Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Covid-19 : Những nạn nhân vô hình của thống kê

Trung Quốc muốn tranh đoạt vai trò lãnh đạo thế giới, Bắc Kinh tung chiến dịch ngoại giao chó sói "chiến lang" tự khoác chiếc áo cứu nhân độ thế. Hàng ngàn cái chết vô hình của virus corona trên thế giới. Pháp có hết bị phong tỏa vào ngày 11/05/2020 ? Đó là những tựa đập vào mắt độc giả trên các tờ báo Paris 04/05/2020.

vohinh1

Những nạn nhân vô hình của Covid-19 : Vì sao thế giới che giấu số liệu người tử vong ? © Reuters

Còn đúng một tuần, giai đoạn một tái lập sinh hoạt bình thường tại Pháp bắt đầu. Với tựa lớn "Một tuần lễ đầy thách thức" Les Echos lo ngại các khâu chuẩn bị chưa hoàn tất, dân chúng đi làm là cơ hội tốt cho siêu vi đi theo.

Le Figaro lo lắng : Còn một tuần là đến kỳ hạn mà hành pháp tỏ ra thận trọng khi tuyên bố có thể thay đổi quyết định vào giờ chót. Libération đánh dấu hỏi định hướng : phải chăng chính phủ che dấu tình trạng thiếu chuẩn bị trong khi dân chúng nô nức mong chờ được "sổ lồng" sau 8 tuần tù túng ? Nhật báo công giáo La Croix chú ý đến số phận di dân nhập cư bất hợp pháp, kêu gọi chính phủ Pháp noi gương Bồ Đào Nha hợp thức hóa tình trạng cư trú tạm thời để những người bất hạnh này được chăm sóc sức khỏe miễn phí trong cơn đại dịch. 

Những nạn nhân "vô hình" : thiếu sót và cố ý 

Trên thế giới, đại dịch SARS -CoV-2 đã lây nhiễm cho hơn ba triệu người tại 193 nước và giết chết 230.000 nạn nhân theo thống kê chính thức tính đến ngày 30/04/2020.

Tuy nhiên, con số này thấp hơn thực tế rất nhiều, theo điều tra của mạng lưới thông tín viên của Le Monde trên khắp địa cầu và của nhiều cơ quan truyền thông quốc tế.

Trung Quốc, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Nam Mỹ, Châu Âu... hàng chục ngàn người chết không được đưa vào thống kê chính thức. Các chế độ độc tài chủ ý che giấu bớt tác hại của đại dịch vì lý do chính trị, còn số liệu thu thập tại các nước dân chủ, muốn công khai, minh bạch nhưng vẫn chưa đầy đủ.

Còn tại các nền dân chủ phương Tây ? Theo chuyên gia siêu vi trùng học Bỉ Steven van Gucht, phải nhân lên 2 hoặc nhiều hơn nữa các số liệu chính thức ở các nước Tây phương.

Một trong những biện pháp cho phép thấy được thảm hoạ nhân mạng do Covid-19 gây ra là so sánh số người chết trong năm nay và số người từ trần trong những năm trước.

Đơn cử một vài trường hợp : Chỉ trong vòng bốn tuần, từ 16/03 đến 12/04, trang mạng EuroMOCO của giới chuyên gia dịch tễ thống kê tất cả những người qua đời tại 24 nước Châu Âu, do mọi nguyên nhân, ghi nhận 70.000 trường hợp cao hơn thống kê cùng thời gian.

Bao nhiêu nước tôn trọng yêu cầu của Tổ chức Y tế Thế giới : Ghi hết vào Covid-19 những người từ trần vì bị bệnh này gây ra, trực tiếp hay gián tiếp, thậm chí chỉ nghi ngờ ?

Chỉ có chính phủ Bỉ là ngay từ đầu mỗi ngày cộng hết số nạn nhân chết ở bệnh viện, nhà dưỡng lão và tại gia.

Còn Pháp, lúc đầu báo cáo không tính số nạn nhân ở các viện dưỡng lão. Cho đến nay, thiếu sót này được khắc phục nhưng vẫn chưa có thống kê bệnh nhân chết ở nhà. Thiếu sót của Đức là không làm xét nghiệm kiểm chứng người qua đời. Tại Hoa Kỳ, có đến 23% nạn nhân bị nghi nhiễm Covid-19 chết tại nhà nhưng do không xét nghiệm, nên nằm ngoài thống kê.

Tại Châu Á, thống kê thắng dịch của Trung Quốc phải điều chỉnh thêm vào 1.300 nạn nhân nhưng vẫn còn thấp so với thực tế. Là đồng minh của Bắc Kinh mà Tehran, qua tuyên bố của phát ngôn viên Bộ Y tế, gọi "báo cáo thắng dịch của Trung Quốc một trò đùa mang vị đắng". Bản thân Iran, số liệu chắc cũng không đúng sự thật : Tehran nhìn nhận có 6.000 ca tử vong trong khi hai nhà nghiên cứu Iran làm việc tại Mỹ, tính từ ca đầu tiên cho đến ngày 20/03 là 15 ngàn.

Trường hợp Indonesia : chính thức có 84 nạn nhân Covid-19 tại Djakarta. Kiểm chứng với các nghĩa trang thủ đô, Reuters ghi nhận có 4.377 lễ an táng trong tháng 3, nhiều gấp 40% so với thống kê của mọi tháng tính từ đầu năm 2018.

Bệnh viêm phổi thường ?

Xem xét thống kê ở Nga, Le Monde phát hiện một số sự kiện bất bình thường : hai nạn nhân siêu vi corona chết ngày 13 và 14/3 đột nhiên bị thay tên bệnh khác. Từ tháng 01 đến nay, số người chết vì "viêm phổi" ở Moskva đột nhiên tăng vọt nhưng theo các nhân chứng cho biết tại nhiều địa phương, trên giấy khai tử ghi tên bệnh khác. 

Paris-Bắc Kinh, "mối quan hệ nguy hiểm"

Trong nhãn quan Tây phương, uy tín của chế độ Cộng sản Trung Quốc đã tiêu tan. Với bài nhận định "Pháp-Trung, mối quan hệ nguy hiểm", Le Figaro một lần nữa đặt câu hỏi : Phải chăng siêu vi corona xuất phát từ một trong những phòng thí nghiệm ở Vũ Hán ? P2 hay P3 ?

Nếu đúng vậy thì có nên bán công nghệ khoa học cho Trung Quốc hay không ? Tại sao chơi với những kẻ không tôn trọng, không cùng thang giá trị với mình ? Tại sao lại chuyển giao công nghệ nhạy cảm cho họ ?

Một nhà ngoại giao Pháp trả lời : Tại vì chúng ta sợ Trung Quốc. Nhưng sau đại dịch, chính sách ngoại giao của Pháp phải thay đổi, theo trực giác sinh tồn, ưu tiên giao thương với những quốc gia có cùng chung chuẩn mực và giá trị đạo lý, đó là các nước Châu Âu khác, Hoa Kỳ, Nhật, Úc. Con đường bảo vệ quyền lợi quốc gia.

Tập Cận Bình đọ sức với thế giới

Le Monde dành một bài dài về thái độ hung hăng của Đảng cộng sản Trung Quốc : Tập Cận Bình đọ sức với cả thế giới bằng chiến lược "chó sói ngoại giao" hung hăng. Nhưng đó là con dao hai lưỡi. RFI tiếng Việt đã tóm lược "chiến lược lang chiến" của Trung Quốc trên Le Point trong mục Điểm Tuần Báo vào cuối tuần qua, xin bổ sung một số phản ứng khác.Với con sói đầu đàn là Vương Hỗ Ninh, lý thuyết gia, có tên rất kêu "chủ nhiệm Ủy ban xây dựng văn minh tinh thần trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc", phe diều hâu triển khai một chiến lược tuyên truyền thô bạo vừa tạo ấn tượng là kẻ hào hiệp vừa chuẩn bị đoạt vị thế của Mỹ trong tương lai.

Tập Cận Bình cầm dao hai lưỡi không khéo tự cắt vào tay. Trước hết, xã hội Hoa lục không ngây thơ tin vào lời tuyên truyền của chế độ. Người dân Trung Quốc là những người đầu tiên nghi ngờ có bàn tay con người dính dáng với cội nguồn con virus. Cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng, người báo động dịch bệnh ở Vũ Hán từ tháng 12/2019 trước khi bị chế độ đàn áp bịt miệng, đã gây dấu ấn trong tâm khảm người dân Hoa lục. Thứ hai, giới cán bộ lão thành cũng tỏ ra lạnh nhạt với luận điểm tuyên truyền của phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Triệu Lập Kiên, người cáo buộc lính Mỹ đem siêu vi corona vào Trung Quốc.

Thôi Thiên Khải, đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ chỉ trích : đây là một tuyên bố tai hại, chẳng giúp ích được ai. Giáo sư Shi Zhan, giám đốc Trung Tâm Ngoại Giao, nơi đào tạo nhiều nhà ngoại giao Hoa lục khuyến cáo : Ngoại giao lang chiến không thể lâu dài và chỉ làm hại, làm Trung Quốc bị cô lập. Tây phương sẽ bỏ Trung Quốc, sẽ đem công kỹ nghệ chiến lược về nước. Trung Quốc, do còn thua kém trong các ngành khoa học tiên tiến, sẽ bị tụt hậu.

Tiên hạ thủ vi cường

Thế thì vì sao Bắc Kinh gây gổ để làm gì ? Chuyên gia Pháp François Godment lý giải : Giới ngoại giao Trung Quốc hạ thủ trước tại vì họ có điều gì khó nói cần phải che giấu.

Bắc Kinh sợ phải trả lời một số câu hỏi khó trong đó có câu hỏi về nguồn gốc siêu vi gây đại dịch cho cả thế giới. Le Monde cũng dành một trang phỏng vấn nữ chuyên gia Alice Ekman, phụ trách Châu Á tại Viện Nghiên Cứu An Ninh Liên Hiệp Châu Âu, tác giả quyển sách Rouge vif. L'idéal communiste chinois - Đỏ thắm. Lý tưởng Cộng sản Trung Hoa : mục tiêu của Bắc Kinh là muốn ở thế tranh đua vị thế siêu cường của Mỹ. Nhưng hai cái gai cần phải nhổ trong mắt Tập Cận Bình là Hồng Kông và Đài Loan.

Tú Anh

Published in Quốc tế