Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

"Thế hệ Ukraine" của những phóng viên trẻ phương Tây

Bên cạnh các nhà báo lão thành từng có mặt trong chiến tranh Việt Nam, Chechenya, Syria… đang nảy sinh "thế hệ Ukraine" - những phóng viên trẻ tuổi đầy nhiệt huyết. Những người trẻ đến từ khắp nơi trên thế giới hiểu rằng họ đang chứng kiến một thời điểm lịch sử. Theo một thăm dò mới đây, 82 % người được hỏi đánh giá cao việc đưa tin về cuộc xâm lăng Ukraine.

phongvien1

Phóng viên quốc tế làm nhiệm vụ khi Ukraine phát hiện xác thường dân bị thảm sát hàng loạt ở Bucha, ngày 08/04/2022.  AP - Rodrigo Abd

Cuộc chiến tại Ukraine vẫn tiếp tục chiếm nhiều giấy mực các tuần báo Pháp. Trước hết về tình hình chiến trường, cựu đại tá thủy quân lục chiến Michel Goya trong bài trả lời phỏng vấn của L'Express đã nhận định, để chiếm được phần còn lại của Donbass, Putin sẽ phải trả giá rất đắt.

10.000 mạng lính Nga để chiếm toàn bộ Donbass

Hiện quân Nga đang tiến hành hai trận đánh nhằm bao vây Lyman và tấn công Severodonetsk. Điểm mới là họ đã chiếm được Popasna gần đó, nhờ địa thế cao nên có thể điều chỉnh pháo. Nga cũng tập trung khoảng 12 cụm tác chiến cấp tiểu đoàn trong khu vực, với những đơn vị tinh nhuệ nhất (thủy quân lục chiến, lính đánh thuê Wagner, lính Chechenya), nhờ đó quân Nga tiến tương đối nhanh.

Điều đáng lo nhất là Nga có thể cắt được con đường tiếp liệu để bao vây Severodonetsk. Nếu Nga vây hãm được, thành phố kỹ nghệ 200.000 dân này có nguy cơ trở thành một Mariupol mới. Trong hai tháng tới, một khi Nga chiếm được Severodonetsk và sau đó giành luôn Slovyansk cùng với Kramotorsk, là đạt được mục tiêu chiến lược. Nhưng để chinh phục phần còn lại của Donbass, Nga sẽ phải mất thêm 10.000 mạng lính. Phía Ukraine đã điều một lữ đoàn quân dự bị tham gia và có thể sẽ còn những đơn vị khác.

Ukraine và Nga đều phải đối mặt với cùng một câu hỏi : làm thế nào tiếp tục chiến đấu hai, ba tháng nữa với mức độ bạo lực và hủy diệt như thế ? Quân đội Ukraine mỗi ngày bị mất từ 50 đến 100 quân ở Donbass, phía Nga có thể cao hơn. Về tương quan lực lượng, trong cuộc chiến Donbass có khoảng 40.000 đến 50.000 lính Nga và thân Nga tham chiến so với 30.000 chiến binh Ukraine, Nga triển khai 600 xe tăng còn Ukraine có 300, số pháo của Nga cũng gấp đôi. Tuy nhiên lượng xe bọc thép Nga bị tiêu diệt cũng lớn như trận Kiev, sắp tới có thể cạn nguồn. Mới đây Nga đã phải vét cả những chiếc T-62 cổ lỗ sỉ trong thập niên 60. Các đại bác của Mỹ và Pháp rất hiệu quả, nhưng không đủ để xoay chuyển thế trận : Ukraine có khoảng vài chục trong khi Nga có đến mấy trăm khẩu.

Nếu chiếm được Donbass, Nga có thể khóa chặt vùng này và thương lượng ngưng bắn, còn phía Ukraine có thể muốn đàm phán dù chỉ là hòa bình tạm thời... tất cả đều tùy thuộc nguồn lực. Tuy huy động được người nhưng còn phải huấn luyện nhiều tháng, còn lượng vũ khí không phải là vô tận. Trừ phi thay đổi chế độ ở Nga kèm theo một hòa ước thực sự, Ukraine buộc phải sống với tình trạng báo động thường trực. Nếu Kiev có được 700.000 quân dự bị được huấn luyện kỹ từ những ngày đầu cuộc xâm lăng thì tình thế đã khác. Với mối đe dọa hiện nay, Ukraine bắt buộc phải trở thành một quốc gia sẵn sàng cho chiến tranh, như Israel với một số nước Ả Rập.

"Thế hệ Ukraine" của những phóng viên trẻ phương Tây

Trên phương diện thông tin,L'Obs có bài viết thú vị về hậu trường báo chí khi đưa tin chiến tranh Ukraine. Nhiều nhà báo từ lão luyện đến tập sự đã đến tận nơi để tường thuật về cuộc chiến. Phóng viên ảnh huyền thoại James Nachtwey của Mỹ từng nổi bật trong chiến tranh Việt Nam, đã mừng sinh nhật 74 tuổi tại... Ukraine. Đồng nghiệp Patrick Chauvel, 72 tuổi, Nicolas Poincaré 60 tuổi... đều đến tận vùng chiến sự. Nhưng tuy Kiev chỉ cách Paris có 3 giờ bay, công việc của các phóng viên vô cùng gian nan.

Bên cạnh các nhà báo đã từng rong ruổi từ Chechenya, Libya đến Syria, đang nảy sinh "thế hệ Ukraine" - những phóng viên trẻ tuổi đôi khi ra đi ngay cả khi chưa được đặt bài, đối mặt với những xác xe tăng và xác người, tiếng đạn nổ vang trời. Những người trẻ đến từ khắp nơi trên thế giới hiểu rằng họ đang chứng kiến một thời điểm lịch sử. Công việc của họ không phải là vô ích : theo một thăm dò mới đây, 82% người được hỏi đánh giá tốt việc đưa tin. Hervé Brusini, một cựu tổng biên tập nhận thấy cuộc chiến này đã mang lại sự khả tín cho báo chí, giá trị của các phóng sự...

Nhà báo Maryse Burgot của đài truyền hình France 2 thổ lộ, đêm 24/02 khi chiến tranh bắt đầu, bà chẳng muốn dậy ngay vì vẫn chưa tin là cuộc chiến lại nổ ra. Dorothée Olliéric, từng quay cảnh ngày lễ tình nhân trong hộp đêm, chính những cô gái ăn mặt rất mốt hôm đó nay đã cầm súng, "tôi thấy đất trời đảo lộn". Margaux Benn của Le Figarocho biết tại Ukraine vẫn còn thấy cuộc sống diễn ra kiểu như trong thời bình. Đối với các phóng viên chiến trường, điều này rất đặc biệt. Tại Syria, các nhà báo sợ bị bắt cóc, còn tại Ukraine, họ ngạc nhiên khi được đón tiếp với hoa và cà phê. Nhưng sự thân thiện này không giúp dễ dàng đưa tin về cuộc chiến. Có nhiều lý do.

Nga bắn vô tội vạ vào khu dân cư, nhà báo thiếu áo giáp

Nếu tại Afghanistan nhiều tòa nhà trang bị "safe room", nơi trú ẩn an toàn có cửa chống đạn, thì ở Kiev khi bị oanh tạc, quản lý khách sạn chỉ có cách trải nệm ra sàn. Những người hướng dẫn địa phương rất hiếm. Vai trò của họ rất quan trọng : phiên dịch, xoay sở khi tình trạng trở nên phức tạp, giúp tìm nhân chứng, theo dõi mạng xã hội, và nhờ sự quen biết tại chỗ đôi khi còn cứu mạng đặc phái viên các báo. Nhưng nhiều người chuyên nghiệp đã di tản, đã tham gia chiến đấu hoặc còn phải lo bảo vệ gia đình họ. Thế nên một đạo diễn, giáo viên, chủ doanh nghiệp có thể bỗng chốc trở thành người hướng dẫn cho báo chí ngoại quốc, một hành động yêu nước, nhưng đôi khi không có mạng lưới tiếp xúc cần thiết.

Những phản xạ có được trong chiến tranh là rất quý giá. Jean-Baptiste Naudet của L'Obs cho biết khi một quả bom rơi xuống, anh không vội vã chạy đến mà chờ 24 giờ - hiện trường vẫn y như thế, và kể từ Chechenya, anh biết rằng Nga thích đánh bom lần thứ hai cùng một chỗ. Dorothée Olliéric mô tả cảnh hằng đêm trước khi đi ngủ : Ở chân giường là đôi giày đã nới sẵn dây, ngay cửa là áo giáp, nón sắt, áo khoác, túi xách. Tại khách sạn, cô để ý những nơi có thể ẩn nấp như nệm, ghế, nơi để thực phẩm và nước uống, máy phát điện. Hai phóng viên của hãng thông tấn AP đã đưa tin đầu tiên về sự hấp hối của Mariupol, nhất là vụ oanh tạc bệnh viện phụ sản, nhờ máy phát điện của bệnh viện.

Khi không kích thả cửa vào các khu dân cư, Nga đã gây bất ngờ cho các phóng viên không trang bị nón sắt và áo giáp. Họ phải quay về Ba Lan tìm mua, nhưng không dễ dàng. Hãng tin Pháp AFP phải huy động từ Kabul, Roma, Luân Đôn về, những chiếc áo giáp nặng 7 ký lô trở thành của quý so với loại 15 ký thông thường. Một nhà báo Les Echoskhi thấy nhiều đồng nghiệp không có trang bị bảo hộ, đã nhờ những người quen biết từng là đặc nhiệm đã chuyển nghề, giúp đưa sang Ba Lan nhiều thứ cần thiết.

Chi phí to lớn để thông tin kịp thời

Kể từ ngày 08/03, chính quyền Ukraine đã cấp một lượng giấy phép khổng lồ là 2.000 cho các phóng viên. Lực lượng vũ trang lo ngại lính đánh thuê Nga có thể giả dạng nhà báo, một loạt quy định được đưa ra để tránh địch quân định vị được vị trí. Telegram được dùng để thông tin cho báo chí, phát những cuộc họp báo dịch sang tiếng Anh, các thành phố như Kiev, Kharkov, Irpin cũng có kênh Telegram riêng. Về việc chống tin giả, từ 24/02 đến 12/05, bộ phận kiểm tra thông tin của AFP đã đăng 818 bài !

Truyền thông đã chi ra rất lớn để duy trì lực lượng đưa tin thường trực từ thực địa. Đài France Télévision điều sang 50 người, đài BFM, France 24, RFI có 15 phóng viên. Một người phụ trách ở AFP cho biết chi phí rất nặng : Hàng trăm đêm khách sạn, phương tiện truyền tải vệ tinh, vé máy bay, 1.000 euro mỗi ngày cho người hướng dẫn và tài xế... Một nhà báo viết trên Twitter "Hy vọng truyền thông thế giới sẽ không bắt đầu lơi lỏng. Khi chiến tranh kéo dài, đó là một nguy cơ".

Chiến tranh Ukraine bao giờ kết thúc ?

Cũng về Ukraine, The Economistđặt câu hỏi "Bao giờ và như thế nào chiến tranh ở Ukraine mới kết thúc ?". Phương Tây nói rằng việc này do người Ukraine quyết định. Tuy nhiên theo chuyên gia Ivan Krastev, sau ba tháng chiến tranh, các nước đang chia làm hai phe chính. Một bên là phe "Hòa bình", muốn ngưng chiến và bắt đầu đàm phán càng sớm càng tốt. Bên kia là phe "Công lý", đòi hỏi phải bắt Nga trả giá đắt cho việc xâm lăng.

Những tranh cãi trước hết về lãnh thổ : để yên những phần đất Nga vừa chiếm hay đẩy lùi về ranh giới trước 24/02, hoặc thu hồi cả Crimea ? Bên cạnh đó là lợi và hại khi cuộc chiến kéo dài, vị trí của Nga tại Châu Âu. Phe "Hòa bình" hoạt động tích cực : Đức kêu gọi ngưng bắn, Ý đề nghị một kế hoạch bốn giai đoạn, Pháp nói về một hòa ước không "làm nhục" Moskva. Đối mặt là phe "Công lý", chủ yếu gồm Ba Lan và các nước Baltic, được Anh nhiệt tình ủng hộ.

Còn Hoa Kỳ ? Nhà tài trợ lớn nhất cho Ukraine vẫn chưa đưa ra mục tiêu cụ thể. Bộ trưởng quốc phòng Lloyd Austin sau khi khẳng định phương Tây phải giúp Ukraine chiến thắng, làm Nga yếu đi, lại kêu gọi "ngưng bắn lập tức". Một cú đánh khác vào phe "Công lý" là New York Times, tờ báo khẳng định Nga khó thể thất bại. Henry Kissinger thì tuyên bố cần bắt đầu đàm phán trong hai tháng tới. Về phía tổng thống Ukraine bày tỏ mong muốn thế giới đoàn kết lại. Hiện nay theo The Economist, Ukraine khá có lý khi tỏ ra lạc quan : rõ ràng Nga không dễ dàng chiến thắng, và sắp tới vũ khí phương Tây sẽ là ưu thế. Tuy nhiên việc chấm dứt chiến tranh phần lớn tùy thuộc vào Moskva.

Ba kịch bản cho hồi kết

Chuyên gia Andrei Kortunov đưa ra ba kịch bản, và mỗi kịch bản đều mang lại hậu quả địa chính trị to lớn. Nếu Kremlin hoàn toàn bại trận trước Ukraine, một nước Nga không còn ồn ào sẽ giúp phương Tây dễ dàng đối phó với Trung Quốc hơn. Nếu cuộc chiến dẫn đến một thỏa thuận không hoàn hảo nhưng cả đôi bên chấp nhận được, sự cạnh tranh giữa hai mô hình tổ chức xã hội của Nga và Ukraine sẽ tiếp tục nhưng ít thô bạo, tiếp theo là một sự thỏa hiệp quan trọng hơn giữa phương Tây và Trung Quốc. Có được thỏa thuận với Vladimir Putin thì vẫn có thể thỏa thuận với Tập Cận Bình, dù sẽ mất nhiều thời gian, sức lực và nhân nhượng, dẫn đến những thay đổi lớn tại Liên Hiệp Quốc.

Còn nếu không thương lượng được, chiến tranh kéo dài thông qua những chu kỳ ngưng bắn tạm thời và những đợt leo thang, những định chế quốc tế sẽ sụp đổ trong bối cảnh chạy đua vũ trang, phổ biến vũ khí nguyên tử và vô số cuộc xung đột khu vực, tạo ra tình trạng hỗn loạn trong những năm tới. Dù có nhiều biến số, khó thể đánh giá chính xác, nhưng ông Kortunov kỳ vọng vào việc đạt được một thỏa ước chấm dứt chiến tranh. Có nghĩa là nhân loại không để cho những hy sinh của Ukraine trở thành vô nghĩa.

Trong một bài viết khác, The Economistcho rằng "Ukraine cần sự giúp đỡ, chứ không phải những lời khuyên rụt rè". Nữ thủ tướng Anh Margaret Thatcher được cho là đã cảnh báo tổng thống Mỹ George Bush cha rằng "Không có thời gian để do dự", khi suy tính cách đáp trả việc Saddam Hussein xâm lăng Kuwait. Nếu còn sống đến ngày nay, bà cũng sẽ nói câu tương tự. Vladimir Putin coi một nền dân chủ cởi mở với phương Tây ngay ngưỡng cửa giang sơn chuyên quyền của mình là một thách thức. Putin sẽ không để yên cho người dân Ukraine sống trong hòa bình, họ đành phải chiến đấu, và phương Tây nên giúp đỡ họ cho đến khi cuộc đấu tranh cho chính nghĩa hoàn tất.

Chiến tranh Ukraine và một Châu Âu đổi khác

Về tác động của cuộc chiến tranh Ukraine,L'Obsnói về "một Châu Âu mới". Cuộc xâm lăng của Putin đã làm rung chuyển toàn bộ châu lục, sâu sắc hơn hẳn những gì biểu hiện bên ngoài. Tác động này thấy rõ về quốc phòng, với quyết định đầu tư ồ ạt cho quân đội của Đức và Phần Lan, Thụy Điển xin gia nhập NATO. Biên giới giữa NATO và EU gần như xóa nhòa, vì sắp tới chỉ còn bốn nước EU không phải là thành viên Liên minh Bắc Đại Tây Dương (Áo, Cyprus, Ireland, Malta).

Một trận "động đất" nữa tại Châu Âu là sự thay đổi tương quan trong nội bộ. Cặp Pháp-Đức vốn là cột trụ chính, không còn giữ được vị trí. Đức bỗng nhiên cảm thấy "trần trụi" trước Vladimir Putin sau nhiều thập niên giao hảo của thời Gehard Schroider, và tự nguyện lệ thuộc vào khí đốt Nga dưới thời Angela Merkel. Còn Pháp bị yếu đi do muốn đóng vai trò một "thế lực quân bình" như Emmanuel Macron nói, và ảo tưởng có thể ngăn được bàn tay sắt của Putin.

Người thắng lớn là Mỹ, giữ vai thủ lãnh thế giới tự do, xóa được tiếng xấu trong vụ rút khỏi Kabul. Và các quốc gia phải đối mặt trực tiếp với mối đe dọa Nga : các nước thuộc Liên Xô cũ và Bắc Âu được khẳng định là lực lượng chính trị quan trọng. Một Châu Âu khác chín chắn hơn sẽ ra khỏi cuộc khủng hoảng này, một "Châu Âu quyền lực" như Pháp mong muốn, nhưng không phải Paris tự động đóng vai lãnh đạo, mà phải giành lại được.

Erdogan, con ngựa thành Troy của Putin

Cũng liên quan đến NATO, Le Pointtrong bài "Erdogan là con ngựa thành Troy của Putin" tố cáo tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ là con cờ của Nga.  Khi ngụy biện để ngăn trở Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, ông ta phá vỡ sự đoàn kết của phương Tây trước cuộc xâm lăng của Nga, và còn phá hoại uy tín của NATO trong lúc cần phải chứng tỏ là thành lũy bảo vệ Châu Âu.

Đây không phải là lần đầu. Năm 2017, Erdogan nhất định mua của Moskva hệ thống phòng không S-400, dù hiện đại nhưng không phù hợp với các thiết bị phương Tây. Năm 2020, ông ta khiêu khích qua việc khoan dầu trong vùng biển của Hy Lạp và Cyprus. Và năm nay, Thổ Nhĩ Kỳ là nước NATO duy nhất từ chối áp dụng trừng phạt kinh tế với Nga sau khi xâm lăng Ukraine. Không giống như Bắc Macedonia (2020), Montenegro (2017) hay Albania, Croatia (2009), việc hai nước trung lập Bắc Âu tham gia Liên minh mang lại lợi ích quân sự thấy rõ. Phần Lan có quân đội mạnh và Thụy Điển có kỹ nghệ vũ khí tối tân.

Liên minh Bắc Đại Tây Dương xưa nay quá khoan hòa với một Nhà nước tuy là thành viên nhưng không đáp ứng các điều kiện như dân chủ, không phân biệt đối xử với các cộng đồng thiểu số... Còn một năm nữa đến kỳ bầu cử được cho là bất lợi đối với Erdogan và đảng của ông, do lạm phát phi mã, kinh tế xuống dốc, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng thái độ thách thức phương Tây sẽ mang lại thế mạnh cho mình. Hoa Kỳ và đồng minh cần bác bỏ kiểu bắt bí của ông ta. Phương Tây đã đánh giá thấp tham vọng đế quốc của Putin, và rất đáng tiếc nếu lại sai lầm với Erdogan.

Đặt chính trị trên hết, Tập Cận Bình kéo Trung Quốc xuống dốc

Trang bìa các tuần báo chính kỳ này chủ yếu là những vấn đề trong nước : L’Obs nói về tân bộ trưởng giáo dục da đen đầu tiên, trong khi hồ sơ của L’Express nêu ra những nghịch lý của thủ lãnh cực tả Jean-Luc Mélenchon, Le Point quan tâm đến mối đe dọa khủng hoảng kinh tế. Riêng Courrier International dành hồ sơ cho giáo hội Tin Lành đang giành được nhiều quyền lực chính trị nhờ sự ủng hộ của các ứng viên bảo thủ, dân tộc chủ nghĩa tại Hoa Kỳ và Châu Mỹ la-tinh. Ảnh bìa The Economist có nền đỏ và hình vẽ ông Tập Cận Bình đang bước xuống những dãy cột trụ ngày càng thấp, với tựa đề "Sự chậm lại của Trung Quốc", giải thích ông Tập đã làm hại nền kinh tế Hoa lục như thế nào.

Lần đầu tiên kể từ 1990 (sau vụ thảm sát Thiên An Môn), Trung Quốc tăng trưởng chậm hơn Hoa Kỳ. Hai tháng phong tỏa khắc nghiệt theo chính sách zero Covid khiến sản xuất và sức mua đều giảm. Việc tấn công vào lãnh vực công nghệ vốn năng động (8% GDP) và địa ốc (20% GDP) khiến các nhà đầu tư tháo chạy, cổ phiếu Trung Quốc mất giá 40% so với Mỹ, một khoảng cách kỷ lục. Một số nhà kỹ trị không đồng ý với xu hướng quá ngả sang phía tả này, nhưng họ không đủ quyền hành và đủ can đảm để phản đối, Tập Cận Bình 68 tuổi không có đối thủ trong đại hội đảng. Đó là mối nguy hiểm khi quyền định đoạt tương lai đất nước nằm gọn trong tay một con người duy nhất.

Thụy My

Additional Info

  • Author Thụy My
Published in Quốc tế