Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Gián điệp : Phản gián Pháp phá vỡ mạng lưới tình báo Trung Quốc

Vụ thủ tiêu nhà báo đối lập Khashoggi đang làm rung chuyển hoàng gia Saudi Arabia, giá dầu hỏa tăng như phi tiễn, Mỹ-Nga sẵn sàng chạy đua võ trang là thời sự được bình luận rộng rãi trên báo chí Pháp ngày 23/10/2018.

spy1

Minh họa bài viết trên Le Figaro ngày 23/10/2018 về mạng lưới gián điệp Trung Quốc nhắm vào các công dân Pháp (Capture d'image lefigaro.fr)

Riêng Le Figaro dành nhiều trang tường thuật các phương pháp tiếp cận của mạng lưới gián điệp Trung Quốc, mua chuộc chuyên gia trẻ của Pháp phục vụ cho Bắc Kinh.

Le Figaro chạy một loạt tựa trên ba trang lớn : Bằng cách nào Trung Quốc dò xét Nhà nước, xí nghiệp của Pháp ? Chiến thuật của Trung Quốc đánh cắp di sản quốc gia và bí mật kinh tế của Pháp ? Phản gián và tình báo Pháp đối phó ra sao ? Sở mật vụ Anh, Đức, Mỹ hành động như thế nào trước kế hoạch gián điệp toàn cầu của bộ máy công an Trung Quốc ?

Theo điều tra của nhật báo cánh hữu, hơn 4.000 chuyên gia, công chức, tư chức của Pháp là mục tiêu địch vận của tình báo Trung Quốc qua các mạng xã hội. Chiến thuật "nhử mồi" rất đơn giản và qua từng bước một. Đầu tiên là được một nhân vật bí ẩn ở "Châu Á" tiếp cận xã giao, khen ngợi tài năng rồi mời đi nghỉ hè miễn phí ở một thiên đường du lịch xa xôi Châu Á, bàn về dự án "lập công ty hay nhóm nghiên cứu chiến lược với những nhân tài hàng đầu thế giới mà Trung Quốc, một nước đang phát triển rất cần".

Cách biệt Paris ồn ào, căng thẳng, hàng chục ngàn cây số, một công chức tuổi trẻ tài cao nào mà không tránh khỏi cạm bẫy ? Trung bình, một con mồi được hứa tiền thù lao ít nhất là 300.000 euro mỗi năm nếu chấp nhận "cộng tác" với Bắc Kinh. Một sinh viên Pháp mới ra trường, hoạt động tình nguyện trong một sứ quán Pháp tại Châu Á cho biết anh nhận được hàng chục mail qua Linkedin, từ hàng chục "văn phòng tuyển mộ và viện nghiên cứu Trung Quốc".

Chi tiết đáng chú ý là thông điệp giống nhau từ nội dung đến cách hành văn. Theo Le Figaro, trong Bộ Công an Trung Quốc, cơ quan đặc trách tình báo có một lực lượng nhân sự khổng lồ gần 200.000 người (trong khi toàn thể nhân viên tình báo và phản gián của Pháp cộng lại chỉ có 10.000 người). Từ thành phố Trấn Giang, ở phía nam Thượng Hải, các điệp viên Trung Quốc núp dưới những tên giả để câu mồi. Đây là những cao thủ về giao tế, nam cũng như nữ đóng vai "người trẻ vui tính, học thức cao, tốt nghiệp đại học danh tiếng...". Qua tấm ảnh một phụ nữ xinh đẹp sang trọng, người mang bí danh Joan Li đã tiếp cận 324 cán bộ, công chức Pháp trước khi bị phản gián Pháp "nướng cháy".

Theo kết quả điều tra của phản gián Pháp, trong số 4.000 công dân bị Trung Quốc tiếp cận, hàng trăm người "đã rơi vào tiến trình hợp tác khá sâu". Để giúp cho những công dân qua khỏi "thời kỳ phạm tội vì ngây thơ", cơ quan phản gián Pháp quyết định "đánh mạnh" : ăn miếng trả miếng, bất chấp hậu quả.

Ngoài dụng ý đánh cắp công nghệ hay bắt chước sản phẩm, Trung Quốc còn "để mắt" đến bằng sáng chế của Tây phương. Trước chiến lược gài bẫy toàn cầu của tình báo Trung Quốc, từ năm 2015 các cơ quan phản gián Đức, Mỹ và Anh đã công khai báo động, tố cáo Bắc Kinh.

Đương nhiên, Trung Quốc lúc nào cũng phủ nhận. Khi vụ gián điệp ở Thụy Điển bị bại lộ vào năm 2005, một nhà ngoại giao Trung Quốc tuyên bố : "Sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế Trung Quốc làm cho nhiều người ganh ghét và nghĩ rằng Trung Quốc đánh cắp kiến thức của nước ngoài". Theo kết luận của Le Figaro : Lời thú nhận khéo léo này chứng tỏ chiến tranh gián điệp còn nhiều tương lai.

Vụ gián điệp Nga Skripal

Cũng trong hồ sơ gián điệp, trong bài "Skripal, tiểu thuyết gián điệp" Le Monde chọn nước Nga để đưa độc giả đến tận thành phố tên là Yaroslavl, cách Moskva 300 cây số về hướng đông bắc, gặp những bà con, thân nhân của của cựu đại tá tình báo quân đội Sergei Skripal, nạn nhân của một vụ đầu độc hồi tháng Ba tại Anh Quốc.

Đặc phái viên của Le Monde phác hoạ lại cuộc đời thăng trầm của cựu đại tá Skripal, thân phụ là sĩ quan pháo binh, từ thuở ấu thơ cho đến lúc gia nhập tình báo, hợp tác với phản gián Anh, bị bắt, được trao đổi rồi bị đầu độc. Nhân vật bị tổng thống Putin gọi là "thằng khốn kiếp" vẫn được thân nhân thương yêu.

Nghi án Saudi Arabia thủ tiêu Khashoggi

Hồ sơ chiếm tất cả các trang báo Pháp là nghi án chính quyền Saudi Arabia trực tiếp thủ tiêu nhà báo đối lập. Áp lực gia tăng, thái tử nối ngôi Mohammad bin Salman bị Thổ Nhĩ Kỳ điểm mặt, tựa của Les Echos. Làn sóng chấn động lan truyền khắp thế giới, Le Monde khẳng định : Donald Trump nghi Riyadh nói dối, cho dù MbS là "đồng minh rất quan trọng". Paris, Luân đôn, Berlin đòi Saudi Arabia phải làm sáng tỏ sự thật.

Trong bài xã luận "Khashoggi và sự khả tín của các nền dân chủ" Le Monde cho biết Ryadh phải sử dụng đến ngoại trưởng Al Joubeir, tham gia các chương trình phỏng vấn truyền hình, để tìm cách xoa dịu công luận, đổ lỗi cho một số cận thần che giấu thái tử. Đây là lần thứ hai nhân vật có tài hùng biện bay sang Mỹ để phục hồi uy tín hoàng gia đang bị tan nát. Lần thứ nhất là sau loạt khủng bố 11/09/2001 trên lãnh thổ Hoa Kỳ.

Tuy nhiên theo Le Monde, chế độ Saudi Arabia không phải là kẻ duy nhất bị mất uy tín. Các nền dân chủ Tây phương cũng đứng trước vũng bùn. Trước hết là tổng thống Mỹ. Donald Trump tỏ ra lá mặt lá trái. Từ đầu, chủ nhân Nhà Trắng ưu tiên cho mối quan hệ tốt với Riyadh, cột trụ trong chiến lược Trung Đông của Mỹ, đối đầu với Iran. Donald Trump muốn dành một lối thoát cho thái tử nối ngôi, đổi lại những hợp đồng mua vũ khí 110 tỷ đôla.

Nhưng Quốc Hội Mỹ không chấp nhận như thế và dọa sẽ trừng phạt Riyad. Bộ trưởng Tài chính Mỹ đành phải bỏ ý định tham gia diễn đàn kinh tế do chính thái tử MbS tổ chức vào ngày 23/10 nhưng vẫn lên đường sang Riyadh để gặp chính quyền Saudi Arabia trong bối cảnh chỉ còn hai tuần là đến ngày lệnh trừng phạt Iran đi vào hiệu lực.

Trong khi đó, các nước Liên Âu tỏ ra cứng rắn hơn. Anh, Pháp, Đức đồng lòng yêu cầu Riyadh làm "sáng tỏ" vấn đề và dứt khoát bác bỏ giả thuyết của chế độ, theo đó, thái tử MbS không hay biết gì. Một khi tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận "kịch bản" giết người do toán đặc nhiệm của Riyadh gửi qua để thủ tiêu nhà báo đối lập ngay trong toà lãnh sự, thì lập trường nước đôi của Donald Trump không thể đứng vững được : không thể chỉ trừng phạt nước Nga vì chuyện đầu độc cựu điệp viên Skripal mà lại dung thứ cho Saudi Arabia ám sát một nhà đối lập lưu vong.

Dầu hỏa tăng giá

Trong bối cảnh Trung Đông bất trắc, giá dầu hỏa tiếp tục leo thang gây lo ngại cho kinh tế toàn cầu. Hoa Kỳ tìm cách tránh cho vàng đen lên giá, tựa của Le Monde. Nhưng Les Echos bi quan đưa ra ba lời giải thích vì sao giá một thùng dầu thô có thể lên đến 100 đôla, bởi vì không một cản lực nào chận lại được.

Thứ nhất là do tổ chức dầu hỏa thế giới OPEP, với thúc đẩy của Nga, quyết định giảm sản xuất để nâng giá. Thứ hai là do Mỹ cấm vận Iran và thứ ba là do tình hình năng lượng Mỹ : tiềm năng gia tăng khai thác dầu từ khí đá đã không còn nữa.

Hiệp ước INF

Tình hình thế giới càng bất trắc hơn vì quyết định của Nhà Trắng rút bỏ hiệp định tên lửa hạt nhân tầm trung ký với Moskva cách nay hơn 30 năm, vì điện Kremlin không tôn trọng, theo lập luận của Nhà Trắng. Le Figaro cho rằng thế giới đang ở trong tình trạng không khác gì chiến tranh lạnh : Trump và Putin đều sẵn sàng chạy đua vũ trang nguyên tử.

Hàng ngàn người nhập cư đi bộ vào Mỹ

Vào lúc các đại cường chỉ quan tâm đến vũ khí và chiến tranh thì cuộc sống bất an tiếp tục đẩy hàng trăm ngàn người đi tìm miền đất hứa. Với tựa "Đoàn lữ hành di dân nhắm hướng nước Mỹ đi tới", La Croix cũng như đặc phái viên của Le Figaro theo chân "7200 người Honduras nay đã tới Mexico và tiếp tục tiến về phía bắc", sau khi cảnh sát Mexico tháo dỡ rào cản. La Croix cho biết thêm, đoàn lữ hành còn phải đi bộ thêm 3200 km và sẽ đến biên giới Mỹ trong 27 ngày tới. Trong mùa bầu cử giữa kỳ, đón hay không đón di dân là một hệ quả chính trị đang được theo dõi. Đảng Dân chủ kỳ vọng vào lá phiếu của cử tri gốc Nam Mỹ nhưng thành phần này, cho đến các cuộc bầu cử Quốc hội gần đây, đi bầu không đông : 27% so với 40% người da đen và 45,8% người da trắng. Phản ứng cứng rắn của tổng thống Donald Trump là chuyện dễ hiểu.

Brazil trong cơn bão tố chính trị

Cũng về thời sự Châu Mỹ Latinh, Libération thiên tả, dành một bài phóng sự dài để phân tích tương quan giữa phong trào Tin lành Phúc âm, phát triển mạnh lấn đất của Giáo hội Công giáo, và thế đang lên của phe chính trị bảo thủ mà đại diện là ứng cử viên tổng thống Brazil Jair Bolsonaro.

Ung thư và nông phẩm hữu cơ

Trang khoa học trên Le Figaro cho độc giả một thông tin phấn khởi : nông phẩm không thuốc trừ sâu và phân hóa học mà Việt Nam gọi là nông phẩm "hữu cơ" được xác nhận là giúp tránh ung thư. Tạp chí y khoa Jama Internal Medecine, qua khảo sát 70.000 người trong 7 năm cho thấy nguy cơ bị ung thư giảm theo tỷ lệ nghịch với lượng thực phẩm "bio" tiêu dùng.

Tú Anh

Published in Quốc tế