Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ukraine : Tội đồ chiến tranh Putin, anh hùng dân tộc Zelensky

Những thảm cảnh mà thường dân Ukraine phải chịu đựng khiến gần 40 nước muốn đưa Vladimir Putin ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế. Ngược lại, Volodymyr Zelensky, một tổng thống "nghiệp dư", trong chiến tranh đã chứng tỏ là một thủ lãnh thực sự, có khả năng đoàn kết cả một dân tộc và thúc đẩy họ vượt qua chính mình.

putinzelensky0

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu từ Moskva và tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Kiev, ngày 24/02/2022. Ảnh cắt từ video của Phủ tổng thống hai nước.  AP

Nga gia tăng oanh kích vào thường dân, Vladimir Putin và vòng tròn quyền lực khép kín ; Volodymyr Zelensky, người nghệ sĩ hiếu hòa trở thành lãnh đạo xuất sắc của Ukraine trong cuộc chiến chống xâm lược ; đáp trả của phương Tây... Báo chí Pháp tiếp tục đưa tin và phân tích về cuộc xâm lăng của Nga đã bước sang tuần lễ thứ tư.

Nga vây hãm các thành phố, gieo rắc khủng hoảng ở Ukraine

Trong bài xã luận "Chiến lược gieo khủng hoảng", Le Figaromỉa mai về "Chiến dịch Z", tên được bộ tham mưu Nga đặt cho cuộc chiến của Vladimir Putin tại Ukraine. "Z", như zéro - mục đích gây chiến sau một tháng tấn công vẫn là con số không. "Z", như trong "dénazification" (phi quốc xã hóa) và phi quân sự hóa được ông chủ điện Kremlin hứa hẹn, có nghĩa là chiếm được các thành phố lớn và hủy diệt quân đội Ukraine, là những mục tiêu ngày càng xa vời. Thay vì tặng hoa cho người "giải phóng", những người lính Nga lại được đón tiếp bằng bom xăng. Nhưng mỗi ngày, Putin càng đe dọa thường dân Ukraine, vì loại vũ khí ưa thích của ông ta là gieo rắc khủng hoảng.

Tại Kharkov, bị mưa bom dập nát từ ngày đầu cuộc chiến, 80 % người nói tiếng Nga mà Putin lấy cớ bảo vệ họ, trở thành chống đối ông ta. Quân Nga đã biến Mariupol thành một đống hoang tàn đổ nát với máu và nước mắt, nhưng vẫn không hạ gục được tinh thần kháng chiến. Kiev chống cự được trước những trận bom dữ dội của Nga, nhưng đến bao giờ ? Phương Tây tố cáo chính xác đó là "tội ác chiến tranh" : phụ nữ và trẻ sơ sinh trong nhà bảo sanh, thường dân trú bom hay đi mua hàng ở trung tâm thương mại đều bị cố tình nhắm đến, trong cuộc chiến tranh ngày càng dơ bẩn, khi sự tức tối của Putin ngày càng lên cao.

Vây hãm các thành phố để biến thành địa ngục trần gian, bóp nghẹt mọi ý định kháng cự : Putin thấy rằng chiến lược khủng bố của mình đã thành công tại Grozny hay Alep. Nhưng Kiev rộng lớn gấp bốn lần Grozny (thủ đô Tchechenya). Đó là một thủ đô Châu Âu, và sự hủy diệt Kiev có thể là lằn ranh đỏ đối với phương Tây, cũng như việc sử dụng vũ khí hóa học hay nguyên tử. Vladimir Putin đã quên rằng 900 ngày bao vây không làm quy phục được Leningrad ? "Chiến dịch đặc biệt" của ông ta đã thất bại. Giữa đàm phán và leo thang, liệu phương Tây có tìm ra một công thức để ngăn cản Putin đi đến cùng cuộc chiến bẩn thỉu của ông ta hay không ?

Những lằn ranh đỏ nào có thể đẩy Châu Âu vào cuộc chiến ?

Cũng theo Le Figaro, phương Tây không hề muốn đối đầu quân sự với Nga, nhưng thái độ này khó thể duy trì mãi nếu Moskva tiếp tục dấn tới. Từ đầu cuộc chiến, các nước phương Tây chủ trương giúp Ukraine chiến thắng, hay ít nhất không bại trận, mà không trực tiếp tham gia. Chính sách này được thực hiện qua những trừng phạt chưa từng thấy đối với Nga, và cung cấp vũ khí ngày càng nhiều cho Kiev. Nhưng đến ngày thứ 26 của cuộc chiến, sự cứng rắn của phương Tây không làm Vladimir Putin lùi bước.

Và những hình ảnh thành phố tử đạo Mariupol dưới mưa bom, tiếng khóc của trẻ em, sự tuyệt vọng của những bà cụ già bên những xác người... rốt cuộc khiến người ta phải đặt ra một câu hỏi mà chưa ai có thể trả lời : Châu Âu có thể để cho Vladimir Putin nghiền nát Ukraine trong bao lâu nữa ? Tổng thống Volodymyr Zelensky đã nhiều lần lên tiếng trước Quốc hội các nước, và ngày mai, phát biểu trước các dân biểu Pháp, chắc hẳn ông sẽ lại kêu gọi phương Tây lập vùng cấm bay để ngăn các oanh tạc cơ Nga.

Các xã hội Châu Âu ngày càng ray rứt. Ngay từ cách mạng Maidan, người dân Ukraine đã giơ cao lá cờ Liên Hiệp Châu Âu, khẳng định sự gắn bó với dân chủ. Trên thực địa, họ chiến đấu dũng mãnh để bảo vệ các giá trị Châu Âu. Châu lục này còn có thể đứng ngoài cuộc chiến đến bao giờ ? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Vladimir Putin tấn công hóa học vào một thành phố Ukraine, hay buộc thủ đô Kiev phải oằn mình dưới những trận bom, hỏa tiễn không ngưng nghỉ như Mariupol ? Sẽ trả đũa thế nào nếu tổng thống Nga nổi điên phóng vũ khí nguyên tử chiến thuật vào nước láng giềng Ukraine, hay trắc nghiệm quyết tâm của NATO bằng cách bắn hỏa tiễn sang Ba Lan hoặc các nước vùng Baltic ? Các nhà lãnh đạo Châu Âu vẫn chưa có câu trả lời công khai về các lằn ranh đỏ.

Chiến đấu vì lý tưởng dân chủ Châu Âu cho đến người Ukraine cuối cùng ?

Trong thập niên 90, Bosnia đã phải đợi đến ba năm trước khi NATO kết thúc những đau thương mà họ phải chịu đựng qua việc can thiệp quân sự chống lại Serbia. Nhưng đối thủ thời đó không phải là cường quốc nguyên tử. Dù vậy, "vận mệnh Châu Âu" đang bị thử thách tại Ukraine - chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen khẳng định, vì "dân chủ đã đứng lên chống lại độc tài". Cũng tại Ukraine, tương lai của trật tự quốc tế đang bị tấn công bởi nước Nga của Vladimir Putin, với sự ủng hộ của Trung Quốc.

Tham vọng của ông chủ điện Kremlin là tái lập vùng ảnh hưởng của Liên Xô cũ, đế quốc ấy trải rộng đến Moldova, Georgia, thậm chí ba nước Baltic. Cuộc xâm lăng Ukraine có thể kết thúc nền hòa bình tại Châu Âu, dẫn đến chiến thắng của các thế lực độc tài trước các chế độ dân chủ phương Tây. Sự tàn bạo của Nga tại Ukraine đánh thức Châu Âu vốn từ 30 năm qua sống trong ảo tưởng hòa bình vĩnh cửu, và làm ngơ trước việc Putin san bằng Grozny, hung hăng với các láng giềng. Chỉ trong vài ngày, Putin đã thành công trong việc chấm dứt sự trung lập của Thụy Điển và chủ trương hòa bình của Đức.

Tác giả Renaud Girard nêu ra một chọn lựa khó khăn khác : cung cấp thêm nhiều vũ khí cho Ukraine, hay ưu tiên cho đàm phán do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian ? Chấm dứt thảm sát là ưu tiên tuyệt đối, nhưng nhượng bộ Nga có thể bị coi là yếu đuối ; phương Tây không thể cho thấy bạo lực mang lại kết quả, nếu không mai này Trung Quốc sẽ nuốt chửng Đài Loan. Thổ Nhĩ Kỳ được Ukraine coi là nhà hòa giải vì đã gọi cuộc tấn công của Nga là "không thể chấp nhận", và vì loại drone vũ trang Bayraktar TB2 của Thổ phát huy uy lực trước những đoàn xe bọc thép Nga. Ông Erdogan cũng duy trì được quan hệ tốt với Putin. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron dù rất cố gắng, nhưng là chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu, phải mạnh tay trừng phạt Nga.

Tự do có cái giá của nó, nhưng liệu các nước dân chủ có sẵn sàng trả giúp cho Ukraine ? Một thỏa thuận vẫn có thể tìm kiếm được, trừ phi muốn chiến đấu vì lý tưởng dân chủ của Châu Âu… cho đến người Ukraine cuối cùng.

"Vòng tròn khép kín" quanh Putin

La Croixnói về "Những người thân tín của Putin", gồm một nhúm tướng lãnh và nhân vật diều hâu cùng có quan điểm dân tộc chủ nghĩa "Đại Nga". Những nhà tài phiệt phải đứng ngoài "vòng tròn khép kín" này. Các "siloviki" đa số cùng thế hệ với Vladimir Putin, từng làm việc cho KGB. Alexei Venedikov, tổng biên tập đài Tiếng Vọng Moskva nổi tiếng đã chọn lựa giải thể thay vì phải tự kiểm duyệt, cho biết : "Putin quyết định một mình, nhưng tùy theo chủ đề cũng có thể tham vấn".

Có thể kể : Nikolai Patruchev, thư ký Hội đồng An ninh, được gặp tổng thống ít nhất một lần trong tuần. Ông này cùng tuổi với Putin, cùng xuất thân từ KGB, đồng hương Saint Petersburg. Bên cạnh đó là Sergey Shoigu, bộ trưởng quốc phòng, thường đi săn bắn chung với Putin, từng phụ trách các chiến dịch quân sự ở Crimea, Syria và nay là Ukraine, chỉ huy lực lượng tình báo quân sự đã toan ám sát cựu điệp viên Sergey Skripal năm 2018. Shoigu trước hết là một người thừa hành lệnh của ông chủ. Trong thời kỳ đại dịch, tỉ phú truyền thông Yuri Kovalchuk có được quan hệ đặc biệt với Putin, gây ảnh hưởng lên quan điểm của ông chủ Kremlin. Lá bài quan trọng của Putin là thượng phụ Kirill, người đứng đầu Chính thống giáo Nga.

Vladimir Putin, tội phạm chiến tranh ở La Haye ?

Xã luận của Le Monde đòi hỏi "Xét xử các tội ác chiến tranh của Putin". Đối với tổng thống Mỹ Joe Biden, Vladimir Putin rõ ràng là "tội phạm chiến tranh", và hai tuần lễ trước đó, thủ tướng Anh Boris Johnson cũng tuyên bố tổng thống Nga đã phạm "tội ác chiến tranh" ở Ukraine. Đó là kết luận hết sức nặng nề, nhưng chỉ mang tính chính trị. Trong khi các bằng chứng tấn công vào thường dân nở rộ ở Ukraine, giờ đây là công việc của luật pháp quốc tế, tội ác cần phải trả giá.

Nhưng bằng cách nào ? Trước hết là Tòa án Hình sự Quốc tế (CPI). Gần 40 nước trong đó có Pháp đã yêu cầu mở điều tra. Nga đã rút khỏi hiệp ước Roma từ 2016, tuy nhiên công dân Nga bị lệnh truy nã vẫn có thể bị bắt ở khắp nơi trên thế giới. Hôm 02/03, công tố viên Karim Khan của CPI đã mở điều tra về tội phạm chống nhân loại, tội ác chiến tranh, và đã đến Kiev hôm 16/03 gặp công tố viên trưởng vốn đã thu thập các bằng chứng từ đầu cuộc chiến.

Đối với CPI, nguyên thủ không có quyền đặc miễn. Tòa án trong vài tháng tới cũng có thể ra lệnh bắt giữ các sĩ quan Nga tại Ukraine, nếu họ đang là tù binh, để dẫn độ sang La Haye. Trong những lời khai của họ, tất nhiên có phần trách nhiệm của cấp trên, nhất là Vladimir Putin. Ukraine hôm 27/02 cũng đã kiện lên Tòa án Công lý Quốc tế, Tòa án Nhân quyền Châu Âu. Luật gia Philippe Sand và cựu thủ tướng Anh Gordon Brown thì đòi hỏi lập tòa án đặc biệt để xử Vladimir Putin. Tất cả những sáng kiến trên đều đáng hoan nghênh, vì trước những thảm cảnh do cuộc chiến của Vladimir Putin gây ra, ông ta không thể bình an vô sự. Những quan chức quân sự và dân sự Nga cũng không thể ngủ yên, nếu nhớ lại số phận của các nhà lãnh đạo Serbia trước tòa án La Haye.

Volodymyr Zelensky, tổng thống bất khuất

Về phía Ukraine, nạn nhân của Putin, nhật báo Libération trang trọng đăng chân dung tổng thống Volodymyr Zelensky với dòng tựa lớn "Zelensky, người không thể khuất phục". Cuộc chiến tranh do Nga khởi động sẽ tồn tại mãi trong ký ức và trong sách sử. Không chỉ là sự tàn bạo của nó, không chỉ vì hình ảnh ấn tượng về những đoàn xe tăng, hỏa tiễn, drone… Nhưng những gì được ghi khắc không chỉ bởi truyền thông, chính giới mà còn tất cả những công dân thế giới, đó là về tầm vóc lãnh đạo thông qua cuộc chiến.

Vladimir Putin, được cho là một nhân vật mạnh mẽ đáng gờm, tính toán từng centimet mỗi nước cờ, sau một tháng chiến tranh, tỏ rõ là một quái vật lạnh lùng. Có thể ông ta sẽ đạt được mục tiêu, nhưng với cái giá của tội ác, gây ra những thiệt hại không thể cứu vãn, kể cả đối với nước Nga. Ngược lại, Volodymyr Zelensky, vẫn được coi là một anh chàng lịch sự bất ngờ trở thành tổng thống, chứng tỏ là một thủ lãnh thực sự, có khả năng đoàn kết cả một dân tộc và thúc đẩy họ vượt qua chính mình. Ai biết được cuộc chiến này sẽ như thế nào, nếu ngay những ngày đầu tiên Zelensky chấp nhận đề nghị đi tị nạn, trong khi có tin lính đánh thuê của Putin xâm nhập vào Kiev đang tìm giết ông ?

Từ ngày đầu bị xâm lăng, việc phổ biến những video của Zelensky hàng ngày, thậm chí nhiều lần mỗi ngày, trong đó có một số phụ đề tiếng Anh, là một ý tưởng tuyệt vời. Những video đã trấn an, cổ vũ người Ukraine, và khiến phương Tây ngưỡng mộ. Việc cung cấp thông tin thường nhật trong một quốc gia đang chiến tranh, trực tiếp từ tổng thống đến công dân, còn là minh chứng của lòng dũng cảm.

Ghét chiến tranh nhưng đành khoác màu áo trận

Nhà báo Kristina Berdynskykh, một trong những người thông thạo nhất về nội tình Ukraine, nhận định "Zelensky lên nắm quyền với tư cách một tổng thống của hòa bình. Ông ghét nghĩ về chiến tranh, chỉ muốn xây dựng đường sá, tiến hành những dự án lớn". Zelensky tỏ thiện chí với Moskva qua việc ký một thỏa thuận với các đại diện của Kremlin tháng 10/2019, về việc rút quân ở hai bên biên giới và dành quy chế đặc biệt cho Donbass. Nhưng Moskva không thi hành, và theo nhà nghiên cứu Oiulia Shukan, đến lúc đó Volodymyr Zelensky mới nghĩ tới NATO. Đó là nghịch lý của Zelensky : sẵn sàng nhượng bộ để đất nước thoát khỏi chiến tranh, nhưng sự cố chấp của Putin đã buộc tổng thống trẻ khoác lên bộ quân phục.

Ngược với dự đoán của Kremlin, Volodymyr Zelensky không rời khỏi Ukraine, các quân nhân cảm thấy tổng tư lệnh không hề run sợ. Cũng theo Berdynskykh, "Chỉ trong ba tuần uy tín của Zelensky đã tăng cao hơn cả ba năm cầm quyền, tất cả những người chống đối ông đều im tiếng". Tại thủ đô Kiev giờ đây không thể tìm được bất kỳ ai nói xấu về Zelensky.

Ngay cả cựu tổng thống Petro Poroshenko, bị Volodymyr Zelensky đánh bại năm 2019, cũng cầm súng chiến đấu, và còn tài trợ cho cả một tiểu đoàn (số 206). Người dẫn chương trình Sergey Pritula, nhân vật luôn đối lập với Zelensky, tuyên bố : "Tổng thống là tổng tư lệnh của tôi. Sau khi chiến thắng sẽ tính sau, nhưng lúc này ông xứng đáng được sự ủng hộ của tất cả chúng ta". Người diễn viên từng thủ vai tổng thống bất đắc dĩ trong loạt phim truyền hình "Người đầy tớ của nhân dân", đã "đi xuyên qua tấm gương", từ cổ tích đi vào đời thực. Thủ lãnh "Ze" sẽ luôn là hình mẫu cho tinh thần kháng chiến của toàn dân tộc.

Thụy My

Additional Info

  • Author Thụy My
Published in Quốc tế