Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Một thế giới tương lai không còn Putin và Erdogan ?

L'Obs nhận định, hồi kết cuộc chiến do Putin khởi động ở Ukraine sẽ quyết định bộ mặt thế giới trong những năm tới. Về vụ drone tấn công Kremlin, báo chí quốc tế nghi ngờ do Moskva dàn dựng để leo thang chiến tranh. Nga có thể chiếm được Bakhmut trong những tuần lễ tới nhưng với tổn thất khủng khiếp, chẳng khác chiến bại. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, chiếc ghế của nhà độc tài Erdogan đang bị đe dọa nặng nề.

doctai1

Tổng thống Nga Vladimir Putin và đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan gặp gỡ bên lề hội nghị thượng đỉnh CICA ở Astana, Kazakhstan ngày 13/10/2022. via Reuters - Sputnik

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ chiếm trang bìa nhiều tuần báo kỳ này. L’Express chạy tựa "Erdogan, nguy cơ hỗn loạn", Le Point kể ra : Đe dọa chiến tranh, bành trướng, thù ghét phương Tây và cho rằng "Erdogan là một Putin khác". The Economist gọi cuộc bầu cử tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ngày 14/05 là "Cuộc bầu cử quan trọng nhất trong năm 2023". Courrier International dành hồ sơ cho "Những điệp viên không còn quá bí mật", riêng L’Obs bàn luận về cách xử sự của cha mẹ với con cái.

Nga dàn dựng vụ drone tấn công điện Kremlin ?

L'Express đặt câu hỏi "Điện Kremlin có còn là nơi an toàn cho Vladimir Putin ?". Phải chăng có lỗ hổng trong việc bảo vệ an ninh tại đây ? Courrier International trích dẫn báo chí quốc tế nghi ngờ một vụ dàn dựng của Moskva để leo thang chiến tranh. L'Express nhắc lại, từ năm ngoái chính quyền Nga đã loan báo tăng cường giám sát khu vực xung quanh điện Kremlin ở trung tâm thủ đô, rộng 28 hecta gồm 4 giáo đường Chính Thống và 8 dinh thự. Lực lượng an ninh liên bang FSO gồm 50.000 người chịu trách nhiệm bảo vệ các yếu nhân.

Không thể nào biết được những gì diễn ra phía sau những bức tường của Kremlin, dù sử dụng công nghệ cao, vì các thiết bị gây nhiễu bố trí dày đặc. Khi đến gần, sẽ lập tức bị định vị ở một phi trường cách đó đến 30 kilomet. Cách thức này khiến nhiều khách đi taxi tức giận vì bỗng thấy giá tiền tăng vọt mà chẳng hiểu tại sao. New York Times dẫn lời một cựu sĩ quan FSO đã đào thoát cho biết Vladimir Putin sở hữu nhiều văn phòng trang trí y hệt nhau tại nhiều địa điểm bí mật trong thành phố.

Nhật báo Le Soir của Bỉ và Le Temps của Thụy Sĩ đều tỏ ra nghi ngờ : "Tổng thống Nga không còn ngủ qua đêm ở Kremlin, thông tin này tình báo Ukraine không thể không biết". Đêm trước đó, Putin đã đi Saint-Petersburg, hãng tin RIA Novosti hôm thứ Tư khẳng định ông ta chưa trở về Moskva và làm việc ở boong-ke ở tư gia được bảo vệ cẩn mật ở Novo-Ogariovo, cách thủ đô 25 kilomet. Trong khi đó, chỉ vài phút sau khi công bố thông cáo này, một loạt video về vụ tấn công bỗng tràn ngập vô số kênh Telegram tiếng Nga ủng hộ cuộc xâm lăng Ukraine. Chúng xuất phát từ các camera giám sát xung quanh điện Kremlin, những hình ảnh dưới sự kiểm soát của chính quyền, không thể "rò rỉ" nếu không có lệnh. Le Temps cho rằng "Moskva muốn người ta nhìn thấy". 

Về phía tờ Süddeutsche Zeitung ghi nhận Ukraine cho đến nay vẫn tìm cách tránh "một sự leo thang mất kiểm soát". Theo nhật báo Đức, vấn đề cần xác định đó là một cuộc tấn công do Moskva dàn dựng, hay từ một đối thủ trong nội bộ. Chuyên gia quân sự Pháp Xavier Tytelman phân tích trong Tribune de Genève, hoặc là trò "ngậm máu phun người" nhằm biện minh cho những vụ tấn công vào Dinh Tổng thống Ukraine trong tương lai để sát hại ông Zelensky, hoặc từ những người Nga chống chiến tranh. Nhật báo Mỹ Washington Post nhận xét, các drone thương mại loại nhẹ được sử dụng chỉ có tầm bay ngắn, như vậy có thể ai đó ở Moskva hay gần đó đã phóng đi.

Bakhmut có thể thất thủ, nhưng giá máu cho quân Nga quá lớn

Trên chiến trường Ukraine, The Economist dự đoán "Nga có thể giành được Bakhmut trong những tuần lễ tới". Nhưng dù có chiếm được thành phố này, đó cũng chỉ là "chiến thắng kiểu Pyrros" - thắng với những tổn thất khủng khiếp, chẳng khác nào thất bại.

Vốn thích những cuộc duyệt binh hùng tráng, khi xua quân sang Ukraine hôm 24/02/2022, Vladimir Putin hy vọng chiếm Kiev trong vài ngày, một số đơn vị đã mang theo lễ phục để đi diễu hành. Sau đó, ông ta trông đợi ngày lễ Chiến thắng 9 tháng 5 trùng hợp với Mariupol thất thủ, nhưng Ukraine vẫn giữ được thêm một tuần lễ, cuộc trình diễn ở Moskva năm ngoái như pháo xịt ngòi. Còn năm nay, mục tiêu của Putin khiêm tốn hơn Mariupol nhưng vẫn chưa đạt được. Từ 10 tháng qua, Nga đã nướng đến 20.000 quân để chiếm Bakhmut bằng mọi giá, mà thành phố chỉ có 70.000 dân trước chiến tranh vẫn đứng vững.

Theo tài liệu Mỹ bị rò rỉ, hồi tháng Giêng Washington khuyến cáo Kiev nên rút quân - Bakhmut không có giá trị chiến lược cao, và chỉ còn là đống gạch vụn. Nhưng Ukraine không muốn Nga có được một chiến thắng để khích lệ tinh thần binh lính. Quân Nga vượt trội về pháo và quân số, dùng cả quân dù tinh nhuệ nhưng chỉ có thể đẩy lùi dần. Ba tuần lễ gần đây, tuyến đường tiếp tế ở tây bắc đã bị chặn, còn ở đông bắc bị oanh kích thường xuyên. Ukraine đã giữ được Bakhmut một thời gian dài vượt quá mong đợi. Tuy nhiên nếu chiếm được sau 10 tháng tung hết lực lượng vào đây, trả giá bằng vô số mạng lính, Putin đã lãng phí nguồn lực trước cuộc phản công sắp tới của Kiev.

Về việc ông trùm Wagner, Yevgeny Prigozhin đe dọa rút lực lượng lính đánh thuê của mình ra khỏi Bakhmut từ ngày 10/05, chuyên gia Joseph Henrotin cho rằng ông này đã dấn thêm một bước cả về bề ngoài lẫn chiều sâu. Prigozhin vẫn thường xuyên chụp ảnh với hậu cảnh là những xác chết, nhưng ở đây là xác những người lính của chính ông ta. Và lần này thủ lãnh Wagner không ngần ngại nhục mạ các lãnh đạo quân đội chứ không chỉ phê phán. Quân của Prigozhin đã chiếm được Soledar và tại Bakhmut, hầu như chỉ có Wagner tiến được, thế mà lại thiếu đạn. Không còn có thể tuyển mộ tù nhân, lính thì chết như rạ tại Bakhmut, Prigozhin không khóc cho những người lính đánh thuê mà cho tham vọng của ông ta.

"Team Ukraine" của Biden ở Nhà Trắng

L’Express cho biết "Joe Biden và ‘Team Ukraine’ : Nhà Trắng điều khiển cuộc chiến như thế nào". Chủ biên tạp chí The National Interest ở Washington, Jacob Heilbrunn nói : "Người ta quên rằng Joe Biden ‘diều hâu’ hơn đội ngũ của ông. Kết cuộc của cuộc chiến tranh Ukraine sẽ xác định vị trí của Biden trong lịch sử, và đóng một vai trò trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024. Đối với Biden, cuộc phản công của quân đội Ukraine sắp tới nhất định phải thắng lợi, và tổng thống Mỹ tin vào điều đó".

Biden được hỗ trợ bởi một ê-kíp thân cận đã từng làm việc với nhau từ nhiều năm, họp lại mỗi ngày tại Phòng Bầu dục. Trong đó có ngoại trưởng Anthony Blinken, cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan, giám đốc CIA William Burns, bộ trưởng quốc phòng Lloyd Austin, tổng tham mưu trưởng quân đội, tướng Mark Milley. Cho đến nay, "team" (đội ngũ) của Biden rất đồng thuận với nhau, một điều hiếm hoi ở Nhà Trắng. Hơn nữa, nhờ CIA, đã có được thành công chưa từng thấy kể từ cuộc khủng hoảng hỏa tiễn Cuba năm 1962.

Từ mùa thu 2021, tình báo Mỹ nhờ các điệp viên, nghe lén và hình ảnh vệ tinh đã biết rằng Vladimir Putin sửa soạn tấn công chớp nhoáng vào Kiev và sát hại tổng thống Volodymyr Zelensky. Giám đốc CIA Bill Burns, từng là đại sứ Mỹ ở Moskva, thành thạo tiếng Nga, đề nghị một phương án bất ngờ : công bố cho thế giới biết âm mưu của Nga. Trước khi thông tin cho các chính phủ đồng minh, Bill Burns bí mật bay đến Moskva. Khi gặp đồng nghiệp Nga Nicolai Patruchev, ông mới thấy tình báo Nga còn biết ít hơn mình !

Thế giới ngày mai được định hình từ Kiev

L'Obs nhận định "Thế giới tương lai đang được định hình ở Kiev". Chiến tranh Ukraine không còn chiếm tít lớn trên báo chí Pháp, do chiến sự tạm lắng trong lúc chờ đợi cuộc tổng phản công của Ukraine, cũng như những cuộc khủng hoảng trong nước và quốc tế, và tâm trạng mệt mỏi trước một cuộc xung đột kéo dài.

Dù vậy có thể thấy cuộc chiến do một con người duy nhất là Vladimir Putin gây ra, đã trở thành trung tâm cho việc cơ cấu lại thế giới trong những năm tới. Tác động của nó vượt ra khỏi chủ quyền lãnh thổ, số phận của Donbass, Crimea, tương lai Ukraine... trở thành vấn đề toàn cầu. Chỉ cần quan sát các nhân tố quốc tế khác hành xử như thế nào.

Chưa ai biết chắc mục đích của Tập Cận Bình, nhưng Trung Quốc từ nay đóng một vai trò trong hồ sơ Ukraine. Không phải là trung gian hòa giải, vì kế hoạch hòa bình của Bắc Kinh rất mơ hồ, và quan hệ với Kremlin ngày càng siết chặt. Cuộc điện đàm với tổng thống Volodymyr Zelensky hôm 26/04 đã làm yếu đi luận điệu của Vladimir Putin về "bọn quốc xã" cầm quyền ở Kiev. Trung Quốc tính toán trước hết theo lợi ích của mình : trấn an để Châu Âu không theo chân Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh lạnh với Bắc Kinh.

Ông Lula của Brazil cũng nhắm đến "một thế giới mới" dựa vào BRICS và một số nước mới nổi. Nhưng một thế giới với Putin và Tập liệu có đáng noi theo ? Lula một ngày nào đó sẽ phải giải thích, thế giới nào ông đang mơ đến, khi liên minh với các nhà độc tài. Putin, bị Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) truy nã, vẫn sẽ là đối tác của các nước phương nam ? Trung Quốc phải quyết định có muốn trở thành siêu cường mà vẫn đeo theo gánh nặng tội ác của Putin ở Ukraine. Còn lại Châu Âu, một số muốn được Mỹ bảo vệ mãi mãi, số khác mơ tự chủ chiến lược. Hồi kết cuộc chiến Ukraine sẽ xác định thế giới chúng ta sống sẽ ra sao.

Cuộc xâm lăng Ukraine và "thập niên của gián điệp"

Chiến tranh không chỉ trên chiến địa. Trong hồ sơ về gián điệp của Courrier International, có bài viết về "Cuộc chiến ác liệt giữa tình báo Nga và Ukraine". Theo trang web Oukraïnska Pravda, ngay cả trước cuộc cách mạng Maidan năm 2014, tình báo Nga FSB đã thâm nhập sâu vào Nhà nước Ukraine, và kể từ ngày 24/02/2022 hai bên lại càng đối đầu ở mọi cấp độ.

FSB tuyển mộ nhân viên, ám sát, khủng bố, tấn công tin học, sách động dư luận và bố trí những con rối vào những chức vụ chính tại các vùng chiếm đóng. Gián điệp Nga len lỏi vào bộ nội vụ, tư pháp, giáo quyền, Quốc hội, và ngay cả SBU, cơ quan tình báo Ukraine cũng không tránh khỏi. Hồi tháng 2, tòa án Kiev đã mở phiên xử Oleh Kulinich, cựu giám đốc văn phòng SBU ở Crimea vì cáo buộc phản quốc.

Nhờ mạng lưới dày đặc này, Nga dự định chiếm Kiev trong vòng ba ngày. Tuy thất bại, nhưng những kẻ nằm vùng tại SBU và các cơ quan nhà nước khác vẫn là vấn đề lớn, có thể gây tổn hại đáng kể cho nỗ lực của quân đội. Tháng 4/2021, Cộng hòa Czech là quốc gia Châu Âu đầu tiên trục xuất đến 18 nhân viên ngoại giao Nga, và kể từ đầu cuộc xâm lăng Ukraine, đã có trên 400 người tình nghi là gián điệp Nga đã bị các nước Liên Hiệp Châu Âu (EU) phát hiện và trục xuất. Đây là đòn nặng nề nhất cho tình báo Nga kể từ cuối Đệ nhị Thế chiến. Politico coi những năm 2020 là "thập niên của gián điệp" ở Châu Âu, như những năm 1980 tại Hoa Kỳ. Bồ Đào Nha là địa bàn hoạt động của tình báo Iran, Trung Quốc, Nga ; còn Thụy Điển luôn bị Moskva dòm ngó về công nghệ quốc phòng.

BND, cơ quan tình báo liên bang Đức bị chê cười vì chẳng những không biết gì về cuộc xâm lăng mà còn bị gián điệp Nga nằm vùng, phó thủ tướng Robert Habeck biết tin nhờ phía Mỹ chứ không phải người nhà. Giám đốc BND, Bruno Kahl hôm 23/02/2022 đã sang Kiev để hôm sau gặp đồng nhiệm Ukraine. Nhưng cuộc xâm lăng đã nổ ra vào lúc đó, ngay trong đêm đại sứ quán Đức phải vội vã đốt tài liệu mật, còn giám đốc tình báo bị kẹt trong dòng người tị nạn, phải mất 36 tiếng đồng hồ sau mới đến được biên giới Ba Lan.

Thổ Nhĩ Kỳ : Lần đầu từ 20 năm, Erdogan có nguy cơ thất cử

Nhìn sang Thổ Nhĩ Kỳ, hồ sơ của L'Express "Erdogan, bước ngoặt" phân tích về nhà độc tài nắm trọn quyền lực nhưng lại là ứng cử viên đang hụt hơi, và những kịch bản đen tối của cuộc bầu cử. L'Obs nói về "Con đường hẹp của Erdogan". Le Point nhận định "Erdogan, một Putin khác" và nhận thấy "Phương Tây hồi hộp chờ đợi" kết quả cuộc bầu cử.

Recep Tayyip Erdogan có thể bị thất cử hay không ? Cách đây ba tháng, không ai nghĩ đến khả năng này. Sau 20 năm trị vì, Erdogan đã xây dựng một mạng lưới vững chắc. Ông muốn đưa một "nước Thổ Nhĩ Kỳ mới" vào "thế kỷ của người Thổ", trở thành một đại cường trước 2053, nhân kỷ niệm 600 năm đế quốc Ottoman chinh phục được thành Constantinople, kinh đô của đế quốc La Mã. Nhưng hai trận động đất ngày 06/02 đã làm đảo lộn tất cả : ít nhất 50.000 người chết ; 2,5 triệu người phải sơ tán ; có những thành phố như Maras hay Antioche hoàn toàn trở thành cát bụi. Chi phí tái thiết ước tính lên đến trên 100 tỉ euro. Chính là một đất nước bị chấn thương sẽ đi bầu ngày 14/05.

Hơn nữa, sức khỏe của vị tổng thống đầy quyền hành đang sa sút. Hôm 25/04 ông đã bị choáng ngay trong lúc truyền hình trực tiếp, và đã từng trải qua hai lần phẫu thuật những năm trước đó. Trong suốt chiến dịch tranh cử, Erdogan liên tục dự những buổi lễ hoành tráng, cắt băng khánh thành soái hạm chở drone đầu tiên của hải quân, gần chiếc xe tăng kiểu mới nhất do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất hay mô hình phi cơ siêu thanh, ca ngợi sức mạnh quân đội và vị thế trên trường quốc tế. Nhưng ông không nói đến cuộc khủng hoảng tài chánh, lạm phát 112%, đồng lira ở mức thấp nhất trong lịch sử, giá năng lượng tăng 40%.

Nhà độc tài nhiều mưu mẹo có chịu bó tay ?

Đối mặt với một chế độ đang xoay sở để tồn tại, lần đầu tiên kể từ 20 năm qua phe đối lập đoàn kết được xung quanh mục tiêu chung được tóm gọn trong mấy chữ "Tất cả, trừ Erdogan". Sáu đảng hợp thành một liên minh với nhiều khuynh hướng khác nhau từ cánh tả đến cánh hữu dân tộc chủ nghĩa, trong đó đảng CHP của ông Kemal Kiliçdaroglu chiếm đa số. Thật ra có những nhân vật nổi tiếng hơn như thị trưởng Istanbul, Ekrem Imamoglu hay đô trưởng Ankara, Mansur Yavas. Nhưng Kiliçdaroglu được cả sáu đảng chọn vì không có nguy cơ bị tư pháp đe dọa, và nhất là tính cách điềm đạm, tinh thần hòa giải. Để so sánh, trong hai năm qua đã có trên 60.000 công dân bị khởi tố vì "chống đối tổng thống", một tội danh có khung hình phạt 4 năm tù.

Một con cáo già chính trị như Recep Tayyip Erdogan không dễ chịu thua. Trong mùa chay Ramadan, đảng AKP của ông phân phát thức ăn. Bilal, con trai của tổng thống vốn bị tai tiếng tham nhũng hồi năm 2013, đeo tạp-dề phục vụ chừng 15 phút chỉ để ghi hình. Erdogan cho 2 triệu người được về hưu trước thời hạn, tăng gấp đôi lương tối thiểu, hứa xây thêm nửa triệu nhà ở xã hội. Vì ông kiểm soát 90% phương tiện truyền thông, tự do báo chí đã biến mất. Nhưng vì vậy hầu như mọi người đều đổ xô vào mạng xã hội : khoảng 5% trao đổi trên mạng Twitter toàn cầu bằng tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, nhiều hơn cả tiếng Ả Rập và Tây Ban Nha.

Nếu thất bại, nhà độc tài sẽ làm gì ? Hội đồng Bầu cử Tối cao gồm những người trung thành với Erdogan. Và sau cuộc đảo chánh bất thành năm 2016, Erdogan đã thanh trừng hàng loạt trong lực lượng an ninh, sa thải trên 150.000 công chức, cách chức các lãnh đạo quân đội, viên chức cao cấp, thẩm phán…

Dù bạo lực hay hòa bình, một Thổ Nhĩ Kỳ không có Erdogan đã được nghĩ đến. Phương Tây nín thở chờ đợi, hy vọng có được đối thoại ôn hòa, cùng với những biện pháp mà đối lập đã hứa. Đó là trả tự do cho tù nhân lương tâm, tái lập Nhà nước pháp quyền, xem xét lại quan hệ với Châu Âu… Nhưng các nhà quan sát cho rằng trước mắt sẽ không có những thay đổi lớn. Đối lập nếu thắng vẫn cần hợp tác kinh tế và quân sự với Nga, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ không bỗng chốc rút khỏi Syria, vì lý do an ninh quốc gia.

Thụy My

Additional Info

  • Author Thụy My
Published in Quốc tế

Phương Tây tự hại nếu nhượng bộ Putin và Erdogan

Tình hình địa chiến lược tại Trung Đông, bạo động xã hội ở Chile, ở Lebanon, bế tắc Brexit vẫn là chủ đề chung của báo Pháp ngày 22/10/2019. Bên cạnh đó, Le Monde giải thích vì sao cần phải cứng rắn với Putin và Erdogan. Le Figaro chú ý "cuộc chiến đòi nợ" của những đứa trẻ mà cha mẹ bị Stalin lưu đày. La Croix dành một bài cho thông điệp hòa bình của Kim Phúc, một nạn nhân chiến tranh Việt Nam, hơn 40 năm sau khi chiến tranh kết thúc, ra mắt sách "Cứu rỗi từ địa ngục".

Sử gia Françoise Thom : Người luận tội Putin

putin1

Sử gia Françoise Thom, người luận tội Putin" - Ảnh minh họa

Hãy chấm dứt cuốn phim dài nhiều tập nhàm chán này, Le Monde công kích Anh Quốc qua bài xã luận cùng tựa, 10 ngày trước khi đến thời điểm Brexit. Nhưng đối tượng bị phê phán nghiêm khắc nhất là tổng thống Nga Putin và tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan.

Với tựa "Françoise Thom, người luận tội Putin", Le Monde giới thiệu một nữ sử gia, giáo sư đại học Pháp vừa về hưu, người bị tổng thống Nga xem là khắc tinh.

Được đào tạo trong trường phái của sử gia Alain Besançon, phản tỉnh từ thời hoàng kim của Liên Xô, Françoise Thom là một trong những tiếng nói bị Kremlin thù ghét nhất. Luận án tiến sĩ với đề tài "lưỡi gỗ", Françoise Thom luôn nói thẳng nói thật điều mình nghĩ. Trong một cuộc hội thảo do Le Monde tổ chức ngày 05/10/2019 về chính sách can thiệp của Putin, một phóng viên đài Russia Today, cơ quan tuyên truyền thân Putin, vừa chìa micro định phỏng vấn thì nhận ngay một câu từ chối : anh nên chọn một nghề lương thiện mà làm.

Giáo sư chuyên gia về Liên Xô và nước Nga cũng rất thẳng thắn khi gọi chế độ Putin là "chế độ dã thú". Bà là tiếng nói công kích Putin triệt để khác với cựu ngoại trưởng Hubert Vedrine, chủ trương thân thiện với Moskva vì nhu cầu "thực dụng".

Tháng 8/2019, trước khi tổng thống Pháp tiếp đồng nhiệm Nga nhân G7, Françoise Thom cùng với một giáo sư gốc Nga Galia Ackerman ký một bức tâm thư tố giác sai lầm của Emmanuel Macron : Mời một kẻ công khai chủ trương tiêu diệt trật tự thế giới và kéo Châu Âu vào một chế độ quân phiệt - cảnh sát trị để làm gì ?

Quyển sách "Tìm hiểu chủ thuyết Putin" được nhiều người xem là kim chỉ nam, là binh pháp chống Nga. Mạng xã hội thân Putin không tiếc lời xỉ vả Françoise Thom "là gái điếm của Do Thái" là "lãnh tụ chống Nga". Còn Bộ Ngoại giao Nga cáo buộc nữ chuyên gia Pháp "nhận tiền" của Luân Đôn. Bà bất chấp.

Thực ra, Françoise Thom, lúc nhỏ theo cha sống bốn năm tại Mỹ, nhưng khi lên đại học, do khám phá nền văn học Nga, bà sang Nga du học. Nhờ đó, như chính bà tâm sự "tôi nhìn thấy cái xấu xa của hiện tượng lẫn cái tồi tệ trong bản chất". Cả một xã hội sống trong lừa dối và lừa dối nhau.

Thầy trò Alain Besançon - Françoise Thom trong một thời gian dài bị giới trí thức Pháp thiên tả nghi kỵ, thù ghét. Nhưng chuyện gì phải đến đã đến vào năm 1990 như mọi người đã thấy. Riêng Françoise Thom, khi thấy Yeltsin huy động xe tăng bà đâm ra lo ngại. Rồi đến Putin lên cầm quyền "với một băng đảng được đào tạo trong rừng hoang hậu cộng sản" làm bà rợn người.

Cũng trên Le Monde, liên quan đến Syria, hai chuyên gia Stephane Breton và Patrice Franchesci cùng viết chung một bài đòi phải "trục xuất Thổ Nhĩ Kỳ"ra khỏi NATO. Biết rằng không được nhưng sẽ làm cho Erdogan bớt lớn lối bắt chẹt các nền dân chủ phương Tây.

Mỹ lùi đến đâu ? Anh Pháp đoàn kết lại

Thái độ nhân nhượng của Mỹ tạo khoảng trống cho Nga và Trung Quốc lấn tới. Le Figaro phân tích cội nguồn và đề xuất giải pháp đối phó qua bài "Hoa Kỳ lùi bước đến đâu ?".

Theo tác giả Renaud Girard, trong quan hệ quốc tế, không có gì nguy hiểm cho bằng biểu lộ sự yếu đuối qua việc rút lui. Donald Trump đã ba lần liên tiếp phạm lỗi này : không trả đũa Bắc Triều Tiên, không giữ lời hứa bảo vệ Saudi Arabia khi bị Iran oanh kích và gần đây là nhượng bộ Thổ Nhĩ Kỳ bỏ người Kurdistan.

Hành động này là một tín hiệu xấu cho các nước Baltic, cho Đài Loan là Mỹ không muốn chiến đấu nữa. Tệ hơn nữa, là trợ sức một cách không cần thiết cho Putin và Erdogan và Tập Cận Bình.

Liên quan đến Trung Quốc, Hoa Kỳ đã gửi tín hiệu yếu đuối này từ thời Obama. Chính trong nhiệm kỳ của Obama, hải quân Trung Quốc tự do quân sự hóa hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trong tình huống này, có nên hy vọng Hoa Kỳ tỉnh thức hay không ? Renaud Girard bi quan. Theo ngòi bút này, điều chắc chắn duy nhất, có thể tin cậy được là Anh và Pháp, hai cường quốc quân sự Châu Âu phải hợp tác chặt chẽ với nhau, cho dù Brexit hay không Brexit, tuân thủ hiệp định phối hợp hành quân Lancaster House năm 2010.

Nga : Hành trình đòi công lý cho nạn nhân Goulag

Cũng liên quan đến Nga, nhật báo thiên hữu dành một trang trình bày hành trình đòi công lý của ba người phụ nữ có cha mẹ, trong số 20 triệu nạn nhân của Stalin vùi thây trong các quần đảo ngục tù Goulag. Hôm nay, là ngày Tòa Bảo Hiến Nga xét đơn yêu cầu chính quyền hiện tại thi hành luật bồi thường, ban hành năm 1991, vài tháng trước khi chế độ cộng sản sụp đổ.

Ba người phụ nữ, không cùng gia đình nhưng có số phận thương tâm giống nhau. Họ quyết tâm đòi lại căn hộ bị chính quyền tịch biên, cha mẹ bị lưu đày lên vùng Siberia.

Sau khi Stalin qua đời, chính sách phục hồi danh dự nạn nhân Stalin được ban hành nhưng rất nhiều nạn nhân không được phục hồi quyền công dân. Bởi lẽ, đa số căn hộ tịch biên đã được cấp cho nhân viên mật vụ chính trị NKVD. Cụ thể là trong số 7.000 căn hộ ở Moskva của tù nhân chính trị, Bộ Nội vụ chiếm 4.300.

Đại đa số tù chính trị bị cấm cư ngụ ở 300 thành phố và trong một đường kính 100 km tính từ trung tâm thủ đô Moskva.

Khi lòng dân bất mãn thì châu lục nào cũng thế

Người dân Lebanon ở Trung Đông và Chile ở Nam Mỹ tiếp tục xuống đường bạo động. Dân Thụy Sĩ đưa phong trào môi trường lên hàng thứ hai trong sinh hoạt chính trị. Đâu là những điểm tương đồng ?

Tại Lebanon, nhân dân đoàn kết xuống đường chống lãnh đạo chính trị tham nhũng, thủ tướng Saad Hariri hứa sẽ ban hành các biện pháp cải cách với hy vọng làm giảm cơ phẫn nộ của một phong trào Mùa Xuân Ả Rập, theo màu sắc Lebanon.

Đồng điệu với đồng nghiệp Le Monde, nhật báo La Croix trong bài bình luận "cơn giận của nhân dân" cảnh báo : từ Ecuador, Iraq, Lebanon, Chile… không thiếu những hình ảnh phẫn nộ. Trong nhiều tuần qua, dân chúng xuống đường chống chế độ đương quyền và đôi khi diễn ra trong thảm kịch với hơn 100 người chết như ở Iraq hay hơn một chục người chết ở Chilê.

Lòng dân bất mãn cũng là cội nguồn biểu tình ở các nước khác và với hình thức khác như phong trào "Gilets jaunes" (Áo Vàng) ở Pháp. Dĩ nhiên không thể so sánh cuộc sống ở Iraq với Pháp hay Chile. Nhưng tất cả có cùng một điểm chung là chống "bất công xã hội" và lên án chính phủ đứng về phía kẻ mạnh. Giải pháp duy nhất là giới cầm quyền phải tỏ ra thật sự gương mẫu và đứng về phía nhân dân.

Le Figaro đi sâu vào chi tiết với nhận định : Chile ngày nay không phải là Chile thời Pinochet. Nhưng từ khi chế độ quân phiệt sụp đổ đến nay, các đảng chính trị dân sự tả hữu đều tiếp tục mô hình kinh tế tân tự do của chính quyền quân sự để lại. Đã thế, hai lời hứa của tổng thống Pinera kích thích tăng trưởng kinh tế và làm giảm thất nghiệp không được thực hiện. Sinh viên Chile phải vay nợ để đóng học phí, giờ đây với biện pháp tăng giá vé chuyên chở công cộng, dân chúng nổi giận và nổi dậy là điều không thể tránh được.

Lòng dân Thụy Sĩ : chống biến đổi khí hậu qua lá phiếu

Tại Thụy sĩ, chiến thắng của phong trào môi trường trong cuộc bầu cử Quốc hội hôm Chủ nhật (20/10/2019) là "một trận động đất". Số ghế của đảng xanh, cánh tả và đảng xanh tự do, cánh hữu được tăng gấp đôi, đưa phong trào bảo vệ môi trường chống biến đổi khí hậu trở thành lực lượng thứ hai tại Thụy Sĩ, Libération nhấn mạnh. Đảng cánh hữu, dân túy vẫn đứng nhất nhưng bị mất đến 4 điểm.

Giải thích của Le Monde : tại quốc gia miền núi đang bị biển đổi khí hậu tác hại, giới trẻ Thụy Sĩ nghe theo tiếng gọi của Greta Thunberg, xuống đường đông đảo nhân cuộc biểu tình chống biến đổi khí hậu do cô bé đấu tranh Thụy Điển phát động hồi tháng 9. Tinh thần ý thức này được thể hiện qua lá phiếu bầu Quốc hội cuối tuần qua.

Kim Phúc : Phía sau ngọn lửa Napalm có Chúa

"Bác Đồng ơi, bác mà không tin Chúa là có nguy cơ xuống địa ngục". Đó là lời khuyên chân tình của Kim Phúc trong một dịp trao đổi với cố thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng. Nhật báo công giáo La Croix thuật lại trong bài "Chúa, đằng sau ngọn lửa của bom Napalm".

putin2

Bức ảnh "Cô bé napalm" của phóng viên chiến trường Nick Ut được giải thưởng Pulitzer năm 1973.

Kim Phúc cách nay hơn 46 năm là nạn nhân của một vụ ném bom napalm ở Việt Nam. Bức ảnh "Cô bé napalm" của phóng viên chiến trường Nick Ut được giải thưởng Pulitzer năm 1973. Nhân dịp ra mắt quyển sách "Cứu rỗi từ địa ngục" (Sauvée de l’enfer) tại Paris, Kim Phúc dành cho La Croix một buổi tiếp xúc. Cô bé năm xưa nay là một phụ nữ ở tuổi 50, thân thể vẫn còn hằn vết sẹo, nhưng đã hoàn toàn "hòa giải" với quá khứ đau thương : "Trước vụ ném bom, tôi có một cuộc sống tự do, vô tư, giữa vườn cây trái và bầy gia súc".

Kim Phúc hồi tưởng lại, khi chiến trận xảy ra, cô bé 9 tuổi cùng anh em trú ẩn trong một ngôi chùa. Binh sĩ Nam Việt Nam kêu các em chạy ra nhưng quá trễ, bốn quả bom từ trên trời rơi xuống. Kim Phúc vẫn tiếp tục chạy trước khi ngã xuống, quần áo, da thịt nào chịu nổi sức nóng 3000°C.

Câu chuyện tiếp tục với những tình tiết mà cả thế giới đều biết. Trong thập niên 1980, Kim Phúc trong nỗ lực tìm hiểu về cuộc đời đã cảm thấy khát vọng tìm đến Chúa Jesus.

Chính quyền Việt Nam lập tức cấm Kim Phúc đi học vì thần tượng dùng để tuyên truyền đã chọn theo đạo Thiên Chúa. Nhưng Kim Phúc vẫn kiên trì và như có phép lạ, Kim Phúc được thủ tướng Việt Nam lúc bấy giờ là Phạm Văn Đồng che chỡ. Năm 1986, Người "cha tinh thần" đã giúp Kim Phúc đi du học tại Cuba, lấy chồng là một sinh viên Việt Nam, ở miền Bắc. Sau đó hai vợ chồng có cơ hội tị nạn chính trị tại Canada và đã có hai con, lại một phép lạ. Từ năm 1997, Kim Phúc là đại sứ thiện chí của UNESCO.

Đối với Kim Phúc, những phép lạ trong đời là do Chúa ban cho. Khi chồng và gia đình chồng quyết định theo đạo Thiên Chúa, đó cũng là một phép lạ. Đức tin của Kim Phúc lớn mạnh đến mức cô không ngần ngại chia sẻ với công chúng qua quyển sách "Cứu rỗi từ địa ngục" như đã một lần chia sẻ với nhân vật mà cô gọi là "bác" Phạm Văn Đồng : "Bác ạ, nếu bác không tin Chúa, bác có thể bị sa địa ngục".

Tú Anh

Published in Quốc tế