Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

vendredi, 07 octobre 2022 00:16

Giải Nobel Hòa Bình 2022

Nobel Hòa Bình 2022 vinh danh xã hội dân sự Ukraine, Nga và Belarus

Thanh Hà, RFI, 07/10/2022

Ủy Ban Nobel Na Uy ngày 07/10/2022 thông báo giải Nobel Hòa Bình năm nay được trao cho tổ chức phi chính phủ Memorial của Nga, Trung Tâm Ukraine bảo vệ các quyền dân sự và cho nhà đối lập Belarus Ales Beliatski. Giải thưởng này nhằm đề cao tinh thần "chung sống trong hòa bình" trong bối cảnh chiến tranh Ukraine.

nobel1

Berit Reiss-Andersen, chủ tịch Ủy Ban Nobel xướng tên các khôi nguyên của giải Nobel Hòa Bình 2022 tại Viện Nobel ở Oslo, Na Uy, ngày 07/10/2022. AP - Heiko Junge

Trong thông cáo, chủ tịch Ủy Ban Nobel của Na Uy, bà Berit Reiss Andserson, cho biết, giải thưởng này nhằm vinh danh các tổ chức, cá nhân hoạt động hàng đầu "bảo vệ nhân quyền, dân chủ và một sự chung sống hòa bình giữa ba quốc gia lân cận là Belarus, Nga và Ukraine"

Tổ chức phi chính phủ Nga Memorial được lập ra vào năm 1989. Một trong những sáng lập viên là giải Nobel Hòa Bình năm 1975, Andrei Sakharov. Trong hơn 30 năm hoạt động cho đến khi bị giải thể vào cuối 2021, Memorial miệt mài điều tra về tội ác của Staline và của quân đội Nga trong hai cuộc chiến Chechnya trong những thập niên 1990 và những năm 2000. Tổ chức bảo vệ nhân quyền này không khoan nhượng khi tố cáo chính quyền của tổng thống Vladimir Putin đàn áp xã hội dân sự.

Vài tháng trước khi Moskva xâm chiếm Ukraine, tư pháp Nga đã phán quyết giải thể tổ chức này với lý do làm "tay sai cho nước ngoài".

Liên quan đến Ukraine, Ủy ban Nobel năm nay đã vinh danh tổ chức Center for Civil Liberties hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ các quyền tự do cho xã hội dân sự. Chủ tịch hiệp hội này, bà Olexandra Matviichuk, cho biết rất hân hạnh và vui sướng khi tổ chức này được xướng tên trên bảng vàng của Ủy ban Nobel vào thời điểm mà Ukraine đang bị nước Nga "xâm chiếm". Bà đồng thời kêu gọi thành lập tòa án quốc tế xét xử tội ác của Vladimir Putin vì tổng thống Nga, với sự đồng lõa của tổng thống Belarus, đã đẩy hàng trăm ngàn thường dân vào một cuộc chiến khốc liệt.

Sau cùng nhà đối lập Belarus, ông Ales Beliatski, 60 tuổi, là một nhà đấu tranh vì nhân quyền, một nhà bất đồng với chế độ của tổng thống Alexandre Loukachenko. Ông đang bị cầm tù. Ủy ban Nobel kêu gọi "trả tự do ngay tức khắc" cho ông.

Beliatski là khôi nguyên Nobel Hòa Bình thứ tư được vinh danh trong lúc đang bị giam cầm. Đó là nhà đối lập Miến Điện Aung San Suu Kyi (1991) và nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc Lưu Hiểu Ba (2010). Người thứ ba là nhà báo người Đức, có lập trường chống Quốc Xã, ông Carl von Ossietzky năm 1935 được trao tặng giải Nobel Hòa Bình trong lúc đang thi hành án tù. Ông là nhà đối lập đầu tiên được Ủy Ban Nobel Na Uy vinh danh. Hitler khi đó đã phẫn nộ đến nỗi, ông cấm tất cả các công dân Đức nhận bất kỳ một giải Nobel nào. Carl von Ossietzky chết trong tù năm 1938. 

Thanh Hà

**********************

Giải Nobel Hòa bình 2022 được trao cho một nhà hoạt động Belarus và hai tổ chức của Nga, Ukraine

RFA, 07/10/2022

Giải Nobel Hòa bình năm 2022 thuộc về nhà hoạt động nhân quyền Belarus đang bị tù Ales Bialiatski, nhóm đấu tranh cho quyền dân sự Memorial của Nga và tổ chức cổ xúy cho các giá trị nhân quyền Center for Civil Liberties (Trung tâm Tự do Công dân) của Ukraine.

nobel2

Các lãnh đạo tổ chức Center for Civil Liberties tại Kyiv, Ukraine vào ngày 7/10/2022. AP

Ủy ban Nobel Na Uy công bố quyết định vừa nêu vào ngày 7/10 và theo Chủ tịch Berit Reiss-Andersen của Ủy ban Nobel Na Uy, lý do trao giải Nobel Hòa bình năm nay nhằm vinh danh những quán quân nổi bật về nhân quyền, dân chủ và chung sống hòa bình tại ba quốc gia láng giềng của nhau là Belarus, Nga và Ukraine.

Bà Berit Reiss-Andersen nói với báo giới rằng : "Bằng những nỗ lực kiên định vì những giá trị nhân bản, chống chủ nghĩa quân phiệt và vì các nguyên tắc của luật pháp, các khôi nguyên giải Nobel Hòa bình năm nay làm sống lên và vinh danh viễn kiến về hòa bình, tình hữu nghị giữa các quốc gia của vị sáng lập giải Alfred Nobel. Đây là một viễn kiến hết sức cần thiết cho thế giới hiện nay".

Giải Nobel Hòa bình tiếp tục theo truyền thống vinh danh các nhóm, các tổ chức và giới hoạt động nỗ lực ngăn chặn xung đột, giảm bớt gian khó và bảo vệ nhân quyền.

Hai khôi nguyên Giải Nobel Hòa bình năm ngoái-phóng viên Dmitry Muratov người Nga và bà Maria Ressa người Philippines, từ khi nhận giải đến nay, tiếp tục đấu tranh cho sự sống còn cho cơ quan truyền thông của họ, thách thức mọi nỗ lực của nhà cầm quyền nhằm buộc họ im tiếng.

Cả hai được trao giải vì những cố gắng bảo vệ tự do ngôn luận- một điều kiện tiên quyết của dân chủ và nền hòa bình trường cửu.

Additional Info

  • Author Thanh Hà, RFI tiếng Việt, RFA tiếng Việt
Published in Quốc tế