Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Nền quốc phòng Liên Âu vững chắc cần liên minh Pháp - Ba Lan

Ba Lan là quốc gia tuyến đầu của phương Tây hỗ trợ quân sự Ukraine trong kháng chiến chống Nga xâm lược từ hơn một năm nay. Ngày 16/03/2023, Ba Lan là quốc gia đầu tiên trong khối NATO chuyển giao máy bay chiến đấu cho Ukraine. Tuy nhiên, Ba Lan không chỉ là quốc gia "tuyến đầu".

quocphong0

Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki (trái) được Tổng thống Emmanuel Macron tiếp tại Điện Elysée vào ngày 29 tháng 8 năm 2022 để thảo luận về tình hình ở Ukraine. (Ảnh tư liệu : Phủ Tổng thống Pháp)

Quốc gia Đông Âu thuộc khối Liên Xô cũ này đang trở thành một sức mạnh quân sự hàng đầu trong Liên Âu. Một nền quốc phòng vững chắc của Châu Âu không thể thiếu Ba Lan. Hợp tác mật thiết Pháp và Ba Lan về mặt quân sự và chiến lược quốc phòng là điều không thể tránh khỏi, nếu Liên Âu muốn khẳng định như một thế lực. Mục Theo dòng thời sự của RFI tổng hợp ý kiến của một số chuyên gia về vấn đề này.

***

Ông Pierre Haroche, chuyên gia về an ninh Châu Âu, giảng viên Đại học Queen Mary (Luân Đôn, Anh Quốc), có một bài viết đáng chú ý trên Le Monde mang tiêu đề "Tương lai của nền quốc phòng Châu Âu cần đến cặp Pháp – Ba Lan". Chuyên gia về an ninh Châu Âu người Pháp trước hết điểm lại vai trò đặc biệt của Ba Lan trong các hỗ trợ quân sự đối với Ukraine, kể từ khi Nga xâm lăng.

Hỗ trợ quân sự Ukraine : Ba Lan đi đầu chứ không phải cặp Đức-Pháp

Ba Lan đã là quốc gia Liên Âu đầu tiên hỗ trợ Ukraine về quân sự vào thời điểm mà chính nước Pháp "dường như còn chưa ý thức được đầy đủ về một cục diện địa chính trị mới" đã hình thành, với cuộc xâm lăng của Nga. Nỗ lực kiên định và tiên phong của Ba Lan tương phản hẳn với ứng xử lúng túng của cặp Pháp – Đức, vốn được coi là trụ cột của Liên Âu.

"Cặp Pháp - Đức đã không biết cách – hoặc không muốn – dẫn đầu một phong trào Châu Âu cấp vũ khí cho Kiev, và đôi khi đã gửi đi một thông điệp không thật rõ ràng, bị giằng xé giữa một bên là việc cần bảo vệ Ukraine, và bên kia là bàn tay chìa ra cho Nga". Động lực hỗ trợ mạnh mẽ Ukraine từ phía Liên Âu trên thực tế chủ yếu đến từ nhóm các quốc gia Đông Âu cũ (trước hết là Ba Lan và ba nước vùng Baltic).

Theo chuyên gia về an ninh Châu Âu Pierre Haroche, trong bối cảnh cục diện địa chính trị toàn cầu đang biến động dữ dội, Châu Âu cần hướng đến xây dựng một nền quốc phòng tự chủ, điều mà chính tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cố gắng đề xuất một số nền tảng. Nhưng điều này chỉ có khả năng trở thành hiện thực, nếu chính giới Pháp, giới ngoại giao Pháp cũng như dân chúng Pháp vượt qua được nhiều quan điểm tiêu cực cố hữu về Ba Lan từ khoảng hai thập niên nay.

Cụ thể như quan điểm cho rằng Ba Lan và nhiều nước Đông Âu nói chung là các thành phần "tân bảo thủ", "thân Mỹ", và để Liên Âu có được một nền quốc phòng tự chủ, vì mục tiêu hòa bình, thì Pháp phải xa rời các nhóm nước này. Tổng thống Pháp dường như cũng vẫn phần nào duy trì một quan điểm như vậy, theo chuyên gia Pierre Haroche.

Vì sao việc thay đổi hình ảnh về Ba Lan là quan trọng ?

Hình ảnh tiêu cực hay sai lạc về Ba Lan không chỉ xuất hiện trong những thập niên gần đây. Câu chuyện có gốc rễ lâu đời. Nhà sử học chính trị Philippe Fabry trong bài nhận định đáng chú ý trên La Tribune (nhan đề "Thế cân bằng tại Châu Âu cần đến liên minh Pháp – Ba Lan) cũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc để hợp tác, người Pháp phải thay đổi hình ảnh về Ba Lan.

Bài viết mở đầu với câu nói nổi tiếng của cố tổng thống Pháp Charles de Gaulle, đưa ra từ năm 1919 : "Nước Pháp đã phải trả giá đắt do những khinh suất với Ba Lan". Sử gia Philippe Fabry giải thích ý nghĩa của nhận định tuy rất ngắn, nhưng thấm đậm nhiều chiêm nghiệm về lịch sử này.

De Gaulle : "Pháp đã phải trả giá đắt do những khinh suất với Ba Lan"

Tại Châu Âu, xét về mặt mặt địa chính trị chiến lược xuyên nhiều thế kỷ, Đức và Nga là "các đồng minh tự nhiên", việc hợp tác Nga – Đức cho phép kiểm soát khu vực Trung Âu, và điều này từng diễn ra trong nhiều thế kỷ (trước khi Liên Âu ra đời). Trước khi Nga xâm lăng Ukraine, việc mua khí đốt của Nga từng cho phép Đức "khẳng định vị thế thống trị với nền kinh tế Châu Âu". Trong suốt thời gian từ cuối thế kỷ 19 đến Thế chiến II, chính cặp Đức – Nga đã khiến khu vực Tây Âu (bao gồm Pháp) bị gạt ra phần ngoại vi, còn Ba Lan trở thành nạn nhân, bị kẹp giữa hai gọng kìm, một bên là Đức, một bên là Nga và sau này là Liên Xô. Pháp từng nhiều lần là nạn nhân của liên minh Đức – Phổ (với cuộc tấn công của Phổ năm 1871 và của Đức Quốc Xã năm 1940). Tuy nhiên, theo sử gia Philippe Fabry, nước Pháp đã phạm "quá nhiều sai lầm trong việc đi theo lập trường của Đức, chống lại người bạn lâu đời Ba Lan".

Đối với sử gia Philippe Fabry, việc trở lại với "những nền tảng chiến lược bền vững" (permanances stratégiques) xuyên lịch sử chính là để nhận được ra rõ hơn những vấn đề toàn cục đương đại. Theo ông, trong thời gian tới Pháp – Ba Lan cần khẳng định quan hệ mang tính "liên minh" để "đối trọng lại" với sức nặng quán tính của quan hệ lâu đời Đức – Nga, khiến nước Đức không thật sự nỗ lực trong các vấn đề an ninh của Liên Âu, trong việc hậu thuẫn quân sự cho Ukraine.

Về vấn đề này, chuyên gia về an ninh Châu Âu Pierre Haroche khẳng định, nếu không điều chỉnh kịp thời quan hệ với cường quốc khu vực Ba Lan (*), Paris sẽ bỏ lỡ "vai trò lịch sử" trong việc thúc đẩy các hợp tác quốc phòng của Liên Âu.

Sức mạnh quân sự Ba Lan - Ukraine : nước Pháp cần "xét lại hoàn toàn quan điểm"

Chuyên gia Pierre Haroche nhấn mạnh, Pháp cần hình dung rõ tương lai không xa của Liên Âu. Đó là, một khi Ukraine thành công trong việc đẩy lùi xâm lược Nga, quốc gia này sẽ trở thành thành viên Liên Âu. Ukraine cùng với Ba Lan, đối tác gần gũi nhất, sẽ là một vùng lãnh thổ với dân số tương đương Đức.

Quân đội Ba Lan được đầu tư mạnh, thuộc nhóm đầu của Châu Âu, cùng với Quân đội Ukraine, trở thành lực lượng thiện chiến bậc nhất, sẽ trở thành trụ cột của nền quốc phòng Châu Âu. Tác giả ghi nhận Ba Lan đang trên đường trở thành lực lượng bộ binh lớn nhất Châu Âu, với đơn đặt hàng hơn 300 chiến xa Abrams của Mỹ, 1.000 chiến xa K2 của Hàn Quốc (so với việc lục quân Pháp chỉ có 220 xe tăng Leclerc). Hợp tác quân sự Pháp với Ba Lan sẽ có ý nghĩa trụ cột với Liên Âu tương tự như cặp Đức – Pháp trong lĩnh vực kinh tế.

Theo chuyên gia Pierre Haroche, nước Pháp phải tiến hành một "cuộc cách mạng Copernic" trong lĩnh vực này, nói một cách khác là một cuộc đảo ngược hoàn toàn về quan điểm, từ chỗ coi nhẹ các nước Đông Âu, trong đó có Ba Lan, đến chỗ coi Ba Lan như là trụ cột.

Pháp có thể làm được gì trong việc cùng Ba Lan thiết lập các nền tảng quốc phòng Châu Âu ?

Theo chuyên gia Pierre Haroche, Pháp và Ba Lan trước hết có thể cùng xem xét việc lập ra một ngân sách quốc phòng của Liên Âu, để tài trợ cho việc trang bị vũ khí cho Ukraine và cho các quốc gia thành viên. Quỹ nhằm củng cố sườn đông của Liên Âu sẵn sàng tự vệ chống Nga, nhưng cũng để phát triển "một nền công nghiệp quốc phòng thực sự của Châu Âu", như đề xuất của Pháp.

Bước tiếp theo là Paris ủng hộ lập trường của Warszawa, thúc đẩy để Ukraine nhanh chóng gia nhập Liên Âu và NATO. Về phần mình, Ba Lan cũng có thể ủng hộ quan điểm của Pháp, xây dựng một lực lượng quân sự Châu Âu trong lòng khối NATO, hướng đến "sự tự trị ở mức độ nhất định", nhằm chuẩn bị cho kịch bản Hoa Kỳ "buộc phải tái chuyển hướng chú ý và các nỗ lực về phía Đông Á", đối phó với đe dọa của Trung Quốc nhắm vào Đài Loan.

Cả hai chuyên gia Pierre Haroche và Philippe Fabry đều ghi nhận một số dấu hiệu cho thấy Pháp – Ba Lan có xu hướng siết chặt hợp tác. Chuyên gia về an ninh Châu Âu Pierre Haroche nhắc đến lời phát biểu của tổng thống Pháp Emmanuel Macron, trong chuyến viếng thăm Warszawa hồi 2020, nhấn mạnh đến "tình đoàn kết Châu Âu (sẽ là) bất diệt", khi người Ba Lan hiểu rằng, Ba Lan bị tấn công có nghĩa là Liên Âu bị tấn công. Còn sử gia Philippe Fabry ghi nhận một liên minh Pháp – Ba Lan đã bắt đầu hình thành với vụ hợp tác viện trợ xe tăng Leopard 2 cho Ukraine. Tiến trình thoạt tiên đã bị nước Đức gây trở ngại.

Trọng Thành

Nguồn : RFI, 17/03/2023

Ghi chú

(*) Sử gia Philippe Fabry nhấn mạnh đến vai trò trụ cột lâu đời của Ba Lan tại khu vực Trung – Đông Âu. Ba Lan đầu thế kỷ XX từng ấp ủ ước mơ lập một liên minh các nước cộng hòa (thường được biết đến với tên gọi "Fédération Miedzymorze" – hay "Liên minh các Biển"), trải từ biển Baltic đến biển Hắc Hải và tới cả Địa Trung Hải. Khu vực bao gồm lãnh thổ hiện nay thuộc các nước Cộng hòa Baltic, Belarus, Ukraine, và thậm chí nhiều quốc gia Trung Âu cho đến tận Croatia, Ý… Đây hoàn toàn không phải là mơ ước viển vông. Dự án "Liên minh các Biển" lấy cảm hứng từ một liên minh nổi tiếng từng tồn tại nhiều thế kỷ, "Nước Cộng hòa của hai Dân tộc" (République des Deux Nations), từng được coi là vùng lãnh thổ rộng nhất, đông dân nhất Châu Âu (gồm chủ yếu hai nước Ba Lan - Litva). Một liên hiệp các nước cộng hòa chứ không phải một đế chế. Đối với sử gia Philippe Fabry, sức mạnh gia tăng của khu vực Trung Âu nói trên trong lòng Liên Âu hiện nay, với Ba Lan là "tác nhân trụ cột", chính là một "điều kiện căn bản'' giúp cho việc xây dựng liên minh các quốc gia dân chủ, mục tiêu mà Liên Hiệp Châu Âu hướng đến.

Additional Info

  • Author Trọng Thành
Published in Quốc tế