Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Nga chiếm lĩnh Châu Phi trước mũi Pháp

Nhật báo công giáo La Croix có bài viết với tựa đề khá hấp dẫn : "Trung Phi, bàn tay thâu tóm của Moskva" cho thấy, người Nga ngày càng hiện diện nhiều tại đất nước này. Một trong các mục tiêu của Moskva là làm suy yếu sự hiện diện của Pháp ở Châu Phi.

nga1

Lực lượng Nga bảo vệ tổng thống Trung Phi Touadera, Berengo, ngày 4/8/2018. FLORENT VERGNES / AFP

Theo ghi nhận của phóng viên La Croix : Tại Bangui, thủ đô Trung Phi, người Nga có mặt ở khắp nơi làm các nhiệm vụ như huấn luyện cho quân đội Trung Phi (Faca), bảo vệ tổng thống Faustin Archange Touadéra. Người ta có thể bắt gặp lá cờ Nga ở khắp nơi trong thành phố. Trên các phố nhiều tấm biển quảng bá, cổ vũ cho hoạt động của người Nga ở đất nước Trung Phi. Người Nga còn ra cả sân bay đón tổng thống Trung Phi trong những lần công cán.

La Croix cho biết : Biến chuyển ngoạn mục đó bắt bầu từ tháng 12/2017, khi Moskva được Liên Hiệp Quốc cho phép đưa vũ khí và các chuyên gia huấn luyện quân đội đến Trung Phi. Đầu năm nay, 170 nhân viên dân sự cùng 5 quân sự đã tới nước này. Cho đến tháng 7 đã có khoảng 300 đến 400 người Nga mới tới. Họ là các cựu quân nhân đến làm việc cho một công ty bảo vệ an ninh và những quân nhân thực thụ thuộc lực lượng đặc nhiệm Nga.

Công ty bảo vệ an ninh thực chất là nơi tuyển mộ lính đánh thuê như kiểu ở Syria. Các chuyên gia huấn luyện quân sự thì có nhiệm vụ theo sát các đơn vị Faca ở khắp đất nước.

Moskva còn đặt cả một nhân vật làm việc giữa phủ tổng thống Trung Phi. Đó là Valery Zakharov, được giới thiệu như là cố vấn phụ trách vấn đề an ninh cho tổng thống.

Nhưng theo tác giả bài viết, người Nga không triển khai ở Cộng Hòa Trung Phi chỉ để bán kỹ năng trong lĩnh vực an ninh. Họ đã mở hai căn cứ ở vùng đông bắc nước này : Bria và Ouata, vùng mỏ kim cương. Với cái cớ trợ giúp nhân đạo, họ đặt ở đó một vài nhóm quân nhân, những người có liên hệ với giới khai thác kim cương.

Nhưng điều quan trọng là việc người Nga tới đây đã kéo theo một chiến dịch chống Pháp trong truyền thông Trung Phi. Việc này gợi lại những gì mà người Nga đã làm tại Ukraine và Syria.

Julien Nocetti, chuyên gia về Nga thuộc viện nghiên cứu quốc tế Pháp IFRI phân tích : "Chắc chắn động cơ thực sự của người Nga ở Trung Phi là nuôi dưỡng và tăng cường tình cảm chống Pháp tại Cộng hòa Trung Phi, làm suy yếu ảnh hưởng của Pháp ở Châu Phi và rồi cả trên trường quốc tế. Với Moskva, đây là một mục tiêu dài hạn".

Hồi đầu năm nay, một nhà báo của RFI bị tố cáo làm gián điệp trong các cơ quan truyền thông Trung Phi đã buộc phải rời khỏi đất nước này. Từ đó đến nay, nhiều nhà báo Pháp khác cũng đã bị sách nhiễu và hành xử tương tự.

Tàu sân bay Charles de Gaulle, cuộc chơi tốn kém

Nhật báo Le Figaro, trên trang phóng sự điều tra có bài viết khá thú vị về "Hậu trường nâng cấp tàu sân bay Charles de Gaulle" để cho thấy chi phí tốn kém thế nào cho một chiếc hàng không mẫu hạm.

Theo Le Figaro, "trong vòng 18 tháng, 2.000 người gồm cả thủy thủ và dân sự tại căn cứ hải quân Pháp ở Toulon đã tham gia vào công việc hiện đại hóa chiếc tàu sân bay được đưa vào sử dụng năm 2001. Con tàu vừa ra khơi để thử nghiệm trước khi được trở lại làm nhiệm vụ trong năm 2019".

Tàu sân bay Charles de Gaulle bắt đầu được khởi công đóng từ ngày 24/11/1987 nhưng đến 18/05/2001 mới đi vào hoạt động . Từ đó đến nay con tàu sân bay Pháp đã tham gia 5 chuyến tác chiến hỗ trợ, trinh sát và không kích trong các cuộc xung đột mà Pháp can dự.

Trong 5 chuyến làm nhiệm vụ đó, từ tàu Charles de Gaulle đã có 40 nghìn lần chiến đấu cơ Super Etandard và Rafal cất cánh. Từ năm 2015, tàu sân bay này đã thực hiện ba chiến dịch trong vòng 14 tháng để tấn công tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo. Đầu năm 2017 Charles de Gaulle được đưa về căn cứ Toulon để nâng cấp hiện đại hóa. Đây là một công trường khổng lồ, nâng cấp trang bị cho tàu những công nghệ chiến đấu mới nhất, đáp ứng cho nhu cầu chuẩn mực tác chiến hiện đại. Le Figaro cho biết là công trình hiện đại hóa tàu sân bay Charles de Gaulles bao gồm 200 nghìn hạng mục công việc với 2000 lần thử nghiệm. Công việc này được giao cho Naval Group, một tập đoàn công nghệ cao cấp chuyên về hàng hải quốc phòng.

Tất cả các chi tiết thay thế đều ngoại cỡ. Thí dụ như ông François Xavier, phụ trách mảng cơ khí của Naval Group, cho biết, chiếc cánh quạt bánh lái bằng hợp kim đồng - thép của tàu do hãng Rolls-Royce chế tạo riêng nặng 20 tấn và chỉ riêng một con vít định vị nó đã nặng 300 kg.

Về phần thiết bị thông tin, hầu như được thay thế hoàn toàn bằng công nghệ tin học mới. 400 km cáp dẫn cũ được thay thế hoàn toàn bàng hệ thống cáp quang. Các màn hình cảm ứng 3 chiều được thay thế các màn hình điện tử cổ điển.

Hạng mục cuối cùng cũng là quan trọng nhất là nâng cấp hai lò phản ứng hạt nhân Adyton và Xena, công suất 83 nghìn mã lực có thể sản xuất ra 16 megawat điện. Lò phản ứng hạt nhân có nhiệm vụ sản sinh ra hơi nước để đẩy con tàu và cũng để phục vụ hệ thống cất cánh máy bay. Charles de Gaulle được trang bị đường băng cất cánh theo công nghệ Mỹ, dài 75 m. Nhờ hệ thống này mà trung tâm chỉ huy tác chiến có thể cho cất cánh cứ 30 giây mỗi lần và một chiếc Rafale nặng 20 tấn có thể đạt vận tốc 250km/h trong vòng 1 giây rưỡi.

Chi phí cho lần nâng cấp tàu Charles de Gaulle lần này là 1,3 tỷ euros. Tốn kém, nhưng đó là số tiền đã được đầu tư vào công nghệ Pháp.

Theo Le Figaro, hôm 14/9 vừa qua, tàu Charles de Gaulles đã rời cảng Toulon chạy thử nghiệm với hệ thống trang thiết bị điện tử, kỹ thuật số hoàn toàn mới. Khi đợt thử nghiệm kết thúc vào khoảng cuối năm nay, tiếp đó đến các công đoạn huấn luyện. Nếu tất cả hoàn hảo thì khi đó tàu mới được bàn giao cho hải quân làm nhiệm vụ trong năm 2019.

Hồng Kông : Hồng y chống đến cùng thỏa thuận Vatican – Bắc Kinh

Liên quan đến Châu Á, trở lại trang quốc tế nhật báo Le Figaro với bài viết : "Hồng Kông : Hồng y Trần kháng cự với Bắc Kinh đến cùng". Vị cựu giám mục của vùng đất bán tự trị, một nhà bảo vệ các quyền tự do, quyết đứng lên chống lại thỏa thuận giữa Vatican và chế độ cộng sản Bắc Kinh.

Đó là Hồng y Giuse Trần Nhật Quân (Joseph Zen Ze-kiun), nay đã 86 tuổi. Để thuyết phục Tòa Thánh La Mã, Hồng y Trần Nhật Quân dùng mọi cách. Trước tiên ông bày tỏ trên blog cá nhân tất cả nỗi đau mà ông dự cảm trong sự xích lại gần nhau giữa Vatican và Bắc Kinh. Ông lên tiếng với báo chí. Ông vừa xuất bản một cuốn sách bằng tiếng Ý, có tiêu đề "Vì tình yêu với dân tộc mình, tôi sẽ không im lặng".

Mặc dù từ 9 năm nay, vị hồng y này không còn cai quản giáo phận Hồng Kông nữa, nhưng ông vẫn là một tiếng nói có uy tín được lắng nghe trong vùng đất bán tự trị này. Ông dấn thân vào tất cả các cuộc đấu tranh chống lại xâm phạm quyền tự do, bảo vệ phong trào của giáo phái Pháp Luân Công cũng như phong trào dân chủ "Cách mạng dù" hồi năm 2014.

Bây giờ bất chấp tuổi đã cao, ông Trần Nhật Quân lại tiếp tục lao vào cuộc chiến đấu chống lại thỏa thuận sắp tới giữa Vatican và Bắc Kinh về việc bổ nhiệm giám mục, theo đó chính phủ được chọn ứng viên. Theo Hồng y Trần Nhật Quân thì "một ứng viên do chính phủ đề cử không thể là một lựa chọn tốt. Chính quyền cộng sản chỉ chọn những người mà họ có thể tin tưởng, mà không hiểu thế nào là một vị giám mục tốt".

Pháp : Chính phủ chao đảo vì bộ trưởng nội vụ từ chức

Thời sự chính của hầu hết các tờ báo pháp ra hôm nay là bộ trưởng nội vụ Pháp Gérard Collomb, một trụ cột của chính phủ và là một trong số các nhân vật thân cận nhất của tổng thống Macron nhất quyết từ chức cho dù một hôm trước đơn xin rút khỏi chính phủ của ông đã bị tổng thống từ chối. Le Figaro chạy tựa trang nhất : "Collomb từ chức kéo hành pháp vào khủng hoảng". Theo tờ báo thì đó là hệ quả của những căng thẳng bất đồng giữa vị bộ trưởng nội vụ với tổng thống Emmanuel Macron và thủ tướng Edouard Philippe, kéo dài từ vài tuần nay.

Nhật báo Libération dành nhiều trang cho sự kiện với các bài viết phân tích về nguyên nhân và hệ quả của việc ông Gérard Collomb nhất định dứt áo ra đi khỏi chính phủ sẽ làm suy yếu nội bộ chính phủ hiện nay. Tờ báo kinh tế Les Echos cũng có chung nhận định : "Collomb buộc phải ra đi làm Macron suy yếu".

Theo nhật báo kinh tế : "Việc ra đi (của ông Collomb) đánh dấu sự rạn nứt sâu sắc giữa hai nhân vật trong quá khứ từng rất gần gũi này đã làm nảy sinh cuộc khủng hoảng chưa từng có". Tổng thống Pháp Macron cho biết sẽ nhanh chóng tìm người thay thế , tuy nhiên việc làm này có vẻ không mấy dễ dàng vào thời điểm mà chính phủ của ông đang gặp nhiều khó khăn như lúc này.

Anh Vũ

Published in Quốc tế