Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Người Palestine bị bỏ rơi, nhân phẩm bị khinh rẻ

Bạo lực đẫm máu và nguy cơ xung đột võ trang tại Trung Đông, tương lai bất trắc của hiệp định hạt nhân Iran, chiếc cầu "thống nhất" của Putin tại Crimea, một trang sử mới ở Malaysia là một số chủ đề chính trên báo chí Pháp ngày thứ Tư 16/05/2018.

palestine1

Một cảnh ở giải Gaza, Palestine, ngày 14/05/2018. Reuters/Mohammed Salem

Hai ngày sau vụ xung đột đẫm máu tại Gaza mà một bên gọi là "đàn áp" và bên kia gọi là "tự vệ", Israel tiếp tục là mục tiêu tấn công của báo chí Pháp :

Lễ mừng tại Jerusalem, biển máu tại Gaza, tựa của Le Monde. Hòa bình tại Trung Đông còn chút hy vọng nào không ? La Croix đặt câu hỏi. Les Echos lo ngại chiến tranh xảy ra giữa quân đội Israel và Hamas vì chiến lược khiêu khích của tổ chức Palestine này. Đây cũng là nhận định của Libération trong bài "Tang lễ sau cuộc hy sinh của tuổi trẻ", trong khi Le FigaroLe Monde dường như không chia sẻ ý kiến này của đồng nghiệp cánh tả.

Trong bài xã luận "Người Palestine bị bỏ rơi và tước đoạt nhân phẩm", Le Monde nhận định "1,9 triệu dân Palestine bị phong tỏa trong dải Gaza từ 10 năm nay, họ sống trong nghèo đói và ba cuộc chiến tranh, bị cộng đồng quốc tế lơ là, bị Cơ quan quyền lực Palestine bỏ mặc, thì đâu cần Hamas xúi giục người Palestine mới xuống đường tranh đấu. Họ lao vào hàng rào kẽm gai, vì điên cuồng, vì ảo vọng tìm về quê hương bị chiếm đóng". Ngày "thứ Hai đen", theo Le Monde, đã phản ảnh thực trạng là gần như hầu hết giới chính trị Israel, tả cũng như hữu, tước đoạt nhân phẩm của thường dân Palestine, xem họ là "cảm tình viên của Hamas" trong khi chiến dịch "hành trình về quê hương" chứng tỏ người Palestine đã chọn con đường tranh đấu bất bạo động, chống khủng bố và vũ lực. Không thấy diễn tiến này là điều nguy hiểm.

Món quà tẩm độc của Washington

Nguy hiểm cho khu vực và cho cả Israel, bởi vì, theo Le Monde, sự kiện chính quyền Donald Trump ủng hộ chính sách của đảng cánh hữu Likud không phải là một món quà của Washington tặng cho Israel như một số người Israel lầm tưởng.

Chuyển sứ quán Mỹ về Jerusalem, khích lệ thủ tướng Netanyahu trong men say chiến tranh ngạo mạn, và tạo ảo tưởng quốc gia non trẻ này được Mỹ ủng hộ, trong khi trên thực tế, Israel bị cô lập hơn bao giờ hết trên trường quốc tế. Không một ai bị ru ngủ vì kế hoạch hòa bình Israel-Palestine do tổng thống Mỹ đề xướng. Thế mà, nếu không có viễn ảnh hòa bình, Israel sẽ sống trong nỗi sợ triền miên.

Trong khi đó, Le Figaro, trong bài "sau cơn bão, Gaza an táng người chết", cho biết sau ngày thứ hai đẫm máu với ít nhất 60 người Palestine thiệt mạng, cuộc biểu tình ngày hôm sau có vẻ yếu đi. Tuy nhiên, một bà mẹ Palestine cảnh báo : "Những người trẻ này chỉ đòi hỏi những quyền chính đáng và với sự hy sinh tột đỉnh này, một ngày nào đó, nếu Thượng đế chấp thuận, thì chúng tôi sẽ làm cho Israel lùi bước". Cũng theo Le Figaro, cho dù quân đội Israel lên án Hamas chỉ đạo các cuộc biểu tình ở ranh giới và nhận diện được "24 thành viên Hamas" trong số 61 người chết hôm thứ hai, thì một cán bộ chỉ huy của Hamas khẳng định "nhiều chiến binh đã chấp nhận buông súng để tranh đấu ôn hoà. Giờ đến lượt cộng đồng quốc tế phải lãnh trách nhiệm".

Les Echos dường như không cùng quan điểm này. Nhật báo kinh tế cho rằng Hamas do bị yếu dần, nên tiến hành một chiến thuật mới, "thuê đàn bà, con nít" lao vào hàng rào kẽm gai. Hamas phải đổi chiến thuật từ khi Israel bố trí hệ thống "vòm thép" chống tên lửa từ Gaza cũng như phá hủy được nhiều địa đạo của Hamas, xây thêm bức tường chận xâm nhập cao 6 mét. Về chính trị, Hamas không hòa giải được với Mặt Trận Fatah của chủ tịch Mahmoud Abbas. Do vậy, tổ chức Hồi Giáo này mất dần hậu thuẫn trong khối Ả Rập trừ Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ.

Trên nhật báo cảnh tả Libération, một số thanh niên ở Gaza không tham gia chiến dịch "hành trình về quê hương" cho biết ý kiến như sau : lãnh đạo Hamas là những "kẻ lợi dụng" đưa dân chúng vào chỗ tự sát tập thể. Mạng người quí hơn là một mẩu dây kẽm gai. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng, trước tương lai bế tắc, xuống đường thách thức súng đạn là một cách biểu lộ hành động sống tự do.

"Iran và Châu Âu bảo vệ hiệp định hạt nhân"

Gaza không phải là hồ sơ nóng duy nhất tại Trung Cận Đông. Với tựa "Tehran và Châu Âu đồng thuận cứu hiệp định hạt nhân", Les Echos giúp độc giả tìm hiểu nỗ lực của Bruxelles qua cuộc tiếp xúc giữa ngoại trưởng Iran với ba đồng nhiệm Anh, Đức, Pháp ngày hôm qua.

Theo nhật báo kinh tế, Liên Hiệp Châu Âu chờ đợi Iran chấp nhận một số nhượng bộ để đánh tan mối nghi ngờ về chương trình tên lửa đạn đạo của Tehran. Nhưng mối ưu tư chính vẫn là làm cách nào bảo vệ quyền lợi kinh tế của giới doanh nghiệp Châu Âu trong trường hợp Mỹ ban hành các biện pháp trừng phạt mới, hệ quả của quyết định của Mỹ hủy bỏ hiệp định hạt nhân ký với Iran năm 2015 : Các công ty Pháp kỳ vọng nhưng giới chính trị không có đủ thời giờ và phương tiện để bảo vệ doanh nghiệp.

Cùng nhận định, Le Figaro báo động : Châu Âu tìm cách tự vệ trước sức ép của Mỹ. Trong cuộc hội thảo ngày hôm qua tại bộ kinh tế Pháp, bộ trưởng kinh tế Bruno Lemaire và đồng nghiệp bộ ngoại giao Jean-Yves Le Drian cam kết với 60 doanh nghiệp lớn có quan hệ với Iran là sẽ làm mọi cách để bảo vệ họ bằng những "kênh tài chính độc lập với đô la" nằm ngoài thẩm quyền của tư pháp Mỹ.

Trước câu hỏi : Liệu Châu Âu có lách được lệnh trừng phạt của Mỹ, nhật báo La Croix nhận định là cần phải có sự hợp sức của toàn Liên Hiệp. Nếu không có nỗ lực chung này thì các doanh nghiệp vì đơn độc sẽ rơi vào trạng thái "tê cóng" trước đe dọa của Mỹ.

Trong mọi trường hợp, tương lai kinh tế thế giới đang bị một đám mây đe dọa : tình trạng dầu hỏa tăng giá đã trở lại vì khủng hoảng Iran. Giá xăng bán lẻ sẽ tiếp tục lên và cản trở đà tăng trưởng của kinh tế Pháp, theo Le Figaro.

Nhật báo cánh hữu cũng dành một bài khá dài về "chuyện chiếc cầu chính thức hóa việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea mà tổng thống Nga long trọng khánh thành ngày hôm qua. Bất lực trước các biện pháp lấy thịt đè người của láng giềng, tổng thống Ukriana Petro Porochenko tìm ra một câu khôi hài đen : "Bề gì thì quân xâm lược Nga cũng cần một cây cầu khi phải khẩn cấp rút chạy".

"Malaysia mở trang sử mới với nhà độc tài cũ"

Thời sự Châu Á duy nhất trên trang quốc tế của Le Figaro là "Bình Nhưỡng đe dọa đình chỉ thượng đỉnh với Donald Trump" sau khi thông báo "hủy bỏ một cuộc họp với Seoul" về hồ sơ phi hạt nhân hóa. Trong khi đó, sự kiện cựu thủ tướng Malaysia, Mahathir Mohamad, 92 tuổi trở lại chính trường sau 16 năm ở ẩn, được La Croix và Le Monde phân tích rộng rãi.

Theo La Croix, người dân Malaysia rất mong chờ những thay đổi lớn tại quốc gia Đông Nam Á này từ khi đối lập chiến thắng bất ngờ vào ngày 09 tháng 05. Họ đặt niềm tin và khả năng của cựu thủ tướng "từ độc tài chuyển đổi qua cấp tiến» giải quyết tệ nạn tham nhũng triền miên và chia rẽ giữa các cộng đồng sắc tộc.

Chống tham nhũng cũng là mục tiêu số một mà Le Monde, cũng như đồng nghiệp La Croix, cho rằng "nhà độc tài hối cải" đã cam kết với dân chúng. Mahathir Mohamad, 92 tuổi, đánh bại Najib Razak, nhân vật mà cách nay 16 năm lên thay ông ở ghế thủ tướng, là một "bước ngoặt" trong lịch sử Malaysia. Theo phân tích của Le Monde, tân thủ tướng đã ra lệnh cấm thủ tướng vừa mãn nhiệm, rời Malaysia và loan báo "một số quan chức cao cấp sẽ bị trừng phạt" vì đã đồng loã tham ô với vợ chồng Najib Razak mà tổng số tiền biển thủ lên đến gần một tỷ đô la. Cách chức Tổng chưởng lý Apandi Ali, người đã "minh oan" cho Najib Razak, có lẽ là phát pháo đầu tiên.

Chiến thắng của Mahathir Mohamad và đối lập Malaysia, theo Le Monde, có thể xem là một cuộc cách mạng. Tân bộ trưởng tài chính Lim Guan Eng, là người gốc Hoa đầu tiên, được bổ nhiệm vào chức vụ quan trọng này, kể từ 40 năm qua tại Malaysia. Điều lý thú là nhà đối lập Lim Guan Eng từng bị ngồi tù hai lần dưới thời thủ tướng Mahathir Mohamad nắm quyền trước đây.

Mahathir Mohamad từng nổi danh là một nhà lãnh đạo độc đoán, bịt miệng báo chí và trấn áp đối lập bằng guồng máy tư pháp. Một phó thủ tướng của ông là Anwar Ibrahim bị truy tố ra tòa với những bản án dàn dựng. Thân phụ của tân bộ trưởng tại chính Lim Guan Eng, nhà lãnh đạo đối lập Lim Kit Suang, dự đoán với một nụ cười : Ở tuổi 92, ông ấy đã đổi mới. Được báo chí đặt câu hỏi, thủ tướng Malaysia tâm sự : ông sẽ rời chức vụ trong một hoặc hai năm tới đây. Có lẽ đây là thời để chuẩn bị chuyển giao trọng trách lãnh đạo quốc gia cho cựu phó thủ tướng Anwar Ibrahim, một nạn nhân cũ và cũng vừa được ân xá.

Le Monde tin rằng theo dõi Malaysia chuyển mình dân chủ hóa trong thời gian tới đây là điều rất lý thú.

Cần cấm nhập khẩu ếch nhái Châu Á

Xin kết thúc mục điểm báo hôm nay với hai thông tin khoa học trên Le Monde : Các máy điều hòa không khí làm tăng nhiệt độ bầu khí quyển. Dịch ếch nhái bị chết hàng loạt trên thế giới phát xuất từ bán đảo Triều Tiên. Cuộc điều tra của giới khoa học được mô tả là gay go không kém gì thám tử điều tra hình sự. Thủ phạm là một loài nấm độc có tên khoa học là "Bd" hay Batrachochytrium dendrobatidis, xuất phát từ bán đảo Triều Tiên trước khi đổi "gen" và lan khắp địa cầu trong suốt thế kỷ 20. Đồng lõa là các chuyến tàu chở hàng hóa đi khắp bốn phương. Nhận diện được thủ phạm và đồng lõa gây bệnh diệt chủng loài ếch nhái, các nhà khoa học kêu gọi ngưng nhập cảng ếch, cóc nhái từ Châu Á.

Tú Anh

Published in Quốc tế