Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ấn Độ - Thái Bình Dương : Pháp không có cùng nhịp chèo với Mỹ và Úc

Le Monde, trong bài viết đề tựa "xung đột quan hệ chưa từng có giữa Paris, Canberra và Washington", cho rằng Paris, và trong một chừng mực nào đó là Liên Hiệp Châu Âu, bị "lệch pha" với Washington trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương.

andothaibinhduong1

Tàu ngầm tấn công hạt nhân sẽ giúp Australia có lợi thế trong việc kiềm chế Trung Quốc từ xa. Ảnh minh họa (VTC News)

Thông báo bất ngờ thành lập liên minh AUKUS (Úc – Anh – Mỹ) và tuyên bố ngưng "hợp đồng thế kỷ", mua 12 chiếc tầu ngầm của Pháp trị giá 56 tỷ euro, của thủ tướng Úc Scott Morrison hôm thứ Năm 16/9, chẳng khác gì như một trận động đất. Libération dẫn lời một nhà ngoại giao Pháp tại Úc xin ẩn danh, tinh tế bình phẩm "nếu xếp theo bậc thang Richter cho ngoại giao, thì đòn đấm mà Pháp vừa hứng lấy nằm ở mức cao nhất".

Ai cũng biết những ván cờ đàm phán đôi khi rất "thô bạo" nhưng với nước Pháp, "cái tát đau điếng" này đã vượt quá ngưỡng "có thể chấp nhận được" giữa các đồng minh và điều này có thể gây ra những tổn hại to lớn về niềm tin trong quan hệ giữa các nước. Le Figaro lưu ý, nếu như các cuộc đàm phán bí mật và các thỏa thuận bị cắt đứt trong các hợp đồng mua bán vũ khí không phải là ít, thì việc cố ý gây ra sự cố ngoại giao là hiếm có, vì chẳng ai được lợi gì.

Pháp : Bất đồng về văn hóa, hay ngây thơ về ngoại giao ?

Vì sao nên nỗi ? Marc Finaud, một nhà cựu ngoại giao tại tòa lãnh sự Sydney (2000-2004), trên La Croix nhìn nhận nước Pháp bị bất ngờ do có quá nhiều diễn biến địa chính trị xảy ra trong một thời gian rất ngắn. Ông nói : "Nước Mỹ, đang trong quá trình bắt tay làm việc để đổi mới học thuyết hạt nhân của họ, bất chợt nhận thấy có nhu cầu chấn chỉnh lại hình ảnh của mình sau những hỗn loạn tại Afghanistan. Nước Anh thì muốn đánh bóng lại hình ảnh đất nước qua chiến lược "Global Britain" thời kỳ hậu Brexit".

Nhưng đối với nhà sử học về quân sự, ông Romain Fathi, giáo sư trường đại học Flinders, được Libération trích dẫn, đó là do xung đột văn hóa. Nước Pháp thiếu tầm nhìn thực tiễn và có rắc rối trong giao tiếp. Phía Úc cần một quy trình, lịch trình rõ ràng cụ thể. Còn với Pháp, kết quả mới là điều đáng quan tâm, cho dù phương pháp có hơi lộn xộn.

Quan điểm này không được Natanael Bloch, chuyên gia về khủng hoảng giao tiếp, đồng chia sẻ. Theo ông, phía Úc đã thiếu sự minh bạch, khiến Pháp không đoán được có sự thay đổi trong lập trường. Nói một cách nôm na, như thừa nhận của một nguồn ngoại giao Pháp, khủng hoảng ngoại giao lần này là hệ quả của một cuộc đối thoại giữa hai người điếc, nhưng không ngờ là có thể đi đến một kết cục như thế !

Về điểm này, Le Monde có một cái nhìn sâu sắc hơn. Tuy không nói thẳng, nhưng nhật báo phần nào cho thấy cảm nhận về sự ngây thơ, tính thiếu chuyên nghiệp, thiếu nhạy bén của nền ngoại giao Pháp. Những tấm ảnh về thượng đỉnh G7 tại Cornouailles, Anh Quốc, hồi tháng 6/2021, thời điểm quan trọng cho các cuộc đàm phán bí mật giữa ba nước cho thấy một Boris Johnson hớn hở, bên cạnh đồng nhiệm Úc Scott Morrison gương mặt tươi cười cùng nhìn về phía Joe Biden, đã không làm cho Pháp dấy lên một chút nghi vấn ?

Để rồi ba tháng sau, Paris ngỡ ngàng hiểu ra rằng chủ đích thật sự của cuộc gặp đó là để chuẩn bị thay thế những chiếc tầu ngầm theo quy ước của Pháp bằng những chiếc tầu ngầm năng lượng hạt nhân của Mỹ.

Đối với Paris, "hợp đồng thế kỷ" này không chỉ đơn giản là một thương vụ mua bán vũ khí, mà còn mang ý nghĩa đối tác chiến lược trong dài hạn, có thể ví như là một hợp đồng "hôn phối dài 50 năm". Nước Úc cùng với Ấn Độ là hai cột trụ chính cho chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Pháp. Thông báo hủy bỏ hợp đồng cũng đồng nghĩa với việc đặt lại nghi vấn về chiến lược này của Paris.

Ấn Độ - Thái Bình Dương : Pháp và Mỹ không cùng nhịp

Nhưng ý đồ của Mỹ thúc đẩy Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương NATO chống lại những tham vọng của Trung Quốc không phù hợp với những lợi ích của Châu Âu và nhất là điện Elysée. Le Monde nhắc lại, ngày 10/06/2021, tổng thống Emmanuel Macron, bên lề thượng đỉnh NATO, từng cho rằng "Trung Quốc không nằm trong vùng địa lý Đại Tây Dương". Theo Paris, "Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương không là Hiệp ước Nam Thái Bình Dương".

Do vậy, chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Pháp ít mang tính đối đầu hơn so với chiến lược của Mỹ, nhằm dàn xếp các mối quan hệ với Trung Quốc. Đối với Châu Âu, đây cũng là cách để không bị rơi vào chiếc bẫy đối đầu giữa Bắc Kinh và Washington. Nhưng "hướng đi thứ ba" này của Pháp đã bị Mỹ phản bác. Hơn nữa, trong nhãn quan của Washington, Liên Hiệp Châu Âu không là một tác nhân chính trị quan trọng, do khối này thiếu sự đoàn kết và không có thế mạnh.

Nhìn từ Châu Âu, việc ông Joe Biden không ngừng ca tụng mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương vững chắc, xúc tiến các cơ chế đa phương, tham vấn các đồng minh, các giá trị dân chủ và luật lệ quốc tế, chỉ là những lời lẽ hoa mỹ, mù mờ. Sự nhẹ nhõm có được sau thất bại của Donald Trump đã nhanh chóng tan biến. Tính chất thô bạo và phương pháp đơn phương hành động mà Nhà Trắng đang áp dụng đối với các đồng minh Châu Âu cho thấy rõ có một sự tiếp nối từ đời tổng thống này đến đời tổng thống khác.

Le Monde nhắc lại, kể từ khi ông Biden bước chân vào Nhà Trắng, nhiều hồ sơ quốc tế mà Mỹ tiến hành đã khiến Châu Âu hụt hẫng : Vụ đơn phương thông báo rút quân khỏi Afghanistan mà không tham khảo ý kiến đồng minh ; duy trì lệnh cấm công dân Châu Âu, dù đã được tiêm đủ hai liều, được nhập cảnh Mỹ và nhất là việc đặt nước Pháp trước sự đã rồi khi thông báo thành lập liên minh quân sự với Úc và Anh.

Giờ đây, trong sự ngỡ ngàng, Paris tố cáo các đồng minh là dối trá. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian trên kênh truyền hình France 2, đã có những lời lẽ gay gắt chưa từng thấy, chỉ trích nước Úc là "lá mặt lá trái", "phá vỡ niềm tin", "khinh thường" và cho triệu hồi đại sứ hai nước Mỹ và Úc để tham khảo. Nhưng mỉa mai thay, "cơn phẫn nộ này của Pháp không làm cho Mỹ có chút động lòng" và "Mỹ vẫn khẳng định không đối xử tệ nước Pháp", Le Figaro chua chát ghi nhận.

Nước Pháp cô độc, cường quốc thứ yếu ?

Giới chuyên gia tại Pháp đều đồng tình rằng, trong cuộc khủng hoảng này, Pháp cần phải bày tỏ cơn phẫn nộ của mình. Tuy nhiên, bà Celia Belin, nhà nghiên cứu Viện Brookings tại Washington, lưu ý với Le Monde rằng Paris cũng "chẳng được lợi gì khi đối đầu công khai như đã từng làm hồi năm 2003 vào thời điểm xảy ra cuộc chiến tranh Iraq". Trong dài hạn, "vụ việc này sẽ có những tác động, để thuyết phục Châu Âu rằng Hoa Kỳ yêu cầu các nước đồng minh phải toàn tâm đi theo Mỹ, nếu không sẽ bị đẩy ra ngoài. Đường hướng của Pháp, tự khẳng định mình như là một đồng minh tự chủ và khả tín, khó mà trụ được".

Liệu rằng các đồng minh có đi theo dưới trướng của Mỹ hay không ? Câu hỏi này hiện khó trả lời. Tuy nhiên, quyết định của Mỹ mang lại "cảm giác có những đồng minh hàng đầu và thứ cấp tùy theo điều được Mỹ cho là ưu tiên chính", theo như phân tích của hai chuyên gia Alexandra de Hoop Scheffer và Martin Quencez, thuộc tổ chức tư vấn Đức Quỹ Marshall (German Marshall Fund – GMF), được Le Figaro trích dẫn.

Thế nên, tờ La Croix mới đặt câu hỏi : Trong một thế giới một lần nữa bị phân hóa thành hai cực, đâu là vị trí của một nước Pháp đơn độc ? Jean-Philippe Grange, một nhà ngoại giao, chua chát ghi nhận : "Cho dù chúng ta có biết được ý định của Úc, chúng ta có thể đề nghị được gì để thay đổi diện mạo ? Chúng ta có thể thổi phồng sự việc, nhưng chúng ta không đấu boxe trong cùng một hạng với Mỹ".

Do vậy, ông Dominique Moisi, cố vấn đặc biệt của Viện Montaigne, trong bài viết đăng trên Les Echos, cho rằng Pháp nên rút tỉa các bài học qua vụ việc này. Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Paris có thể xem như là một giải pháp thay thế để các nước Châu Mỹ Latinh hay Châu Á không phải chọn khối nào để theo.

Giờ đây, Châu Á trước mối đe dọa từ Trung Quốc còn các nước Đông – Trung Âu đối mặt với mối họa Nga, ai sẽ chọn Paris thay vì là Mỹ - quốc gia vẫn được cho là có đủ năng lực quân sự - tài chính để cung cấp một sự bảo vệ như những nước đó cần ?

Nước Pháp tồn tại trên bình diện địa chính trị, nhưng tự thân nước Pháp không có đủ trọng lượng. Liên Hiệp Châu Âu có thể có một vị thế nào đó, nhưng lại không tồn tại (hoặc rất ít) trên bình diện địa chính trị. Thế nên, ông Dominique Moisi tin rằng trước những thách thức này, Paris tốt hơn hết nên giữ vai người báo động. Đương nhiên, tổng thống Macron không phải là Thánh cũng không phải là Thần, nhưng ông có bổn phận kêu to mối quan ngại chính đáng của mình vào thời điểm cuộc đối đầu Mỹ - Trung đi vào một giai đoạn mới.

Một điều thấy rõ, trong cuộc khủng hoảng này, Paris đã không có được sự ủng hộ từ khối 27 nước thành viên. Đáng chú ý là sự im lặng từ phía Berlin. Dù nước Pháp muốn làm cho các nước khác tin rằng "vụ việc này không đơn thuần là một thương vụ song phương, mà còn là vấn đề chiến lược của Châu Âu", đồng thời đặt nghi vấn về "tính khả tín của đối tác Mỹ", nhưng cho đến hiện tại, Paris vẫn chưa nhận được một dấu hiệu tỏ tình liên đới nào.

Tóm lại, tướng De Gaulle đã từng nói : "Nhà nước thì không có bạn, họ chỉ có các lợi ích mà thôi !".

Minh Anh

Published in Quốc tế