Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Gây chiến với Ukraine, nhưng Putin đang thua trong cuộc chiến chống khủng bố

Le Figaro ngày 26/02/2024 nhận định, người dân Nga hy vọng là với việc từ bỏ một phần tự do, ít nhất cũng được đền đáp bằng sự an toàn. Nhưng bài học từ vụ thảm sát ngày 22/03 cho thấy là họ chẳng hề được bảo vệ. Theo Libération, Putin đang thua trong cuộc chiến chống khủng bố.

thanhchien1

Cảnh hoang tàn của nhà hát Crocus City Hall sau vụ khủng bố, ngày 26/03/2024. via Reuters - Russian Emergencies Ministry

Bị tổ chức Nhà Nước Hồi giáo tấn công, Putin lại cáo buộc Ukraine. Nước Pháp báo động khủng bố ở mức tối đa, tổng thống Macron do dự về việc tăng thuế đối với những người giàu nhất, đại hội thường niên của Liên đoàn nông dân Pháp, tập đoàn Boeing rơi vào khủng hoảng là những đề tài chiếm trang nhất báo Pháp hôm nay. Ở các trang trong, vụ thảm sát ở nhà hát Moskva, chiến tranh tại Ukraine và Gaza tiếp tục được bàn đến.

Daesh, điều cấm kỵ với báo chí Nga

Les Echos nhận thấy truyền thông Nga đưa tin rộng rãi về những gì diễn ra sau vụ tấn công ở Crocus City Hall, việc các nghi can ra tòa... nhưng không hề nhắc đến tổ chức Nhà nước Hồi giáo dù Daesh đã công khai nhận trách nhiệm.

Hầu như tất cả đều lặp lại luận điệu của chính quyền là có sự giựt dây của Kiev, nhưng không nêu chi tiết cụ thể ngoài việc bốn thủ phạm chạy về phía tây tức về hướng Ukraine nhưng cũng là hướng Belarus. Margarita Simonian, tổng biên tập RT tố cáo Kiev và "sự tham gia trực tiếp" của tình báo phương Tây. Tờ báo của giới doanh nhân Nga, "Kommersant", cung cấp hàng loạt chi tiết từ kích thước túi ba lô của các hung thủ cho đến bảng số xe, nhưng không nêu nguồn gốc Tadjikistan và thánh chiến.

Nhật báo "Argumenti i Fakti" dẫn nguồn FSB nói rằng "những tên tội phạm muốn vượt qua biên giới giữa Nga và Ukraine". Tờ "Moscow Times" bằng tiếng Anh có độc giả chủ yếu là người ngoại quốc, nhẹ nhàng nhắc đến tuyên bố của tổ chức Nhà Nước Hồi giáo. Hầu như chỉ có "Novaïa Gazeta", một trong những nhật báo đối lập cuối cùng mà bản in bị cấm ở Nga, nhấn mạnh đến tổ chức Nhà nước Hồi giáo. Tờ báo chỉ trích phe dân tộc chủ nghĩa mù quáng, các luật lệ nhắm vào những nhà đối lập ôn hòa, tình báo tập trung vào "việc tìm kiếm kẻ thù trong số những người chống chiến tranh, nhưng rồi những kẻ khủng bố thực sự lại tìm đến tận nơi".

Kremlin từ chối nói về tra tấn nghi can

Phát ngôn viên Kremlin Dmitri Peskov từ chối bình luận về các video được đăng lên mạng cho thấy các nghi can đã bị tra tấn. Libération cho rằng tuy không có câu trả lời, nhưng những hình ảnh đã nói lên tất cả. Bốn nghi can khủng bố xuất hiện trong tình trạng vô cùng thảm hại. Cả bốn nghi can mặt mũi sưng phồng, bầm tím, đầy vết máu. Một nghi can ngồi xe lăn dường như đã bất tỉnh, có vẻ như anh ta bị đẩy ra khỏi bộ phận hồi sức cấp cứu để ra tòa. Một người bị quấn băng một bên tai, người khác thì một túi nhựa quấn quanh cổ, mắt bầm đen. Rõ ràng họ bị tra tấn, đánh đập.

Những tấm ảnh này được chụp khi bốn nghi can được đưa ra xử kín tại tòa án Basmanny ở Moskva. Theo hãng tin Tass, các bị cáo tên Dalerdzhon Mirzoyev (32 tuổi), Saidakrami Murodali Rachabalizoda (28 tuổi), Shamsidin Fariduni (24 tuổi) và Muhammadsobir Fayzov (19 tuổi), đều là công dân Tadjikistan, bị cáo buộc khủng bố và có nguy cơ lãnh án chung thân. Có ít nhất hai người đã nhận tội, trong số 11 người bị bắt hôm thứ Bảy tại vùng Briansk.

Suốt cuối tuần qua, những video có lẽ từ lực lượng an ninh Nga lan truyền trên mạng xã hội, cho thấy những cuộc thẩm vấn thô bạo. Ít nhất một người bị chích điện vào bộ phận sinh dục. Trong một clip do các blogger Nga đưa lên, một nhân viên an ninh đã cắt vành tai của một người bị thẩm vấn rồi nhét vào miệng anh ta. Một video khác cho thấy lực lượng an ninh dùng báng súng đánh một nghi can, đá vào người này dù đang nằm dài trên tuyết.

Đây không phải là lần đầu tiên an ninh Nga bị cáo buộc tra tấn. Một báo cáo của Liên Hiệp Quốc thứ Tư tuần trước nhấn mạnh đến việc Nga tạo ra "không khí sợ hãi bao trùm" tại các vùng chiếm đóng của Ukraine, với những vụ bắt người bừa bãi, tra tấn, ý đồ hủy diệt bản sắc Ukraine nhất là nơi trẻ em. Cũng liên quan đến tội ác của quân Nga, phóng sự của Le Figaro nêu ra nhiều lời chứng cụ thể, từ những nạn nhân nay đã dám lên tiếng tố cáo về những vụ hãm hiếp diễn ra thường xuyên tại các vùng tạm chiếm.

Những vùng tối

Các báo đều đặt ra nghi vấn trước những vùng tối của cuộc điều tra. Le Figaro đặt câu hỏi, làm thế nào giải thích về những lỗ hổng an ninh : tổng hành dinh chỉ cách đó có 9 phút mà lực lượng an ninh phải mất một tiếng đồng hồ mới can thiệp ? Làm cách nào mà các hung thủ có thể xâm nhập vào khu vực nhà hát một cách dễ dàng, tàn sát nhiều người trong suốt 18 phút rồi mới phóng hỏa và ra đi ? Tại sao các lối thoát hiểm đều bị khóa kín ? Tất cả đều không có câu trả lời.

Trong khi đó theo Le Monde, Trung Á đã trở thành đầu cầu của tổ chức Nhà Nước Hồi giáo, sau khi phe thánh chiến bị Taliban đuổi khỏi Afghanistan. Nga là một trong những nước hiếm hoi dành ưu ái cho phe Taliban, kẻ thù của ISIS. La Croix nhắc nhở, Nga có 15 đến 20 triệu người Hồi giáo trên tổng số 140 triệu dân.

Vladimir Putin đứng trước thực tại phũ phàng

Le Monde nhận thấy với vụ khủng bố ở Moskva, Vladimir Putin đã phải đối mặt với thực tế phũ phàng. Hình ảnh quyền uy của một tổng thống tiếp tục nhiệm kỳ thứ năm sau cuộc bầu cử giả hiệu hôm 17/03, chưa đầy một tuần sau đã bị xóa nhòa với vụ khủng bố kinh hoàng ở nhà hát Crocus City Hall, khiến thường dân phải trả một cái giá máu quá lớn. Theo số liệu chưa đầy đủ đến sáng 25/03, có 144 người thiệt mạng. Đây là vụ khủng bố đẫm máu nhất tại Nga kể từ hai chục năm qua. Cộng đồng quốc tế nhất loạt lên án, kể cả các đối thủ phương Tây của Kremlin.

Việc tổ chức Nhà nước Hồi giáo nhận trách nhiệm được giới chuyên gia về các phong trào khủng bố cho là khả tín. Nhóm này là thủ phạm vụ tấn công vào vào phi trường Kabul năm 2021 trong khi Mỹ triệt thoái khỏi Afghanistan. Thế nhưng lên tiếng sau nhiều giờ đồng hồ im lặng, Vladimir Putin vẫn không muốn nhắc tới, ngược lại cố tìm cách gán cho Ukraine. Thật đáng kinh ngạc khi quy chụp mà không có bằng chứng nào, nhất là với gia đình các nạn nhân thiệt mạng có quyền biết sự thật - một điều hiếm hoi trong đất nước của dối trá.

Vụ tấn công đã nhắc nhở mối đe dọa thánh chiến luôn hiện diện kể cả trên lãnh thổ Châu Âu, đi ngược lại câu chuyện mà ông chủ điện Kremlin luôn kể lể. Putin nói rằng việc đối đầu với một phương Tây hung hăng và thù địch là vấn đề sống còn của Nga. Sự mù quáng này đặc biệt phản tác dụng. Chỉ cần nhìn sang những vùng đất trên thế giới mà thánh chiến tiếp tục gieo rắc cái chết, để thấy ám ảnh về sự đối địch giữa Moskva và Washington hay Paris chỉ làm lợi cho quân thánh chiến.

Sự kiện hôm 22/03 còn là một sự sỉ nhục cho Vladimir Putin, vì Hoa Kỳ đã gác sang một bên sự xung đột hiện nay để báo trước cho Moskva là khủng bố sẽ tấn công. Nhưng chính quyền Nga bỏ ngoài tai, thật đáng thương cho các nạn nhân hôm đó. Từ nhiều năm qua, các quyền tự do tại Nga bị tiêu diệt dần bởi một chuyên gia đã xây dựng tên tuổi bằng lời hứa lập lại trật tự. Những tiếng nói phản biện, như gần đây là những lời chỉ trích cuộc xâm lăng Ukraine, đã bị bóp nghẹt bằng mọi cách. Người Nga hy vọng là việc từ bỏ một phần tự do, ít nhất được đền đáp bằng sự an toàn. Than ôi, bài học ngày 22/03 cho thấy là họ chẳng hề được bảo vệ.

ISIS-K, "chính quyền man rợ"

Cây bút bình luận Serge July, người đồng sáng lập tờ Libération cho biết đó là tựa đề cuốn cẩm nang của tổ chức Nhà nước Hồi giáo, một loại "Mein Kampf". Tổ chức này ra đời năm 2006 tại Iraq. Trước liên minh quốc tế gồm nhiều nước trong đó có Pháp, Mỹ và một số lực lượng Kurdistan, Daesh bị mất hai thủ phủ là Mosul và Raqqa, biến mất khỏi Iraq năm 2017 và Syria năm 2019. Nhưng Daesh không bị tiêu diệt hẳn, mà vẫn tồn tại và dần dà vươn vòi ra nhiều nước : vùng Sahel, tại Nigeria với Boko Haram, tại Tadjikistan, vùng Kavkaz Nga, Indonesia, Afghanistan, Pakistan, Somalia, Saudi Arabia, Tunisia, Jordan, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ…

Sau sự kiện ngày 11 tháng 9 ở New York và nhiều vụ khủng bố ở Châu Âu, CIA đã dành riêng một bộ phận chuyên cảnh báo cho tất cả các nước phải đối phó với thánh chiến. Trong khuôn khổ này, khi có được thông tin về nguy cơ khủng bố ở Moskva, Mỹ đã báo cho Putin, nhưng ông chủ điện Kremlin tảng l.

Từ khi thành lập cho đến nay, tổ chức Nhà Nước Hồi giáo luôn nhận trách nhiệm về những vụ khủng bố do mình tiến hành. Theo các chuyên gia, chưa bao giờ Daesh nhận vơ. Lần này, do Putin không công nhận, Daesh đã công bố đến ba lần với rất nhiều chi tiết cụ thể. Thật khó hiểu đối với một tổng thống luôn tự nhận là bảo vệ người dân Nga. Một tuần lễ xui xẻo cho Vladimir Putin : trên Hắc Hải, Ukraine đã tấn công hai tàu hiện đại của hạm đội Nga, và phá hủy trung tâm thông tin của FSB ở Sevastopol. Rốt cuộc Putin đã nhìn nhận "chiến dịch quân sự đặc biệt" là chiến tranh. Nhưng chính khủng bố Hồi giáo đã thảm sát người dân Moskva, Putin đang thua trong cuộc chiến này.

Pháp nâng báo động khủng bố lên mức cao nhất

Về phía Pháp, sau vụ khủng bố ở cách Paris 3.000 kilomet, chính phủ tăng cường các biện pháp phòng ngừa. Đặc biệt là giữ an ninh cho 42.000 giáo đường trên toàn nước Pháp, khi người công giáo chuẩn bị mừng lễ Phục Sinh, cũng như sự kiện 130 trường trung học nhận được thông tin đe dọa đánh bom thông qua mạng liên lạc của nhà trường.

Le Figaro nhận thấy, thế là lực lượng mà tổng thống dự kiến gởi sang Ukraine bắt đầu tuần tra tại các nhà ga, trên đường phố để bảo vệ người dân trước mối đe dọa khủng bố. Từ sau vụ thảm sát của Mohammed Merah năm 2012 cho đến việc sát hại một du khách Đức ở gần tháp Eiffel cuối năm ngoái, đã có hơn 270 người gồm quân nhân, nhà báo, cảnh sát, trẻ em, giáo viên, linh mục đã bị khủng bố Hồi giáo sát hại. Họ bị tiết chỉ vì là người Do Thái, người Thiên Chúa giáo, người ngoại đạo… bị gọi chung là "kouffar".

Theo tờ báo, việc tăng cường tuần tra, giám sát camera… chưa thể đủ. Ngoài vấn đề an ninh, mối nguy Hồi giáo cực đoan còn ở ngay trong lòng xã hội. Phe thánh chiến lợi dụng những điểm yếu của xã hội, của thể chế Pháp để tấn công, trong đó có việc nhập cư hỗn loạn gây tác động Hồi giáo hóa về văn hóa. Bên cạnh đó là sự đồng lõa của một số nhân vật cánh tả, sự mù quáng của một số thẩm phán, và sự lo sợ bị coi là bài Hồi giáo của các chính khách, chưa kể còn có sự hỗ trợ của những thế lực bên ngoài. Dù muốn làm ngơ, làm giảm thiểu mối nguy, một khi không có biện pháp thích đáng, Hồi giáo cực đoan sẽ tiếp tục hoành hành.

Thụy My

Additional Info

  • Author Thụy My
Published in Quốc tế