Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

samedi, 26 septembre 2020 01:26

Điểm báo Pháp - Quan hệ Nga-Belarus

Quan hệ Nga-Belarus : Putin, kẻ thù tốt nhất của Lukashenko

Chủ đề trang bìa các tạp chí tuần này khá tản mạn : L'Express chú ý đến cựu thủ tướng Pháp Édouard Philippe, còn Le Point giới thiệu nhà báo kinh tế François Lenglet nói về quyển sách mới ra của ông. Một chủ đề khác là ngành địa ốc thời Covid-19, vừa được L’Obs đưa lên trang bìa, vừa được Le Point dành cho một hồ sơ đặc biệt 16 trang. Courrier International cũng nói đến dịch bệnh với hàng tít lớn : "Tuổi 20 thời Covid-19". Về thời sự quốc tế, đáng chú ý là bài phân tích trên tạp chí L’Express về quan hệ Belarus-Nga.

belarus1

Cuộc hội kiến giữa tổng thống Nga Vladimir Putin (p) và đồng nghiệm Belarus Alexander Lukashenko ngày 14/09/2020 tại Sochi (Nga). Ảnh chụp từ video được cơ quan báo chí phủ tổng thống Nga công bố.  AP

Về vấn đề Belarus, tạp chí L’Express đã có một cái nhìn rất khác lạ về quan hệ giữa tổng thống Nga và đồng nhiệm Belarus trong bài "Putin, kẻ thù tốt nhất của Lukashenco", nêu bật việc tổng thống Nga lợi dụng thế yếu của đồng nhiệm Lukashenko như thế nào.

Theo thông tín viên L’Express tại Moskva, tổng thống Nga mới đây đã đồng ý hậu thuẫn cho Belarus để đánh đổi lấy nhượng bộ từ phía đồng nhiệm Lukashenko, và có lẽ cũng dự kiến thay thế lãnh đạo nước láng giềng bằng một người của ông.

Lukashenko công khai thần phục Putin

Bài viết mô tả chuyến đi Nga của tổng thống Belarus ngày 14/09 và cuộc gặp với tổng thống Putin tại Sochi, ở phía nam nước Nga, bên bờ Biển Đen. Hình ảnh cuộc tiếp xúc đã làm dấy lên những bình luận mỉa mai của cư dân mạng.

Người ta thấy tổng thống Nga chễm chệ trong chiếc ghế bành, trong tư thế đàn anh, còn ông Lukashenko thì ngồi ghi chép, rồi quay người, tay chắp lại nói chuyện với ông Putin. Các động tác mang ý nghĩa rất rõ : Lãnh đạo bị đường phố Belarus phản đối từ sau cuộc bầu cử gian lận đầu tháng 8 đến Nga để tỏ sự thần phục. Ông Lukasheko đã nói với chủ nhân điện Kremlin : "Khi cần thì mới nhận ra ai là bạn", ông cám ơn sự giúp đỡ và gọi Nga là "người anh" của đất nước ông.

L’Express công nhận rằng ông Lukashenko biết ơn cũng phải. Nga đã cam kết đứng bên cạnh chế độ đang chao đảo của tổng thống Belarus, thông báo đào tạo "một lực lượng dự bị chống bạo động", sẵn sàng can thiệp nếu tình hình vượt ngoài tầm kiểm soát, và đã tháo khoán một khoản tín dụng 1,5 tỷ đô la cho nước đàn em.

Song song đó thì "chuyên gia" về truyền thông Nga được gởi đến Belarus : Các nhà báo của hãng Russia Today, hiện diện khắp nơi ở Belarus, đã đến thay thế đồng nghiệp bản xứ đình công ở đài truyền hình nhà nước. Nhiệm vụ của họ là phát đi liên tục hình ảnh về một "cuộc cách mạng màu" do phương Tây thao túng.

Putin lợi dụng thế mạnh để đòi nhượng bộ tối đa

Theo L’Express, bản thân ông Putin không bao giờ hứng thú với các phong trào phản kháng của quần chúng, ở Gruzia, Ukraine hay Armenia. Ông lại càng ghét cuộc nổi dậy hiện nay vì cũng như Lukashenko, ông có thể một ngày nào đó phải bám quyền mà ông nắm giữ từ năm 1999. Ông đã tự cho mình khả năng cầm quyền cho đến 2036, nhờ cải tổ Hiến pháp.

Trước mắt thì chủ nhân điện Kremlin muốn lợi dụng tình hình lệ thuộc của Lukashenko để đòi nhượng bộ tối đa. Theo nhận định của nhà chính trị học Belarus Artyom Schreibman, trung tâm Carnegie ở Moskva : "Đó có thể là việc tư hữu hóa một số tài sản của Belarus như các nhà máy lọc dầu, nhà máy vũ khí hay nhà máy sản xuất potasse Belaruskali".

Đây là những tài sản quý báu mà tổng thống Lukashenko cho đến giờ không mở ra cho các nhà đầu tư Nga.

Bắc Triều Tiên : Kim Jong-un đổi mới cách tuyên truyền

Về Châu Á, tạp chí L’Express đã có một bài viết độc đáo về Bắc Triều Tiên, với một tựa đề hóm hỉnh : "Kim Jong-un muốn tuyên truyền của mình trở nên sexy".

Theo L’Express, thời kỳ của những hình ảnh diễu binh với với băng âm thanh hung hăng đã qua rồi. Quốc gia khép kín ở Châu Á giờ đây đã sử dụng Internet và mạng xã hội để tạo ra một hình ảnh một đất nước hiện đại.

Trong một đoạn video đang trên tài khoản Youtube mang tên tiếng Anh Echo of Truth (Âm vang sự thật), người ta thấy một phụ nữ trẻ lịch sự, đi thong thả giữa các quầy hàng đèn sáng trưng của một siêu thị đầy ấp hàng hóa trong nước. Khách hàng được cô hỏi đều trả lời là những mặt hàng này không tăng giá, cho dù có dịch Covid-19.

Trong những video khác, Un A, tên người phụ nữ, giới thiệu bằng tiếng Anh hoàn hảo cho hơn 35.000 người đăng ký kênh YouTube của cô, nào là một nhà hàng bán pizza ở Bình Nhưỡng, nào là bến metro mới toanh.

Theo L’Express, Kim Jong-un, cùng lúc với việc giành một chỗ đứng trên chính trường quốc tế nhờ các cuộc gặp lịch sử với Donald Trump, đã hiện đại hóa cách tuyên truyền Bắc Triều Tiên. Mục tiêu có lẽ là gởi đi từ đất nước khép kín, được biết đến với tình trạng nhân quyền tồi tệ và các vụ bắn hỏa tiễn, một hình ảnh có tính hiện đại, bất chấp việc là cách xa Bình Nhưỡng - nơi một tầng lớp trung lưu đang vươn lên - tình trạng nghèo túng vẫn dai dẳng, mà theo chính quyền Mỹ, vẫn có khoảng 60% dân chúng ăn không đủ no.

Chiến dịch trên YouTube và các mạng xã hội khác đối chọi với hình ảnh trước đây về những cuộc diễu binh, và gương mặt mới của Un A duyên dáng hơn Ri Chun-hee, người giới thiệu chương trình cố hữu trong y phục truyền thống mầu hồng, thông báo các vụ thử nghiệm hạt nhân với một giọng điệu hứng khởi.

Cho dù Un A - người vẫn đeo các huy hiệu với chân dung cha và ông của Kim Jong-un - đã cố gắng rất nhiều, nhưng thực tế của đất nước Bắc Triều Tiên đôi khi được thấy trong các clip video. Một vài ví dụ : Giá hàng ở siêu thị được quay video đôi khi bị che nhòa, hay là cảnh một nhóm ca khúc nam Boys band lại hát bài ca ngợi lãnh tụ Kim nhân một "lễ hội thanh niên".

Những người chống đeo khẩu trang tại Pháp là ai ?

Riêng về Covid-19, tạp chí L'Obs đã có nguyên một hồ sơ 11 trang để nói về giới chống khẩu trang tại Pháp.

Trong bài mang tựa đề "Thiên hà đáng ngại của những người chống khẩu trang", tạp chí Pháp ghi nhận là những người trong giới này đã không chịu đeo những thứ mà họ cho là khiến họ "nghẹt thở" nhân danh quyền tự do. Những thành phần cực đoan hơn còn nghi ngờ là Covid-19 là một điều không có thật.

Đối với L’Obs, hiện tượng này không có gì mới mẻ. Mọi cuộc khủng hoảng y tế hay dịch tễ đều sản sinh ra những thành phần ly khai.

Xuất phát từ Mỹ, phong trào chống khẩu trang đã thu hút tất cả những người chống hệ thống cầm quyền hiện hữu. Tại Pháp thì phong trào này đã thu hút một phần không nhỏ những người Áo Vàng, một vài trí thức và cả một số y sĩ.

Theo Mourad, 35 tuổi, cư dân vùng Ile-de-France, một nơi bị dịch virus corona rất nặng, người quản trị nhóm chống bắt buộc đeo khẩu trang "Anti masque obligatoire" trên Facebook, có khoảng 13.500 thành viên thì : "Khẩu trang kéo dài virus của sự sợ hãi trong đầu óc con người, ngăn cản chúng ta hít thở một cách đàng hoàng, thậm chí một cô gái ở Đức đã bị chết vì chuyện này".

Nhân vật này cho là : "Người ta đã bị buộc phải tự bịt miệng một cách vô cớ : Có thể nói là khẩu trang giết hại tự do". Mourad còn vạch mặt báo giới "loan truyền thông tin thất thiệt, gieo rắc sợ hãi".

Ở trung tâm của phong trào chống đeo khẩu trang là là một nhóm cực đoan đến mức cuồng tín, mà gương mặt nổi bật là Ève Engerer, một "bác sĩ" vùng Bas-Rhin phía đông Pháp. Trả lời đài truyền hình Pháp BFMTV, bà không ngần ngại cho là đeo khẩu trang là một nghi thức tà giáo của các phần tử "ấu dâm thờ Satan" để thể hiện một "hành động phục tùng".

Covid-19 tác động thế nào đến thanh niên

Tạp chí Pháp Courrier International muốn tìm hiểu xem dịch bệnh ảnh hưởng ra sao đến vấn đề học tập, tìm kiếm công ăn việc làm, tinh thần, thậm chí cả quan hệ yêu đương của giới trẻ với ghi nhận chung là đại dịch đã đẩy các thanh niên vào một tình thế bấp bênh, bị cô lập, với tâm trạng luôn lo âu. Covid-19 sẽ để lại hậu quả lâu dài trên cả một thế hệ, không chỉ ở Pháp mà khắp Châu Âu, ở Châu Á, Châu Mỹ.

Courrier International như thông lệ nêu ví dụ qua các phóng sự, phân tích các báo đó đây. Một ví dụ khá tiêu biểu mà tạp chí Pháp nêu bật dựa trên một bài viết trên tờ báo Nhật Bản Nikkei Asian Review với câu hỏi của một nữ sinh viên : "Sinh viên phải chịu đựng tình trạng này đến bao giờ ?".

Năm nay 18 tuổi, Maki vừa ghi danh ở trường Mỹ Thuật Tokyo xong thì có lệnh phong tỏa. Và như thế trong suốt mấy tháng, cô đã phải học qua mạng. Đến nay đại học của cô vẫn chưa mở cửa lại, tuân thủ nguyên tắc cẩn trọng.

Cũng như Maki, nhiều sinh viên khác có nguy cơ chịu hậu quả trong quá trình học tập của mình. Theo Nikkei Asian Review, ngày càng nhiều sinh viên bỏ học hay tự nhốt mình trong nhà, có khi rơi vào tình trạng trầm cảm.

Tạp chí Nhật trích một điều tra của Tổ chức Lao động Quốc tế, công bố vào tháng 5, cảnh báo về " Covid-19 đối với thanh niên trên toàn thế giới, đặc biệt dễ bị tổn thương do chịu nhiều yếu tố gây stress, nhất hệ quả của là khi việc học tập bị gián đoạn, bị lâm vào tình trạng thất nghiệp, thu nhập giảm thiểu, khó khăn trong vấn đề tìm việc làm".

Câu chuyện chưa từng đọc về Edouard Philippe

L’Express tuần này dành trang bìa cho cựu thủ tướng Pháp Edouard Philippe, với tựa đề : "Câu chuyện mà quý vị chưa từng đọc". Tạp chí tò mò tìm hiểu xem, sau khi rời phủ thủ tướng, ông làm gì, nghĩ gì và đang tính toán gì.

Trong một phóng sự điều tra dài 5 trang, L’Express đã ghi nhận hai chi tiết : Sau khi rời phủ thủ tướng ông Edouard Philippe đã có một công việc béo bở và chuẩn bị cho ra một quyển sách.

Về việc làm, ông đã gia nhập ban quản trị của Atos, môt trong 10 tập đoàn dịch vụ kỹ thuật số hàng đầu trên thế giới. Để làm gì ? Theo tập chí Pháp, cựu thủ tướng có lẽ muốn một ngày nào đó trở lại chính trường ở vị trí hàng đầu, với thêm một kinh nghiêm hoạt động. Làm việc tại Atos thuận lợi không nhỏ, ngoài khoản thù lao 50.000 euro/năm với tư cách nhà quản trị độc lập, ông sẽ có thêm kinh nghiệm trong lãnh vực kỹ thuật số.

Điểm khác mà L’Express chú ý là cựu thủ tướng đã ký với nhà xuất bản JC Lattès hợp đồng cho một tác phẩm triết học chính trị nói về nghệ thuật trị nước, mà ông muốn cho ra mắt vào năm 2021.

Sau cùng, L’Express còn nhìn thấy trrong tính toán của ông Edouard Philippe khả năng ông giảng dậy trong một đại học nước ngoài, thậm chí thử ra ứng cử tổng thống.

Ai phải gánh chi phí chống khủng hoảng ?

Trong hàng tít lớn trang bìa "Những người phải chi trả cho cuộc khủng hoảng", tạp chí Le Point đã giới thiệu quyển sách mới ra của nhà báo kinh tế François Lenglet mang tựa "Với bất cứ giá nào – Quoiqu’il en coûte !", một thành ngữ mà đương kim tổng thống Pháp Macron đã dùng gần đây khi loan báo kế hoạch chống dịch Covid-19 tại Pháp.

Đối với tạp chí Pháp rốt cuộc những người phải trả giá cho cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế hiện nay lại chính là những người Pháp đã phải dày công tiết kiệm, dành dụm.

Vì như Lenglet phân tích trong bài phỏng vấn dành cho Le Point : "Chúng ta đã đi vào một thế giới siêu nợ và chúng ta vẫn giải quyết cuộc khủng hoảng hiện tại bằng những khoản nợ mới". Theo nhà báo, tình hình rất nghiêm trọng vì khoản nợ khổng lồ đó sẽ đè nặng lên tăng trưởng : "Hiện giờ thì có những thủ thuật như lãi suất zero, sắp tới có thể là lãi suất âm, như tạo thêm tiền bơm vào hệ thống tài chánh… nhưng đến một lúc nào đó thì phải giải quyết vấn đề nợ…

Theo Lenglet, đến một lúc nào đó dứt khoát là phải phá tư bản - tức là khoản tiết kiệm - để trả nợ vì nợ và tiết kiệm theo Lenglet là hai mặt của một đồng tiền : Nếu một người mắc nợ thì có người khác đã cho vay với khoản tiết kiệm của mình.

Lenglet chỉ trích gay gắt hành động vung tiền dễ dàng mà các nước đang dùng để giải quyết các khó khăn kinh tế do dịch bệnh gây ra, trong lúc cũng chưa thấy được động lực tăng trưởng.

Địa ốc đối mặt với khủng hoảng

Theo tạp chí Pháp, với cuộc phong tỏa vừa qua, địa ốc càng được người Pháp xem như đầu tư chắc chắn cho tiết kiệm của họ. Có điều là khó khăn kinh tế và luật lệ gắt gao hơn của các ngân hàng khiến cho nhiều người mua chùng bước, tự hỏi có nên chờ đợi giá cả giảm xuống hay không, mua loại nhà gì, ở đâu ?

Đó là biết bao câu hỏi mà L’Obs dành nguyên một hồ sơ đặc biệt để tìm đáp án.

Mai Vân

Additional Info

  • Author RFI tiếng Việt
Published in Quốc tế