Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Từ Normandie 1944 đến Ukraine 2024

Les Echos ngày 03/06/2024 so sánh "Normandie 1944, Ukraine 2024". Từ cuộc chiến thực sự ở Ukraine cho đến nguy cơ chiến tranh trên Biển Đông, phải chăng quá khứ đang trở thành thực tế của hiện tại ?

normandy1

Vận động viên rước đuốc Nicolas-Marie Daru cầm ngọn đuốc Olympic tại nghĩa trang ở Colleville-sur-Mer dành cho lính Mỹ hy sinh trong cuộc đổ bộ vào bãi biển Normandie trong đệ nhị thế chiến, tại Omaha Beach (Pháp) ngày 30/05/2024. Reuters - Benoit Tessier

Một thế hệ hy sinh vì tự do

Tác giả nêu ra những cái mốc 1984, 1994, 2004, 2014, 2024. Năm 1984 tức cách đây 40 năm, thời của Reagan và Mitterrand, thế giới đang trong chiến tranh lạnh, ngày 06/06 nhắc nhở đến cuộc chiến chính đáng vì tự do và mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Tổng thống Pháp nói : "Những người ôn hòa ở bên Tây, hỏa tiễn ở bên Đông". 

Đến năm 1994 bức tường Berlin sụp đổ, tự do lên ngôi dù chiến tranh quay lại vùng Balkan. Năm 2004, lần đầu tiên một thủ tướng Đức, ông Gerhard Schröder hiện diện trong lễ kỷ niệm Đồng minh đổ bộ. Năm 2014, Nga chiếm Crimea - một sự kiện lẽ ra phải được coi là lời cảnh báo quan trọng. Và 2024, chiến tranh thực sự đe dọa Châu Âu và Trung Đông trước khi có thể lan sang Châu Á, khiến NATO thức tỉnh.

Những ngôi mộ ở nghĩa trang Colleville-sur-Mer (Normandie) gợi ra hình ảnh những nghĩa trang Ukraine. Một lần nữa tại Châu Âu, người ta phải chết đi để bảo vệ tự do. Cuộc chiến đã kết thúc năm 1945 nhờ chiến thắng của Đồng minh ở mặt trận miền Tây và Liên Xô ở mặt trận miền Đông, phải chăng đã quay lại, nhưng giữa những người chiến thắng khi xưa ? Cứ như là sự hy sinh của một thế hệ những người hùng và nạn nhân không đủ dập tắt những làn gió độc từ chủ nghĩa dân tộc và dân túy.

Nước Mỹ đang quên đi ý nghĩa của trang lịch sử vinh quang nhất ?

Vào cuối Đệ nhị Thế chiến, Liên Xô và Trung Quốc ở phía Đồng minh chiến thắng, dù chiến tranh lạnh đã bắt đầu cảm nhận được và Trung Quốc của Tôn Dật Tiên sắp phải nhường chỗ cho Mao Trạch Đông. Ngày nay, nếu Moskva và Bắc Kinh nhắc lại cuộc chiến đấu chống lại Đức quốc xã và quân phiệt Nhật, không phải trong tinh thần đoàn kết chống chiến tranh, mà nhằm khiêu khích phương Tây bị cho là đang suy tàn.

Lần đầu tiên khách mời danh dự trong lễ kỷ niệm "Ngày dài nhất" là Ukraine. Từ ngày 24/02/2022, quân đội Ukraine chiến đấu không chỉ nhằm vệ quốc mà còn chống lại một kẻ thù dưới quyền Putin tượng trưng cho thế lực đen tối đã bị đánh bại cách đây 80 năm. Hồi 1944, Mỹ là nhân tố chính cho chiến thắng của tự do dân chủ, còn nay là trung tâm của vấn đề. Những cựu chiến binh Mỹ vẫn còn sống đến Normandie dự lễ chỉ còn vài chục, hồi 2014 vẫn còn vài trăm. Họ được tôn trọng như những thần tượng.

Đến 2034 kỷ niệm 90 năm Đồng minh đổ bộ, có thể chẳng cựu chiến binh nào còn sống. Và mười năm nữa, nước Mỹ sẽ ra sao nếu nhường bước cho dân túy và bị thu hút với một nhân vật bị tư pháp kết án ? Năm 2024 là "lần cuối cùng" lễ kỷ niệm có sự hiện diện của các chứng nhân. "Lần cuối cùng" còn vì cảm giác nước Mỹ đang xa dần Châu Âu. Và tệ hại hơn nữa, một nước Mỹ đang quên đi sự gắn bó với dân chủ, mất đi ý nghĩa về một trong những trang vinh quang nhất trong lịch sử của mình ?

80 năm sau Đệ nhị Thế chiến, lại phải tái vũ trang

Về phía Liên Hiệp Châu Âu (EU), Libération nhận thấy sau nhiều thập niên không còn mối đe dọa chiến tranh, nay các nước phải lo tái vũ trang khẩn cấp, nhưng vẫn chưa vượt qua được những bất đồng xưa nay.

Thời kỳ thụ hưởng hòa bình cách đây chưa đầy 30 năm, vẫn chưa xa lắm. Bức tường Berlin vừa sụp đổ, "chiến tranh giữa các vì sao" của Ronald Reagan đã làm cạn kiệt năng lực công nghiệp Liên Xô, khả năng chiến xa Nga tiến vào Tây Âu chừng như vĩnh viễn lùi xa. Kỹ nghệ quốc phòng Châu Âu thu hẹp lại, các công ty lớn nuốt chửng những đơn vị nhỏ. Trong khi Châu Âu mất cảnh giác, tập trung vào việc bán vũ khí ra bên ngoài để bù đắp ngân sách quân sự bị cắt giảm, Nga tạo dựng lại kho vũ khí. Đoàn xe tăng khổng lồ xâm lăng Ukraine khiến kỹ nghệ quốc phòng không đáp ứng kịp những đơn đặt hàng của các chính phủ.

Dù mối đe dọa đang sờ sờ trước mắt, Châu Âu vẫn chia rẽ trước nhiều vấn đề. Từ việc gởi quân sang Ukraine, lập lá chắn chống tên lửa cho đến chia sẻ vũ khí nguyên tử của Pháp. Một sự trùng hợp của lịch sử là tình trạng này diễn ra trong bối cảnh sắp kỷ niệm trọng thể 80 năm Đồng minh đổ bộ xuống Normandie giải phóng Châu Âu khỏi Đức quốc xã.

Macron : "Châu Âu có thể diệt vong"

Tám mươi năm sau ngày lịch sử 06/06/1944, và 33 năm sau khi đế quốc Liên Xô sụp đổ ngày 26/12/1991, một lần nữa châu lục lại đứng trước mối đe dọa tồn vong từ nước Nga của Vladimir Putin. Châu Âu bỗng nhận ra rằng đã trở thành một Thụy Sĩ lớn an bình chỉ lo thương mại, vì tin rằng chiến tranh đã vĩnh viễn dừng lại ở phía sau.

Tổng thống Emmanuel Macron trong bài diễn văn hôm 25/04 tại Sorbonne đã cảnh báo "Châu Âu của chúng ta có thể diệt vong, và điều này chỉ tùy thuộc vào lựa chọn của mình, nhưng phải chọn ngay từ bây giờ". EU bắt đầu tăng tốc sau 35 năm đơn phương giải trừ quân bị, nhưng theo tổng thống Pháp thì vẫn "quá chậm, không đủ tham vọng".  Libération nhắc lại, cho đến đầu thập niên 90, Tây Âu vẫn trang bị tận răng và có sự hiện diện đông đảo của quân đội Mỹ (300 ngàn đến 400 ngàn), vì vũ khí vừa im tiếng hôm 08/05/1945 lại đến chiến tranh lạnh giữa Liên Xô và phương Tây.

NATO được thành lập ngày 05/04/1949, và việc Đức nhanh chóng tái vũ trang trở thành vấn đề chính trị và ngoại giao chủ yếu thời hậu chiến. Bởi vì không có quân Đức, không thể ngăn được những sư đoàn "Hồng quân" trước khi lực lượng Mỹ đến. Chỉ đến khi mối đe dọa cộng sản kết thúc, Châu Âu mới mạnh tay cắt giảm ngân sách quân sự dùng vào việc khác, từ 2,84 % còn 1,43 % GDP. Một ví dụ : Nếu Đức dành 2% GDP cho quốc phòng (mức tối thiểu của NATO) từ năm 2000, sẽ phải tốn thêm 300 tỉ euro.

EU đã ra khỏi nỗi sợ xung đột

Như vậy từ 35 năm qua Châu Âu đã giao phó an ninh cho Hoa Kỳ. Chỉ có Pháp vẫn cố gắng tự xoay sở, với sức mạnh nguyên tử, quân đội có những lực lượng chuyên nghiệp can thiệp bên ngoài. Luôn đề cao tự chủ quốc phòng, đến giữa thập niên 90 Paris mới nhìn nhận chỉ có chính sách quốc phòng chung Châu Âu mới đạt được tham vọng chiến lược. Nhưng sự rút lui khỏi NATO năm 1966 khiến Pháp bị nghi ngờ, dù đến 2009 tổng thống Nicolas Sarkozy đã quyết định gia nhập trở lại.

Đến khi Putin xua quân sang Ukraine ngày 24/02/2022, EU phản ứng nhanh chóng hơn NATO - vì Mỹ còn thận trọng. Chỉ ba ngày sau, EU kích hoạt chương trình Vì hòa bình (FEP) chi viện 12,2 tỉ euro thiết bị quân sự cho Kiev trong năm 2022 và 2023. Ủy ban Châu Âu phối hợp tổ chức sản xuất đạn pháo 155 ly, sản lượng tăng gấp đôi và sẽ gấp bốn năm 2025. Đồng thời ngân sách quân sự từ 200 tỉ euro một năm tăng lên 350 tỉ tức gần gấp đôi, tương đương phân nửa ngân sách quân sự Mỹ. Hoa Kỳ hưởng lợi vì 63% dùng để mua vũ khí Mỹ.

Và cuối cùng về tâm lý, EU đã ra khỏi nỗi sợ chiến tranh. Sau khi Châu Âu định ra những lằn ranh đỏ (không xe tăng, phi cơ, hỏa tiễn tầm xa, không tấn công vào lãnh thổ Nga...), ngày 16/02 tổng thống Pháp còn đề ra khả năng gởi quân sang Ukraine. Trong hai năm, Châu Âu đã thực hiện một cuộc cách mạng Copernic (mang ý nghĩa triệt để) "nhờ" vào Vladimir Putin. Nhưng thời gian không còn nhiều : Ukraine có thể sụp đổ bất kỳ lúc nào, và nhất là Donald Trump có thể quay lại. Cũng về Ukraine, các báo có các bài phóng sự về làng biên giới đang chịu áp lực nặng nề của quân Nga. Chẳng hạn Myropillya ở phía bắc Sumy - nơi 10.000 lính Nga đang tập trung.

Ngô Nhĩ Khai Hy : Phương Tây nên cứng rắn với Tập Cận Bình

Nợ công khiến Pháp bị Standard&Poor's đánh sụt điểm tín nhiệm, bầu cử ở Mexico và Nam Phi, Châu Âu lo tái vũ trang, Biden tìm một lối thoát cho Gaza, Donald Trump tuy bị bồi thẩm đoàn kết án nhưng vẫn có thể tiếp tục chạy đua vào Nhà Trắng là những chủ đề được báo chí đề cập nhiều hôm nay.

Nhìn sang Châu Á, Les Echos có bài phỏng vấn mang tựa đề "Trung Quốc : Lời thú tội của một ‘Kẻ thù nhân dân’". Ngô Nhĩ Khai Hy (Wu'er Kaixi), lãnh tụ sinh viên tranh đấu ở Thiên An Môn đang sống ở Đài Loan nhận định "Chế độ Tập Cận Bình dễ tổn thương hơn người ta tưởng". Người cựu sinh viên đã đi vào lịch sử với hình ảnh được truyền hình trực tiếp trong bộ pyjama sọc, mũi gắn ống thở, kiệt sức vì tuyệt thực, hét lên với thủ tướng Lý Bằng "Đối thoại với ông chỉ vô ích" rồi ngất xỉu. Tối hôm đó, Lý Bằng tuyên bố thiết quân luật !

Cựu thủ lãnh Thiên An Môn cho rằng qua chiến tranh Ukraine, chế độ Bắc Kinh thấy rõ phương Tây không ngại so găng. Đảng cộng sản Trung Quốc có thể bị sụp đổ nếu phương Tây cứng rắn hơn vào thời đó, như đã xử sự với Liên Xô về sau. Nếu Hoa Kỳ và Châu Âu làm áp lực với Trung Quốc, Đặng Tiểu Bình không có cách nào khác là đi theo khuynh hướng dân chủ hóa của thế giới. Thay vào đó, ông Bush lại tin vào lời hứa cải cách và đặt hy vọng vào thị trường Hoa lục. Đàn áp sinh viên biểu tình, họ Đặng tuyên bố : "200 cái chết sẽ mang lại 20 năm ổn định". Sở dĩ chế độ mạnh tay vì sợ rằng sinh viên sẽ thành công, lúc đó biểu tình diễn ra tại 300 thành phố trên toàn quốc.

Theo ông Ngô Nhĩ Khai Hy, người mà 35 năm sau vẫn bị Bắc Kinh coi là "kẻ thù của chế độ", đối với các nhà lãnh đạo cộng sản cần phải gây áp lực. Các chính phủ phương Tây nên thẳng thừng thay vì trải thảm đỏ cho Tập Cận Bình, và sẽ thấy những vết nứt xuất hiện trên bức tường thép của chế độ.

Thụy My

Published in Quốc tế