Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Đối đầu Israel - Iran tại Syria : Nguy cơ bùng phát thành xung đột ?

Khủng hoảng tại Syria một lần nữa lại thu hút sự chú ý đặc biệt của công luận quốc tế. Lần đầu tiên kể từ cuộc chiến Lebanon 1982, phòng không Damascus bắn hạ một chiến đấu cơ Israel hôm 10/02/2018, sau khi không quân Israel xuất kích tìm diệt cơ sở phóng drone Iran đã xâm phạm lãnh thổ nước này. Các chuyên gia lo ngại thế đối đầu giữa Israel và Iran có thể bùng phát thành xung đột vượt tầm kiểm soát. Khủng hoảng Syria có thể bước sang một khúc quanh mới. Đây là chủ đề của hầu hết các báo Pháp hôm nay 12/02. Libération có bài phân tích đáng chú ý.

trungdong1

Iran (hình xanh bên phải) và Israel trên bản đồ Trung Cận Đông. Ảnh : Wikipedia

Bài "Nỗi sợ chiến sự leo thang vượt tầm kiểm soát" nhấn mạnh là, trước khi xảy ra biến cố này, chính quyền Syria thường xuyên đe dọa trả đũa đối với mọi phi cơ nước ngoài hoạt động trong không phận nước này, mà không xin phép trước, bao gồm cả máy bay của liên quân quốc tế chống Daesh ở Raqqa, hay của Thổ Nhĩ Kỳ chống lại lực lượng Kurdistan ở miền bắc Syria. Nhưng đây là lần đầu tiên, phòng không Damascus biến đe dọa thành hiện thực.

Các cảnh tượng dân chúng hân hoan chào mừng máy bay Israel bị tên lửa Damascus bắn hạ được các kênh truyền thông thân chính phủ loan tải rộng rãi. Về phần mình, quân đội Israel trả đũa bằng một loạt không kích nhắm vào các đơn vị phòng không Syria.

Trên thực tế, Syria là địa bàn đọ sức gián tiếp giữa Israel với Iran. Đa số các cơ sở phòng không Syria, cũng như các lực lượng quân sự khác của Damascus, được sự hậu thuẫn của Iran và Nga.

Về mặt chính thức, chính quyền Iran phủ nhận đã đưa máy bay không người lái xâm nhập Syria, điều mà phía Israel coi là nguyên nhân trực tiếp của biến cố ngày 10/02. Trong khi đó, một lãnh đạo của lực lượng Vệ Binh Cộng Hòa Iran cảnh báo Tel Aviv về mọi hành động "hung hăng", và đe dọa biến Israel thành "địa ngục", đồng thời cũng khẳng định Iran có đủ tiềm lực phá hủy "toàn bộ các căn cứ quân sự của Mỹ (đồng minh trụ cột của Israel) trong khu vực". Lực lượng Hezbollah Lebanon, đồng minh của Iran và chính quyền Syria, tuyên bố : đây là điểm "khởi đầu cho một giai đoạn chiến lược mới", bởi vì kể từ đây Israel "không còn làm chủ được toàn bộ bầu trời" Syria.

Kể từ khi chiến tranh bùng nổ tại Syria vào năm 2011 cho đến nay, Israel đơn phương xác lập "các lằn ranh đỏ". Không quân Israel thường xuyên oanh tạc các đoàn xe quân sự, nhà máy chế tạo tên lửa, kho vũ khí, trung tâm huấn luyện quân sự, mà họ cho là của Iran hoặc lực lượng Hezbollah Lebanon.

Chuyên gia Ofez Zalzberg, thuộc cơ sở tư vấn International Crisis Group, nhận xét : Tel Aviv tin chắc là Iran đang chuẩn bị các cơ sở bàn đạp tại Syria, cho cuộc chiến tương lai chống lại nhà nước Do Thái, bởi vậy, họ "cố gắng chứng minh" chiếc drone nói trên là của Iran.

Vai trò bí ẩn của Nga

Thế đối đấu Israel và Iran tại Syria sẽ ra sao ? Theo Libération, một "ẩn số" quan trọng là thái độ của nước Nga.

Cho đến nay, Moskva một mặt can thiệp quân sự để chống lưng cho chế độ Damascus, mặt khác vẫn duy trì quan hệ tốt đẹp với Israel.

Trước biến cố nói trên, theo các nhà quan sát tại chỗ, dường như đã có một thỏa thuận ngầm giữa Nga với Israel, về các cuộc không kích mang tính ngăn chặn của Tel Aviv trên đất Syria, nhắm vào các đồng minh khác của Damascus, ngoài Moskva. Theo đó, Moskva chấp nhận "làm ngơ" để không quân Israel hoạt động, với điều kiện không gây nguy hiểm cho các đơn vị quân đội Nga.

Theo nhà phân tích của Crisis Group, Moskva muốn tỏ ra không đứng về bên nào, nhưng cũng không muốn đóng vai trò trung gian.

"Không ai có lợi nếu căng thẳng leo thang, nhưng…"

Về căng thẳng Israel-Syria-Iran, cũng Libération có bài phỏng vấn chuyên gia Bruno Tertrais (Fondation pour la recherche stratégique), mang tựa đề "Sẽ không ai có lợi nếu để căng thẳng leo thang, nhưng mỗi bên đều đặt tay lên cò súng".

Theo chuyên gia này, trong hiện tại, cả Israel và Iran đều không muốn căng thẳng gia tăng thêm nữa. Thế nhưng, tình hình khó dự đoán, cần phải cẩn thận theo dõi như "sữa đun trên lửa", lúc nào cũng chực trào lên. Còn xét về dài hạn, các tham vọng quân sự của Iran chắc chắn sẽ vượt qua "các lằn ranh đỏ" mà Israel ấn định hiện nay.

Ông Brunot Tertrais cũng lưu ý là cho đến nay, Hoa Kỳ, cho dù ủng hộ Israel, nhưng không khuyến khích đồng minh Cận Đông cứng rắn hơn nữa với Iran. Phản ứng của Washington được coi là "kiềm chế" : Tổng thống Trump hiện chưa có thông điệp Tweet nào về biến cố hôm thứ Bảy.

Cũng về biến cố nói trên, Le Figaro có bài phân tích : "Israel và Iran thăm dò giới hạn của nhau ở Syria". Tờ báo dẫn lời chuyên gia Crisis Group cho rằng Moskva không ủng hộ "các lằn ranh đỏ" của Israel tại Syria, đồng thời nhấn mạnh là Nga là "cường quốc duy nhất" có thể áp đặt các giới hạn cho các bên tham chiến, và lợi ích của Moskva sẽ bị tổn hại nhiều, nếu khủng hoảng gia tăng tại Syria.

Hội nghị tái thiết Iraq : Nền tảng là "giáo dục" và "hòa giải"

Vẫn về Trung Cận Đông, La Croix chú ý đến hội nghị quốc tế lớn về tái thiết Iraq, khai mạc hôm nay tại Kuwait, sẽ diễn ra trong ba ngày. Bài viết mang tựa đề "Ba ngày để hàn gắn Iraq" mời độc giả chú ý đến một thay đổi ngoạn mục.

Đó là Kuwait, quốc gia từng bị nhà độc tài Iraq Saddam Hussein xâm chiếm năm 1990, nay lại là trở thành nước đăng cai cho lộ trình tìm kiếm "hòa giải" giữa các quan điểm khác biệt về tương lai Iraq.

Quan điểm của Pháp là nhấn mạnh đến vấn đề "giáo dục", được coi là linh hồn của mọi nỗ lực hòa giải và tái thiết, như phát biểu của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, được đại sứ Pháp tại Iraq nhắc lại. Paris đang nỗ lực đóng góp xây dựng lại đại học Mosul, từng là thủ phủ của tổ chức Nhà nước Hồi giáo, bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh.

Một đại diện của hiệp hội công giáo Phương Đông Pháp (Oeuvre d’Orient) lưu ý là với nước Iraq đa tôn giáo - nơi sự đối đầu giữa các hệ phái Hồi giáo, giữa các cộng đồng Hồi giáo với các cộng đồng Thiên Chúa giáo là câu chuyện khó giải - thì chỉ tuyên bố hòa giải là không đủ. Mà vấn đề hàng đầu là phải từ bỏ mọi ý định trả thù. Bản thân người dân theo hệ phái Sunni cũng từng là nạn nhân của Daesh. Chỉ có một cộng đồng những người Iraq - cùng chia sẻ với nhau về các thảm họa mà họ phải chịu những năm qua - mới có thể tạo nên được hòa giải dân tộc.

"Bắc Triều Tiên chìa tay, Hàn Quốc chờ thời, Hoa Kỳ ngoảnh mặt"

Căng thẳng gia tăng tại Cận Đông không khiến báo Pháp quên đi một tâm điểm khác của thời sự quốc tế : Thế Vận Hội Mùa đông tại Hàn Quốc, khai mạc hôm thứ Sáu, 09/02, với sự tham gia của đoàn vận động viên Bắc Triều Tiên, quốc gia đang bị quốc tế cô lập vì chương trình vũ khí hạt nhân.

Xã luận Le Monde mang tựa đề "Thế Vận Hội của Bắc Triều Tiên" nhấn mạnh đến thế thượng phong của Bắc Triều Tiên, với việc "nhà độc tài của Bình Nhưỡng đã áp đặt được lịch trình hành động của mình", khẳng định được vị thế, không chỉ trong, mà cả bên ngoài sự kiện thể thao này.

Theo Le Monde, phản ứng huyênh hoang của tổng thống Mỹ Donald Trump - với các dòng Tweet khiêu khích, câu nói khoe khoang "nút bấm hạt nhân" của mình to hơn nút bấm của "nhóc tì tên lửa" họ Kim - chỉ càng gây bất lợi cho hình ảnh nước Mỹ. Việc Washington không chấp nhận ông Victor Cha, một người có quan điểm ôn hòa, làm đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc (chiếc ghế vốn bị bỏ trống từ một năm nay), càng khiến cho khả năng vận động ngoại giao của Washington bị thu hẹp.

Về cơ hội mới mở ra nhân Thế Vận Hội Hàn Quốc, Les Echos có bài "Sau ngày hội Thế Vận, triển vọng hòa giải khó khăn giữa Seoul và Bình Nhưỡng". Les Echos chú ý đến phản ứng dè dặt của tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, sau lời mời hội kiến thượng đỉnh của lãnh đạo Bình Nhưỡng, được gửi đến Seoul qua em gái ông Kim Jong-un, đang có mặt trong phái đoàn Bắc Triều Tiên dự Thế Vận.

Theo Les Echos, tổng thống Hàn Quốc đứng trước lựa chọn đầy khó khăn, giữa một bên là kéo dài thời kỳ hòa hoãn Thế Vận Hội, với việc chấp nhận dự án thượng đỉnh liên Triều của lãnh đạo Bắc Triều Tiên, và bên kia là trở lại với lập trường chung với Mỹ, tiếp tục kể từ tháng 4/2018, cuộc tập trận thường niên với Mỹ, giả định đối phó với các cuộc xâm lược từ miền bắc. Điều đó cũng đi liền với việc từ chối lời mời của lãnh đạo Bình Nhưỡng trên thực tế.

Quan điểm hiện tại của Seoul là, cần tạo "bối cảnh" cho một thượng đỉnh liên Triều, và để làm điều này, Bắc Triều Tiên cần "nối lại đối thoại với Hoa Kỳ", một nhân tố chủ chốt trong hồ sơ này.

Về chủ đề này, Libération có bài bình luận : "Bắc Triều Tiên chìa tay, Hàn Quốc chờ thời, Hoa Kỳ ngoảnh mặt", như một bức ảnh chụp tuy mang tính thời điểm, nhưng có tham vọng ghi lại xu hướng chuyển động ngoại giao lớn trong kỳ Thế Vận Mùa đông Hàn Quốc.

Xứ Catalunya đang hướng đến một chính quyền "hai đầu" ?

Về thời sự Châu Âu, Les Echos chú ý đến tình hình kỳ lạ tại xứ Catalunya, Tây Ban Nha, nơi phe đòi độc lập giành phần thắng trong cuộc bầu cử Nghị Viện vùng, nhưng ứng cử viên duy nhất vào chức chủ tịch vùng, đang phải lưu vong tại Bỉ, không có cơ hội về nước nhậm chức, do bị chính quyền Madrid truy nã về tội "phản loạn".

Liên minh đòi độc lập đang hướng tới một giải pháp chưa từng có. Theo Les Echos, các phe phái trong liên minh nghị sĩ đòi độc lập cho Catalunya hiện đang điều chỉnh sách lược hành động của họ, "theo hướng thực tế hơn", thay vì sa lầy vào bế tắc chính trị trong thế đối đầu không khoan nhượng với chính quyền trung ương. Theo đó, tuy lãnh đạo đòi độc lập lưu vong Puigdemont vẫn có thể sẽ là chủ tịch vùng, nhưng đây chỉ là một chức vụ mang tính biểu tượng. Việc điều hành xứ Catalunya, trên thực tế, sẽ được trao cho một chủ tịch khác, một người điều hành trực tiếp các công việc cụ thể. Hiện tại, ứng cử viên số một vào vị trí này là người đứng đầu chương trình tranh cử của ông Puigdemont, và cũng là cộng sự của lãnh đạo lưu vong, chính trị gia Elsa Artadi.

Các phe phái trong liên minh đòi độc lập vẫn còn chưa hoàn toàn thống nhất về giải pháp này. Madrid đang theo dõi sát các động thái nói trên.

Pháp : Giải thưởng cho "tiểu thuyết sinh thái"

Trong lĩnh vực văn hóa, La Croix chào mừng sự ra đời của một giải thưởng dành cho "tiểu thuyết sinh thái".

Theo La Croix, giải thưởng văn học đặc biệt này sẽ là dịp để công chúng biết đến các "vấn đề nóng bỏng của thời đại chúng ta" thông qua những cách biểu hiện khác.

Sáu tác phẩm Pháp ngữ là ứng cử viên của giải. Dù lấy đề tài là tỉnh Herault nước Pháp (một trong những tỉnh đứng đầu về thành tích sinh thái quốc gia), về Nam Cực, hay thung lũng Silicon Valley, điểm chung của các tác phẩm là "chất lượng văn học cao, và các ám ảnh môi trường xuyên suốt", theo La Croix.

Ban giám khảo bao gồm 24 thành viên, trong đó có các nhà văn tên tuổi, như Alexis Jenni, giải Goncourt năm 2011, hay nữ tác giả Alice Ferney, cũng như nhiều sinh viên ngành sáng tác văn học Ecole Supérieure d’art ở Le Havre, hay trường Ecole Nationale Supérieure de Paysage.

Giải thưởng sẽ được trao vào ngày 10/4 tới.

Trang nhất các báo

Về thời sự nước Pháp, Le Figaro chú ý đến hàng loạt các cải cách lớn trong giáo dục, dạy nghề, cắt giảm công chức, hưu trí, an ninh, giao thông, thể chế thế tục…, vừa được chính quyền của tổng thống Emmanuel Macron công bố chi tiết trong những ngày gần đây, với hàng tựa trang nhất : "Cải cách : Macron không muốn giảm tốc". Xã luận của Le Figaro ca ngợi chính phủ duy trì nhịp độ cải cách, như các cam kết tranh cử của tổng thống, nhưng báo hiệu là các nỗ lực cải cách dồn dập nói trên có nguy cơ vấp phải các đối kháng ngày càng mạnh trong xã hội.

Trang nhất của La Croix nói riêng về cuộc cải cách trong ngành tàu hỏa Pháp, với tựa "SNCF tìm đường". Tờ báo nhận định, với việc mở cửa cho tư nhân đầu tư, ngành hỏa xa Pháp sắp trải qua những thay đổi lớn nhất trong lịch sử.

Les Echos chú ý đến tình trạng thị trường tài chính Mỹ vừa trải qua đợt mất giá nghiêm trọng nhất kể từ năm 2008, với khoảng 7.500 tỉ đô la tiền chứng khoán bốc hơi trong tuần lễ vừa qua. Theo đa số các chuyên gia, đây là giai đoạn điều chỉnh "tự nhiên" và "cần thiết", chấm dứt một thời kỳ cho vay dễ dãi kéo dài hàng chục năm nay. Tuy nhiên, các nhà đầu tư lo ngại phản ứng "sai lầm" của các ngân hàng trung ương. Tổng giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IFM), bà Christine Lagarde cảnh báo viễn cảnh một "khủng hoảng tài chính mới", cho dù tăng trưởng kinh tế toàn cầu được coi là vững chắc.

Trọng Thành

Published in Quốc tế