Căng thẳng phương Tây – Nga với nguy cơ chiến tranh Ukraine lơ lửng tiếp tục là chủ đề chính của nhiều báo Pháp, nhưng đề tài nổi bật hàng đầu hôm nay là khủng hoảng quan hệ Pháp – Mali, sau khi tập đoàn quân sự Mali trục xuất đại sứ Pháp. Tương lai của lực lượng Pháp và Châu Âu chống khủng bố tại vùng Sahel trở thành dấu hỏi lớn.
Quốc kỳ Mali tại một căn cứ quân sự của lực lượng Barkhane (của Châu Âu, với đa số là quân Pháp) ở Tombouctou vào ngày 14/12/2021. Florent Vergnes AFP/Archivos
Nhật báo Le Monde chạy tựa : "Tại Mali, tập đoàn quân sự đẩy nước Pháp ra ngoài". Le Monde cho biết quan hệ căng thẳng "không ngừng gia tăng" giữa Paris và Bamako kể từ hai cuộc đảo chính liên tiếp trong hai năm vừa qua. Trong con mắt của chính quyền Pháp, giới tướng lĩnh Mali hoàn toàn "không có tính chính đáng". Điểm đặc biệt quan trọng là Le Monde lưu ý là việc trục xuất đại sứ Pháp "đặt ra câu hỏi về tương lai sự hiện diện quân sự của Pháp tại quốc gia Tây Phi Mali trong khuôn khổ Barkhane". Barkhane là chiến dịch chống khủng bố Hồi giáo thánh chiến với sự tham gia của nhiều quốc gia phương Tây, phối hợp với một số quốc gia khu vực, trong đó có Mali, khởi sự từ năm 2014.
Nhật báo công giáo La Croix có bài xã luận "Thất bại tại Bamako" điểm lại những nét lớn của tình hình Mali. Trước hết là sự hiện diện hợp pháp của các đơn vị quân đội Pháp, với khoảng 4.500 quân tại vùng Sahel, gồm Mali, "được sự ủng hộ của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, Liên Hiệp Châu Phi, Liên Hiệp Châu Âu, của tổ chức khu vực Tây Phi (CEDEAO)". Tuy nhiên, trong xã hội Mali có một tình cảm chống Pháp mạnh do "an ninh bất ổn kéo dài", và Pháp bị cáo buộc "có các quan hệ thông đồng với các chính quyền tiền nhiệm, về cơ bản là tham nhũng".
La Croix nhấn mạnh, việc đại sứ Pháp bị một "quốc gia bạn hữu" trục xuất là một điều hiếm có, nhưng "không ai" ngạc nhiên về kết cục này, bởi từ nhiều tháng nay, giới tướng lĩnh Mali đã giữ khoảng cách với Pháp, và ngả sang Nga để yêu cầu hỗ trợ về quân sự. Trong bối cảnh này, La Croix tiên liệu là Pháp và các nước Châu Âu khác "sẽ phải nhanh chóng thích ứng" với tình hình. La Croix cho biết thêm, hiện tại Liên Hiệp Quốc đang tài trợ cho một lực lượng bảo đảm an ninh gồm khoảng 15.000 người tại vùng Sahel, đến từ khoảng 60 quốc gia. Sự hiện diện của lực lượng này sẽ hết hạn tháng 6/2022.
Theo La Croix, thời gian sẽ ngày càng bất lợi cho tập đoàn quân sự tại Mali, cho dù trong hiện tại, giới tướng lĩnh vẫn được một bộ phận xã hội và đối lập chính trị Mali ủng hộ. Tuy nhiên, "hình ảnh ngày càng xấu đi của Mali với quốc tế, khả năng bạo lực tiếp tục gia tăng và các trừng phạt kinh tế của Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (Cedeao) có thể khiến uy quyền của tập đoàn quân sự bị sói mòn nhanh chóng, sẽ buộc các tướng lĩnh phải thương lượng", La Croix dự báo.
Le Figaro ghi nhận, trong lúc căng thẳng ngoại giao Pháp – Mali gia tăng, các lực lượng Pháp trong chiến dịch chống khủng bố Barkhane tại Mali vẫn hoạt động bình thường cứ như không có gì xảy ra. "Thật là nghịch lý !" là câu mở đầu của bài viết. Chủ nhật vừa qua, bộ chỉ huy chiến dịch Barkhane cho biết đã tiêu diệt được "khoảng 60" phần tử thánh chiến trong các hoạt động phối hợp với Burkina Faso, quốc gia cũng vừa trải qua một cuộc đảo chính.
Tuy hoạt động quân sự chống khủng bố vẫn diễn ra bình thường, theo Le Figaro, sau 9 năm can thiệp tại khu vực, "nước Pháp dường như không còn được hoan nghênh tại Mali". Và cùng với Pháp, các đơn vị Châu Âu khác có mặt tại Mali trong khuôn khổ lực lượng chống khủng bố Takuba cũng vậy.
Các nước Châu Âu cần có thái độ như thế nào về tương lai của các lực lượng chống khủng bố tại Mali, nếu giới quân sự Mali chọn lập trường chống đối ? Theo Le Figaro, câu trả lời không hề dễ dàng.
Các nước Châu Âu sẽ không thể bỏ mặc vùng Sahel cho các tổ chức khủng bố, nhưng cũng không thể ở lại Mali với bất cứ giá nào, theo lãnh đạo ngoại giao Liên Âu. Nhiều người hy vọng, giới quân sự Mali "sẽ tỉnh ngộ, khi hiểu rằng họ không thể đi quá xa". Các trừng phạt quốc tế sẽ khiến Mali bị cô lập, khi không có tiền trả cho quân nhân và công chức, giới tướng lĩnh sẽ buộc phải suy nghĩ lại. Tuy nhiên, Le Figaro cũng nhấn mạnh là khó có thể liều lĩnh vạch ra một chiến lược cho tương lai khi dựa trên "sự thay đổi khó lường này" từ phía những người nắm quyền tại Mali.
"Pháp-Mali : Tương lai nào cho chiến dịch Barkhane" cũng là một trong các tựa trang nhất của Libération. Tờ báo đặt Mali trong toàn cảnh khu vực, với nhận định, một khi rút khỏi Mali nước Pháp vẫn có thể duy trì lực lượng chống khủng bố tại Sahel ở một số quốc gia láng giềng, đặc biệt là tại Niger. Và về lâu dài, "giải pháp" cơ bản duy nhất vẫn là các lực lượng quân sự của các quốc gia tại chỗ tự đảm nhiệm vai trò này.
Về tập đoàn quân sự Mali, Libération dẫn một nguồn tin quân sự Pháp, cho hay, hiện tại không biết rõ giới tướng lĩnh muốn làm gì, có muốn các đơn vị Barkhane ra đi hay không ? Điều rõ ràng là giới quân sự Mali tỏ ra kiên quyết đến cùng để làm hài lòng tâm lý dân tộc chủ nghĩa ở Mali. "Tỏ ra rất cương quyết, nhưng không đi quá xa", nguồn tin quân sự nói trên nhận định. Trong bối cảnh này, Libération nhấn mạnh đến quan điểm "tốt hơn hết là nước Pháp nên rút quân trước, rút trước khi bị đuổi ra ngoài".
Pháp nên sớm chủ động rút quân cũng là đánh giá của một trong hai chuyên gia, trả lời phỏng vấn báo La Croix. Theo bà Caroline Roussy, phụ trách chương trình " Afriques " của Viện Quan hệ Quốc tế (Iris), "có rất nhiều khả năng điện Elysée sẽ tuyên bố rút quân". Bởi nếu việc rút quân diễn ra sau khi tập đoàn quân sự yêu cầu, thì tổng thống mãn nhiệm Emmanuel Macron sẽ rơi vào hoàn cảnh rất bất lợi trong lúc tranh cử tổng thống đang diễn ra. Thậm chí, theo chuyên gia Iris, quan hệ xấu đi với Bamako cũng tạo điều kiện cho việc Pháp rút khỏi "vũng lầy Mali", mà không bị nhìn nhận như đầu hàng trước khủng bố thánh chiến.
Ngược lại với quan điểm nói trên, trả lời La Croix, tiến sĩ Aly Tounkara, giám đốc Trung tâm nghiên cứu về An ninh và Chiến lược tại Sahel (CE3S), ở Bamako, cho rằng Pháp không thể nhường sân cho Nga tại Mali. Vị chuyên gia Mali lo ngại, tình hình căng thẳng ngoại giao hiện nay trong bối cảnh tranh cử có thể dẫn tổng thống Pháp đưa ra "những quyết định vội vã". Ông dự báo, chiến dịch Barkhane của Pháp tại Mali "sẽ tiếp tục", nhưng "sẽ có những thay đổi quan trọng trong tương lai gần". Người nói đến việc rút hoàn toàn ngay lập tức lực lượng Barkhane là "không hiểu về lợi ích của Pháp tại Sahel, cũng như không hiểu thế cạnh tranh giữa các cường quốc quân sự khác nhau", trước hết là giữa Pháp với Nga.
Theo tiến sĩ Aly Tounkara, Paris và Bamako rút cục sẽ tìm được đồng thuận trong những vấn đề cơ bản. Quan hệ giữa hai bên sẽ cần được định nghĩa lại và theo hướng đến sự bình đẳng. Nếu tiến trình này không diễn ra, chuyên gia Mali cảnh báo, quan hệ không chỉ xấu đi giữa Mali và Pháp, mà ảnh hưởng của Pháp tại các nước thuộc địa cũ tại Châu Phi cũng xấu đi theo tác động dây chuyền.
Khủng hoảng Ukraine cũng là một chủ đề trang nhất của Le Monde. Nhật báo Pháp xem xét qua một góc nhìn ít được chú ý khác, với vai trò của cường quốc khu vực Thổ Nhĩ Kỳ, qua bài "Nỗ lực tìm quan hệ cân bằng của ông Erdogan tại Ukraine".
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đến Kiev ngày mai. Theo Le Monde, Thổ Nhĩ Kỳ tỏ thái độ ủng hộ Ukraine rõ ràng, nhưng tránh làm Nga tức giận. Ý đồ đứng ra làm trung gian hòa giải căng thẳng Nga – Ukraine của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã bị điện Kremlin gạt đi. Moskva cáo buộc Ankara nuôi dưỡng tinh thần chiến tranh tại Ukraine. Các máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ đã được quân đội Ukraine sử dụng để tấn công lực lượng ly khai thân Nga vùng Donbass hồi tháng 10 năm ngoái. Vào thời điểm đó, tổng thống Nga đã lên án hành động của Thổ Nhĩ Kỳ là "khiêu khích". Thổ Nhĩ Kỳ từng đóng vai trò quan trọng về mặt quân sự trong chiến thắng của chính quyền Azerbaidjan chống lại lực lượng Armenia tại vùng Thượng Karabakh (thuộc lãnh thổ Azerbaidjan, nơi đa số dân là người Armenia) trong cuộc chiến cuối 2020 (trong cuộc chiến này, Nga đóng vai trò trung gian).
Trên thực tế, bất chấp các phản ứng của Nga, chính quyền Erdogan vẫn tiếp tục hậu thuẫn Kiev về quân sự. Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ ắt hẳn sẽ phải đứng về phía phương Tây, lên án Nga, nếu Moskva đưa quân tấn công Ukraine. Thổ Nhĩ Kỳ ở trong một vị thế khó khăn, nếu một xung đột quân sự xảy ra giữa Nga và Ukraine, Ankara sẽ không thể tiếp tục đóng vai trò đứng giữa khối NATO và Nga như hiện nay.
Ukraine cũng là một chủ đề chính của Le Figaro với nhiều bài phân tích. Khủng hoảng Ukraine khiến NATO đoàn kết trở lại bởi phải đối mặt với một kẻ thù chung là Nga. Hungary một mặt tỏ thân thiện với Nga, nhưng mặt khác ủng hộ nhiệt thành cho ý tưởng về "một quân đội Châu Âu" và "sự tự chủ về chiến lược của Châu Âu". Riêng về Ukraine, thủ tướng Hungary tỏ ra thận trọng.
Vẫn về khủng hoảng Ukraine, Le Figaro có một phân tích đáng chú ý khác, với nhan đề "Trận chiến ‘Luân Đôn’ liệu có tránh khỏi ?". Để bảo vệ Kiev, theo Le Figaro, cần phải đề cập đến trận chiến Luân Đôn ("Londongrad"), cụ thể là việc tấn công vào các tỉ phú Nga, bởi nước Anh là nơi ẩn náu của các tài sản ngầm ước tính cả trăm tỉ bảng Anh của giới tài phiệt Nga, theo một số liệu của chính phủ Anh năm 2018.
Tài sản cất giấu của các tỉ phú Nga chủ yếu là ở Anh chứ không phải ở Mỹ, vì vậy, theo Le Figaro, nếu Luân Đôn không cương quyết, thì tuyên bố trừng phạt tài chính đối với tổng thống Nga của tổng thống Mỹ chỉ là lời nói suông, khi những người thân cận với ông Putin đang đặt các tài sản tại Anh. Le Figaro dẫn lại nhận định của một số chuyên gia nhấn mạnh đến mối quan hệ bí ẩn giữa Anh và Nga, khi Luân Đôn là "thủ đô thế giới về rửa tiền".
Nguy cơ chiến tranh Nga – Ukraine nhìn từ Đức là chủ đề bài viết đáng chú ý khác trên Les Echos. Bài "Nỗi sợ chiến tranh mạnh lên tại Đức" cho biết "bất ổn định về địa chính trị" là một trong ba lo ngại chính của người Đức, theo một thăm dò dư luận. 62% người Đức lo ngại bất ổn địa chính trị, chỉ kém hơn chút ít so với tỉ lệ 66% lo ngại về hậu quả dịch bệnh với kinh tế, và 70% về lạm phát.
Theo điều tra của viện Allensbach theo đơn đặt hàng của Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và quản trị, 20% người Đức lo ngại một cuộc xung đột vũ trang, so với chỉ 10% cách nay một năm. Nga được coi là mối đe dọa số một (năm 2019, mối đe dọa chiến tranh số một thuộc về nước Mỹ dưới chính quyền Trump). Trung Quốc là đe dọa số hai.
Về can thiệp của NATO trong khủng hoảng Ukraine, chỉ có 44% người Đức ủng hộ về quân sự trong trường hợp một thành viên NATO bị tấn công. Thái độ này của dân Đức cho thấy vì sao chính phủ Đức lại có một thái độ lưỡng lự trong việc hậu thuẫn các can thiệp quân sự tại các vùng xung đột.
Tình hình đất nước đang dần dần ra khỏi các biện pháp siết chặt phòng dịch là chủ đề trang nhất của Le Figaro : "Covid : cần phải tăng tốc tiến trình dỡ bỏ các giới hạn hay không ?". Le Figaro đặt câu hỏi trong bối cảnh có hai dấu hiệu cho thấy đỉnh của làn sóng dịch thứ năm đã vượt qua. Thứ nhất là số lượng ca dương tính và thứ hai là số lượng ca nhập viện bắt đầu giảm tại Pháp.
Le Figaro có bài xã luận, mang tựa đề "Phóng thẳng đến tự do", hoan nghênh chiến lược phòng chống dịch phù hợp với thực tế của tổng thống Pháp trong hiện tại, khi so sánh với quyết định "dũng cảm" của tổng thống cách nay một năm. Ông Macron đã không nghe theo những tư vấn dự báo các kịch bản tồi tệ, không đưa ra quyết định phong tỏa không cần thiết. Vào thời điểm đó, những người lên án tổng thống Pháp đã có những lời lẽ thậm tệ như tố cáo "bàn tay ông ta vấy máu".
Nhật báo thiên hữu khẳng định diễn biến thực tế đã xác nhận, về mọi mặt, lựa chọn của tổng thống là phù hợp với tình hình. Về các biện pháp tiếp theo, Le Figaro nhấn mạnh là chính phủ nên theo gương Anh và Đan Mạch hướng thẳng về phía trước, dỡ bỏ mọi siết chặt, tổng thống Macron hãy mạnh dạn, bỏ ngoài tai lời của các cố vấn khuyên dỡ bỏ siết chặt với "vận tốc rùa bò".
Trong lúc Le Figaro phấn khởi với không khí tự do đang trở lại, về phần mình, nhật báo thiên tả Libération chú ý đến số phận của những người bị suy giảm miễn dịch, nạn nhân kép của tình trạng phong tỏa ngừa Covid. Những người ghép tạng, bị ung thư, hay những người phải lọc máu… buộc phải sống trong cách ly nghiêm ngặt, bởi "vac-xin ngừa Covid gần như không có tác dụng với họ". Tại Pháp, có 230.000 người trong tình cảnh này.
Libération có hồ sơ chính "Những người bị suy giảm hệ miễn dịch : những nạn nhân vô hình của đại dịch". Xã luận Libération cho biết có đến 15- 30% người nhập viện nặng do Covid là thuộc nhóm những người suy giảm miễn dịch. Để bảo vệ nhóm dân cư nói trên, Libération nhấn mạnh biện pháp căn bản hàng đầu vẫn là tiêm chủng cho những thân nhân của họ.
Lĩnh vực khí hậu là chủ đề chính trang nhất La Croix với chủ đề hệ thống nạp điện xe hơi trong thành phố tại Pháp còn thấp nơi công cộng. Gần 90% xe hơi chạy điện trong hiện tại nạp điện tại nhà hoặc nơi làm việc. Pháp không thực hiện được mục tiêu đầy tham vọng là 100.000 trạm nạp cuối 2021, cho dù tốc độ phát triển năm nay là 64%, so với tỉ lệ 20% trong 3 năm trước đó. Tổng số trạm nạp hiện nay là hơn 53.00 (trong đó có 38% tại những nơi đậu xe, 34% trên đường, 26% tại các trung tâm thương mại). Theo La Croix, Pháp phải tăng tốc bởi đến 2030, dự kiến sẽ có 8 triệu xe chạy điện ở Pháp.
Vẫn liên quan đến khí hậu, Les Echos cho biết khối 27 nước Châu Âu (Liên Hiệp Châu Âu – EU) đạt được một thỏa thuận về việc đưa khí đốt và năng lượng hạt nhân vào danh sách các năng lượng chuyển tiếp sang nền kinh tế Xanh. Quy định về vấn đề sẽ được thông qua hôm nay. Nước Đức đã đạt được mục tiêu việc trợ giá cho khí đốt được giảm bớt nhiều điều kiện, trong lúc điện hạt nhân thì không. Tuy nhiên, điện hạt nhân – đòi hỏi của đa số các nước trong đó có Pháp - đã được đưa vào danh sách, bất chấp nhiều phản đối.
Tòa Kiểm toán Châu Âu : Chính sách thuế của EU không khớp với mục tiêu khí hậu
Tuy nhiên, về mặt khí hậu, thách thức lớn với Liên Âu hiện nay là khối 27 nước vẫn chưa khớp được các hành động và cam kết cụ thể hướng đến mục tiêu ra khỏi năng lượng hóa thạch. Bài "27 nước trước thách thức điều chỉnh thuế phù hợp với mục tiêu khí hậu" giới thiệu kết luận của Tòa kiểm toán Châu Âu, nhấn mạnh việc than đá vẫn được đánh thuế thấp hơn khí đốt. Và tài trợ cho các năng lượng tái tạo dù tăng gấp bội trong những năm gần đây vẫn còn thua tài trợ cho năng lượng hóa thạch. Một giới chức thuộc Tòa kiểm toán Châu Âu nêu nhận định : để giải quyết vấn đề này, cần phối hợp hiệu quả các biện pháp thuế với các biện pháp hỗ trợ tài chính.
Trọng Thành