Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Khủng hoảng Áo Vàng : Chính quyền Pháp loay hoay tìm giải pháp

Ngoại trừ nhật báo công giáo La Croix, đã dành trang nhất cho thảm cảnh của người thiểu số Rohingya tại Miến Điện với tựa lớn "Rohingya, cuộc sống tha hương", hầu hết báo Pháp ngày 04/12/2018 đều nhấn mạnh đến các khó khăn mà chính phủ của tổng thống Macron đang gặp phải để đối phó với cuộc khủng hoảng "Áo Vàng".

gilet1

Tổng thống Pháp (giưa) trên quảng trường Ngôi Sao-Paris sau bạo động ngày 01/12/2018. Geoffroy VAN DER HASSELT / AFP

Le Monde Le Figaro cùng chú ý đến các nỗ lực của chính phủ nhằm xoa dịu cơn giận dữ của những người Áo Vàng, đã lại kêu gọi xuống đường tại Paris và các thành phố khác vào thứ Bảy, 08/12. Le Monde chạy tựa "Macron bị buộc phải tháo gỡ ngay ngòi nổ của cuộc khủng hoảng", trong lúc tờ báo thiên hữu Le Figaro từ tốn hơn, ghi nhận "Dưới sức ép, hành pháp chuẩn bị lối thoát ra khỏi khủng hoảng".

Hiện tượng lây lan đấu tranh

Nhật báo thiên tả Libération quan tâm đến phong trào phản đối chính phủ đang lan rộng, với một số tầng lớp xã hội khác nhập cuộc. Trong câu hỏi lớn trang nhất : "Des gilets jaunes aux gilets jeunes ? - Phải chăng phong trào áo gi lê vàng đang mở rộng qua áo gi lê trẻ ?", tờ báo chơi chữ trên tính từ jaune, màu vàng, và jeune, tức là trẻ tuổi để nói về sự kiện học sinh và sinh viên Pháp cũng đã bắt đầu tham gia đấu tranh bên cạnh những người Áo Vàng.

Libération ghi nhận : "Gần 150 trường trung học tại Pháp đã bị học sinh phong tỏa hôm qua, thứ Hai, và nhiều phong trào khác đang gia nhập hàng ngũ những người phản đối chính phủ". Theo tờ báo, lo ngại trước khả năng phong trào phản đối "lây lan", chính quyền Pháp đang suy nghĩ đến việc chấp nhận nhanh chóng một số nhượng bộ.

Nhật báo kinh tế Les Echos dĩ nhiên đã chú ý đến những thiệt hại đáng kể mà các vụ bạo động dữ dội, đặc biệt là tại Paris, đã gây ra cho nền kinh tế Pháp. "Áo Vàng : Nền kinh tế lãnh đủ" là tựa lớn trang nhất của Les Échos, kèm theo hai chú thích : "Đối với bộ trưởng kinh tế Pháp Bruno Le Maire, các hoạt động kinh tế bị tác hại "nghiêm trọng và liên tục". Ngành buôn bán lớn thì đã thấy doanh số giảm sụt từ 15% cho đến 25% từ khi khủng hoảng bắt đầu".

Nhật báo kinh tế Pháp cũng chú ý đến phản ứng của chính phủ, và cho rằng Điện Matignon, tức phủ thủ tướng Pháp, đang chuẩn bị một cử chỉ thiện chí "mạnh mẽ". Tờ báo ghi nhận là hôm qua, thủ tướng Edouard Philippe đã tiếp khoảng 30 lãnh đạo các đảng phái, tổ chức, và tuyệt đại bộ phận những người này đều kêu gọi tạm hoãn việc tăng thuế xăng dầu.

Áo Vàng và cuộc khủng hoảng ở thượng tầng Nhà nước

Hầu hết các báo đều dành những bài xã luận cho việc phân tích những khó khăn ghê gớm mà chính phủ Pháp đang gặp phải để giải quyết khủng hoảng, tránh để tình hình hỗn loạn thêm. Theo tất cả các báo, tổng thống Macron phải chịu ít nhiều trách nhiệm về việc để cho tình hình xấu đi.

Đối với bình luận gia Laurent Joffrin trên tờ Libération, cho đến nay, tổng thống Macron chủ yếu đẩy thủ tướng Philippe ra đứng mũi chịu sào, làm "cột thu lôi" để hóa giải sấm sét thịnh nộ của những người chống đối. Tuy nhiên, đó là một cây cột thu lôi mảnh mai và mong manh.

Theo Libération : "Nếu không có một bước lùi dứt khoát và rõ ràng, vốn sẽ tác hại đến mọi ý hướng cải tổ sau đó, thì cây cột đó có nguy cơ bị gẫy đổ". Thực tế hiển nhiên, theo tờ báo cánh tả Pháp là đã có 4 người chết từ lúc phong trào Áo Vàng bùng lên, và giá dầu diesel có đáng để cho một người phải thiệt mạng hay không.

Libération thấy là tổng thống Macron vẫn giữ im lặng một cách khó hiểu cho dù ông là đích nhắm chính của những người biểu tình. Tờ báo không ngần ngại cảnh cáo : "Thái độ kiêu ngạo ban đầu sẽ phải trả giá bằng một sự bẽ mặt".

Tháng 12 năm 2018 có giống tháng 5 năm 1968 ?

Le Figaro thì đã so sánh phong trào phản kháng năm 2018 với tình hình năm 1968, với những người biểu tình hô cùng một khẩu hiệu, trước đây thì đòi tổng thống de Gaulle từ chức, và ngày nay thì đối tượng là tổng thống Macron. Bối cảnh cũng có chút giống nhau, với việc chính quyền trung ương bị thách thức, xô đẩy và phản ứng muộn màng.

Thế nhưng, theo Le Figaro, hoàn cảnh rất khác biệt : Vào tháng Năm năm 1968, sinh viên biểu tình với khẩu hiệu "Mười năm đủ rồi", chống lại một tổng thống đã 78 tuổi, có một quá trình hoạt động dài lâu trước đó và không còn nhạy bén với những thay đổi của xã hội. Còn người bị phản đối hiện nay mới 40 tuổi, và mới bước vào năm thứ hai của nhiệm kỳ. Bên cạnh đó, theo Le Figaro, "dù bị chới với lúc đầu, với tài hùng biện của mình, ông de Gaulle đã xoay chuyển được tình thế. Còn ông Macron, ít ra là cho đến lúc này, vẫn chưa tìm ra những từ ngữ có khả năng làm thay đổi tình hình".

Macron và chính phủ phải chạy đua với thời gian

Báo Les Echos cũng nhận thấy chính phủ Macron đang phải chạy đua với thời gian, để làm sao chặn được đà leo thang phản đối, tránh được việc tất cả những thành phần bất mãn liên kết với nhau như bắt đầu thấy giữa giới học sinh, giới lái xe cứu thương, giới nông dân.

Vấn đề là làm sao tránh được một ngày thứ Bẩy đỏ lửa khác, đề ra được những giải pháp trấn tĩnh những người Áo Vàng, mà không phá hoại tiến trình cải tổ từ nay cho đến cuối nhiệm kỳ tổng thống.

Nhật báo Le Monde tỏ ra rất lo lắng khi thấy rằng guồng máy Macron đang bị hỏng hóc bất ngờ : Thực tế cuộc khủng hoảng hiện nay cho thấy là tất cả các yếu tố từng giúp ông Macron thành công trong cuộc đua lên làm tổng thống, nay đã tác động ngược lại, bộc lộ chỗ yếu của ông…

Đối với Le Monde, tác hại lớn nhất là việc ông Macron và chính quyền của ông đã coi thường các tổ chức xã hội trung gian như các công đoàn chẳng hạn, luôn luôn gạt hẳn các tổ chức này ra bên lề từ đầu nhiệm kỳ tổng thống của ông đến nay.

Vào lúc này mới thấy là các cơ chế trung gian đó cần thiết để lèo lái phong trào đấu tranh đang bùng lên đi vào quy củ.

Thương mại : hưu chiến Mỹ-Trung liệu có đứng vững ?

Dư âm thỏa thuận Mỹ-Trung tạm ngưng leo thang tranh chấp thương mại tiếp tục được báo Pháp chú ý. Trong bài viết "Cuộc hưu chiến mong manh giữa Mỹ và Trung Quốc", báo Le Monde đã tự hỏi là quyết định không leo thang đó liệu có tồn tại dài lâu hay không vì bất đồng giữa hai bên vẫn còn nguyên vẹn.

Một trong những yếu tố được tờ báo Pháp nêu bật là tính khí thất thường của tổng thống Mỹ Donald Trump, được thấy trong nhiều tuần lễ trước lúc gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Trước mắt, thỏa thuận Buenos Aires đã làm dịu các căng thẳng thương mại đã khiến cho những bất đồng chính trị gay gắt thêm. Thỏa thuận này cũng chứng tỏ rằng Mỹ-Trung có thể có thái độ rất thực dụng. Bắc Kinh đang câu giờ, điều rất quý giá vào thời điểm nền kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu chậm lại.

Còn Washington thì có thể loan báo tin tốt lành hơn cho cộng đồng doanh nghiệp và giới nông dân Mỹ, đặc biệt là những người ở các vùng đất miền Trung Tây, cử tri của ông Trump hiện đang bị sự trả đũa của Trung Quốc trên đậu nành và thịt lợn tác hại.

Tranh chấp thương mại hoàn toàn có thể được dễ dàng kết thúc, nhưng ông Donald Trump cũng hoàn toàn có thể lặp lại những gì ông đã làm với Bắc Kinh vào mùa xuân vừa qua : công bố hưu chiến nhưng sau đó lại tung ra những đòn mạnh mẽ hơn.

Đối với Le Monde, các chủ đề tranh chấp rất nhiều, đặc biệt là ở phía Mỹ, và Trung Quốc vẫn chưa cho thấy là họ sẵn sàng nhượng bộ vì cho rằng mục tiêu của Washington là kềm chế tham vọng công nghệ của Bắc Kinh.

Cực hữu bất ngờ vươn lên tại Tây Ban Nha

Riêng về thời sự Châu Âu, báo Pháp rất quan tâm đến sự đột phá bất ngờ của đảng cực hữu Vox, vừa có bước đột phá ngoạn mục nhân cuộc bầu cử địa phương ở Tây Ban Nha.

Theo Le Figaro, "với đảng Vox, lực lượng cực hữu Tây Ban Nha đột phá vào vùng Andalusia. Việc đảng này đưa được nghị sĩ của mình vào Nghị Viện vùng Andalusia sẽ làm thay đổi cục diện chính trị ở cấp toàn quốc".

Điều đáng ngại là đảng từ trước đến nay không hề được ai biết đến này đã đưa được 12 nghị sĩ vào nghị viện của vùng rộng lớn nhất và đông dân nhất trong số 17 vùng của Tây Ban Nha. Với 12 trên tổng số 109 nghị sĩ, Vox có thể có vai trò quan trọng trên sân khấu chính trị Andalusia vì các đảng lớn khác không đảng nào có đa số tuyệt đối.

Theo Le Monde, đảng Xã Hội nắm quyền liên tục tại Andalusia từ 36 năm nay, có nguy cơ mất quyền lãnh đạo nếu đảng cực hữu Vox liên minh với đảng Nhân Dân cánh hữu.

Trọng Nghĩa

Published in Quốc tế