Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Putin làm mưa làm gió với bóng ma nguyên tử, quốc tế bó tay ?

Lần đầu tiên một quốc gia đe dọa dùng vũ khí nguyên tử, không phải cho sự tồn tại của mình, mà để chiếm đoạt lãnh thổ của quốc gia khác. Vladimir Putin bất chấp những nguyên tắc quốc tế từ ba phần tư thế kỷ qua, hay ông ta chỉ dọa suông ?

nguyentu1

Tổng thống Nga Vladimir Putin và bộ trưởng quốc phòng Serguei Shoigu dự lễ khai mạc Diễn đàn Quân sự Kỹ thuật Quốc tế Army 2022 tại Moskva, Nga, ngày 15/08/2022. AP

Tựa chính các báo Pháp hôm nay được dành cho những chủ đề khác nhau như báo động về ảnh hưởng của kỹ nghệ tình dục trên mạng với trẻ vị thành niên và nạn bạo hành phụ nữ, giá điện tăng ở Pháp, biểu tình ở Iran, kinh tế Anh chao đảo. Tuy nhiên tình hình Ukraine vẫn chiếm nhiều đất ở trang trong như thường lệ.

Ai phá hoại Nord Stream ?

Trước hết tại Châu Âu "Ai đã phá hoại các đường ống dẫn khí Nord Stream ?" Đó là câu hỏi được nhiều tờ báo cùng đặt ra, trong khi mọi cặp mắt nghi ngờ đều đổ dồn về phía Moskva. Hai vụ nổ dưới biển đã làm hư hại đường ống dẫn khí Nord Stream 1 và 2. Vụ đầu vào tối Chủ nhật rạng sáng thứ Hai 26/09 ở đông nam đảo Bornholm của Đan Mạch trên biển Baltic, vụ thứ hai vào tối thứ Hai ở đông bắc đảo này, và mới đây thêm hai vụ rò rỉ ở phía Thụy Điển. Các cơ quan tình báo phương Tây vào cuộc, riêng tình báo Thụy Điển mở điều tra về "phá hoại nghiêm trọng", các các ê-kíp kỹ thuật Đan Mạch đến tận nơi với sự hỗ trợ của Đức. Tờ Tagesspiegel dẫn thông tin tình báo cho biết Nord Stream 1 có thể không sửa chữa được. Trước mắt không quan trọng, vì cả hai hiện không dẫn khí đến Châu Âu.

Một chuyên gia quân sự Pháp về chiến tranh đáy biển nhấn mạnh, các nhà điều tra để thu thập các mảnh vụn, xem xét kích thước chỗ nứt vỡ... và có thể mất một, hai tuần mới kết luận được. Chỉ có những nhân tố chính phủ mới thực hiện được những vụ tấn công như vậy. Thành đường ống Nord Stream 1 và 2 bằng bê-tông và thép dày đến 12 centimet. Le Figaro cho biết còn có những giả thiết như chất nổ được ném từ tàu, hoặc drone hay ROV (thiết bị dưới biển được điều khiển từ xa). Nga có loại thiết bị này, và quân đội Nga hiện diện thường xuyên trên biển Baltic. Tuy nhiên, việc tìm được chứng cớ không hề dễ dàng.

Trên internet, đội ngũ tung tin giả của Nga vội vàng nêu ra nhiều "nghi can" khác, như Mỹ chẳng hạn. Moskva cũng khoác lên chiếc áo đạo đức, đòi họp Hội đồng Bảo an. Trong khi chờ đợi, phương Tây nâng cao cảnh giác - sau Nord Stream có thể còn những vụ khác. Hôm thứ Ba, thủ tướng Ba Lan đã khai trương Baltic Pipe có thể dẫn 10 tỉ mét khối khí đốt/năm từ Na Uy về, đường ống này có thể trở thành mục tiêu.

Chẳng lẽ Moskva lại phá hoại cơ sở hạ tầng mang lại hàng tỉ đô la cho mình ? Đó cũng là lý lẽ của Nga. Tuy nhiên, theo La Croix, Gazprom từ đầu tháng Chín không còn cung cấp khí đốt cho Châu Âu theo hợp đồng, hành động này giúp né được gánh nặng bồi thường cho Uniper (ước tính nhiều tỉ euro). Gazprom từng viện cớ tua-bin hư, trường hợp có thể coi là "bất khả kháng" trước tòa án.

Ukraine : "Trưng cầu dân ý" dưới họng súng

Về việc "Moskva sẵn sàng sáp nhập một phần lãnh thổ của Ukraine", Le Monde cho rằng lịch sử sẽ ghi nhớ cuộc "trưng cầu dân ý" ngụy tạo. Hình ảnh những người che mặt, đeo súng đưa thùng phiếu di động đến tận nhà, hay những chiếc xe cảnh sát rong ruổi trên những con đường vắng người, dùng loa phóng thanh kêu gọi đi bầu ; ngay cả lính đánh thuê Wagner vừa được bổ sung với nhiều tù nhân cũng tham gia gây áp lực với dân. Thủ tục bỏ phiếu co giãn nên rất dễ gian lận. Chẳng hạn ở Donetsk, các nhà báo Pháp thấy một phụ nữ bỏ phiếu giùm cho cháu gái, những người tổ chức vẫn thản nhiên trước các camera.

Trong ngày cuối cùng, cuộc bỏ phiếu diễn ra bình thường để tạo hình ảnh đẹp trên truyền hình. Đại đa số là người già và phụ nữ - hàng ngàn nam giới đã bị gởi ra mặt trận và hàng ngàn người khác trốn kỹ trong nhà để tránh bị động viên. Theo Le Monde, Donetsk có nhiều người gốc Nga, có tâm lý mong sáp nhập vào Nga để không còn bị bom đạn. Ngược lại, tại những thành phố miền nam Ukraine mới bị chiếm, không khí khủng hoảng bao trùm, những binh sĩ mang thùng phiếu đến các tòa nhà được vũ trang tận răng.

Phương Tây kịch liệt lên án trò hề "thô bỉ" này, một dự thảo nghị quyết được chuẩn bị đưa ra Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, một cách để tránh việc Nga phủ quyết. Hoa Kỳ và Châu Âu hy vọng Trung Quốc một lần nữa lại không bỏ phiếu, Pháp cho biết Bruxelles sẽ gia tăng trừng phạt Nga và khẳng định sẽ viện trợ thêm vũ khí cho Ukraine. Cựu tổng thống Dimitri Medvedev đe dọa : "Tôi nhắc lại một lần nữa cho những tai điếc : Nga có quyền sử dụng vũ khí nguyên tử nếu cần".

Putin nguy hiểm vì "không có gì để mất" 

Liệu Moskva sẽ dấn lên đến đâu ? Trả lời Le Figaro, nhà sử học Jean-François Colossimo cho rằng "Putin càng nguy hiểm hơn vì ông ta không còn gì để mất". Chuyên nghiên cứu về thế giới Chính thống giáo, ông khẳng định Ukraine có ngôn ngữ và văn hóa khác biệt, nhưng ngược với Nga, Kiev chưa bao giờ mơ trở thành đế quốc và kể từ thế kỷ 19 đã là một quốc gia có bản sắc riêng. Theo ông, trong đầu của Vladimir Putin, người khác là cái "ác", tiêu diệt kẻ khác là "thiện", kể cả việc làm hành tinh này rực lửa. Putin đang đi theo chính sách khủng bố nhà nước thời Lênin. Colossimo so sánh Nhà nước của Putin với tổ chức Nhà nước Hồi giáo, mà ông cho rằng điểm khác biệt duy nhất nằm ở một con số : 6.300 đầu đạn hạt nhân.

Theo Le Figaro, Nga chẳng có lợi gì khi dùng vũ khí nguyên tử. Về quân sự, đây không hề là "game changer". Chuyên gia Xavier Tytelman ước tính một vũ khí nguyên tử chiến thuật tương đương khoảng 100 vụ bắn Himars, có sức phá hủy trong bán kính nhiều kilomet, nhưng không hữu dụng để đánh vào một quân đội vì các đơn vị nằm rải rác. Nếu Kremlin dùng đến loại vũ khí hủy diệt này, phương Tây có thể viện trợ cho Kiev drone, xe tăng, huấn luyện sử dụng tiêm kích và trực thăng tác chiến, chứ không còn tự hạn chế ở vũ khí thời Liên Xô được cải tiến, và một ít đại pháo như Caesar hay Himars như hiện nay. Về ngoại giao, Nga sẽ rơi vào thế còn tệ hại hơn cả Bắc Triều Tiên.

Thế giới hai lần tránh được chiến tranh nguyên tử

Les Echos giải thích "Putin và nguyên tử : Những lý do để không sợ hãi". Lần đầu tiên một quốc gia đe dọa dùng vũ khí hạt nhân, không phải cho sự tồn tại của mình, mà để chiếm đoạt lãnh thổ của quốc gia khác. Vladimir Putin bất chấp những nguyên tắc từ ba phần tư thế kỷ qua, hay ông ta chỉ dọa suông ?

Giả thiết đáng sợ nhất hiện nay là Putin bị đánh bại, bèn cho bắn hỏa tiễn mang đầu đạn nguyên tử vào Ukraine, mở ra chiếc hộp Pandore của việc dùng loại vũ khí ngày tận thế mà chưa ai dám đụng đến từ 77 năm qua. Với nguy cơ bị NATO trả đũa bằng vũ khí quy ước, sau đó hai bên leo thang chiến tranh nguyên tử.

Loài người ít nhất đã hai lần thoát được trong đường tơ kẽ tóc mối họa hạt nhân, tuy công chúng không biết đến nhiều. Đó là vào năm 1962, và nhất là năm 1983, khi đại tá Stanislav Petrov phụ trách hệ thống cảnh báo của Liên Xô, chỉ có hai phút để đoán ra không phải hàng trăm hỏa tiễn Mỹ đang nhắm đến, mà là một trục trặc của radar. Hai cường quốc nguyên tử đã thua trận mà không dùng đến vũ khí này : Liên Xô ở Afghanistan và Hoa Kỳ ở Việt Nam. Liên Xô và Trung Quốc năm 1969 đã đối đầu tại hòn đảo biên giới Damansky (20.000 người chết) nhưng chỉ bằng vũ khí quy ước.

Ngay từ đầu cuộc xâm lăng, ngày 24/02 Vladimir Putin đã dọa tấn công bằng những vũ khí "chưa từng thấy", nhưng phương Tây vẫn giao các phương tiện hạng nặng cho Kiev mà Kremlin không đáp trả. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay khác hẳn, sau cuộc "trưng cầu dân ý", bốn vùng đất Ukraine bị hóa phép thành của Nga. Cần nhớ rằng khi Putin tập trung 180 tiểu đoàn quanh Ukraine, người ta cũng ngỡ rằng chỉ để dọa.

Bấm nút hạt nhân, Vladimir Putin sẽ "lưu xú vạn niên"

Cộng đồng quốc tế không có mấy chọn lựa. Như Churchill đã nói, "nhà hòa giải là người nuôi con cá sấu với hy vọng sẽ là người cuối cùng bị ăn thịt". Nhượng bộ trước đe dọa của Putin sẽ khiến mai đây Nga hoặc cường quốc nguyên tử nào khác có thể xâm lăng một vùng đất, tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý không được ai nhìn nhận, và đe dọa tận thế nếu quốc gia bị cướp đất dám tự vệ.

Nhưng theo Les Echos, có những lý do vững chắc để tin rằng Moskva sẽ không vượt qua lằn ranh đỏ. Trước hết, Putin không hẳn đe dọa tấn công nếu Ukraine tái chiếm Donbass hay Kherson, mà chỉ khi phương Tây "bắt bí bằng nguyên tử". Quân đội Ukraine cũng đã từng đánh vào Belgorod của Nga hay Crimea. Hơn nữa, khi dùng đến hỏa tiễn hạt nhân chiến thuật (không mạnh bằng quả bom Hiroshima nhưng có thể làm mấy chục ngàn người chết kể cả lính Nga, và tạo ra vùng nhiễm xạ không thể cư trú), Vladimir Putin sẽ "lưu xú vạn niên", mà điều này ông ta rất ám ảnh. Nước Nga sẽ bị quốc tế coi như hủi - Joe Biden đã cảnh báo hôm 18/09, dường như đã có thông tin trước về bài diễn văn của tổng thống Nga.

Chuyên gia Tatiana Kastoueva-Jean của IFRI nhấn mạnh, ngay cả Bắc Kinh cũng đã tỏ ra bất bình trước cuộc phiêu lưu của Kremlin, vì kinh tế Trung Quốc dựa vào xuất khẩu nên dễ bị tổn thương. Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ cũng vậy. Nếu Putin dùng đến bom nguyên tử, tất cả doanh nghiệp của các nước này có giao dịch với Nga sẽ thấy thị trường phương Tây đóng sầm cửa trước mặt mình. Kinh tế Nga vốn lệ thuộc vào nhập khẩu, sẽ xuống dốc không phanh. Theo chuyên gia Xavier Tytelman, trong bối cảnh bị cấm vận tứ phía, nếu ngưng thương mại với Trung Quốc, Nga sẽ sụp đổ trong ba tuần lễ.

Đặc biệt trước khi ấn nút, Vladimir Putin phải thuyết phục bộ trưởng quốc phòng và tổng tham mưu trưởng quân đội - hai nhân vật cùng nắm mật mã nguyên tử - rằng việc mất Donbass hay Crimea đe dọa sự hiện hữu của Nga. Luận điệu này khó đứng vững, khi các trung tâm tuyển mộ trống rỗng, giá vé máy bay một chiều sang Armenia lên đến 10.000 đô la, và cụm từ được tìm kiếm nhiều nhất trên internet là "làm cách nào để gãy tay ?"

Armenia, nơi trú ẩn bất định của hàng ngàn người Nga trốn lính

Kể từ đầu cuộc xâm lăng, có 50.000 đến 70.000 người Nga đã chạy sang Armenia, nhưng gần đây tốc độ nhanh hơn hẳn, những chuyến bay chở đầy người dù giá vé "trên trời". Tác động lên đất nước chỉ có 3 triệu dân rất rõ : đồng tiền nội địa mất giá và giá thuê nhà tại Erevan tăng gấp đôi. Armenia vốn lệ thuộc Moskva vào nhiều mặt, người Nga tị nạn cảm thấy khá thoải mái ở đây.

Evgueni, một nghệ sĩ kiêm doanh nhân chạy sang Armenia ngay từ ngày 04/03 dù không quen biết ai, nay trở thành chủ một câu lạc bộ cà phê nổi tiếng. Địa điểm này từ vài ngày qua trở thành nơi trợ giúp những người chạy trốn lệnh động viên của Putin. Lớp tị nạn "đợt hai" này đầy hoảng loạn. Rất muốn hỏi "Bảy tháng qua các bạn ở đâu ?", nhưng chủ quán gác quan điểm qua một bên, giúp đỡ họ tìm được chỗ ở và việc làm. Một người phản chiến khác tư vấn trên mạng, giúp được 600 người chạy thoát được từ Nga. Đối với một số người khác, Armenia chỉ là điểm tạm dừng chân trước khi sang Gruzia, Azerbaijan, Thổ Nhĩ Kỳ, Dubai hoặc xa hơn nữa nếu được. Còn Evgueni thổ lộ với Le Monde giấc mơ của mình : "Rời khỏi không gian hậu xô-viết. Tôi đã quá chán ngán !"

Thụy My

Additional Info

  • Author Thụy My
Published in Quốc tế