Xung đột gia tăng cường độ tại vùng Donbas, miền đông Ukraine sát biên giới với Nga trong đêm Thứ Bảy, 19/02/2022. Kiev thông báo hai quân nhân tử vong. Tình hình đang xấu đi trong lúc cộng đồng quốc tế tiếp tục tìm kiếm một giải pháp ngoại giao. Đức và Pháp bắt đầu kêu gọi công dân rời khỏi Ukraine.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp đồng nhiệm Pháp Emmanuel Macron tại điện Kremlin, Moskva, Nga ngày 06/02/2022. - Sputnik/AFP/Archivos
Pháp sáng hôm qua hoan hỷ đã thuyết phục được Nga và Mỹ ngồi lại vào bàn đàm phán, thì tối qua tổng thống Vladimir Putin đã ký sắc lệnh công nhận hai nước cộng hòa tự xưng ở Donbas.
Tưởng chừng việc Nga và Mỹ công bố họp thượng đỉnh sẽ khiến cho không khí bớt căng thẳng phần nào, thì báo Les Echos có bài viết "Putin tiến thêm một bước tới chiến tranh với Ukraine" nói về việc điện Kremlin tối hôm qua thông báo đã ký sắc lệnh công nhận hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk ở Donbas ở miền đông Ukraine. Mười hai thành viên của Hội đồng An ninh quốc gia đều đã lên tiếng ủng hộ tổng thống Nga Vladimir Putin trong hồ sơ này, thậm chí lãnh đạo Cơ quan tình báo nước ngoài của Nga (SVR) còn nói về một vụ sáp nhập thay vì công nhận sự độc lập của hai quốc gia này. Ngoài ra, bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu còn đi xa hơn khi cáo buộc Kiev đang có ý đồ phát triển vũ khí hạt nhân, trong khi Kiev đã hoàn toàn từ bỏ kho vũ khí kế thừa từ thời Liên Xô cũ để đổi lấy sự bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ của mình vào năm 1994.
Trong bài phát biểu của mình, tổng thống Putin đã đặt nền móng cho một cuộc can thiệp quân sự vào Ukraine, đi xa đến mức tuyên bố rằng đất nước này "do các thế lực nước ngoài điều hành", và điều này ảnh hưởng đến chính quyền ở tất cả các cấp. Ông đánh giá Ukraine chưa bao giờ có chủ quyền, đó là một "thuộc địa của Mỹ", với một "chế độ bù nhìn".
Tổng thống Nga trước đó đã thông báo về quyết định công nhận nền độc lập của các vùng lãnh thổ ly khai với đồng nhiệm Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Đức, Olaf Scholz, những người đã bày tỏ sự thất vọng về quyết định của người đứng đầu điện Kremlin sau khi không thành công trong việc duy trì các thỏa thuận Minsk.
Nhân chủ đề này, nhật báo thiên hữu Le Figaro có bài phân tích chạy tựa "Nỗ lực hòa giải của tổng thống Macron là công dã tràng" nói về những nỗ lực ngoại giao của ông Macron đã không được đền đáp. Một lần nữa, ông Macron đã cố gắng đứng ra làm trung gian hòa giải trong cuộc khủng hoảng Ukraine, nhưng phía Nga không hề có dấu hiệu xuống thang. Ngược lại. Các cuộc diễn tập quân sự giữa Nga và Belarus đã được gia tăng. Mỹ đã công bố những hình ảnh cho thấy các đợt triển khai mới của quân đội Nga. Nga cũng tuyên bố hôm qua đã giết 5 "kẻ phá hoại" từ Ukraine trên lãnh thổ của mình. Sau khi các nhà lãnh đạo hai lãnh thổ ly khai ở miền đông Ukraine kêu gọi Vladimir Putin công nhận nền độc lập của họ, quyết định của điện Kremlin tán thành việc họ ly khai khỏi Ukraine đã chấm dứt các thỏa thuận Minsk. Đây là một bước lùi cho ngoại giao và nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tranh ở Ukraine ngày càng gia tăng.
Cùng chủ đề, nhật báo thiên tả Libération có bài viết "Đòn chí mạng cho những nỗ lực ngoại giao" nhấn mạnh về những biện pháp trừng phạt mạnh mẽ mà Mỹ và Châu Âu sẽ áp dụng đối với Nga trong trường hợp nước này xâm lược Ukraine. Vào hôm 20/02 vừa rồi, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, Ursula von der Leyen, giải thích với kênh truyền hình Đức ARD rằng Nga sẽ mất quyền tiếp cận thị trường tài chính quốc tế và sẽ phải hứng chịu những lệnh cấm vận áp dụng vào "tất cả hàng hóa mà chúng tôi sản xuất mà Moskva có nhu cầu cấp thiết nhằm hiện đại hóa và đa dạng hóa nền kinh tế của mình".
Đó là nhận định của nguyên thủ Pháp Emmanuel Macron vào tháng 11 vừa rồi. Về chủ đề này, báo Le Figaro có bài viết "tổng thống Nga đã làm NATO sống lại". Vậy vai trò thực sự của khối NATO là gì ?
Hàng loạt những sự kiện quan trọng đã xác nhận suy nghĩ của tổng thống Pháp. Vào tháng 8 năm 2021, Mỹ đã tổ chức một cuộc rút quân vội vã khỏi Afghanistan, khiến đất nước này rơi vào tay chính quyền Taliban, mà chính Mỹ đã đánh bật cách đây hai mươi năm. Hoa Kỳ đã không tham khảo ý kiến của Anh, Pháp và Đức, những đồng minh trong khối NATO trước khi đi đến quyết định này.
Vào tháng 9 năm 2021, Mỹ và Anh đã bí mật đàm phán một hiệp ước quân sự với Úc khiến thương vụ tàu ngầm được ký giữa Pháp và Úc bị đổ bể. Cả Washington lẫn Luân Đôn đều đã không đoái hoài gì đến Pháp, đồng minh của họ trong NATO.
Ở Kosovo, NATO đã thất bại trong việc ngăn chặn cuộc thanh trừng sắc tộc chống lại người Serbia. NATO đã để những kẻ cực đoan người Albania phá hủy hơn 60 nhà thờ và tu viện Chính thống giáo ở đó. Đất nước này đã trở thành một trung tâm tội phạm. Tại Libya, sự can thiệp năm 2011 của NATO đã tạo ra những hỗn loạn lan rộng khắp Sahel. Tổng thống Obama thừa nhận rằng việc Mỹ tham gia vào chiến dịch do cựu tổng thống Pháp Sarkozy khởi xướng là một sai lầm. NATO, bất chấp những lời hứa của mình, đã không "dân chủ hóa" được gì Afghanistan.
Nói tóm lại, NATO đã thực sự "chết não" cho tới mùa thu năm ngoái khi tổng thống Nga Vladimir Putin đã làm NATO sống lại bằng cách điều động hơn một trăm nghìn binh sĩ tham gia các cuộc diễn tập quân sự ở biên giới phía tây của Nga, đe dọa phương Tây sẽ phải hứng chịu những "hậu quả quân sự" trong trường hợp NATO quyết định kết nạp Ukraine vào khối. Tổng thống Putin đã khiến các nước phương Tây phải đề phòng, trong đó Thụy Điển và Phần Lan, hai quốc gia trung lập, cho biết họ để ngỏ khả năng gia nhập NATO trong trường hợp Nga xâm lược Ukraine.
Trong mọi trường hợp thì quốc gia hưởng lợi nhất từ những căng thẳng trên là Trung Quốc của Tập Cận Bình. Trung Quốc mong muốn thấy phương Tây và Nga đối đầu với nhau trong một thời gian dài, do đó không thể đoàn kết để ngăn chặn những yêu sách bá quyền của mình.
Về chủ đề này, nhật báo công giáo La Croix có bài viết "Chiến tranh thông tin về Ukraine diễn ra một cách ác liệt" nói về những thông tin trái chiều trong cuộc khủng hoảng này.
Trong hậu trường của "cuộc chiến chính trị" giữa Nga và phương Tây về Ukraine, là cuộc chiến ác liệt đang diễn ra ở mặt trận truyền thông. Từ 3 tháng qua, tổng thống Nga Vladimir Putin phủ nhận mọi ý định xâm lược Ukraine, còn đồng nhiệm Mỹ Joe Biden cứ một mực khẳng định rằng Nga đã quyết định xâm lăng.
Đây là vùng xám đặc trưng của các cuộc xung đột đương thời. Việc Nga triển khai ồ ạt quân đội ở biên giới chung với Ukraine, sau đó là sự tăng cường của lực lượng Mỹ và Châu Âu ở sườn phía đông của NATO chỉ là một yếu tố của "cuộc chiến thật-giả" này, với mối đe dọa xâm lược luôn bị trì hoãn.
Nga triển khai kho vũ khí của mình, tấn công mạng và tạo ra những chiến dịch gây bất ổn. Lời kêu gọi của các thủ lĩnh phe ly khai đối với người dân Donbas đã được ghi âm hai ngày trước khi phát sóng, các cuộc tấn công mạng nhằm vào các tổ chức Ukraine và dù thông tin chính xác, không chính xác hay gần chính xác trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội cũng đều gây nhầm lẫn.
Thông điệp của Nga là Ukraine đang chuẩn bị một cuộc tấn công, thậm chí là một cuộc "diệt chủng" ở Donbas. Ukraine là một quốc gia suy đồi, được điều hành bởi "Đức Quốc xã" hoặc "Phát xít". Phương Tây dẫn đầu bởi Hoa Kỳ là động lực thúc đẩy sự leo thang, họ muốn bao vây Nga, quốc gia vốn chỉ tự vệ trước những khiêu khích từ bên ngoài.
Về phần mình, chính quyền Mỹ thường xuyên công bố một số thông tin do các cơ quan tình báo của mình thu thập được về sự chuẩn bị của Nga cho việc thôn tính Ukraine. Washington thông báo về mức độ triển khai quân đội của Nga, các đơn vị tập trung ở biên giới Ukraine và những tiểu xảo mà Nga sẽ dùng để cáo buộc Kiev tấn công các nước cộng hòa ly khai ở Donbas.
Về chủ đề này Le Figaro có bài viết về vac-xin thứ 5 được Châu Âu cấp phép.
Hơn một năm sau khi chiến dịch tiêm chủng ở Pháp bắt đầu và khi 92% dân số đã chủng ngừa đầy đủ, liệu Novavax có tìm được chỗ đứng của mình không ? Nhất là khi vac-xin này xuất hiện vào thời điểm làn sóng Omicron đang lắng xuống. Cơ quan Y tế Pháp vẫn khuyến nghị người dân tiêm mũi đầu tiên bằng vac-xin Pfizer/BioNTech hoặc Moderna, tuy nhiên cơ quan này vẫn hy vọng rằng vac-xin Novavax, giống như vac-xin Janssen sẽ là một "sự thay thế hữu ích" cho những người vẫn do dự không chịu tiêm những vac-xin truyền tin RNA.
Silvia Taylor, phó chủ tịch Novavax, cho biết vac-xin của mình hiệu quả đến 90% và các bệnh nhân thích ứng tốt trong các cuộc thử nghiệm lâm sàng.
Vac-xin Novavax đã được sử dụng ở Indonesia, Úc, Hàn Quốc và Philippines, nhưng vẫn chưa được phê duyệt ở Hoa Kỳ. Đối mặt với Omicron, hãng dược phẩm này cho biết đã lên kế hoạch sản xuất từ tháng Giêng vừa qua một loại vac-xin chuyên dụng để điều trị biến thể này.
Phan Minh