Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Nga chỉ cần 2 tháng để chiếm Estonia

Về thời sự quốc tế, chiến tranh Ukraine một cách trực tiếp hay gián tiếp vẫn chiếm nhiều trang các tờ báo Pháp ngày 26/05/2023. Báo kinh tế Les Echos dành trang nhất cho "Trung Quốc đang nổi lên thành một siêu cường của ngành công nghiệp xe hơi toàn cầu". Libération dành đến 5 trang tưởng nhớ nhà thơ kiêm nhạc sĩ Jean Louis Murat, một "người bạn đồng hành" trong suốt 30 năm của tờ báo thiên tả này. Hai tờ Le Figaro Le Monde thì tập trung vào thời sự Pháp.

1111111111111111111111111111

Lực lượng phòng vệ của Estonia tham gia đợt thao dợt của NATO ở Kadrina, Estonia, ngày 19/05/2023 © Jaap Arriens / AFP

Le Figaro thân hữu đặt câu hỏi liệu tổng thống Macron có đủ sức cưỡng lại áp lực của bên cánh tả ở Pháp đòi chính phủ tăng thuế để đài thọ các chương trình xã hội ? Le Monde xoáy vào phát biểu của ông Macron cần cấp bách "chống lại các hành vi phi văn hóa" và "vô trách nhiệm" trong xã hội dẫn tới những cái chết vô lý như trường hợp của một nữ y tá bị bệnh nhân đâm chết ngay tại sở làm, ba cảnh sát thiệt mạng trong một tai nạn giao mà thủ phạm là một tài xé xay rượu, nghiện ma túy… Trang nhất của La Croix mổ sẻ những hoài bão, tâm tư của thanh niên Công giáo trước thềm Đại Hội Thanh niên Công giáo Thế giới sắp mở ra tại Lisboa - Bồ Đào Nha từ ngày 01 đến 06/08/2023.

Tallinn đặt quân đội trong thế sẵn sàng chiến đấu

Ở sát cạnh một "nước làng giềng thâm độc", Estonia bắt buộc phải đặt quân đội "trong tư thế chuẩn bị tối đa để sẵn sàng chiến đấu" cho dù quốc gia vùng Baltic này đang rất yên bình. Le Figaro chú ý đến một quốc gia nhỏ bé với 1,3 triệu dân, nhưng gần 20% trong số ấy là "lính dự bị". Đang sống trong hòa bình, nhưng vào những ngày nghỉ cuối tuần, không ít người dân Estonia tự nguyện tham gia các chương trình "nghĩa vụ quân sự", lại cũng có những nhà mạnh thường quân đặt mua sẵn xe cứu thương của Pháp đề phòng khi cần, bởi kịch bản Ukraine cũng có thể được lặp lại với Estonia. Cựu tổng thống Estonia Toomas Ilves ghi nhận với Le Figaro : "Tất cả mọi người dân Estonia đều tham gia vào nỗ lực bảo vệ tổ quốc".

Hơn 30 năm từ ngày giành được độc lập, sau nhiều thăng trầm, Estonia đã lột xác để trở thành "một trong những nền kinh tế năng động nhất Châu Âu, trở thành một Con Cọp về Công Nghệ" tại châu lục này. Estonia đã gia nhập NATO, Liên Hiệp Châu Âu, rồi tham gia khối đồng tiền chung Châu Âu... Nhưng cả chính quyền Tallinn lẫn công luận đều biết rằng "quá khứ (thời Liên Xô) có thể quay trở lại" với những nanh vuốt của một con thú dữ, từ khi Moskva chuyển sang thế tấn công để "chinh phục lại đế chế đã mất".

Chính vì thế mà tương tự như Litva và Latvia, Estonia luôn xem chiến tranh Ukraine như một bài toán trắc nghiệm mang tính "sống còn đối với chính mình". Để tránh khỏi nanh vuốt của Moskva, Tallinn đang dồn hết sức lực theo hai hướng : một là tăng cường khả năng phòng vệ và hai là giúp Ukraine làm suy yếu ông khổng lồ sát bên là Liên Bang Nga.

Vậy quân đội Estonia đang được chuẩn bị đối phó với "mọi tình huống" như thế nào ? Le Figaro trích lời một quan chức trong quân đội : Tallinn cho tổ chức các cuộc tập trận hàng năm. Estonia ý thức được rằng, nếu Nga ra tay, thì quốc gia Baltic này chỉ có "rất ít thời gian để xoay trở". Dù đang sa lầy ở Ukraine và quân đội Nga đang bị nhiều tổn thất, Moskva vẫn dễ dàng huy động thêm binh sĩ. Hơn nữa, "lực lương không quân của Nga đến nay vẫn gần như nguyên vẹn".

Một báo cáo của Bộ quốc phòng Estonia gần đây lưu ý : dù đã mất 40% chiến xa, 20% xe bọc thép, nhưng trong kho của quân đội Nga vẫn còn "gần 10.000 xe tăng, 36.000 xe bọc thép". Một yếu tố khác khiến Estonia lo ngại về "hiểm họa Nga" là tại hội nghị NATO ở Madrid tháng 6/2022, tổ chức quân sự này đã nhìn nhận là cần phải tăng cường khả năng phong thủ của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, trong đó "trang bị thêm vũ khí cho Châu Âu phải là một ưu tiên".

Prigozhin : Chiến thắng có thể "trong tầm tay của Ukraine"

Trong khi đó, tại Moskva, tổng thống Putin và giới thân cận vẫn giữ vẻ bình tĩnh trước những đồn đoán về chiến dịch phản công của Ukraine. Nhưng đấy chỉ là sự "thanh thản bề ngoài", theo đánh giá của báo Libération.

Vụ thành phố Belgorod của Nga bị đột kích làm dấy lên tranh luận về một đội quân "nhu nhược", thế rồi những tuyên bố "gây ớn lạnh" của Prigozhin, lãnh đạo tập đoàn bán quân sự Wagner "gieo hoang mang trong hàng ngũ lãnh đạo ở Moskva". Chủ nhân điện Kremlin nghĩ gì khi Prigozhin đánh giá "Ukraine có trong tay một trong những đội quân hùng mạnh nhất, đáng gờm nhất trên thế giới (...) chiến dịch phản công có thể là một thắng lợi cho phía Ukraine" ?

Vẫn Libération đưa ra một bằng chứng cho thấy chính quyền Nga không thực sự an tâm : Đầu tháng 05/2023, tờ báo độc lập Meduza tìm thấy được một văn bản chính thức của điện Kremlin ra chỉ thị cho các phương tiện truyền thông Nga về cách đưa tin trong trường hợp quân Nga thất thủ. Trên trận địa, những blogger thân chính quyền và những nhà công tác tư tưởng của Nga đang báo động về một "thảm họa quân sự ở quy mô rộng lớn sắp tới"

Moskva mở hải cảng Vladivostok cho Bắc Kinh

Khói lửa tại Ukraine và vụ Belgorod bị đột kích không cấm cản Nga đang mở cửa cảng Vladivostok đón đầu tư Trung Quốc. Le Monde chú ý đến sự kiện từ ngày 01/06/2023, Bắc Kinh có thể sử dụng cảng Vladivostok để trung chuyển hàng hóa giữa các tỉnh ở miền bắc và miền nam Trung Quốc.

Năm 1860, do đã phải nhượng Vladivostok cho Đế chế Nga, hai tỉnh Hắc Long Giang - Cát Lâm ở khu vực đông bắc không còn cửa ngỏ mở ra biển. Phải mất cả ngàn cây số hàng hóa từ hai tỉnh này mới được chuyển đến Liêu Ninh. Thỏa thuận giữa hai ông Putin và Tập về cảng Vladivostok sẽ cho phép rút ngắn rất nhiều thời gian và phía Trung Quốc sẽ hưởng lợi lớn.

Đáng ngạc nhiên là Moskva và Bắc Kinh đều không thoải mái với thỏa thuận nói trên. Truyền thông Nga tránh đề cập đến việc điện Kremlin mở cửa cảng Vladivostok cho đối tác Châu Á. Phía Trung Quốc cũng vậy, bởi các doanh nhân Châu Á lo rằng nếu mở rộng giao thương với Nga vào thời điểm này, không chừng các công ty Trung Quốc lãnh búa rìu trừng phạt của phương Tây.

Pháp có nên đánh cược vào Ấn Độ ?

Cũng trong phần thời sự quốc tế, phủ tổng thống Pháp vừa chính thức thông báo, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ là khách mời danh dự của Paris năm nay, nhân dịp lễ Quốc Khánh 14 tháng 7.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ Quốc tế - Trường Khoa học Chính trị Paris, Christophe Jaffrelot, trên Le Monde đặt câu hỏi Pháp có nên trọng vọng Ấn Độ hay không, vào lúc mà chính quyền Modi "thường xuyên vi phạm các nguyên tắc của một nhà nước pháp quyền (...) New Delhi thản nhiên phân biệt đối xử vì tôn giáo, xem người theo đạo Hồi hay Thiên Chúa Giáo là một dạng công dân hạng hai" ?

Theo chuyên gia này, "đặt niềm tin vào Ấn Độ là một nước cờ thiển cận" : Pháp cần bán vũ khí cho Ấn Độ, cần quốc gia Nam Á này để làm đối trọng với Trung Quốc ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, cần có tiếng nói của một đại diện trong khối các nền kinh tế đang trỗi dậy BRICS, mà hai trong số các thành viên khác là Nga và Trung Quốc. Nhưng điều đó liệu có đủ mạnh để thuyết phục Ấn Độ lên án Moskva xâm chiếm Ukraine, xua tan ý đồ của New Delhi xây dựng một thế giới "đa cực" mà ở đó Nga sẽ là cột trụ ?

Ống kính vàng cho Bên trong vỏ kén vàng của Phạm Thiên Ân ?

Hai ngày trước lễ bế mạc liên hoan điện ảnh Cannes, các báo nói nhiều đến những bộ phim cuối cùng tranh Cành Cọ Vàng. Riêng Libération dành một trang báo giới thiệu với độc giả bộ phim Bên trong vỏ kén vàng của đạo diễn Việt Nam Phạm Thiên Ân , "một vật thể lạ" của nghệ thuật thứ bảy. Đây được xem là một tác phẩm phảng phất dấu ấn của hai nhà làm phim Châu Á : Apichatpong Weerasethakul, Cành Cọ Vàng đầu tiên trong lịch sử điện ảnh Thái Lan, và nhà làm phim Trung Quốc Bi Gan, từng đoạt giải thưởng của Liên Hoan Điện Ảnh Ba Châu Lục-Festival des Trois Continents tại Nantes, hay liên hoan phim Locarno (Thụy Sĩ). 

Tác giả bài báo đánh giá cao quyết định của ban tổ chức mời Phạm Thiên Ân tham gia ở hạng mục La Quinzaine. Như thường lệ, đây luôn là không gian cho phép khán giả "có những khám phá độc đáo" và Bên trong vỏ kén vàng có đầy đủ tư cách để giành Ống Kính Vàng, giải thưởng dành cho những bộ phim đầu tay.

Tina Turner : 180 triệu đĩa hát và 180 ngàn khán giả tại Maracana

Về âm nhạc, các tờ báo Pháp trong ngày vẫn còn bàng hoàng vì tin nữ hoàng nhạc rock Tina Turner qua đời. Không hẹn nhưng Le Monde Le Figaro cùng chọn một bức ảnh Tina Turner trong chiếc váy đầm ngắn, đu trên tháp Eiffel. Tina Turner tự do, ngự trị trên bầu trời Paris trong bức ảnh chụp năm 1989.

Sinh ra và lớn lên trong một ngôi làng nhỏ bên giòng sông Mississipi, Anna Mae Bullock bước vào nghề khi mới vừa đôi tám, "nhập bọn" với ban nhạc Kings of Rhythm với con chim đầu đàn là Ike Turner. Họ bén duyên nhau trong những ngọt bùi cay đắng. Ike Turner khai thác tài diễn xuất trên sân khấu và giọng hát thiên phú của Little Ann để bước lên đỉnh cao danh vọng. Le Monde nhắc lại là Ike Turner đã biến ban nhạc của anh thành một "cỗ máy hái ra tiền".

16 năm sau một cuộc hôn nhân đầy sóng gió, Tina Turner chia tay với người chồng nghiện ngập, vũ phu. Bà ra làm lại từ đầu với hai bàn tay trắng, một núi nợ trên vai. Vạn sự khởi đầu nan : ba hay bốn đĩa hát đầu của riêng Tina Turner không mấy thành công, nhưng bà không dễ để bị đẩy vào hậu trường sân khấu.

1979-1980 đánh dấu sự hồi sinh của một con chim phượng hoàng. Châu Âu là bệ phóng cho sự nghiệp muộn màng của Tina Turner. Album Private Dancer bán ra hơn 20 triệu ấn bản. Cho đến tận cuối những năm 1990, mỗi vòng lưu diễn của bà là một "thành công chói lọi". Đến nay, không mấy nghệ sĩ có thể tự hào là đã biểu diễn trên sân vận động huyền thoại Maracana-Brazil trước 180 ngàn khán giả. Người con của Tenessee và dòng sông Missisipi cũng đã đi vào lịch sử làng ca nhạc thế giới với kỷ lục 180 triệu đĩa hát. Năm 2008, Tina Turner giải nghệ, bà về định cư hẳn tại một ngôi nhà ấm cúng ở Zurich, Thụy Sĩ.

Thanh Hà

Additional Info

  • Author Thanh Hà
Published in Quốc tế