Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Covid-19 : Omicron và những "kịch bản đen tối" về tăng trưởng kinh tế

 

Trong lĩnh vực kinh tế, Le Figaro cho biết, đối mặt với làn sóng dịch mới và biến thể virus corona mới, các kinh tế gia đã phải xem xét lại các dự báo về tăng trưởng, khi nhiều nước thắt chặt trở lại các biện pháp phòng dịch, lần lượt đóng biên giới, nhiều sự kiện lần lượt bị hủy ...

tangtruong1

Từng được xem là xuất hiện lần đầu ở Nam Phi, biến thể mới, được gọi là Omicron, cuối tháng 11/2021 đã lan sang cả Châu Âu, Châu Á và Bắc Mỹ.  © Reuters - Pool

Bầu không khí hiện nay gợi nhắc lại tình hình hồi tháng 03/2020 khi dịch Covid-19 bùng phát dữ dội ở Châu Âu, sự bất định trở lại bởi cho dù đã có vac-xin nhưng các nhà khoa học lo ngại là hiệu quả của các loại vac-xin hiện có sẽ giảm đối với biến thể Omicron.

Trên thị trường chứng khoán, giá nhiều cổ phiếu giảm. Các chỉ số chứng khoán Châu Âu phiên cuối cùng của tháng 11 đã giảm 3%. Giá trị cổ phiếu trong các ngành du lịch và giải trí thậm chí sụt giảm hơn 20%.

Ngân hàng đầu tư hàng đầu thế giới Goldman Sachs nêu lên 4 kịch bản : hoạt động giảm, sự sụt giảm thậm chí ở mức nghiêm trọng hơn, "báo động giả" về Omicron (tức là quá quan trọng hóa mức độ nguy hiểm của Omicron so với biến thể Delta) và kịch bản cuối cùng là virus sẽ trở nên dễ lây lan hơn nhưng ít nghiêm trọng hơn nhiều. Theo kịch bản đầu tiên, tăng trưởng toàn cầu năm 2022 sẽ giảm 0,4 điểm.

Tệ hơn nữa, đối với Oxford Economics, "nếu Omicron trở thành biến thể nổi trội nhất, gây ra các tác động nghiêm trọng hơn và làm giảm hiệu quả của vac-xin", thì tăng trưởng toàn cầu có thể chỉ đạt 2,3% vào năm 2022, bằng một nửa mức dự báo hiện nay. Các nhà kinh tế bi quan nhất thậm chí còn nhận định hoạt động kinh tế ở quý cuối năm 2021 và quý đầu năm 2022 sẽ xuống mức thấp nhất.

Khó khăn nhân đôi

Cho dù chuyên gia Sven Jari Stehn của ngân hàng Goldman Sachs trấn an là những viễn cảnh đen tối nói trên hoàn toàn là về mặt lý thuyết và các kinh tế gia có đủ lý do để tin rằng cú sốc kinh tế có thể được kiểm soát tốt hơn nhiều so với đợt dịch hồi mùa đông năm 2020. Thế nhưng, vẫn còn đó nguy cơ nền kinh tế chịu đòn "trừng phạt kép". Sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ của năm 2021 đã dẫn đến lạm phát trượt dốc không thể kiểm soát, nhiều đến mức các ngân hàng trung ương đều ít nhiều phải thắt chặt chính sách tiền tệ. Các biện pháp mới về hạn chế di chuyển có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề thiếu hụt, khan hiếm và tắc nghẽn trong sản xuất và thương mại quốc tế. Giá cả sẽ tăng và tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại.

Bình đẳng vac-xin, tiêm chủng : Yếu tố then chốt chống Omicron

Ngày 30/11/2021, Cơ quan cấp cao về y tế của Pháp khuyến nghị tiêm chủng Covid-19 cho những trẻ có nhiều nguy cơ nhiễm virus corona trước khi tính đến việc mở rộng tiêm chủng cho toàn bộ trẻ trong độ tuổi 5/11 tuổi. Le Monde chạy tựa trang nhất :"Lựa chọn khó khăn trong việc tiêm chủng cho trẻ 5/11 tuổi" và dành nhiều bài viết để phân tích các quan điểm trái ngược nhau về tiêm phòng Covid-19 cho trẻ em. Le Figaro cũng có cùng mối quan tâm với Le Monde và dành một bài viết trong chuyên mục Khoa học để nói về quyết định của Cơ quan cấp cao Pháp về tiêm chủng cho trẻ 5/11 tuổi.

Nhìn rộng ra chiến dịch tiêm ngừa trên toàn thế giới, trong bài xã luận có tiêu đề " ​​Chng bt bình đẳng vac-xin trên thế gii", Le Monde nhấn mạnh là một lần nữa, nhiều nước phải đóng biên giới do áp lực của Covid-19. Được xem là xuất hiện lần đầu ở Nam Phi, biến thể mới, được gọi là Omicron, đã lan sang cả Châu Âu, Châu Á và Bắc Mỹ. Nhiều quốc gia đã đình chỉ các tuyến hàng không với miền nam Châu Phi.

Nếu sự lây lan của biến thể mới một lần nữa cho thấy virus không màng tới biên giới, thì sự xuất hiện của Omicron đã gợi lại một điều, dù là hiển nhiên nhưng lại bị quên lãng, cho dù điều này rất quan trọng : Cuộc chiến chống Covid-19 và các biến chủng không thể chỉ ở khuôn khổ một quốc gia duy nhất. Mối đe dọa toàn cầu đòi hỏi phải có một phản ứng ở tầm mức tương xứng, để tránh sự bất trắc, sự vô tổ chức và mối lo ngại trên quy mô toàn cầu.

Một số rào cản cho mục tiêu tiêm chủng toàn cầu

Với hiểu biết hiện nay của cộng đồng khoa học, vẫn còn quá sớm để biết liệu một chiến dịch tiêm chủng hiệu quả ở miền nam Châu Phi có thể ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron hay không. Ngược lại, dường như sự công bằng trong phân phối và quản lý vac-xin là điều cốt yếu để bảo đảm hiệu quả trên quy mô toàn cầu.

Dưới áp lực của dư luận, các quốc gia phát triển nhất thường tích trữ vac-xin, điều này có thể dẫn đến sự lãng phí hàng triệu liều thuốc tồn kho đã hết hạn sử dụng, theo thống kê của Cơ chế quốc tế về chia sẻ vac-xin Covax. Le Monde lưu ý có một số trở ngại cho mục tiêu tiêm chủng toàn cầu. Trong khi các nước phát triển, nơi các chiến dịch tiêm phòng được thực hiện tốt, dự trữ được nhiều vac-xin, thì các nước nghèo nhất lại khan hiếm thuốc chủng ngừa. Chỉ 3% dân số ở những nước nghèo nhất được tiêm chủng đầy đủ, so với tỉ lệ hơn 60% ở các nước phát triển.

Mục tiêu mà WHO đặt ra hồi tháng 09, theo đó đến cuối tháng 12/2021 có 40% số người trên toàn thế giới được tiêm chủng, là mục tiêu đầy tham vọng, nhưng theo Le Monde, như vậy vẫn là chưa đủ. Trong khi Trung Quốc cam kết cung cấp cho Châu Phi một tỷ liều vac-xin, các nước phát triển đã đưa ra cam kết tài trợ vac-xin mà họ không thể đáp ứng, cho dù đã có nhưng nỗ lực đáng được hoan nghênh, đặc biệt là Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu.

Tuy nhiên, nguồn cung vac-xin không phải là vấn đề duy nhất. Mục tiêu của tiêm chủng toàn cầu liên quan đến việc đáp ứng các thách thức hậu cần to lớn. Ngoài ra, còn có vấn đề về niềm tin vào vac-xin và vào chính quyền các nước. Tuy nhiên, để hàng trăm triệu người không có cơ hội tiêm chủng không phải là một sự lựa chọn. Cuộc chiến mới chống Omicron sẽ không thể thắng lợi chừng nào chiến dịch tiêm chủng chưa có nhiều tiến triển đáng kể. Đó là vì lợi ích của tất cả mọi người.

Covid-19 : Kinh tế tăng trưởng trở lại, nhưng tầng lớp trung lưu sạt nghiệp

Vẫn về Covid-19, La Croix quan tâm đến các biện pháp tăng cường phòng dịch ở Đức, cho biết cho dù các quy định mới không trái luật liên bang, nhưng vẫn gây chia rẽ. Nhìn sang Châu Á, cả Le Monde Les Echos đều quan tâm đến Ấn Độ, quốc gia từng ghi nhận tới 4.000 ca tử vong/ngày vì virus corona.

Trong bài viết "Covid : Ấn Độ lấy lại được đà tăng trưởng đã mất ​​",Les Echos nhận định sau cú sốc kinh tế do đại dịch Covid-19, tăng trưởng dường như đã phục hồi trở lại. Tỉ lệ tăng trưởng từ tháng 07 đến tháng 09/2021 đã tăng thêm 8,4% so với cùng kỳ năm 2020. Nhìn sang Le Monde, thông tín viên Ravi Pinto từ New Delhi lại cho biết "Tại Ấn Độ, cú sốc Covid làm tầng lớp trung lưu st nghip".Đa phần họ là tiểu thương, chủ doanh nghiệp nhỏ, người làm công ăn lương ...

Làn sóng dịch thứ hai, hồi mùa xuân 2021, đã khiến nhiều người khánh kiệt vì chi phí chữa bệnh. Tình hình ở Ấn Độ càng nghiêm trọng khi 90% việc làm thuộc lĩnh vực kinh tế phi chính thức, người lao động không có bảo hiểm y tế và thu nhập không ổn định. Theo Ngân Hàng Thế Giới, trong các trường hợp cấp cứu, người dân thường phải thanh toán 63% chi phí y tế. Nghiên cứu của một tổ chức y tế công ở Ấn Độ cho biết hồi năm 2011, 55 triệu người đã trở thành người nghèo vì các chi phí chữa bệnh.

Trong đợt dịch vừa qua tại Ấn Độ, chi phí cho một đợt điều trị Covid-19 ở khoa chăm sóc tích cực tương đương với thu nhập 7-10 tháng của một người làm công ăn lương hoặc người hành nghề tự do.

Pháp : Chuyển đổi năng lượng - mục tiêu đã rõ nhưng biện pháp còn mù mờ

Về thời sự Pháp, báo thiên tả Libération dành nhiều bài viết cho nhân vật cực đoan cánh hữu thời gian gần đây gây nhiều tranh cãi với các phát biểu phân biệt chủng tộc gây sốc, Eric Zemmour, người mới chính thức thông báo trên Youtube là sẽ ra tranh cử tổng thống Pháp.

Đối với các báo khác, ngoài Covid-19, các hướng đi chuyển đổi năng lượng là đề tài được đặc biệt quan tâm. Cả Le Figaro, Les Echos Le Monde đều dành nhiều bài viết để nói về 4 kịch bản của Pháp để đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Đây là 4 kịch bản được 200 chuyên gia của Cơ quan môi trường và chuyển đổi năng lượng Pháp (Ademe) nêu lên trong hồ sơ "Chuyển đổi 2050".

Les Echos lại muốn làm nổi bật những sự khác nhau căn bản của các kịch bản này : từ chế độ ăn uống, phương thức sản xuất, cách thức đi lại, ở và tiêu dùng, với các tác động khác nhau đến môi trường và nguồn tài nguyên thiên nhiên. Báo kinh tế lưu ý mục tiêu chuyển đổi đã rõ ràng : đến năm 2050 Pháp phải trung hòa carbon, tức là mức hấp thụ carbon phải tương đương mức thải carbon ra môi trường, nhưng để đạt được mục tiêu đó sau 30 năm, hiện nhiều điều trong các kịch bản vẫn còn mù mờ trong khi nước Pháp cần phải tăng tốc.

Trong khi đó, Le Figaro sau khi phân tích kỹ cả 4 kịch bản của Ademe thì nhấn mạnh dù là hướng tới lối sống thanh đạm hay dựa vào công nghệ, thì điểm chung trong cả bốn kịch bản này là nước Pháp đều phải dựa vào các loại năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng từ sinh khối (gỗ, rác thải và nguyên vật liệu nông nghiệp).

Nghịch lý đau đớn

Le Monde, Le Figaro Les Echos còn đề cập đến tình trạng Pháp đang chậm trễ trong các mục tiêu năng lượng.

Mặc dù nếu tính theo đầu người, Pháp vẫn là nước có mức thải carbon thấp nhất nhóm G7 và Pháp cũng là một trong những nước dẫn đầu thế giới về chuyển đổi năng lượng và được cộng đồng quốc tế công nhận, nhưng theo tổng kết của AIE, Cơ quan năng lượng quốc tế AIE, về chính sách năng lượng của Pháp, thì trong năm 2021, tốc độ giảm thải khí gây hiệu ứng nhà kính của Pháp vẫn chậm, sản xuất năng lượng tái tạo cũng chậm. AIE gọi đó là "một nghịch lý đau đớn" và khuyến cáo Pháp phải tăng nhanh và mạnh các đầu tư vào năng lượng sạch, nếu không sẽ không thể đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.

Một thách thức khác là mạng lưới điện hạt nhân đang "cũ đi" vì Pháp thiếu tầm nhìn về chính sách năng lượng hậu 2035, thời điểm mà sản lượng điện nguyên tử Pháp bị ấn định là phải giảm xuống dưới 50% tổng sản lượng điện. Đối với Les Echos, điều cấp thiết là chính phủ phải quyết định đầu tư hiện đại hóa mạng lưới điện hạt nhân hiện có và xây thêm các nhà máy điện nguyên tử mới. Theo dự kiến, tổng thống Pháp Macron sẽ phải đưa ra các thông báo mới về chủ đề này trong những tuần sắp tới.

Thùy Dương

Additional Info

  • Author Thùy Dương
Published in Quốc tế