Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Putin hứa sẽ cải thiện đời sống của dân Nga (RFI, 20/02/2019

Hôm 20/02/2019, trong bài diễn văn thường niên đọc trước Quốc hội Nga, tổng thống Vladmir Putin đã hứa với dân Nga sẽ cải thiện tình hình của họ "ngay từ năm nay", vào lúc uy tín của ông đang xuống đến mức thấp nhất do nỗi bất mãn của người dân trước tình trạng mức sống không ngừng sụt giảm.

putin1

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trước Nghị viện Nga tại Moskva ngày 20/02/2019. Sputnik/Alexei Nikolsky/Kremlin via Reuters

Đây là bài diễn văn đầu tiên của ông Putin trước Quốc hội Nga kể từ khi ông tái đắc cử tổng thống với đa số áp đảo tháng 03/2018, cho nhiệm kỳ thứ tư, và cũng là nhiệm kỳ cuối cùng của ông, theo quy định của Hiến Pháp.

Nếu như năm ngoái tổng thống Putin dành phần lớn bài diễn văn trước Quốc hội để nói về các vũ khí mới "bất bại" của Nga, thì trong bài phát biểu hôm nay, tổng thống Putin tập trung vào các vấn đề kinh tế và xã hội của nước Nga, nói nhiều về gia đình, hệ thống y tế và giáo dục. Đặc biệt, ông Putin loan báo những biện pháp trợ cấp cho các gia đình để thúc đẩy tỷ lệ sinh sản ở Nga.

Tuy nước Nga đã ra khỏi thời kỳ suy thoái 2015-2016, nhưng sức mua của dân Nga tiếp tục sụt giảm và thu nhập của họ vẫn ở mức rất thấp. Người dân càng thêm bất mãn sau khi chính phủ Nga loan báo kế hoạch cải tổ hệ thống hưu trí và tăng thuế giá trị gia tăng từ 18% lên 20%.

Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vào đầu tháng 2, chính phủ Nga đã công bố kế hoạch huy động hơn 340 tỷ euro cho các dự án cơ sở hạ tầng. Nhưng năm nay, theo dự báo, kinh tế Nga sẽ tăng trưởng chậm lại.

Theo kết quả một cuộc thăm dò mới nhất, tỷ lệ được lòng dân của tổng thống Putin vào tháng Giêng đã sụt giảm còn 64%, mức thấp nhất kể từ khi nước Nga sát nhập vùng Crimée cách đây 5 năm. Khi tái đắc cử tổng thống năm ngoái, uy tín của ông Putin lên tới 80%.

Về quốc phòng, trong bài diễn văn hôm nay, tổng thống Putin loan báo là Nga dự tính triển khai các tên lửa có thể bắn tới các lãnh thổ có đặt những trung tâm quyết định về tên lửa đe dọa an ninh của Nga. Đây là phản ứng của Matxcơva trước việc Hoa Kỳ triển khai các tên lửa ở Châu Âu.

Thanh Phương

****************

Công ty Nhật rời Anh Quốc, hệ quả nhãn tiền của Brexit mù mờ (RFI, 20/02/2019)

Giữa lúc hồ sơ Brexit đang bế tắc, chính phủ Anh đôn đáo tìm mọi cách dàn xếp lại thỏa thuận với Liên Hiệp Châu Âu, một loạt các công ty lớn của Nhật, từ Sony, Panasonic, Nissan, đến Honda, ở các mức độ khác nhau, đang nói lời chia tay sớm với Anh Quốc. Những cảnh báo đang trở thành hiện thực khi điều kiện thỏa thuận Brexit vẫn còn mù mờ, không chắc chắn.

putin2

Nhà máy của Honda ở Swindon, Anh Quốc. Ảnh 18/02/2019. Reuters/Eddie Keogh

Ngày 19/02/2018, nước Anh thực sự choáng váng sau thông báo của hãng xe hơi Honda quyết định đóng cửa vào năm 2021 nhà máy duy nhất của hãng tại Swindon, miền nam đất nước. Như vậy, 3.500 lao động của cơ sở sản xuất và hàng nghìn lao động của những doanh nghiệp thầu phụ cho nhà máy Honda trên đất Anh bị đe dọa.

Thông tín viên Muriel Delcroix tại Luân Đôn cho thông tin :

"Đóng tại Swindon từ hơn 30 năm nay, riêng nhà máy Honda này chiếm 10% lượng xe hơi chế tạo tại Vương Quốc Anh. Thông báo đóng cửa nhà máy đã khiến người dân trong vùng nháo nhác. Đại diện công đoàn Unite, ông Alan Tomala, lo ngại kinh tế địa phương sẽ bị tàn phá. Ông nói : "Honda không chỉ là chủ lao động lớn nhất của Swindon, mà còn cả của vùng tây nam này. Mất một công việc trong nhà máy này là kéo theo mất 2 đến 3 việc khác trong dây chuyền sản xuất. Thực sự đây là một tai họa mới…"

Nếu người ta tính tới các công việc bị tác động thì sẽ có khoảng 10.000 chỗ làm bị đe dọa. Honda nhấn mạnh quyết định của hãng không liên quan gì đến Brexit, nhưng nhiều chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất xe hơi đã nghĩ ngược lại.

Ông Jim Holder, giám đốc tạp chí về xe hơi "What Car ?", nhận định : "Rõ ràng là Brexit đã có vai trò trong quyết định này, cho dù có thể không phải là lý do chính. Nhưng khi ra quyết định dài hạn trong ngành xe hơi đầu tư hàng tỷ đô la cho sản xuất trong 10 năm, thì một chút bất trắc cũng dẫn đến vấn đề lớn…"

Thông báo của Honda được đưa ra không lâu sau khi các hãng xe như Nissan, Jaguar Rover và Ford thông báo cắt giảm sản xuất tại Vương Quốc Anh và rất nhiều người Anh đang mong chính phủ thoát khỏi nhanh nhất bế tắc hiện nay trong hồ sơ Brexit".

Ban lãnh đạo Honda và các dân biểu địa phương đã nhanh chóng thanh minh rằng quyết định của Honda không liên quan gì đến hồ sơ Brexit và giải thích sự lựa chọn của hãng xe là do nhu cầu phải tổ chức lại cho thích ứng với những thay đổi của thị trường toàn cầu. Thế nhưng, việc đóng cửa một nhà máy lớn, chiếm một tỷ trọng đáng kể trong nền kinh tế Anh, được thông báo khi mà chỉ còn 38 ngày nữa tới hạn nước Anh phải rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu mà vẫn còn chưa biết ra đi theo cách nào. Đây rõ ràng là một tín hiệu rất xấu cho chính phủ bảo thủ của bà Theresa May.

Trong khi đó các chuyên gia kinh tế khẳng định viễn ảnh Brexit, và đặc biệt là Brexit không thỏa thuận, đang ám ảnh các nhà đầu tư Nhật Bản tại Anh, buộc họ phải khẩn trương hơn tính đến giải pháp rời bỏ thị trường Anh.

Hiện có khoảng 1.000 doanh nghiệp Nhật hoạt động tại Anh và sử dụng khoảng 140.000 lao động của đảo quốc này. Các nhà đầu tư Nhật đến cắm chân ở nước Anh khá sớm.

Theo ông Seiji Sugiura, nhà phân tích thuộc Viện Nghiên Cứu Tokai Tokyo, các nhà chế tạo xe hơi Nhật hồi thập niên 1980 đã chọn nước Anh làm căn cứ chính của họ ở Châu Âu bởi nước Anh có một môi trường đầu tư thuận lợi, thuận tiện cho việc đưa hàng vào Âu lục. Nhưng tình hiện nay đã hoàn toàn khác, nhà phân tích Sugiura nhấn mạnh, các nhà đầu tư Nhật cũng có tính toán khác.

Không chỉ có các hãng xe hơi Nhật cắt giảm sự hiện diện, nhiều ngân hàng lớn của của Nhật đang rút dần khỏi Luân Đôn. Các tập đoàn công nghiệp lớn như Toshiba, Hitachi cũng lần lượt cắt giảm các hoạt động trong các dự án lớn ở Anh Quốc trong thời gian gần đây, với lý do khó khăn tài chính. Rồi đến lượt Sony và Panasonic, hai biểu tượng của công nghiệp điện tử Nhật, trong năm ngoái, cũng lần lượt dời trụ sở ở Anh sang các nước Châu Âu, vì lý do hành chính hoặc thuế khóa.

Cho dù Brexit có phải là lý do chính dẫn đến các quyết định như vậy hay không, nhưng nó cho thấy một điều chung là các nhà đầu tư Nhật giờ đây nhìn nước Anh như là mảnh đất đầu tư ẩn chứa nhiều rủi ro. Thực trạng này báo hiệu sẽ còn nhiều công ty từng lấy Anh làm căn cứ ở Châu Âu rất có thể sẽ rút lui khỏi xứ sở sương mù, nhất là khi các điều kiện Anh chia tay với Liên Hiệp mù mờ hoặc không thỏa thuận.

Chuyên gia Sugiura quả quyết : "Brexit không rõ ràng đang ngăn cản đầu tư mới. Đầu tư vào Vương Quốc Anh dường như giờ không còn hấp dẫn nữa".

Anh Vũ

*******************

Nhà sáng lập Hoa Vi : Thế giới "không thể thiếu chúng tôi" (RFI, 19/02/2019)

Trước sức ép tiếp tục gia tăng của Mỹ trên Hoa Vi, một lần nữa, người sáng lập tập đoàn viễn thông hàng đầu của Trung Quốc lại lên tiếng. Trong một bài phỏng vấn được đài truyền hình Anh Quốc BBC phát đi vào hôm nay, 19/02/2019, tỷ phú Nhậm Chánh Phi không ngần ngại cho rằng Hoa Kỳ sẽ không thể "đè bẹp" tập đoàn của ông vì "thế giới không thể thiếu Hoa Vi".

putin3

Kiểm tra điện thoại cầm tay Hoa Vi tại kho hàng ở Madrid, Tây Ban Nha ngày 07/02/2019. Reuters/Juan Medina

Đối với nhà sáng lập tập đoàn Trung Quốc, sở dĩ thế giới cần đến Hoa Vi, đó là vì tập đoàn của ông "tiến bộ hơn" so với các đối thủ cạnh tranh.

Dĩ nhiên là ông Nhậm không nói gì về các cáo buộc của bộ Tư Pháp Mỹ nhắm vào Hoa Vi liên quan đến các thủ đoạn ăn cắp bí mật thương mại của đối thủ, thậm chí còn nghiễm nhiên thiết lập một chế độ thưởng công cho những ai đánh cắp được bí mật công nghệ của đối thủ cạnh tranh.

Trả lời phỏng vấn, nhà sáng lập Hoa Vi khẳng định : "Nếu đèn tắt ở phương Tây, phương Đông vẫn sẽ tỏa sáng" và Mỹ "không đại diện cho cả thế giới".

Về vụ bắt giữ con gái ông, bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính Hoa Vi, ông Nhậm Chánh Phi đã tố cáo một hành vi mang "động cơ chính trị".

Theo nhận định của hãng tin Pháp AFP, thường khi rất kín đáo, nhà sáng lập Hoa Vi đã phải xuất đầu lộ diện trong những tháng gần đây trước áp lực ngày càng lớn trên tập đoàn của ông.

Tại nhiều quốc gia, Hoa Vi bị nghi ngờ có quan hệ với tình báo Trung Quốc. Đây cũng là mục tiêu của một chiến dịch khốc liệt từ Washington, muốn thuyết phục các đồng minh từ bỏ việc sử dụng thiết bị của Hoa Vi.

Vào cuối tuần trước, tại hội nghị an ninh Munich (Đức), phó tổng thống Mỹ Mike Pence đã kêu gọi các đồng minh Châu Âu đề cao cảnh giác trước mối đe dọa đến từ Hoa Vi.

Lời kêu gọi này vào hôm qua đã bị Bắc Kinh cực lực đả kích. Theo hãng tin Mỹ AP, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã lên án việc "chính quyền Mỹ cố tạo ra cái cớ để ngăn chặn sự phát triển chính đáng" của các doanh nghiệp Trung Quốc, dùng các "công cụ chính trị" để can thiệp vào hoạt động kinh tế, một hành vi "đạo đức giả và bắt nạt một cách bất công".

Dẫu sao thì nỗ lực của Hoa Kỳ có dấu hiệu chỉ thành công tương đối mà thôi. Một ví dụ cụ thể mới nhất liên quan đến New Zealand. Vào năm ngoái, chính quyền Wellington đã từ chối yêu cầu đầu tiên của Spark, tập đoàn viễn thông chính của đất nước này, xin được sử dụng thiết bị của Hoa Vi.

Tuy nhiên vào hôm nay, thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã xác định trở lại rằng tập đoàn Trung Quốc "chưa hề" bị loại vĩnh viễn khỏi dự án triển khai mạng 5G tại quốc gia vùng Châu Đại Dương này.

Mai Vân

Published in Quốc tế