Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Thánh chiến Hồi giáo : Philippines không sẵn sàng trước thách thức lớn nhất

Về tình hình khủng bố tại Đông Nam Á, Libération có bài phân tích "Tại Philippines, tổ chức Nhà nước Hồi giáo lấn tới, Duterte hạ giọng". Cuộc chiến chống lại quân thánh chiến Maute, tuyên bố trung thành với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (Daesh) cho thấy chính quyền Philippines không chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với thách thức lớn nhất này.

phi1

Một khu phố do phe Maute kiểm soát tại Marawi, Philippines. Ảnh chụp ngày 29/05/2017 .REUTERS/Erik De Castro

Cuộc chiến chống lại quân thánh chiến Maute, tuyên bố trung thành với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (Daesh) cho thấy những nhược điểm lớn của chính quyền Philippines. Không phải nạn ma túy, mà chính các lực lượng thánh chiến Hồi giáo tại Mindanao đã kéo Philippines vào cuộc "khủng hoảng trầm trọng nhất". Kể từ khi nhậm chức một năm nay, về chính sách đối nội, tổng thống Philippines ưu tiên chống ma túy, tập trung toàn lực vào "cuộc chiến huynh đệ tương tàn" này. Trong khi đó, quân đội và an ninh Philippines không được chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với nguy cơ quân thánh chiến xâm nhập đô thị, với một lực lượng lớn.

Hồi cuối tuần trước, chính quyền Manila khẳng định sẽ lấy lại toàn bộ thành phố miền nam Malawi đúng vào thứ Hai 12/06, nhân ngày kỷ niệm 119 năm nền độc lập. Tuy nhiên, trên thực tế, chiến sự vẫn tiếp diễn. Với hơn 3.000 quân và khoảng 30 máy bay, trực thăng tham gia chiến dịch, quân đội Philippines phải thừa nhận là hiện nay vẫn còn đến 20% diện tích thành phố nằm trong tay quân thánh chiến, so với tuyên bố chỉ 10%, trước đó ít ngày.

Trước tình hình chiến sự kéo dài, tổng thống Philippines phải chấp nhận để lực lượng đặc nhiệm Mỹ can thiệp, cho dù từ một năm nay ông Duterte liên tục đưa ra các tuyên bố hướng tới chia tay với đồng minh Hoa Kỳ, về mặt quân sự.

Theo chuyên gia Sidney Jones, Viện phân tích chiến lược về các xung đột (Ipac), có trụ sở tại Jakarta, chính quyền Manila đã không đánh giá được đúng tầm mức của lực lượng thánh chiến đang ngày càng trở nên cực đoan. "Hoàn toàn khác hẳn" với các nhóm ly khai chiến đấu để đòi quyền tự trị qua các thương lượng với chính phủ trước kia, các lực lượng thánh chiến giờ đây có xu hướng nổi dậy vũ trang một cách triệt để, theo mô hình của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Syria và Iraq.

Theo một chuyên gia về an ninh tại Đại học Công nghệ Nanyang ở Singapore, "tình báo Philippines đã thất bại" trong việc dự báo quy mô rất lớn của chiến dịch tấn công thành phố Malawi của quân thánh chiến, cho dù hòn đảo Mindanao vốn liên tục phải đối mặt với nhiều cuộc tấn công của các lực lượng Hồi giáo thánh chiến hay phe nhóm đòi tự trị, trong những năm gần đây.

Nhiều nhóm thánh chiến chuyển qua giai đoạn "quân sự"

Đặc biệt trong những tháng gần đây, các chiến binh xuất thân từ Đông Nam Á đang hoạt động trong lực lượng tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Trung Đông đã kêu gọi các đồng hương ngừng sang Syria hay Iraq, mà "chiến đấu" ngay tại Philippines. Sau giai đoạn chuẩn bị vũ khí hay bắt cóc người đòi tiền chuộc, các nhóm thánh chiến bắt đầu chuyển sang giai đoạn "quân sự". Mục tiêu của nhiều nhóm là chiếm được một vùng đất, để thành lập "wilaya", tức một tỉnh Hồi giáo, nhằm được sự công nhận của lãnh đạo tổ chức Nhà nước Hồi giáo Abou Bakr al-Baghdadi.

Đe dọa thánh chiến hiện tại vượt xa biên giới Philippines. Indonesia chỉ cách Malawi có năm giờ đường biển. Mùa hè năm ngoái, nước Bangladesh ở Nam Á đã rung chuyển bởi hàng loạt vụ tấn công khủng bố. Libération nhấn mạnh là, nếu cộng đồng quốc tế không có "một giải pháp bền vững" cho thảm nạn của người Rohingya, bị truy bức tại Miến Điện, phải chạy sang nhiều nước láng giềng Nam Á và Đông Nam Á, thì đây chắc chắn là "một mảnh đất màu mỡ" cho một thế hệ thánh chiến trong tương lai.

Về nguy cơ thánh chiến tại quốc gia Hồi giáo Indonesia, theo Le Figaro, hôm thứ Hai vừa qua, quân đội nước này đã báo động về sự hiện diện của "các nhóm nằm vùng" của tổ chức Nhà nước Hồi giáo trên toàn quốc, trừ tỉnh Papousia, nơi đa số dân cư theo Thiên Chúa Giáo.

Chống khủng bố : Thủ tướng Anh sang Pháp cầu viện

Khủng bố cũng là hồ sơ số một trong cuộc hội kiến giữa tổng thống Pháp và thủ tướng Anh tại Paris, nhân chuyến công du của bà Theresa May hôm đầu tuần. Theo Le Figaro, lãnh đạo hai bên đã ký kết "một chương trình hành động cụ thể" chống tuyên truyền thánh chiến trên mạng Internet. Cụ thể là tăng cường các chiến dịch "xóa bỏ các nội dung kích động thù hận và khủng bố", "cải thiện khả năng truy cập các thông điệp được mã hóa"…

Nước Anh vừa hứng chịu một loạt vụ khủng bố, và thủ tướng May bị suy yếu sau cuộc bầu cử Quốc hội, muốn tìm hậu thuẫn ở Pháp, trong viễn cảnh đàm phán về ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu còn mờ mịt.

Theo Le Figaro, Liên Âu và nước Pháp hoàn toàn không có lợi ích gì để cho quá trình đàm phán Brexit bị sa lầy, trở thành một nguồn gốc bất ổn cho các phía. Vấn đề là chính phủ của thủ tướng May cần có một thái độ mềm dẻo hơn, thì Paris cũng sẽ hợp tác tích cực hơn.

Vẫn về chủ đề này, Le Figaro đưa ra một so sánh có thể khiến cho thủ tướng Anh phải giật mình. Đó là vào năm 1990, khi đảng Bảo Thủ Anh ở trong tình trạng bấp bênh, thủ tướng Thatcher vào thời điểm đó đã tới Paris để tìm kiếm sự ủng hộ. Hai ngày sau, trở lại Luân Đôn, người được mệnh danh là "bà đầm thép" đã buộc phải từ chức, sau 11 năm rưỡi cầm quyền. Le Figaro đặt câu hỏi : liệu thủ tướng Theresa May, sau chuyến đi Paris, có chịu cùng một kết cục, như bà Thatcher gần 30 năm về trước ?

Liên Âu nỗ lực nắm lại tài chính

Về tình hình Châu Âu, trong bối cảnh Brexit, báo kinh tế Les Echos đặc biệt đến chú ý đến nỗ lực của Bruxelles, chuẩn bị đưa nhiều bộ phận trong guồng máy tài chính của Liên Âu từ Luân Đôn trở về lục địa. Phân tích được đưa ra nhân việc Ủy Ban Châu Âu công bố dự án xem xét lại một chỉ thị quan trọng liên quan đến Luật tổ chức thị trường Châu Âu (Emir) hôm qua, 13/06.

"Nắm trở lại vận mệnh tài chính của chúng ta" là tựa một bài xã luận của Les Echos. Tờ báo kinh tế than phiền về tình trạng thụ động của Liên Hiệp Châu Âu về mặt tài chính, 10 năm sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Les Echos trách cứ giới lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu, trong một thời gian dài, đã phó thác việc thảo luận về các vấn đề tài chính phức tạp cho một số nhóm chuyên gia, và thường là cho các chuyên gia Anh – Mỹ.

Việc Anh Quốc rời Liên Âu càng làm nổi rõ hơn ý nghĩa sống còn của lĩnh vực tài chính, như một vấn đề mang "tính chất chủ quyền", điều kiện bảo đảm an toàn cho nền kinh tế của khu vực sử dụng đồng euro.

Nhà Trắng : Dàn đồng ca tung hô Donald Trump

Về tình hình nước Mỹ, Le Figaro chú ý đến việc trong cuộc họp văn phòng tổng thống hôm qua, các thành viên chính phủ đồng loạt lên tiếng ủng hộ tổng thống nhân dịp Donald Trump tròn 71 tuổi vào hôm nay thứ Tư 14/06, trong lúc nguyên thủ Mỹ đang đứng trước những áp lực lớn chưa từng có.

Trong cuộc điều trần trước Quốc hội Mỹ hôm qua, bộ trưởng Tư Pháp Jeff Sessions đã biện minh cho việc sa thải giám đốc Cục Điều Tra Liên Bang, một người không thần phục tổng thống Mỹ. Bộ trưởng Jeff Sessions tuyên bố : các nhân viên cảnh sát hoan hỉ với các ý tưởng mới và những hậu thuẫn của lãnh đạo.

Bộ trưởng năng lượng Rick Perry trở về từ Trung Quốc thì không ngần ngại tuyên bố khâm phục tổng thống Trump, vì "đã gửi đi một thông điệp rõ ràng đến toàn thế giới" về khí hậu, trong lúc lập trường của Washington vừa bị cộng đồng quốc tế đồng loạt lên án. Bộ trưởng nông nghiệp, từ bang Missisippi, cao giọng : "Ở đó dân chúng ngưỡng mộ ông". Phó tổng thống Mỹ Mike Pence thì "đội ơn trên đã cho tôi có dịp may được phục vụ chương trình hành động của tổng thống".

Le Figaro nhận xét dàn đồng ca trong chính phủ Mỹ quả là hiếm thấy, và hết sức xa lạ với truyền thống của nền dân chủ Mỹ, đồng thời lưu ý : việc các thành viên trong chính phủ đồng thanh đưa tổng thống lên mây, khiến người bên ngoài có thêm dịp chế nhạo. Trong chính phủ Mỹ, chỉ duy nhất của bộ trưởng quốc phòng James Mattis là không tham gia vào dàn đồng ca này, khi tự giới hạn phát biểu của ông trong việc biểu dương các công chức bộ quốc phòng.

Pháp : Đảng Cộng Hòa Tiến Bước cấp tốc đào tạo dân biểu trẻ

Trở lại với chính trị Pháp, sau chiến thắng bước đầu, của đảng Cộng Hòa Tiến Bước của tổng thống tại vòng một cuộc bầu cử Quốc hội, đảng có khả năng giành được khoảng 400 ghế dân biểu sau vòng hai bầu cử (diễn ra vào chủ nhật tuần này), nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại về khả năng các dân biểu mới, đại đa số là những người chưa từng hoạt động chính trị. Phong trào chính trị do Emmanuel Macron khởi xướng mới chỉ ra đời cách nay một năm.

Báo Le Monde có bài "Dân biểu Cộng Hòa Tiến Bước : Cẩm nang học nghề nhanh chóng". Le Monde phỏng vấn một loạt ứng cử viên của đảng, cùng một số thành viên đảng Cộng Hòa Tiến Bước.

Bài học chính đầu tiên được rút ra là, cần phải dựa vào lớp đàn anh, "những người có kinh nghiệm nhất sẽ hỗ trợ những người trẻ nhất" trong "những bước đi đầu tiên" khó khăn. Ban lãnh đạo Cộng Hòa Tiến Bước dự kiến sẽ tổ chức một khóa học riêng cho các dân biểu mới, giúp họ làm quen với công việc tại Quốc hội, cách tổ chức lịch trình làm việc, các ủy ban chuyên trách trong Quốc hội, phương thức tham gia vào các ủy ban.

Bài học thứ hai : các kỹ thuật cụ thể sẽ là khâu tiếp theo. Ông Thomas Friang, phụ trách chương trình tranh cử của ứng cử viên Cộng Hòa Tiến Bước Cédric Villani, nhà toán học nổi tiếng với giải thưởng Fields, tỏ ra tự tin là phong trào tuy mới ra đời ít lâu, nhưng đã trải qua nhiều thử thách, điều quan trọng đối với phong trào chính trị non trẻ này là "chọn đúng người, vào đúng vị trí, đúng thời điểm". Một ứng cử viên khác thì khẳng định sự trẻ trung chính là thế mạnh, những người mới sẽ tham gia chính trường với nhiệt huyết và nhiều ý tưởng mới.

Trang nhất các báo

Tình hình trong nước là mối quan tâm hàng đầu của nhiều nhật báo Pháp hôm nay. "Hàng loạt dấu hiệu tích cực về tình trạng việc làm tại Pháp", tựa trang nhất của Les Echos. Le Monde chú ý trước hết đến diện mạo của Quốc hội mới, sau chiến thắng của đảng Cộng Hòa Tiến Bước trong vòng một bầu cử. Tờ Libération tiếp tục bàn về chủ đề dự án cải cách luật lao động, với lo ngại là chính phủ sẽ chọn các "giải pháp cực đoan".

Le Figaro hôm nay ưu tiên vấn đề "Di cư : Châu Âu đối mặt với các thách thức mới từ Phi Châu". Kể từ đầu năm đến nay, số người vượt biển từ Libya sang Ý tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước. Theo Le Figaro, Bruxelles đang thương thuyết với 5 nước Phi Châu, láng giềng với Libya, để đạt được thỏa thuận như kiểu với Thổ Nhĩ Kỳ (đánh đổi hỗ trợ tài chính), nhằm giảm bớt dòng người di cư.

Cũng về Châu Âu, báo La Croix giới thiệu với độc giả ý nghĩa của Erasmus, chương trình trao đổi giáo dục (giữa các nước) đối với toàn Châu lục. Ba thế hệ, với khoảng 10% sinh viên các nước Châu Âu, và cả giới trẻ Châu Âu nói chung, đã được hưởng lợi từ chương trình đặc biệt này. La Croix ví việc Liên Âu được lợi từ chương trình Erasmus cũng giống như văn hào Cioran từng nhận xét : Không có âm nhạc của Bach, thì Chúa chỉ là một nhân vật tầm thường.

Trọng Thành

Published in Quốc tế