Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tổng thống Pháp vẫn không loại trừ khả năng phương Tây đưa quân hỗ trợ Ukraine

Trọng Thành, RFI, 06/03/2024

Hôm 05/03/2024, trong chuyến thăm Praha, tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định ông không thay đổi quan điểm về việc phương Tây có thể đưa quân hỗ trợ Ukraine trong trường hợp cần thiết, quan điểm đưa ra hôm 26/02 vốn gây nhiều phản đối trong nội bộ các đồng minh của Ukraine.

phapduc1

Tổng thống Cộng hòa Czech Petr Pavel và tổng thống Pháp Emmanuel Macron duyệt đội quân danh dự tại Praha, Cộng hòa Czech, ngày 05/03/2024. Reuters - David W Cerny

Trong cuộc họp báo chung với nguyên thủ quốc gia Cộng Hòa Czech Petr Pavel, tổng thống Pháp nhấn mạnh ông đưa ra phát biểu gây sốc này nhằm chống lại "tâm lý chủ bại đang rình rập", khi các đồng minh của Ukraine "hàng ngày giải thích về các giới hạn trong lúc tổng thống Nga không từ một thủ đoạn nào". Cần lấy lại thế chủ động trong cuộc đối đầu với Nga, đó là thông điệp chủ yếu của nguyên thủ Pháp.

Thông tín viên Charlotte Urien-Tomaka tường trình từ Praha :

Đối với bộ trưởng quốc phòng Đức, "những lời lẽ của ông Emmanuel Macron sẽ không giúp gì cho việc giải quyết tình hình tại Ukraine". Tuy nhiên, nếu như tổng thống Pháp từ Praha kêu gọi các đồng minh của Ukraine không "chùn bước" trước Nga, thì kết thúc chuyến đi, chính ông Macron cũng đã giải thích rõ là các phát biểu của ông không nhắm riêng nước Đức, mà hướng đến tất cả. 

Theo tổng thống Pháp, cho dù với một số quốc gia, có những giới hạn trong Hiến pháp có thể cản trở việc đưa quân đến Ukraine, nhưng những giới hạn này "không được cản trở hành động". Tổng thống Macron tái khẳng định quan điểm được đưa ra hồi tuần trước về khả năng Châu Âu đưa quân đến Ukraine, đã gây nhiều phản đối. 

Tổng thống giải thích rằng trước đó ông đã nêu khả năng này với lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelensky. "Gánh chịu các thất bại trên thực địa", đó là "điều có nguy cơ xảy ra", "nếu như chúng ta vẫn tiếp tục thụ động như từ hai năm nay".

Tổng thống Macron nhấn mạnh : "Cần phải lấy lại thế chủ động, nếu như chúng ta muốn giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh có ý nghĩa chiến lược này". Nguyên thủ quốc gia Pháp - dự kiến sẽ công du Ukraine vào giữa tháng này - dường như ngày càng muốn khẳng định vai trò lãnh đạo của Paris trong các nỗ lực hậu thuẫn Kiev và trong cuộc đối đầu với Nga. 

Theo AFP, trong cuộc họp báo hôm qua, tổng thống Cộng Hòa Czech đã ủng hộ nguyên thủ quốc gia Pháp khi khẳng định "đồng tình với việc tìm kiếm các biện pháp mới, bao gồm thảo luận về việc đưa quân đến Ukraine", cho dù không nêu khả năng triển khai "các lực lượng tác chiến". Về điểm này, ngoại trưởng Pháp Stéphane Séjourné tối hôm qua, trên kênh LCI, nhấn mạnh quan điểm của tổng thống Macron : "làm cho Nga thất bại trong cuộc chiến này, nhưng không tham chiến trực tiếp chống Nga".

Ngược lại, nước Mỹ giữ khoảng cách với lập trường của tổng thống Pháp. Hôm qua, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby khẳng định, Mỹ "sẽ không đưa quân đến Ukraine", và tổng thống Ukraine cũng "chưa từng yêu cầu các lực lượng nước ngoài đến chiến đấu vì Ukraine". 

Hôm nay, các ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng đồng minh của Ukraine họp trực tuyến để bàn về các hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Kế hoạch mua gần một triệu đạn pháo ngoài Châu Âu cho Ukraine, với khoảng 1,5 tỉ euro, theo sáng kiến của CH Czech, là một trọng tâm của cuộc họp. Pháp đồng ý về nguyên tắc, nhưng chưa công bố mức đóng góp. 

Trọng Thành

****************************

Pháp, Đức bất đồng vào lúc gay cấn cho Ukraine

Thu Hằng, RFI, 06/03/2024

Khi nêu "khả năng phương Tây đưa quân vào Ukraine", tổng thống Pháp khẳng định đã "cân nhắc" từng từ. Trong chuyến công du Praha, Cộng hòa Czech, ngày 05/03/2024, ông Emmanuel Macron kêu gọi các đồng minh của Ukraine "đừng hèn nhát" trước một nước Nga "không còn chặn lại được nữa". Những phát biểu "nhìn vào thực tế" của tổng thống Pháp không được Hoa Kỳ đánh giá cao, đồng thời cho thấy những bất đồng sâu sắc về quan điểm đối với cuộc chiến ở Ukraine.

phapduc2

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Đức Olaf Scholz tại cuộc họp báo sau cuộc gặp tại Hamburg, Đức, ngày 10/10/2023. AP - Markus Schreiber

Ngay sau khi Nga tung đoạn ghi âm lén cuộc hợp giữa các sĩ quan cấp cao của Đức về khả năng cung cấp tên lửa bán tàng hình Taurus cho Ukraine, thủ tướng Olaf Scholz đã bác bỏ ngay khả năng Berlin đưa nhân viên sang Ukraine, cho dù chỉ là cố vấn để lập trình. Trong một buổi phỏng vấn, ông Scholz cũng ám chỉ rằng Anh và Pháp đã cử cố vấn đến Ukraine để hỗ trợ điều chỉnh hai loại tên lửa Storm Shadow và Scalp cung cấp cho Kiev, trong khi theo nhật báo Le Monde ngày 06/03, đây là "chuyện không nên nói trước công chúng".

Đức kiểm soát chặt việc đưa quân ra nước ngoài

Cung cấp tên lửa Taurus cho Kiev sẽ là "một bước đột phá chiến lược", do đó Đức rất thận trọng vì sợ tên lửa sẽ được dùng để tấn công cầu Crimea và như vậy sẽ kéo Đức, cũng như NATO, đối đầu trực diện với Nga. Đây là chủ trương được ông Scholz nhấn mạnh ngay những ngày đầu Nga xâm lược Ukraine : Không để chủ nghĩa xét lại Nga giành chiến thắng, nhưng cũng không để cuộc xung đột biến thành một cuộc chiến trực diện giữa Nga và NATO.

Ngoài ra, Đức quy định chặt chẽ việc đưa quân ra nước ngoài. Trả lời trang Deutsche Welle ngày 28/02, ông Eric-André Martin, tổng thư ký Hội đồng Nghiên cứu Quan hệ Pháp-Đức (Cerfa) tại Paris, đưa ra hai giải thích. Trước tiên, "chính phủ Đức hiện nay là một liên minh và không hẳn có chung quan điểm. Một số người dè dặt về chiến tranh và những hệ quả có thể xảy ra cho người dân".

Ngoài ra, nhiệm vụ của quân đội Đức là bảo vệ lãnh thổ và "thường dè dặt khi được kêu gọi tham gia các chiến dịch ở nước ngoài vì họ vẫn còn giữ ký ức thời Thế Chiến II. Quân đội chịu sự kiểm soát chặt chẽ của Quốc hội. Mỗi một nhiệm vụ ở nước ngoài đều phải được đưa ra bỏ phiếu, trong khi phong trào chủ hòa hoặc tân chủ hòa phát triển mạnh trong tầng lớp chính trị. Nhìn chung, khuôn khổ sử dụng quân đội Đức bị hạn chế hơn so với quân đội Anh hoặc Pháp. Do đó, Đức luôn chú ý hạn chế tối đa sử dụng quân đội".

Nga hưởng lợi từ bất đồng Pháp - Đức

Mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo Pháp, Đức dường như "đang ở mức thấp nhất" và "phản ánh hiện trạng hợp tác ở Châu Âu, hai năm sau cuộc tấn công của Nga", theo nhận định của tạp chí Đức Wirtschaftswoche, được AFP trích dẫn. Trong lời phát biểu khi gây quỹ cho Ukraine, tổng thống Macron ngầm chỉ trích thủ tướng Đức chỉ cung cấp mũ bảo hiểm, túi ngủ cho Ukraine khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược, nhưng giờ lại kêu gọi "phải làm nhanh hơn, mạnh mẽ hơn".

Lời kêu gọi trên của thủ tướng Olaf Scholz ngầm nhắm đến Pháp và Ý, trong khi Đức là nước Châu Âu hỗ trợ nhiều nhất về tài chính và quân sự cho Ukraine. Một người phát ngôn của thủ tướng Scholz giảm nhẹ bất đồng khi cho rằng quan điểm của ông Macron "nhận được ít sự ủng hộ của quốc tế, trong khi Đức nằm trong nhóm lớn có cách nhìn khác", trong đó có Mỹ, Anh, Tây Ban Nha hoặc Ý.

Những bất đồng giữa hai đầu tầu Pháp-Đức lại được thể hiện vào thời điểm gay cấn cho Kiev, do Nga chiếm ưu thế trên chiến trường. Không có viện trợ của đồng minh phương Tây, Ukraine khó trụ vững. Trên đài truyền hình Welt, cựu đại sứ Đức Wolfgang Ischinger cho rằng bất đồng này chỉ có lợi cho tổng thống Nga, bởi vì "vũ khí mạnh nhất của Putin là cãi vã giữa các nước Châu Âu". Còn theo báo Le Monde, Nga đã biết khai thác điểm yếu của Châu Âu, đó là "Đức, được coi là hồng tâm" bởi vì "những trăn trở, băn khoăn của Đức không còn gì là bí mật đối với Putin, từng sống 5 năm ở Đức khi còn là sĩ quan KGB và nói thành thạo tiếng Đức".

Đây chỉ là một trong những bất đồng giữa Pháp và Đức, vì theo nhà nghiên cứu Rym Momtaz, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, còn nhiều bất đồng khác "đang làm suy yếu năng lực của Châu Âu trong việc vượt qua thách thức về an ninh của khối". Đối với Paris, chính sách phòng thủ của thủ tướng Scholz "là xét lại thỏa thuận Pháp-Đức" được đúc kết năm 2017 với thủ tướng Angela Merkel nhằm thúc đẩy chủ quyền của Liên Hiệp Châu Âu. Còn theo Jacob Ross, tổ chức tư vấn DGAP, "nhìn từ Pháp, Olaf Scholz phản bội ý tưởng chủ quyền của Liên Hiệp Châu Âu và làm hỏng di sản chính trị mà Macron muốn để lại vào năm 2027".

Nói tóm lại, dân biểu Đức Thorsten Frei, thuộc phe bảo thủ đối lập, cho rằng "đầu tầu Pháp-Đức bất đồng" vào thời điểm hiện tại không chỉ bất lợi cho Ukraine, mà còn tác động "vô cùng nguy hiểm cho Châu Âu". 

Thu Hằng

Additional Info

  • Author Trọng Thành, Thu Hằng
Published in Quốc tế