Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Nga, Mỹ đàm phán ôn hòa nhưng vẫn căng thẳng về việc mở rộng NATO

Báo chí Pháp hôm nay quan tâm đến kết quả của cuộc gặp Mỹ - Nga tại Genève liên quan đến tình hình tại Ukraine và an ninh chung Châu Âu. Một chủ đề khác cũng chiếm nhiều trang báo là biến thể Omicron làm rạn nứt chiến lược ứng phó với dịch của nhiều quốc gia từ Châu Âu đến Châu Á.

ngamy1

Tổng thống Nga Vladimir Putin và nguyên thủ Mỹ Joe Biden gặp mặt trực tiếp tại Genève, Thụy Sĩ, ngày 16/6/2021. AP - Peter Klaunzer

Cuộc thảo luận giữa các quan chức cấp cao Nga - Mỹ diễn ra vào hôm 10/01/2022 tại Genève, Thụy Sĩ, với chủ đề được các nhà phân tích đặc biệt chú ý là liệu Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) có kết nạp Ukraine vào khối hay không. Đây là một lằn ranh đỏ trong lĩnh vực an ninh đối với Nga. Báo Les Echos chạy tựa "Washington và Moskva ở hai thái cực về vấn đề Ukraine" với nhận định rằng, Nga có vẻ hài lòng về việc phái đoàn Mỹ đối thoại một cách "nghiêm túc". Tuy nhiên sau 8 tiếng đàm phán, Mỹ kêu gọi Nga phải có những hành động xuống thang để cuộc thảo luận có thể tiến triển. Chủ đề then chốt trong mâu thuẫn giữa 2 siêu cường vẫn là việc mở rộng NATO với ý định kết nạp Ukraine và Georgia. Nga không muốn có sự hiện diện của NATO ở sát sườn. Thứ trưởng ngoại giao Nga Sergei Riabkov không ngần ngại nhấn mạnh rằng "đã đến lúc NATO phải trở lại với biên giới năm 1997", tức là trước khi khối này kết nạp Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Czech, Slovakia, Bulgaria, Romania và 3 nước vùng Baltic.

Về chủ đề này, báo công giáo La Croix có bài viết "NATO và Ukraine xích lại gần nhau", nói về việc Mỹ, từ tháng 4 năm 2008, đã có ý định để Ukraine tham gia "Kế hoạch hành động để gia nhập Liên Minh" (gọi tắt là MAP), trong khi Đức và Pháp đã phản đối vì lo ngại điều đó sẽ chẳng khác gì như một hành động khiêu khích nhắm vào Nga.

Châu Âu có tiếng nói trong đàm phán Nga - Mỹ không ?

Nhân việc Nga - Mỹ bàn về cấu trúc an ninh tại Châu Âu, xã luận báo Le Monde nhấn mạnh đến vai trò của các nước Châu Âu. Việc Nga "điều quân ồ ạt" đến sát biên giới với Ukraine được xem là cách buộc phương Tây phải ngồi vào bàn đàm phán với Nga. Bản thân việc Moskva muốn thảo luận về một cấu trúc an ninh mới ở Châu Âu không phải là điều vô lý, sau khi Liên Xô tan rã và Hiệp ước Warszawa bị giải tán cùng với sự mở rộng của khối NATO và EU. Riêng về phần mình, các nước Châu Âu có quyền yêu cầu một vị trí trên bàn đàm phán, nhất là khi cuộc đàm phán này có liên quan đến an ninh của chính mình. Nhưng để làm được điều này, họ sẽ phải đoàn kết hơn, đặc biệt là trong khối Liên Hiệp Châu Âu (EU), và đưa ra các đề xuất của riêng mình, với sự tham vấn của Hoa Kỳ nhằm giành lại thế chủ động trước Moskva : đó là những điều kiện cần thiết để tuần đàm phán căng thẳng này không biến thành thảm họa.

Tổng thống Pháp dường như đang muốn quyến rũ cử tri cánh hữu

Về thời sự nước Pháp, Le Figaro La Croix có bài viết về việc tổng thống Macron cho biết sẽ dành ngân sách 15 tỷ euro để tăng cường các giải pháp phòng ngừa tội phạm và ổn định an ninh trật tự, nhân dịp ông tới thành phố Nice, miền nam Pháp vào 10/01/2021. Đề tài này được các cử tri quan tâm, nhất là cử tri cánh hữu trong khi vòng một cuộc bầu cử tổng thống Pháp diễn ra vào tháng 4 tới. Do vậy, động thái này của đương kim tổng thống dường như đang hướng tới việc thuyết phục những cử tri này ủng hộ mình, mặc dù ông vẫn chưa chính thức tuyên bố tái tranh cử.

Omicron phá hủy mọi chiến lược đẩy lùi đại dịch ?

Một chủ đề khác được nhiều báo quan tâm đó là biến thể Omicron và những hệ lụy. Trang nhất báo La Croix chạy tựa "Cuộc chạy đua xét nghiệm gây kiệt sức" cho rằng việc bùng nổ các ca nhiễm mới do biến thể Omicron đã làm đảo lộn chiến lược xét nghiệm, truy tầm dấu vết, cách ly, đặc biệt là tại các trường học. Trong khi các cơ sở xét nghiệm quá tải, Pháp vẫn duy trì chính sách xét nghiệm hàng loạt. Bảo hiểm Y tế của Pháp bất lực trong việc truy dấu vết những ca tiếp xúc với người bị nhiễm, các nhà chức trách chỉ có thể đặt cược vào "trách nhiệm của từng cá nhân". Mặc dù phát ngôn viên của điện Elysée có tuyên bố mở thêm hàng trăm cơ sở xét nghiệm, chính ý nghĩa của việc xét nghiệm hàng loạt khổng lồ này là một dấu chấm hỏi, theo La Croix, nhất là khi hệ thống y thế trong tình trạng kiệt quệ.

Trong khi đó, Le Monde đặt câu hỏi về khả năng miễn dịch cộng đồng, liệu Omicron có thể làm được điều này ? Dường như "viễn cảnh về một thế giới không lo lắng về Covid-19 đang đến gần hơn" nhờ tiêm phòng hàng loạt và số ca nhiễm tự nhiên gia tăng. Sau làn sóng Delta, làn sóng Omicron với nguy cơ lây nhiễm cao hơn nhưng lại ít gây nguy hiểm hơn có thể giúp đẩy nhanh miễn dịch cộng đồng và giảm gánh nặng cho hệ thống y tế.

"Miễn dịch tế bào" thay vì miễn dịch cộng đồng

Về mặt khoa học, miễn dịch cộng đồng là tỷ lệ dân số miễn dịch - thông qua vac-xin hay nhiễm theo con đường tự nhiên - nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Nếu như từ đầu dịch, với chủng gốc SARS-CoV-2, tỷ lệ để đạt miễn dịch cộng đồng là 60 % dân số, thì với các biến thể Omicron tỷ lệ này là 90 %. Theo Le Monde, điều này khó có thể đạt được, nhất là khi nguy cơ các biến thể mới vẫn có thể xuất hiện, như là "khiến nhân loại phải cố gắng vượt bậc như chinh phục đỉnh Everest vậy".

Một lý do khác nữa đó là Omicron có thể gây tái nhiễm ngay cả với người đã tiêm vac-xin và đã nhiễm chủng gốc SARS-CoV-2. Tuy nhiên, hy vọng về miễn dịch cộng đồng không hẳn là bị dập tắt hoàn toàn. Theo Le Monde, chúng ta có thể trông chờ vào hệ thống "miễn dịch tế bào", qua tế bào lympho T và B, được gọi là tế bào "bộ nhớ", cho phép lưu giữ những lần tiếp xúc "tốt đẹp" với virus và vac-xin và nhận ra cách hoạt động của "cỗ máy coronavirus", sau đó ngăn chặn chúng vô hiệu hóa các kháng thể có được từ vac-xin hoặc do nhiễm trùng.

Các chuyên gia y tế nhận định có khả năng Covid-19 sẽ gây ra những chứng bệnh ít nguy hiểm hơn, giống như bệnh cúm hay viêm họng vào mùa đông. Đánh giá này đã được đưa ra từ đầu dịch. Tuy nhiên, vẫn cần thận trọng, vì nếu một biến thể mới xuất hiện vào mùa thu tới, hung hãn hơn, có thể dập tan hy vọng về viễn cảnh tươi đẹp này.

Anh Quốc muốn sớm quay trở lại "cuộc sống bình thường"

Vẫn về biến thể Omicron, báo Libération quan tâm đến tình hình ở Anh Quốc với tựa "Sau khi sóng thần Omicron rút, Vương quốc Anh ngoi lên mặt nước", do số ca nhiễm mới có dấu hiệu suy giảm, từ 246.000 ca nhiễm vào 29/12/2021, xuống còn 141.472 vào 9/1/2022. Cơ quan y tế và giới khoa học Anh cho biết vẫn còn quá sớm để dự đoán xu hướng tiến triển của dịch, vì vẫn chưa rõ hậu quả của kỳ nghỉ lễ cuối năm và việc học sinh trở lại trường. Trong khi đó báo chí Anh đề cập đến việc thủ tướng Boris Johnson có kế hoạch công bố chiến lược mới "tìm lại cuộc sống trước đây" trong những tuần sắp tới.

Trung Quốc kiên quyết giữ chiến lược "Zero Covid"

Nhìn sang Châu Á, trang nhất báo Les Echos chạy tựa "chính sách Zero Covid của Trung Quốc bị thử thách nghiêm trọng". Nhật báo kinh tế Pháp nhắc lại việc đại dịch đã được kiểm soát phần lớn ở Trung Quốc, từ mùa xuân năm 2020. Quốc gia đông dân nhất thế giới ghi nhận 4.636 người chết vì Covid-19. Với chính sách "Zero Covid" - đưa ca nhiễm về số 0, Trung Quốc đã đóng cửa biên giới từ tháng 3/2020. Để người dân trong nước có thể sống gần như bình thường, cái giá phải trả là sự kiểm soát chặt chẽ, và các biện pháp nghiêm khắc, ngay khi phát hiện ca nhiễm Covid-19.

Les Echos liệt kê các ví dụ về chính sách này như trường hợp phong tỏa 13 triệu dân ở Tây An sau khi phát hiện 150 ca nhiễm ; hay tại Vũ Châu, bị phong tỏa sau 3 ca nhiễm không có triệu chứng ; hay trường hợp xét nghiệm hàng loạt 14 triệu dân ở Thiên Tân sau khi 20 người dương tính với Covid-19, trong đó có 2 người nhiễm biến thể Omicron - trường hợp lây nhiễm cộng đồng đầu tiên của biến thể mới tại Trung Quốc. Song song với đó, là các hạn chế di chuyển nghiêm ngặt. Theo Les Echos, Trung Quốc "đang sống trong nỗi sợ hãi về sự bùng phát trở lại của đại dịch, nhất là sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron".

Trong một bài khác, Les Echos đặt câu hỏi, "liệu Omicron có khiến Trung Quốc thay đổi chiến lược ?" Việc tổ chức Thế Vận Hội Olympic Bắc Kinh và Tết Nguyên Đán, diễn ra vào khoảng thời gian mà nhu cầu di chuyển trong nước gia tăng, đặt các nhà chức trách vào tình trạng báo động. Thêm vào đó là những bất cập của chính sánh "Zero Covid". Les Echos đề cập đến trường hợp tử vong của một phụ nữ mang thai, bị từ chối nhập viện vì giấy xét nghiệm quá hạn, hay đứa trẻ 8 tuổi bị nhiễm máu trắng không được điều trị... đã khiến mạng xã hội dậy sóng lên tiếng bất bình. Những người dân sống trong khu vực phong tỏa phàn nàn về việc khan hiếm, thiếu thức ăn, có người đã phải đổi cà phê lấy mì gói.

Trung Quốc hiện đã chủng ngừa cho 1,2 tỷ dân của mình bằng vac-xin "cây nhà lá vườn", mà một số chuyên gia cho là không có tác dụng với biến thể mới. Nước này vẫn từ chối chuyển hướng chiến lược "Zero Covid" như một số quốc gia Châu Á khác, lý do được đưa ra là hệ thống y tế chưa đáp ứng được và ít tốn kém hơn về mặt kinh tế. Giới chức Trung Quốc cho biết sẽ không mở lại đường bay quốc tế trước giai đoạn 2023-2025.

Nhật Bản mong muốn toàn cầu hóa, nhưng lại đóng cửa co cụm

Tại Nhật Bản, Le Figaro có tựa "Nhật Bản, đất nước toàn cầu hóa nhưng lại đóng cửa với chính mình". Ngay khi nhậm chức, thủ tướng Fumio Kishida đã tuyên bố hạn chế nhập cảnh đối với người nước ngoài từ khắp nơi trên thế giới do biến thể Omicron. Nhật Bản đã đóng cửa từ 2020 và mở cửa lại vào tháng 11 năm ngoái. Thủ tướng Fumio Kishida yêu cầu đóng cửa lại 3 tuần sau đó. Quyết định này làm gián đoạn công việc của nhiều người, nhưng lại được đa số người dân Nhật Bản ủng hộ, vì điều này mang tính bảo vệ và không gây thiệt hại cho họ. Nhật báo thiên hữu cho biết, hiện nay không một cường quốc nào, trừ Trung Quốc thực hiện một chính sách "bài ngoại" như vậy. Tuy nhiên bên cạnh sự "cô lập tự nguyện", vẫn thấy hình ảnh của một nước Nhật Bản dường như bắt kịp với các cường quốc khác trong quá trình toàn cầu hóa. Nhật Bản cũng thực hiện nhiều chính sách thu hút khách du lịch và người lao động từ 2012. Tại Thế Vận Hội Tokyo vừa qua, nhà vô địch quần vợt người Mỹ gốc Nhật được chọn để thắp lửa Olympic, được cho là đại diện cho hình ảnh đa văn hóa của quần đảo.

Báo Le Figaro cũng chỉ ra những khó khăn của người nước ngoài cư trú tại Nhật, như rào cản văn hóa ngôn ngữ hay các chính sách gia hạn thị thực "gây khó dễ". Nhật Bản không chấp nhận di dân bất hợp pháp và không ngần ngại bắt giam vô thời hạn đến khi trục xuất họ. Số người tị nạn được tiếp nhận được giới hạn ở vài chục người. Rất khó có thể có quốc tịch Nhật, chỉ khoảng 10 000 mỗi năm, ít hơn gấp 10 lần so với Pháp. Sự cô lập "bài ngoại" này có giá của nó. Phải kể đến đầu tiên là trình độ tiếng Anh của người Nhật liên tục giảm, từ vị trí thứ 14 xuống 78 trong 10 năm, theo bảng xếp hạng của Thụy Sỹ. Điều này gây khó khăn trong việc tuyển dụng tại các công ty đa quốc gia ở Nhật. Le Figaro kết luận rằng, việc đóng cửa với nước ngoài của Nhật Bản có thể là nguy cơ khiến Nhật mất đi sức hấp dẫn đối với quốc tế.

Pháp : Ý định tự tử gia tăng đáng báo động ở trẻ em

Trang nhất báo Libération nói về vấn nạn tự tử gia tăng đáng báo động ở trẻ vị thành niên với tựa đề "Ý định tự tử ở thanh thiếu niên, tình trạng báo động về giới trẻ trong cảnh ‘tuyệt vọng’". Theo số liệu mà nhật báo cánh tả thu thập được tại Pháp, với các bé gái dưới 15 tuổi, vào quý đầu của năm 2021, con số này tăng 40 % so với cùng kỳ ba năm trước đó, trong khi so với bé trai, con số này không có nhiều thay đổi. Trong mục xã luận, Libération nhấn mạnh rằng điều này đáng báo động nhưng lại liên kết chặt chẽ với sự suy giảm sức khỏe tâm thần ở trẻ vị thành niên kể từ khi bắt đầu đại dịch. Ở độ tuổi mà "người ta mơ về những cuộc phiêu lưu, cần không gian thì lại bị ‘nhốt’" trong nhà.

Rất khó để đưa ra kết luận chính thức nhưng có thể đưa ra hai nhận xét chính. Một là, những "bệnh nhân mới" được đưa đi cấp cứu thường không được theo dõi bởi các chuyên gia y tế, có ý định tự tử do tình trạng căng thẳng và việc không thể đến trường do đại dịch. Một số gia đình được cho là "bình thường" trước dịch, trở nên "căng thẳng cực độ" ngay sau khi đại dịch bắt đầu. Phải nói rằng, trẻ em gái ở độ tuổi này thường bị quấy rối, bắt nạt nhiều hơn trẻ em trai, tìm đến tự tử như là một lời kêu cứu trong tuyệt vọng. Thứ hai, đó là các hình thức cảnh báo, theo dõi và cơ sở tiếp nhận ở Pháp không đủ lớn để bao quát vấn đề. Nghịch lý là một đất nước được cho là rất triết học, "rất Descartes", các chuyên gia về sức khỏe tâm thần ở trẻ em lại rất ít. Các dịch vụ về tâm thần ở trẻ em luôn trong tình trạng quá tải. Libération nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết để củng cố và lập cơ quan chịu trách nhiệm lắng nghe, theo dõi sức khỏe tâm thần ngay tại trường học.

Chi Phương

Published in Quốc tế