Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Mỹ - Nga : Nguy cơ đụng độ cao trên chiến trường Syria

Quân nổi dậy rút hoàn toàn khỏi đông Ghouta, đế chế Nga củng cố vị thế tại Syria. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bảo vệ các kế hoạch cải cách trên truyền hình. Giáo hoàng Francis thừa nhận "sai lầm nghiêm trọng" trong hồ sơ ấu dâm. Trên đây là một số tít lớn các nhật báo Pháp ngày 13/04/2018.

syria1

Tổng thống Syria Assad thăm căn cứ không quân Nga ở Hmeymim năm 2017. Reuters nhận được từ hãng tin Syrira SANA

Công luận quốc tế đặc biệt chú ý đến cuộc tấn công của phương Tây có thể sắp xảy ra, trong vụ chính quyền Syria bị nghi dùng vũ khí hóa học. Nếu chiến dịch xảy ra, nguy cơ đụng độ Mỹ - Nga là rất cao. Le Figaro có bài phân tích : "Thế đối đầu Mỹ - Nga đang ở thời điểm có thể chuyển thành đụng độ".

Hiếm khi nguy cơ đụng độ trực tiếp giữa Hoa Kỳ và Nga lại cao như hiện nay. Le Figaro so sánh không khí hiện nay với tình hình cuối 1962, với cuộc "khủng hoảng tên lửa" Cuba, khi Washington và Moskva "trên bờ vực chiến tranh".

Kể từ can thiệp quân sự Nga tại Gruzia năm 2008, các bất đồng giữa phương Tây và Nga ngày càng chồng chất : từ vụ Moskva can thiệp vào Ukraine (sáp nhập bán đảo Crimea, hỗ trợ phe ly khai miền đông), đến việc Nga ủng hộ chính quyền Assad tại Syria, nỗ lực can thiệp vào bầu cử Mỹ, hay đưa oanh tạc cơ khiêu khích NATO, và mới đây là vụ Skripal. Về phần mình, Nga cũng lên án kế hoạch của Hoa Kỳ triển khai hệ thống lá chắn tên lửa tại Châu Âu, và việc NATO "lấn sâu" vào vùng ảnh hưởng truyền thống của Nga. Tuy nhiên, chính trên chiến trường Syria mà nguy cơ đụng độ giữa hai đại cường là lớn nhất.

Các hệ thống chống tên lửa S-300, và S-400 của Nga đặt tại Syria, từ năm 2015, khiến liên quân quốc tế do Hoa Kỳ dẫn đầu phải dè chừng. Đầu tháng 2/2018, hàng chục "lính đánh thuê" Nga bị không quân Mỹ tiêu diệt, trong chiến dịch bảo vệ lực lượng nổi dậy đồng minh tại Syria. Căng thẳng tăng thêm một nấc với chiến dịch can thiệp quân sự, mà Mỹ, Pháp, Anh đang chuẩn bị, để trừng phạt chính quyền Damascus.

Le Figaro đặt câu hỏi : Điều gì sẽ xảy ra, nếu Nga bắn hạ một oanh tạc cơ hay một tàu chiến của Mỹ (như đe dọa của một quan chức cao cấp trong chính quyền Nga) ? Và ngược lại, nếu binh sĩ Nga bị thiệt mạng do "vô tình" bị trúng đạn của quân đội phương Tây, Moskva sẽ phản ứng thế nào ?

Theo Le Figaro, Washington và Paris ý thức rất rõ, là nếu xảy ra một chiến dịch quân sự, thì nguy cơ đụng độ với Nga hiện nay "cao hơn rất nhiều" so với năm 2013. Nhật báo Pháp phỏng đoán, đây "chắc chắn là một trong các lý do" khiến chiến dịch tấn công bị chậm lại, để có thời gian chuẩn bị "tránh mọi va chạm với quân đội Nga". Về phần mình, Moskva hiểu là trong lĩnh vực chiến tranh quy ước, quân đội Nga không thể sánh được với Hoa Kỳ.

Thế nhưng vấn đề là "các yếu tố bất ngờ" có thể đi ngược lại logic tránh va chạm của hai bên. Thái độ khó lường đoán của tổng thống Mỹ Donald Trump cũng làm gia tăng tính bất trắc của khủng hoảng. Le Figaro lưu ý "bắt đầu một cuộc chiến thì dễ, chấm dứt mới khó".

Thời điểm tấn công : Mơ hồ bao trùm

Về chiến dịch tấn công của phương Tây vào Syria, Les Echos cho biết Washington và Paris đang tiếp tục cân nhắc. Thông điệp Twitter của tổng thống Mỹ sáng ngày 12/04, gieo thêm không khí mơ hồ về thời điểm diễn ra cuộc tấn công, "có thể sẽ rất sớm, nhưng cũng có thể không sớm như vậy".

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo Paris sẽ ra quyết định vào thời điểm cần thiết, đồng thời nhấn mạnh đã có "bằng chứng" về việc Damascus sử dụng vũ khí hóa học. Thủ tướng Đức cũng bày tỏ lập trường của Berlin là kho vũ khí hóa học của chính quyền Syria chưa bị phá hủy hoàn toàn.

Theo Les Echos, Mỹ - Pháp – Anh đứng trước tình thế "khó trở lui", nếu không muốn mất uy tín trong con mắt cộng đồng quốc tế.

Moskva sống trong "không khí chờ Tweet" của Trump

Về thái độ của Nga, Les Echos có bài : "Điện Kremlin thử xuống thang", mở đầu với nhận định : "Tại Moskva, người ta sống trong không khí chờ đợi cú Tweet sắp tới của Trump" của tổng biên tập báo "Russia in Global Affairs", ông Fiodor Loukianov, người được coi là am hiểu về giới cầm quyền Nga.

Nhật báo kinh tế trích dẫn nhận định tờ báo Nga Kommersant, cho rằng để tránh thiệt hại cho quân đội nước mình, Moskva chờ đợi phía Mỹ chuyển giao thông tin về các mục tiêu tấn công. Trong khi đó, nhật báo Nezavisimaia Gazeta thì khẳng định quân đội Nga được đặt trong tình trạng báo động tối đa, các tên lửa nhắm vào các mục tiêu quân sự Mỹ.

Dù sao, người phát ngôn phủ tổng thống Nga vẫn bảo đảm là "đường dây nóng" giữa hai bên được duy trì. Có điều đụng độ là kịch bản hoàn toàn có thể xẩy ra, theo nhà báo Fiodor Loukianov, nếu Mỹ tấn công thủ đô Damascus, hoặc vào các cơ sở hạ tầng của Nga, việc trả đũa quân sự là chắc chắn, ngược lại, nếu chỉ có các địa điểm của chính quyền Syria bị tấn công, giữa Washington và Moskva sẽ chỉ có "khẩu chiến".

Syria : Trừng phạt Damascus, nhưng sau đó thì sao ?

Về xung đột Syria, Le Monde có bài phân tích đáng chú ý khác "Syria : Tên lửa, còn sau đó thì sao ?". Nhà bình luận Alain Frachon chua chát rút ra nhận xét về tình trạng thiếu vắng một chính sách thực sự nhằm tìm lối thoát cho khủng hoảng Syria hiện nay, cả về phía phương Tây, cũng như phía Nga, hay Iran. Chưa có ai giành thắng lợi trong các cuộc chiến tại quốc gia này.

Điều mà nhà báo Le Monde lo ngại là, "bên ngoài Syria trong các trại tị nạn, và trên các đống đổ nát hoang tàn trong nước, chắc chắc một thế hệ thánh chiến mới đang hình thành".

Biển Hoa Đông : Nhật thành lập đơn vị đặc biệt để phòng Trung Quốc

Quan hệ Nhật – Trung căng thẳng. Le Monde chú ý đến việc quân đội Nhật vừa được bổ sung một đơn vị thủy quân lục chiến, 3.000 binh sĩ, hôm 7/4. Đây là lần đầu tiên kể từ Thế chiến Hai, Tokyo thành lập lực lượng lính thủy đánh bộ. Đơn vị, đồn trú trên đảo Kyushu (đảo lớn, cực nam quần đảo Nhật Bản), được trang bị 17 máy bay vận tải Osprey, cất cánh thẳng đứng, và hàng chục tàu đổ bộ tấn công AAV-7. Trước đó ít tuần, Bộ quốc phòng Nhật thông báo hai tàu chở trực thăng lớp Izumo có thể biến thành tàu sân bay, chuyên chở các phi cơ chiến đấu tàng hình F-35B.

Mục tiêu của Tokyo là sẵn sàng có phương tiện phản ứng, một khi các đảo của Nhật Bản bị "nước ngoài" xâm chiếm. Nước ngoài ở đây chắc chắn là Trung Quốc. Còn mục tiêu bảo vệ của Tokyo là quần đảo Senkaku, mà Bắc Kinh đang dòm ngó. Trung Quốc gọi quần đảo này là Điếu Ngư.

Vụ Skripal : Nga bị "thêm một vố đau"

Về nghi án cựu điệp viên Nga bị đầu độc, Les Echos với bài Vụ Skripal : Nga bị "thêm một vố đau", chú ý đến kết luận của Tổ Chức Cấm Vũ Khí Hóa Học, được đưa ra hôm 12/04.

Điều tra của các chuyên gia quốc tế khẳng định các kết luận trước đó của Luân Đôn. Đó là chất độc được sử dụng có thành phần giống với các chất thuộc nhóm Novitchok, một loại chất độc do Liên Xô sản xuất trước đây.

Kết luận của các chuyên gia quốc tế, về mặt khách quan, ủng hộ cho hướng nghi ngờ của Luân Đôn. Đó là : chỉ có Nga mới có "khả năng, quyết tâm và động cơ" để hành động như vậy, theo thủ tướng Anh Theresa May. Luân Đôn hy vọng triệu tập Hội Đồng Bảo An ngay trong tuần này để bàn về vấn đề này.

Quản lý Facebook : Mỹ sẽ phải noi gương Liên Âu ?

Chính sách bảo vệ dữ liệu cá nhân chặt chẽ của Liên Hiệp Châu Âu có thêm uy tín, sau một thời gian dài bị khinh thường. Đó là nhận định của trang mạng Wired đầu tuần này, được Les Echos dẫn lại. Chính sách bảo vệ dữ liệu cá nhân của Liên Âu đã được nêu ra trong hai phiên điều trần trước Quốc Hội Mỹ của lãnh đạo Facebook.

Theo báo kinh tế Pháp, các bê bối của Facebook làm nổi rõ thực trạng hệ thống tư pháp Mỹ rất kém cỏi trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân trên mạng.

Với Châu Âu, việc bảo vệ dữ liệu cá nhân là điều vô cùng hệ trọng, một quyền công dân, được ghi trong Hiến pháp, bởi Châu Âu không chấp nhận để cho trở lại các hệ thống "mật thám chính trị" kiểu như Gestapo (phát xít Đức) hay Stasi (mật vụ Đông Đức). Trong khi đó, tại Mỹ, dữ liệu của các cá nhân trên mạng cũng được bảo vệ, nhưng chỉ với tư cách "người tiêu thụ». Đối với Hoa Kỳ, tự do ngôn luận cao hơn là quyền của các cá nhân giữ thông tin riêng trong vòng bí mật. Lãnh đạo các tập đoàn tin học Mỹ vốn rất coi nhẹ vấn đề thông tin riêng tư.

Luật của Châu Âu bảo vệ các công dân Châu Âu, cho dù các doanh nghiệp thu thập dữ liệu nằm ở Mỹ hay Châu Á. Vì vậy, quan điểm của Apple hay LinkedIn là có thể áp dụng nhất loạt luật Châu Âu cho mọi trường hợp, để tránh rơi vào xung đột. Trong khi đó Facebook cho đến nay vẫn đưa ra quan điểm nước đôi.

"Chỉ số nỗi sợ" gia tăng

Trong lĩnh vực kinh tế, phụ trương báo Le Monde đặc biệt chú ý đến "chỉ số nỗi sợ", đang tăng cao trong những ngày gần đây, do những căng thẳng liên quan đến Syria, đặc biệt qua các thông điệp Tweet của tổng thống Mỹ (bài "Trump đánh thức ''chỉ số nỗi sợ''"). Theo Le Monde, chỉ số VIX - thường gọi là "chỉ số của nỗi sợ" - được dùng để đo lường "mức độ thất thường" của cổ phiếu, dựa trên các thông số của S&P-500, tức 500 doanh nghiệp lớn có mặt trên sàn chứng khoán Mỹ.

Theo một chuyên gia của Eurasia Group, giới đầu tư lo ngại năm 2018 là năm có "nhiều nguy cơ địa chính trị nhất, kể từ 20 năm nay" (cụ thể là Chiến tranh lạnh công nghệ, Châu Phi bất ổn, khủng hoảng bản sắc tại Nam Á, làn sóng dân túy, bảo hộ, Brexit theo phương án rắn, Mỹ bác bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran, hay vấn đề hạt nhân Bắc Triều Tiên…).

Nợ nần khủng khiếp : Khủng hoảng mới có thể đáng sợ "gấp 10"

Le Monde chú ý đến "chỉ số nỗi sợ" của giới đầu tư, còn Les Echos lo ngại về núi nợ nần khủng khiếp của thế giới, ẩn đằng sau tình trạng tăng trưởng trở lại có vẻ khả quan.

Theo Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF, tổng nợ của thế giới hiện nay là khoảng 164.000 tỉ đô la. IMF một lần nữa cảnh báo nếu khủng hoảng tài chính mới bùng nổ, núi nợ sụp đổ, thiệt hại sẽ gấp "10 lần" so với cuộc khủng hoảng cách nay 10 năm.

Còn theo Viện Tài Chính Thế Giới (IIF), nợ toàn cầu lên đến 237.000 tỉ đô la vào cuối 2017, tăng 11.000 tỉ đô la trong một năm, tương đương với GDP một năm của Trung Quốc. Không khó để nhận ra mức chênh lệch vô cùng lớn giữa hai cách đánh giá của IMF và IIF, đây là điều cho thấy "tài chính quốc tế" có thể ví với một "thiên hà đen" gần như thoát khỏi mọi kiểm soát. Chỉ có một điểm chung là "thiên hà" này đang nở ra với tốc độ cao.

Phát biểu tại Đại học Hồng Kông, hôm thứ Tư, 12/04, tổng giám đốc IFM nhấn mạnh gánh nợ khổng lồ là điều đáng lo ngại thứ hai sau chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch của tổng thống Mỹ. Theo bà Christine Lagarde, nợ thế giới đã tăng 40% kể từ năm 2007, và 40% trách nhiệm thuộc về Trung Quốc. Nguyên nhân trực tiếp của tình trạng nguy hiểm này là tỉ lệ nợ so với GDP quốc gia tăng lên khắp mọi nơi, người ta vay mượn rất nhiều và dễ dãi, nhưng đầu tư lại rất ít.

Theo IMF, cho đến nay, bất chấp cảnh báo "dàn nhạc trên con tàu Titanic vẫn chơi" như thường lệ, tỉ lệ tăng trưởng đang tạo ra "ảo ảnh" về tình hình tốt đẹp.

Les Echos cho rằng, để cứu chữa, bên cạnh việc các quốc gia, doanh nghiệp, ngân hàng phải có chính sách thắt lưng buộc bụng, tìm mọi cách hạn chế bong bóng bất động sản, thì điều cần phải điều chỉnh căn bản là cơ chế tiền tệ quốc tế phi lý hiện nay, với việc kinh tế Mỹ chỉ chiếm 23% GDP toàn cầu, 12% thương mại toàn cầu, nhưng đồng đô la lại chiếm đến 87% thị trường hối đoái, 61% ngoại tệ dự trữ. Các lãnh đạo như tổng thống Pháp Emmanuel Macron có rất nhiều việc để làm trong chuyện này.

Trọng Thành

Published in Quốc tế