Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hôm 06/10/2017, chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy, bà Berit Reiss-Andersen thông báo giải Nobel Hòa bình 2017 được trao tặng cho ICAN, Chiến dịch quốc tế hủy bỏ vũ khí hạt nhân, vì những nỗ lực của liên minh này trong việc chống các vũ khí hủy diệt hàng loạt, trong bối cảnh hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên và Iran đang gây căng thẳng quốc tế.

ican1

Beatrice Fihn, giám đốc điều hành của ICAN và Daniel Hogsta, điều phối viên, đón mừng giải Nobel Hòa bình 2017 tại Genève, Thụy Sĩ ngày 06/10/2017. Reuters

Theo lời bà Reiss-Andersen, trên thế giới hiện nay, nguy cơ vũ khí nguyên tử được sử dụng là rất cao, một số quốc gia đang hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân và một số nước khác thì đang tìm cách trang bị loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này, như trường hợp của Bắc Triều Tiên.

Nhân dịp loan báo giải Nobel Hòa bình, chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy kêu gọi các cường quốc hạt nhân tiến hành các cuộc "đàm phán nghiêm túc" để hướng tới việc loại trừ hoàn toàn vũ khí nguyên tử. Bà Reiss-Andersen cho biết là 5 trong số các cường quốc hạt nhân, tức là các nước Mỹ, Nga, Anh, Pháp và Trung Quốc, trên thực tế đã cam kết sẽ đạt đến mục tiêu đó khi các nước này gia nhập Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân 1970.

Giải Nobel Hòa bình 2017 sẽ được trao vào ngày 10/12 tới tại Oslo, thủ đô Na Uy. Năm ngoái, giải Nobel Hòa bình đã được trao cho tổng thống Colombia Juan Manuel Santos để tặng thưởng cho những nỗ lực của ông nhằm vãn hồi hòa bình tại nước này, qua việc ký hòa ước với lực lượng du kích FARC.

Chiến dịch quốc tế hủy bỏ vũ khí hạt nhân ICAN là một liên minh quy tụ hàng trăm tổ chức nhân đạo, bảo vệ môi trường, bảo vệ nhân quyền, đấu tranh cho hòa bình và phát triển, tại khoảng 100 quốc gia.

Từ 10 năm nay, ICAN vẫn liên tục báo động về nguy cơ của các vũ khí nguyên tử và vận động đòi hủy bỏ loại vũ khí này. Tháng 7 vừa qua, ICAN đã giành một thắng lợi quan trọng tại Liên Hiệp Quốc, với việc khoảng 50 quốc gia ký kết một hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân.

Hiệp ước này thật ra chỉ mới mang tính biểu tượng vì nó không có chữ ký của 9 cường quốc hạt nhân ( Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel và Bắc Triều Tiên ), tức là những quốc gia đang năm trong tay 15 ngàn vũ khí nguyên tử. Mặt khác, hiệp ước chỉ có hiệu lực một khi được 50 quốc gia phê chuẩn.

Quốc tế hoan nghênh

Trong một tuyên bố đưa ra hôm nay, Chiến dịch quốc tế hủy bỏ vũ khí hạt nhân xem giải Nobel Hòa bình này là "một vinh dự lớn". Họ cho rằng đã đến lúc thế giới cấm hoàn toàn vũ khí nguyên tử, do nguy cơ xung đột bằng vũ khí hạt nhân ngày càng lớn.

Về phản ứng của quốc tế, là một trong những người đầu tiên lên tiếng, phát ngôn viên của Liên Hiệp Quốc Alessandra Velluci tuyên bố tại Genève hôm nay rằng việc trao giải Nobel Hòa bình cho ICAN là một "dấu hiệu tốt" cho khả năng ký kết và phê chuẩn hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân. Còn lãnh đạo ngoại giao của Liên Hiệp Châu Âu Federica Mogherini thì hoan nghênh việc trao giải Nobel cho ICAN, vì Liên Hiệp Châu Âu cũng có cùng mục tiêu hướng tới một thế giới không còn vũ khí hạt nhân.

Về phần nước Nga, phát ngôn viên điện Kremlin hôm nay tuyên bố "tôn trọng" việc trao giải Nobel Hòa bình cho ICAN, tái khẳng định rằng Moskva vẫn theo đuổi chính sách không phổ biến hạt nhân.

Đúng vào ngày giải Nobel Hòa bình được trao cho một tổ chức chống vũ khí hạt nhân, báo chí Mỹ loan tin là tổng thống Donald Trump sẽ không chứng nhận là Iran đã tuân thủ hiệp định hạt nhân và như vậy là sẽ để cho Quốc Hội Hoa Kỳ quyết định ban hành trở lại hay không các biện pháp trừng phạt Teheran. Trên nguyên tắc, theo luật định, cứ 90 ngày, tức là đến trễ nhất là ngày 15/10 tới, tổng thống Trump phải chứng nhận là Iran có tôn trọng hiệp định hạt nhân đã ký với 6 cường quốc vào năm 2015 hay không.

Thanh Phương

Nguồn : RFI, 06/10/2017

Published in Quốc tế