Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Venezuela : Khẩu chiến Nga – Mỹ (RFI, 29/03/2019)

Nga vào hôm 28/03/2019 lên tiếng yêu cầu tổng thống Mỹ không xen vào chuyện làm của Nga, và cho rằng 2 máy bay chở lính và thiết bị quân sự đến Caracas là trong khuôn khổ các hợp đồng.

vene1

Tổng thống Mỹ Donald Trump và phó tổng Mike Pence tiếp bà Fabiana Rosales, vợ của lãnh đạo đối lập Jaun Guaido, Venezuela, Nhà Trắng, Washington, ngày 27/03/2019 Reuters/Carlos Barria

Thông tín viên RFI tại Moskva, Daniel Vallot, cho biết thêm chi tiết :

"Không có chuyện nghe theo mệnh lệnh của tổng thống Mỹ : lãnh đạo Nga cho là họ có quyền và giải thích sự hiện diện của hai phi cơ Nga và mấy chục quân nhân đến Caracas là do thỏa thuận đã đàm phán hai bên. Phát ngôn viên ngoại giao Nga, Maria Zahkarova, đã nhấn mạng là những chuyên gia Nga sẽ ở lại Venezuela "trong toàn bộ thời gian cần thiết"…

Bà nói : "Vấn đề là ở đâu ? Luật pháp được tôn trọng, tất cả đều được thực hiện một cách công khai, rõ ràng. Điều làm tôi ngạc nhiên là cớ sao người ta e ngại đến như thế về sự hiện diện của chuyên gia Nga ở Venezuela, trong lúc mà từ một tháng nay, chúng tôi chờ đợi ông Trump tôn trọng lời hứa của ông và rút binh lính khỏi Syria. Và cả ở Afghanistan ? Irak ? Trong lúc mà phía chúng tôi, tất cả đều hợp lệ…"

Điện Kremlin, sau mấy ngày im lặng trên vấn đề này, cũng đã lên tiếng, trả lời Donald Trump. Phát ngôn viên phủ tổng thống Nga Dmitri Peskov nhắc nhở : "Hoa Kỳ hiện diện ở nhiều nơi trên địa cầu và không ai nói với họ đâu là nơi họ được ở và đâu là nơi họ không được. Còn Nga thì không "can thiệp" vào chuyện nội bộ của Venezuela, trái ngược với phía Mỹ mà Moskva tố cáo là muốn lật đổ ông Nicolas Maduro".

Mai Vân

******************

Venezuela : Tổng thống tự phong Juan Guaido bị cấm ứng cử 15 năm (RFI, 29/03/2019)

Chủ tịch Quốc hội Venezuela, đồng thời lãnh đạo đối lập, Juan Guaido, vào hôm qua, 28/03/2019, đã bị bãi chức và cấm ra tranh cử trong thời hạn 15 năm vì bị tình nghi tham nhũng.

vene2

Ảnh minh họa : Lãnh đạo đối lập Juan Guaido, điều hành một phiên họp Quốc hội Venezuela tại Caracas ngày 06/03/2019. Reuters/Ivan Alvarado

Tổng thanh tra Venezuela Elvis Amoroso đã thông báo tin trên trong cuộc họp báo trên đài truyền hình Nhà nước. Ông Juan Guaido đã bác bỏ quyết định bị ông cho là "không chính đáng", trong lúc Washington chỉ trích một quyết định "lố bịch".

Theo tổng thanh tra Elvis Amoroso, ông Juan Guaido đã thực hiện hơn 91 chuyến đi nước ngoài, ám chỉ những chuyến đi trong tháng Hai đến các quốc gia trong vùng trong lúc ông bị cấm ra khỏi Venezuela.

Các chuyến đi này tốn kém hơn 570 triệu bolivar, tương đương với 94 000 đô la. Vị tổng thanh tra cho rằng lương dân biểu của ông Guaido không đủ để trang trải các chi phí này và ông đã yêu cầu điều tra. Ông còn nói thêm : "Dân biểu Juan Gerardo Antonio Guaidó Márquez đã lạm dụng chức quyền Nhà nước và cùng với chính quyền nước ngoài thực hiện những hành động có hại cho quyền lợi dân tộc, tài sản Nhà nước Venezuela, ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định, và Hiến Pháp"

Tổng thanh tra được Quốc hội lập hiến thân chính quyền chỉ định, có trách nhiệm theo dõi sự minh bạch trong guồng máy hành chính Venezuela. Ông đã căn cứ trên điều khoản 105 để áp dụng hình phạt cao nhất, 15 năm không được quyền tranh cử, đối với ông Guaido. Tài sản của chính trị gia đối lập này đã trong vòng điều tra từ cuối tháng Giêng.

Ông Guaido đã bác bỏ hình phạt được công bố, cho đó là phi pháp. Theo lãnh đạo đối lập, ông Elvis Amoroso không phải là tổng thanh tra vì không do Quốc hội mà ông làm chủ tịch, định chế chính đáng, chỉ định. Ông Guaido tiếp tục đi vận động ở Venezuela, và kêu gọi biểu tình vào ngày mai, thứ Bảy, chống chính quyền Maduro.

Mai Vân

******************

Nga can thiệp vào Venezuela : Kịch bản Syria tái diễn ngay sát cạnh Hoa Kỳ ? (RFI, 28/03/2019)

Căng thẳng giữa Washington với Moskva tăng thêm một nấc khi Nga điều hai máy bay quân sự, đưa lính và trang thiết bị đến Caracas cuối tuần trước. Khủng hoảng chính trị tại Venezuela rẽ sang một bước ngoặt mới khi số phận tổng thống Nicolas Maduro trong tay Donald Trump và Vladimir Putin ?

vene3

Một phi cơ Nga tại phi trường quốc tế Simon Bolivar, Caracas, Venezuela ngày 24/03/2019. Reuters/Carlos Jasso

Ngày 28/03/2019, tiếp vợ lãnh đạo đối lập Venezuela, bà Juan Guaido tại Phòng Bầu Dục, tổng thống Hoa Kỳ khẳng định "Nga phải rút lui khỏi Venezuela". Nhà Trắng thậm chí còn mệnh danh bà là "Đệ nhất phu nhân" của Caracas.

Hai tháng trước đây, lãnh đạo đối lập Juan Guaido tự xưng là tổng thống Venezuela, và đã được Mỹ cùng nhiều nước phương Tây công nhận. Riêng Trung Quốc và nhất là Nga, hai chủ nợ chính của Caracas vẫn đứng về phía chính quyền Maduro. Ngoại trưởng Serguei Lavrov, ngay từ đầu đã tố cáo Hoa Kỳ muốn tiến hành một cuộc "đảo chính" tại quốc gia Nam Mỹ này.

Cuối tháng Giêng năm 2019, Moskva mạnh mẽ bác bỏ thông tin đưa lính đánh thuê sang Venezuela bảo vệ tổng thống Maduro cho dù ngoại trưởng Lavrov từng tuyên bố nước Nga sẽ "làm tất cả để hỗ trợ Nicolas Maduro". Nhưng hôm thứ Hai 25/03, hãng tin Nga Sputnik cho biết hai chiếc máy bay quân sự của Nga chở gần 100 lính và 35 tấn trang thiết bị đã đáp xuống phi trường Caracas, trong "khuôn khổ hợp tác kỹ thuật và quân sự" song phương. Điện Kremlin không còn úp mở trên hồ sơ Venezuela, và càng làm dấy lên nguy cơ Venezuela có thể trở thành nơi đối đầu mới giữa Nga và Mỹ.

Ngoại trưởng Mỹ cảnh cáo Washington sẽ "không khoanh tay đứng nhìn" Moskva đổ thêm dầu vào lửa. Phó tổng thống Mỹ lên án "hành vi khiêu khích" của phía Nga. Sau Syria, đâu là những động cơ thúc đẩy chính quyền Vladimir Putin mở thêm một mặt trận mới trong cuộc đọ sức với Washington ?

Một con nợ không thể "vất bỏ"

Trước hết về mặt kinh tế, trả lời tuần báo Pháp Le Point giáo sư Vladimir Rouvinsky giảng dậy tại đại học Icesi de Cali tại Colombia phân tích : Venezuela là nơi Nga đã đầu tư vào rất nhiều, "ít nhất 5 mỏ dầu hỏa, và khí đốt". Quân đội Nga cũng có nhiều quyền lợi tại Venezuela qua hàng loạt hợp đồng cung cấp từ chiến đấu cơ đến xe tăng cho quốc gia Nam Mỹ này.

Theo báo chí Moskva, tính từ năm 2005, Venezuela đã mua 11 tỷ đô la vũ khí của Nga. Moskva trở thành nguồn cung cấp vũ khí số 1 cho Caracas. Do vậy giáo sư Rouvinsky nhấn mạnh : "trong mọi trường hợp, Nga sẽ đi đến cùng để bảo vệ những hợp đồng đã ký với Venezuela và để đòi lại khoản tiền đã ứng trước cho Caracas". Hiềm nỗi, Venezuela trở thành một "con nợ khó đòi" : chính quyền Maduro do phải đối mặt với khủng hoảng từ kinh tế đến chính trị đã không thể thanh toán đúng hạn cho chủ nợ Nga.

Về mặt chính trị và chiến lược

Theo một số nhà quan sát cho rằng, Moskva có lúc đã tính tới phương án "hậu giai đoạn Maduro". Nhưng rồi, theo chuyên gia về Châu Mỹ Latinh tại trường đại học Colombia, giáo sư Vladimir Rouvinsky, Kremlin đã thẩm định lại tình hình và quyết định củng cố vị thế của Nga tại quốc gia Nam Mỹ này. Bởi ngoài kênh tài chính và kinh tế gắn liền Moskva với Caracas, Venezuela và Nga còn có một mối thâm giao : trong thời kỳ chiến tranh lạnh, không chỉ Venezuela mà cả vùng Châu Mỹ Latinh đã có khuynh hướng xích lại gần với Liên Xô. Riêng với người hùng Hugo Chavez, ở cương vị tổng thống đã 9 lần công du nước Nga.

Trong mắt tổng thống Putin, Venezuela là một cửa ngõ để thách thức Hoa Kỳ ngay tại một khu vực luôn được coi là "sân sau" của Washington. Liên bang Nga qua đó cũng muốn củng cố thêm vị thế trên bàn cờ quốc tế. Cũng có thể là việc điều máy bay quân sự đến Caracas chỉ là một thông điệp gửi tới Mỹ rằng Nga sẽ hiện diện và bảo vệ quyền lợi của mình tại Venezuela đến cùng, bất kể chính quyền trong tay Maduro hay phe đối lập.

Hơn nữa, trong mọi kịch bản, nước Nga vẫn là một đối tác then chốt và phải có tiếng nói trong giai đoạn chuyển tiếp ở Venezuela. Mục đích chính trị mà Moskva nhắm tới là chính quyền Trump phải ý thức được điều đó. Theo nhà quan sát này, có nhiều khả năng Moskva sẽ không chọn giải pháp đối đầu đến cùng.

Bởi vì, nếu quân đội Nga can thiệp để bảo vệ chiếc ghế tổng thống cho Nicolas Maduro, thì không có gì ngăn cản Washington chọn giải pháp quân sự. Khi đó, Vladimir Putin sẽ "đứng trước một bài toán cực kỳ nạn giải", bởi sau Syria, công luận Nga ngày càng khó chấp nhận để lính Nga tiếp tục phải hy sinh tại Venezuela. Đổi lại về phía Mỹ, Hoa Kỳ cũng khó có thể can thiệp bằng vũ lực vào Venezuela, hòng tránh mọi đụng độ trực tiếp với quân lính Nga.

Trước mắt, còn quá sớm để báo trước hồi kết cuộc khủng hoảng tại Caracas, nhưng có nhiều khả năng là cả Washington lẫn Moskva cũng đang trong giai đoạn "nắn gân" và "dằn mặt" lẫn nhau.

Thanh Hà

******************

Tại Hội đồng Bảo an, Mỹ bị cô lập về cao nguyên Golan (RFI, 28/03/2019)

Hôm 27/03/2019, Hội đồng Bảo an nhóm họp để bàn về tình trạng cao nguyên Golan, nơi chính quyền Trump vừa công nhận chủ quyền của Israel, đối với một phần khu vực này.

vene4

Một thành viên của Ủy ban giám sát Liên Hiệp Quốc tại cao nguyên Golan, ngày 28/01/2015. Reuters/Baz Ratner

Cuộc họp được triệu tập khẩn theo yêu cầu của chính quyền Damascus. Các đồng minh Châu Âu của Mỹ một mặt nhất loạt lên án quyết định của Washington, mặt khác không muốn bị coi là đồng minh của chế độ al-Assad.

Thông tín viên Marie Bourreau tường trình từ New York :

"Đại sứ Mỹ không tham dự vì lý do sức khỏe và cử tham tán chính trị tham gia cuộc họp, được triệu tập theo yêu cầu của chính quyền Damascus. Cần phải nói rằng, từ nhiều năm nay, Syria bị Hội đồng Bảo an chỉ trích về các vi phạm luật pháp quốc tế, quyền được hưởng cứu trợ nhân đạo của người dân.

Lần này, điều trớ trêu là Washington lại trở thành đối tượng lên án của Damas và các đồng minh Châu Âu của Mỹ, vốn coi việc công nhận của Washington là đi ngược lại các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc.

Nếu như, về mặt pháp lý, rõ ràng là Syria đã làm đúng quyền hạn của mình khi đòi hỏi phiên họp này, thì về mặt chính trị, có thể thấy rõ sự lúng túng của các nước Châu Âu. Một ví dụ là đại sứ Đức đã lên án sự vô liêm sỉ của chính quyền Syria, quốc gia bị tố cáo là thường xuyên vi phạm các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc.

Washington tuy nhiên cũng cố làm giảm nhẹ căng thẳng khi khẳng định là việc thừa nhận này không đặt lại vấn đề về sự hiện diện của Liên Hiệp Quốc trên cao nguyên Golan, nơi Liên Hiệp Quốc triển khai một lực lượng quan sát viên (FNUOD), từ năm 1974. Theo chính quyền Mỹ, lực lượng này phải tiếp tục có vai trò trụ cột trong việc bảo đảm tình hình ổn định tại vùng biên giới Israel và Syria".

Trọng Thành

Published in Quốc tế