Việc ủng hộ Ukraine và trừng phạt Nga sẽ còn được duy trì lâu dài, mạnh mẽ".

Nếu gọng kềm siết lại quanh Nga, trong thông cáo bế mạc, G7 còn lên án cung cách thương mại "thiếu minh bạch, gian dối" của Trung Quốc. "Chúng tôi chờ đợi các biện pháp trừng phạt Nga sẽ không bị Bắc Kinh tránh né" - thủ tướng Đức Olaf Scholz, chủ tịch luân phiên G7 nhấn mạnh. Quan điểm này sẽ làm Trung Quốc thêm bực tức.

Trong khi đó Ấn Độ đã cứng giọng hơn với Vladimir Putin. G7 hôm qua lên án cuộc xâm lăng "phi pháp" Ukraine của Nga. Năm quốc gia mới nổi (Nam Phi, Argentina, Ấn Độ, Indonesia, Senegal) được mời tham dự đã chấp nhận đứng tên trong thông cáo chung của G7, nhưng không ở phần dành cho Ukraine.

Ấn Độ tiếp tục trò chơi thăng bằng để vừa làm hài lòng phương Tây, vừa không khiến cho Moskva bất bình. Nga là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của Ấn Độ, lại là thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An, có thể ngăn chặn mọi nghị quyết liên quan đến vùng Kashmir tranh chấp với Pakistan và Trung Quốc. Khi nhận lời mời tham gia các hội nghị thượng đỉnh như G7, Ấn Độ đã bước một bước về phía phương Tây nhằm chống lại ảnh hưởng Trung Quốc tại Ấn Độ-Thái Bình Dương. New Delhi bắt cá hai tay : trước đây dầu lửa Nga xuất sang Ấn Độ chỉ chiếm 1% nay tăng lên 18%.

Nga muốn "Phần Lan hóa" Ukraine nhưng lại giúp "NATO hóa" Phần Lan

Về phía NATO, Libération cho rằng dù cuộc xâm lăng Ukraine đã giúp cả khối đoàn kết lại, nhưng những bất đồng vẫn còn đó. Tại Madrid, các nước đồng minh sẽ tuyên bố rõ "Nga là mối đe dọa quan trọng nhất và trực tiếp nhất cho an ninh của NATO". Hệ quả là lực lượng phản ứng nhanh NATO sẽ tăng từ 40.000 lên 300.000 quân, một phần tư có thể được triển khai trong vòng 8 ngày. Số nhóm chiến thuật tại Đông Âu từ 4 tăng lên 8, phân bố tại ba nước Baltic và Ba Lan, Hungary, Romania, Slovakia. Một số còn được tăng cường ở cấp tiểu đoàn.

Nhưng đi vào chi tiết, có những quan điểm khác nhau. Các nước vùng Baltic muốn NATO đưa thêm quân, thiết bị và những loại vũ khí hạng nặng hơn để răn đe Moskva ; còn Pháp, Đức, Ý không cảm thấy việc này là khẩn cấp. Tuy Berlin chấp nhận tăng cường nhóm chiến thuật do Đức chỉ huy ở Litva, nhưng đa số quân nhân vẫn đóng trên đất Đức, sẵn sàng triển khai nếu cần thiết.

Les Echos thấy rằng nhân vật "nổi bật" tại hội nghị NATO không phải là tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, mà là người đang kiểm soát ngõ vào Hắc Hải. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ rất được săn đón, và cuối cùng ông Erdogan đã không còn chống lại việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập Liên minh. Tờ báo nhận xét, Recep Tayyip Erdogan rất mong được Mỹ giúp hiện đại hóa phi đội F-16 để có thể đối phó với thế thượng phong của Moskva tại Syria, sau khi bị Washington cấm mua F-35 vì mua hệ thống S-400 của Nga. Chính trị gia khôn khéo này biết rằng "già néo đứt dây". Còn Nga thì đã tự bắn vào chân mình khi xâm lăng Ukraine, như ông Joe Biden đã tóm tắt : Kremlin muốn "Phần Lan hóa" Ukraine, nhưng rốt cuộc lại giúp "NATO hóa" Phần Lan.

Bốn nước Thái Bình Dương muốn NATO chú ý đến bành trướng Trung Quốc

Libérationcho rằng Washington vẫn chật vật trong việc thúc đẩy Liên minh đối đầu với Trung Quốc - được coi là mối đe dọa về trung hạn với sức mạnh kinh tế, tài chánh và quân sự. Lần đầu tiên bốn quốc gia Ấn Độ-Thái Bình Dương được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh Madrid : Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand. Theo một nhà quan sát, có thể trong "quan điểm chiến lược mới" NATO sẽ đề cập đến Ấn Độ-Thái Bình Dương - theo đề nghị của Hoa Kỳ, và khái niệm Châu Âu quốc phòng - như Paris mong muốn.

Les Echos quan tâm đến việc "Các nền dân chủ Châu Á-Thái Bình Dương cố gắng vận động NATO trước mối đe dọa Trung Quốc". Lần đầu tiên dự họp với Liên minh Bắc Đại Tây Dương, bốn nước trên đây hy vọng NATO sẽ nhìn nhận rằng Bắc Kinh cũng đang thách thức trật tự thế giới tự do. Họ cho là các hành động ngày càng hung hăng của Bắc Kinh tại Châu Á-Thái Bình Dương có thể so sánh với sự khiêu khích của Moskva khi xua quân sang Ukraine.

Các nước này nêu ra áp lực đối với Đài Loan, yêu sách phi lý của chế độ Bắc Kinh trên các đảo ở Biển Đông, thỏa thuận an ninh mờ ám ký với các tiểu quốc Thái Bình Dương. Riêng với Nhật Bản, nhà nghiên cứu Valérie Niquet trên Les Echos nhận định, Tokyo chủ yếu muốn chứng tỏ với NATO mối đe dọa từ Nga và Trung Quốc, gần như là một liên minh giữa các chế độ độc tài.

Tổng thống Hàn Quốc dự họp NATO : Dấu hiệu ý nghĩa gởi đến Bắc Kinh

Về Hàn Quốc và Nhật Bản, Le Figaro nhận thấy hai cường quốc Châu Á đang siết chặt hàng ngũ với phương Tây trước cặp Trung Quốc-Nga. Tân tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã chọn thủ đô Tây Ban Nha cho chuyến công du ngoại quốc đầu tiên trong bối cảnh chiến tranh Ukraine đang dữ dội, chứng tỏ khuynh hướng thân phương Tây rõ rệt vào lúc các quốc gia dân chủ đang căng thẳng với nước Nga của Vladimir Putin được Tập Cận Bình ủng hộ. Nhà nghiên cứu Go Myong-hyun của Asan Institute nhận định "Chuyến đi của ông Yoon là một dấu hiệu đầy ý nghĩa cho Bắc Kinh".

Năm tuần sau khi nhậm chức, tổng thống Hàn Quốc tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO với tư cách quan sát viên cùng với thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida - đây là lần đầu tiên đối với nền kinh tế thứ 10 thế giới. Các đồng minh Đông Bắc Á của Mỹ siết chặt quan hệ với NATO trước sự hợp tác "không giới hạn" giữa Moskva và Bắc Kinh. Theo ông Go, "Trung Quốc sẽ trắc nghiệm các liên minh Ấn Độ-Thái Bình Dương trong những năm tới, và (liên minh này) rất cần có sự hỗ trợ của NATO". 

Nhu cầu này phù hợp với lợi ích của Liên minh Bắc Đại Tây Dương trước những thách thức từ Bắc Kinh, lần đầu tiên được nêu ra trong "quan điểm chiến lược" mới sẽ được thông qua tại Madrid. Hai liên minh AUKUS (Mỹ, Úc, Anh) và QUAD (Mỹ, Úc, Ấn, Nhật) khiến các chiến lược gia Hoa lục lo sợ về một NATO Châu Á, cùng với nỗi ám ảnh bị bao vây, và tham vọng nuốt chửng Đài Loan. Bắc Kinh lo lắng quan sát hội nghị ở Madrid, lên án NATO là nguyên nhân gây ra chiến tranh ở Ukraine, cáo buộc Liên minh muốn xuất khẩu bất ổn sang Châu Á.

Về phía tân chính phủ Seoul muốn trở thành một "GPS" (global pivotal state, đất nước xoay trục hướng tới tầm cỡ thế giới). Hàn Quốc có quân đội đứng thứ 6 thế giới, dành 2,6% ngân sách cho quốc phòng, sẽ có phái đoàn thường trực ở NATO tại Bruxelles để tăng cường trao đổi thông tin. Lực lượng Hàn Quốc trang bị vũ khí tân tiến của Mỹ và nội địa, trong khi Bắc Triều Tiên có kho vũ khí theo công nghệ Liên Xô cũ, rất cần học hỏi kinh nghiệm của Ukraine. Sự hợp tác hãy còn trong giai đoạn phôi thai này có thể khiến Bắc Kinh tức tối, tuy hiện vẫn tập trung chỉ trích vào Washington và Tokyo.

Hồng Kông : Mới nửa chặng đường, lời hứa của Đặng Tiểu Bình đã tan thành mây khói

Liên quan đến Trung Quốc, Le Monde cho biết nhà cầm quyền đang ra sức chuẩn bị cho chuyến thăm Hồng Kông của ông Tập Cận Bình, nhân kỷ niệm 25 năm đặc khu được Anh trao trả cho Bắc Kinh. Chủ tịch Trung Quốc sẽ đến bằng tàu nhanh từ Thâm Quyến ngày 30/06 để ăn tối với các lãnh đạo Hồng Kông, trở về Hoa lục trong đêm rồi quay lại vào sáng sớm 01/07 dự lễ thượng kỳ và nhậm chức của chính quyền địa phương.

Dưới mắt Bắc Kinh, chuyến đi này bao hàm nguy cơ về dịch tễ và an ninh. Hồng Kông vẫn còn khoảng 2.000 ca dương tính với Covid mỗi ngày, trong khi Hoa lục dân số đông gấp 200 lần chỉ có 20 ca. An ninh thì được coi là ưu tiên từ sau những cuộc biểu tình làm rung chuyển đặc khu năm 2019 : hàng trăm nhà đối lập đã bị bỏ tù hoặc đi lưu vong. Hàng ngàn cảnh sát được huy động quanh nhà ga Cửu Long (Kowloon), nơi phái đoàn Trung Quốc đến, những cuộc lục soát và bắt bớ được tiến hành. Các tay súng thiện xạ được bố trí trên nóc những tòa nhà khu Loan Tử (Wan Chai), trung tâm buổi lễ, những hàng rào cao ngất bao quanh. Cuộc tuần hành truyền thống ngày 01/07 nay bị cấm.

Ít nhất 1.000 người có thể tiếp xúc với phái đoàn Hoa lục đã bị cách ly từ thứ Hai 27/06 trong hai khách sạn năm sao, phải di chuyển trong "vòng tròn khép kín". Hai người trong chính quyền Hồng Kông trong đó có Eric Chan - nhân vật số hai - bị nhiễm Covid tuần rồi, có thể phải vắng mặt. Những phóng viên hiếm hoi được mời phải xét nghiệm PCR hàng ngày từ Chủ nhật và bị cách ly trong một khách sạn được chỉ định. Một trường tiểu học thuộc mạng lưới thân Bắc Kinh đã đề nghị một "vinh dự" cho phụ huynh : những em học sinh nào chịu cách ly trong khách sạn một tuần từ 23/06 có thể hát đón mừng và tiễn phái đoàn Bắc Kinh, mọi phí tổn được chính quyền chi trả.

Để làm bớt đi không khí hình sự, hàng ngàn chiếc đèn lồng nhựa được treo trên những trục đường, con số "25" xuất hiện dưới nhiều dạng trang trí khác nhau. Tại các khu thân Bắc Kinh, mặt tiền những tòa nhà đầy những lá cờ đỏ với năm ngôi sao vàng, ban đêm những tòa tháp nhấp nháy ánh đèn đủ màu theo chủ đề kỷ niệm 25 năm. Hồng Kông đã đi được nửa con đường mà theo lời hứa của Đặng Tiểu Bình, "không có gì thay đổi" cho đến năm 2047.

Khủng bố Paris 13 tháng 11 : Một phiên tòa đúng tầm lịch sử

Về phiên tòa lịch sử xử các vụ khủng bố đẫm máu nhất trên đất Pháp kể từ sau Đệ nhị Thế chiến kết thúc vào tối nay, Libération nhắc lại những con số chóng mặt : 2.500 nguyên đơn, 542 tấn hồ sơ, phòng xử 750 mét vuông, 1.000 nhà điều tra, 4.000 hồ sơ niêm phong… Tổng cộng có 132 nạn nhân thiệt mạng, vì phải kể thêm hai người sống sót không chịu nổi những ám ảnh của thảm kịch sau đó đã tự sát.

Trong suốt năm tuần lễ, mỗi ngày tòa nghe lời khai của hơn 15 người, hoặc may mắn còn sống sau vụ xả súng ở nhà hát Bataclan hay Stade de France, hoặc thân nhân của nạn nhân bị sát hại. Những câu chuyện bắt đầu bằng tiếng "pháo" nổ, một biển xác người, những chân dung nạn nhân được chiếu lên – thường là những khuôn mặt trẻ đẹp đầy sức sống. Tổng cộng cử tọa đã lắng nghe 397 chuyện kể, mà một người sống sót đã tóm lược bằng câu nói của Shakespeare : "Địa ngục trống rỗng, tất cả những con quỷ đều đang ở đây".

La Croixnhận thấy cùng với diễn tiến của phiên tòa, một "gia đình" lớn đã hình thành. Rất nhiều người không hề quen biết ai, nhưng những mối quan hệ đã được kết nối theo thời gian phiên xử, xuất hiện những nhóm nhỏ rồi sau đó mở rộng ra. Chẳng hạn sau khi tòa cho chiếu hình ảnh đang chơi violon của Kheireddine – nghệ sĩ trẻ theo học thạc sĩ âm nhạc ở Sorbonne nhưng đã chết tức tưởi vì bọn khủng bố đêm hôm đó - khi nghỉ giải lao nhiều thân nhân các nạn nhân khác đã đến an ủi cha của anh. Một người sống sót ở Bataclan vắng mặt hai tuần, khi quay lại tòa đã nhận được rất nhiều cái ôm thân thiết.

Một phiên tòa mà nỗi đau riêng của từng cá nhân đã được tập thể làm dịu đi, đôi khi còn giúp ráp lại một số mảnh puzzle của đêm 13/11/2015. Như với Joëlle, sau khi luật sư thuật lại câu chuyện, một phụ nữ đã đến tìm, cho biết cô đã dẫm lên xác chồng bà khi cố chạy thoát khỏi Bataclan và không khi nào nguôi ray rứt… Libération dẫn lời biện lý cuộc Camille Hennetier : Bản án "không làm lành được những vết thương bên ngoài hay tiềm ẩn, không giúp người chết sống lại, nhưng ít nhất bảo đảm được rằng ở đây, công lý và luật pháp là tiếng nói quyết định sau cùng".

Thụy My

Additional Info

  • Author Thụy My
Published in Quốc tế