Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Từ Noel chiến chinh đến một năm 2024 đầy thách thức

Một mùa Noel trên vùng Đất Thánh đang chiến tranh. Phố xá đìu hiu trong mùa du lịch, Bêlem vắng bóng khách hành hương từ khắp thế giới trong đêm Chúa Giáng Sinh… Nhìn về năm mới, Le Figaro ngày 26/12/2023 khẳng định năm 2024 là "thời khắc của sự thật" với những nguy cơ chưa từng thấy kể từ 9 thập niên qua.

noel1

Những tiệm bán đồ kỷ niệm còn mở cửa gần Vương cung Thánh đường Giáng Sinh ở Bêlem vắng khách trong đêm 23/12/2023. AP - Leo Correa

Noel không còn yên bình trên Đất Thánh

La Croix nói về "Một Noel trên vùng Đất Thánh đang chiến tranh", với ảnh minh họa là vị Hồng y đang trên đường đến Vương cung thánh đường Giáng Sinh, được lực lượng cảnh sát và quân nhân hùng hậu bảo vệ.

Giữa những mảnh tôn cong queo, đống gạch vụn và kẽm gai, Thánh Giuse bên cạnh Đức Mẹ Maria đang bồng Chúa Giêsu hài đồng trong tay : đó là hang đá do Tariq Salsa, nghệ sĩ người Palestine dựng lên trước giáo đường. Một giáo sĩ Luther người Palestine nói : "Nếu Chúa Giêsu sinh ra hôm nay, sẽ là giữa những tàn tích của Gaza, bên cạnh những người bị đàn áp". Những hoạt cảnh thường được trình diễn trong lễ Noel bị hủy ở Bêlem để tỏ tình tương trợ với các nạn nhân chiến tranh, một loạt băng-rôn với những khẩu hiệu ủng hộ Gaza.

Tony Bero, người phụ trách làng trẻ em SOS ở Gaza, tỏ ý tiếc : "Họ biến lễ Giáng sinh thành một sự kiện chính trị". Bạo lực và thù oán chưa từng thấy giữa xã hội người Do Thái và Palestine tỏ ra đầy nghịch lý tại vùng đất thánh của ba tôn giáo hướng đến hòa bình. Từ sau ngày 07/10, người Do Thái giáo, Công giáo và Hồi giáo bỗng bị cuốn vào một cuộc xung đột.

Cô sinh viên Do Thái Adi Marer lần này không dự thánh lễ nửa đêm ở Bêlem mà tại Jerusalem, nhận xét : "Chính vì đây là vùng đất thánh nên trở thành bạo lực, vì ai cũng muốn là của mình. Không phải là chiến tranh tôn giáo, mà người ta dùng tín ngưỡng để biện minh cho việc kiểm soát lãnh thổ". Izzeldin Bukhari, đầu bếp thuộc một trong những gia đình Hồi giáo lâu đời nhất ở Jerusalem, nói anh không tin Thượng Đế lại đòi phải thiêu sống người khác. Còn Daoud Nassar, người nông dân Palestine theo Công giáo ở Bêlem, "từ chối coi người khác là kẻ thù".

Israel trắng tay trong mùa du lịch

Phóng sự của Libération mô tả "Du lịch nơi Đất Thánh gặp khó". Từ sau vụ khủng bố của Hamas và khởi đầu chiến dịch Gaza, du khách không còn đến vùng này. Tuy trong thời chiến, nhiều khách sạn ở Tel-Aviv và Jerusalem vẫn kín phòng. Nhưng khách lưu trú không phải là những người khách du lịch đến từ khắp thế giới, mà là những gia đình chạy loạn từ các kibbutz miền nam Israel sau vụ thảm sát ngày 07/10, hoặc cư dân miền bắc phải tản cư để tránh rốc-kết của phe Hezbollah từ Lebanon bắn sang.

Tổng cộng 200.000 người đang tạm ngụ, chính phủ thanh toán tiền phòng cho các cơ sở lưu trú theo giá thỏa thuận, tốn kém khoảng 250 triệu euro một tháng. Các khách sạn rất hợp tác, có nơi còn cung cấp quần áo cho người chạy loạn, vì họ đầy mùi chết chóc. Ông Peleg Lewi, cố vấn bộ trưởng Du lịch, cho biết ngay sau ngày 07/10, từ 150.000 khách lưu trú chỉ còn chưa đầy 10.000 người. Du lịch, lãnh vực chiếm 3% GDP của Israel, thu dụng 300.000 nhân công nay bị mất 90% thu nhập.

Ngoài ba công ty hàng không địa phương là El Al, Arkia và Israir, hầu như toàn bộ công ty Âu Mỹ đều ngưng bay đến Israel : các chuyến bay bị từ chối bảo hiễm hoặc tăng phí, phi hành đoàn không muốn lưu lại. Nhà ga số 3 của phi trường Ben-Gourion chuyên đón khách quốc tế giờ đây vắng lặng. Chỉ còn hai hãng của Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất vẫn duy trì đường bay vì lý do chính trị, liên quan đến thỏa thuận Abraham.

Bêlem vắng bóng khách hành hương đêm Giáng Sinh

Trên lãnh thổ Palestine cũng vậy, mà Bêlem là minh chứng. Thường thì vào tháng 12, cả 78 khách sạn của thành phố 36.000 dân - nơi vua David rồi Chúa Giêsu sinh ra - đều không còn một phòng trống. Khoảng 12.000 du khách hầu hết là người hành hương đến từ cả năm Châu lục để dự thánh lễ ở Vương cung thánh đường Giáng Sinh, và thăm những di tích Thiên Chúa giáo nổi tiếng.

Nhưng sau vụ khủng bố, suốt cả tháng 11 chỉ có vỏn vẹn 118 đêm lưu trú ! Chủ một khách sạn cho biết ngay sau ngày 07/10, toàn bộ phòng đặt trước đều bị hủy, 70 nhân viên bị sa thải, thiệt hại 20.000 đô la một ngày. Trên những con đường nhỏ hẹp của Bêlem, hầu hết các tiệm bán đồ kỷ niệm đã đóng cửa.

Mùa đông này coi như trắng tay, nhưng Jerusalem và Bêlem hy vọng vào hòa bình để khách phương xa quay lại. Đối với mùa du lịch hè, thường từ tháng Ba người ta mới quyết định sẽ đi đâu. Bộ Du lịch Israel chuẩn bị một kế hoạch ba giai đoạn : nhấn mạnh đến tình tương trợ nơi cộng đồng tôn giáo, rồi đến lợi ích văn hóa, và những người đã từng đến thăm. Samir Hazboun, chủ tịch Phòng Thương mại Bêlem, cũng dự định vận động các giáo hội khuyến khích khách hành hương quay lại. Liệu họ có thể được hưởng ứng hay không ? Ông mỉm cười : "Ở vùng này, nếu bạn không lạc quan thì không thể sống nổi".

Gaza : Hậu phương Israel vẫn vững vàng trước những hy sinh  

Trong khi đó, quân đội Israel dấn sâu vào "vũng lầy Gaza". Les Echos nhận thấy với 13 quân nhân tử trận, Israel cuối tuần qua chịu thiệt hại nặng nề nhất kể từ khi khởi đầu cuộc chiến. Tuy vậy, hậu phương vẫn vững vàng : không có phong trào nào chống đối chiến tranh với Hamas.

Tổng cộng đến nay đã có 156 người lính Israel ngã xuống kể từ sau vụ khủng bố, nhưng có đến trên 7.000 tay súng thuộc lữ đoàn Izz ad-Din al-Qassam, nhánh quân sự của Hamas, đã bị tiêu diệt. Hôm qua, thủ tướng Benjamin Netanyahou loan báo đã đến Gaza và hứa hẹn gia tăng cường độ các trận đánh, khẳng định đây là một cuộc chiến lâu dài. Tuy quân Hồi giáo bị diệt trừ hàng loạt nhưng vẫn tiếp tục chiến đấu.

Vào ngày Noel, từ sáng sớm quân đội Israel oanh tạc ồ ạt Dải Gaza cả trên không, trên biển và trên bộ. Tại Israel, các đài truyền hình và truyền thanh hầu như mỗi ngày đều bắt đầu chương trình thời sự bằng tên những người lính hy sinh trong ngày, những hình ảnh tang lễ với gia đình thương khóc. Tuy nhiên, xã hội vẫn không hoang mang, ít nhất là trong lúc này. Chỉ có 2.000 quân nhân dự bị không đến trình diện trên tổng số trên 360.000 người. Vụ thảm sát man rợ làm 1.200 người chết và số phận 130 con tin trong tay quân Hồi giáo khiến người Israel càng thêm quyết tâm.

Trên chiến trường, các quân nhân gặp nhiều khó khăn : một không gian thu hẹp, những con ngõ nhỏ với các ngóc ngách ẩn giấu chất nổ kích hoạt từ xa, những nhóm nhỏ khủng bố bất ngờ xuất hiện từ dưới lòng đất bắn rốc-kết rồi lại chui ngay xuống địa đạo. Chưa kể tất cả những căn nhà đều có thể chứa những tay bắn tỉa đang ẩn núp khiến họ thường xuyên bị căng thẳng, đôi khi bắn nhầm vào phe mình thay vì địch.

2023 : Chiến tranh xảy ra khắp nơi

Nhìn toàn cảnh thế giới, Le Figaro khẳng định "2024, thời khắc của sự thật". Trước các thách thức địa chính trị, năm 2024 mở ra với những nguy cơ chưa từng thấy kể từ thập niên 30. Sau một năm 2022 đã làm thay đổi thế giới, khởi đầu cuộc xung đột quy mô giữa các đế quốc độc tài và các nền dân chủ từ sự kiện Nga xâm lăng Ukraine, năm 2023 thế giới trở nên hoang dã và nguy cơ chia rẽ gia tăng.

Hòa bình bây giờ là bất khả, chiến tranh diễn ra khắp nơi. Có thể kể : cuộc chiến cường độ cao ở Ukraine, thanh lọc chủng tộc tại Thượng Karabakh do Azerbaijan với sự tiếp tay của Thổ Nhĩ Kỳ, thảm sát ngày 07/10 của Hamas dẫn đến chiến tranh Gaza. Trung Quốc liên tục tập trận đe dọa Đài Loan, bạo động tăng lên ở Miến Điện, Sudan, Venezuela xã hội chủ nghĩa suy sụp tìm cách xâm chiếm Guyana, Bắc Triều Tiên liên tiếp phóng hỏa tiễn liên lục địa có thể tấn công lãnh thổ Mỹ.

Toàn cầu hóa nay tạo thành các khối ý thức hệ khác nhau, hậu quả là tăng trưởng và thương mại quốc tế sụt giảm. Song song đó, trí thông minh nhân tạo (AI) có bước đột phá ngoạn mục, COP28 mở đường cho việc thoát dần khỏi năng lượng hóa thạch đồng thời cạnh tranh về nguyên vật liệu và công nghệ chuyển đổi sinh thái. Các sự kiện trên đẩy nhanh việc phi phương Tây hóa và sự tự chủ của "các nước phương Nam".

2024 : Năm nhiều rủi ro nhất kể từ thập niên 30

Năm 2024, là một năm nhiều rủi ro nhất kể từ 9 thập niên qua. Ukraine tiếp tục đối mặt với 420.000 quân Nga chiếm đóng, nếu thất bại sẽ khuyến khích Putin tiếp tục xâm lăng các nước Châu Âu khác. Chiến tranh Gaza tiếp diễn khiến Israel bị cô lập thêm về ngoại giao, gia tăng thù hận phương Tây. Cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan sẽ khiến Bắc Kinh thêm hung hăng.

Bạo lực sẽ còn lan rộng trên khắp các lục địa dẫn đến kinh tế sa sút, lãi suất cao kéo dài, nợ công và tư gia tăng, khủng hoảng quốc tế về địa ốc, sản xuất giảm sút. Trong môi trường thù địch và tự do chính trị đi xuống, các nền dân chủ còn phải tổ chức những cuộc bầu cử mang tính quyết định và nhiều rủi ro. Ở Hoa Kỳ, Donald Trump nếu tái đắc cử sẽ tai hại cho thương mại quốc tế và NATO. Tại Liên Hiệp Châu Âu, phe cực hữu đang mạnh lên. Đài Loan có thể bị Trung Quốc xâm lược, Nhà nước pháp quyền ở Nam Phi, Ấn Độ, Mexico bị đe dọa.

Các nước dân chủ đang ở vào thời điểm phải chọn lựa, trước những thách thức khổng lồ. Đó là ngăn chận Trung Quốc bành trướng quân sự ở Thái Bình Dương và Nga ở Ukraine, đồng thời tìm một giải pháp chấm dứt chiến tranh ở Ukraine và Gaza ; siết chặt quan hệ với "các nước phương Nam" ; chấm dứt kinh tế bong bóng và nợ nần, giúp giai cấp trung lưu ổn định ; bảo vệ tự do, chống thánh chiến, cuồng tín…

Tuy vậy, vẫn có nhiều hy vọng. Từ 2022, các chế độ độc tài đã chứng tỏ không phải là bất bại, như Trung Quốc thất bại với "zéro Covid" và bị khủng hoảng dân số, kinh tế, tài chánh, địa ốc. Ukraine đã chống chọi được trước Nga, các giáo sĩ Iran phải đối phó với cuộc nổi dậy của dân chúng. Các nước dân chủ có đầy đủ nguồn lực để vượt qua khủng hoảng và đánh bại những kẻ thù ; chỉ thiếu điều chính yếu là sức mạnh lãnh đạo, đường hướng chiến lược và sự vào cuộc của công dân. Từ Hoa Kỳ cho đến Châu Âu và nước Pháp, nơi diễn ra Thế vận hội, 2024 là một năm mang tính quyết định. Đoàn kết chống tham vọng bành trướng của những kẻ độc tài, chính là lúc này !

Thụy My

Additional Info

  • Author Thụy My
Published in Quốc tế