Ngay sau khi Nga loan báo hôm 21/04/2022 đã thử nghiệm thành công hỏa tiễn liên lục địa thế hệ mới mang tên RS-28 Sarmat - hay SS-X-30 theo cách gọi của NATO - mà báo chí phương Tây gọi là Satan-2, các nhà quan sát đều cho rằng đây là một đòn tuyên truyền của Moskva. Có người còn nêu bật tính chất tương đồng trong cách làm của Nga với những động thái hù dọa đã trở thành truyền thống của Bắc Triều Tiên.
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Sarmat được phóng đi từ Plesetsk ở phía tây bắc nước Nga. Ảnh do bộ phận báo chí thuộc Cơ quan Vũ trụ Nga Roscosmos công bố ngày 20/04/2022, AP
Khi bình luận trên đài truyền hình Nhà nước Nga về vụ thử nghiệm loại tên lửa mới được Bộ Quốc phòng đánh giá là có sức mạnh "vô song", tổng thống Nga Vladimir Putin đã không tiếc lời phô trương tính chất "kể như không có giới hạn về tầm bắn" của loại vũ khí mới này.
Đối với ông Putin, hỏa tiễn liên lục địa vừa được thử nghiệm là loại "bất khả chiến bại", sẽ "nâng cao tiềm lực quân sự của các lực lượng vũ trang Nga, giữ cho nước Nga an toàn trước các mối đe dọa từ bên ngoài" và nhất là "khiến cho những kẻ cố gắng đe dọa nước Nga bằng những lời lẽ hung hăng và ngông cuồng phải suy nghĩ lại".
Tính chất đe dọa của tuyên bố trên đây thật rõ ràng, trong bối cảnh phương Tây đang gia tăng trừng phạt Nga, và tăng cường viện trợ vũ khí cho Ukraine để chống lại cuộc xâm lược của Nga.
Câu hỏi mà giới quan sát đặt ra là thế giới có nên lo ngại trước loại tên lửa này hay không vì trên lý thuyết, loại hỏa tiễn Sarmat rất đáng sợ. Dài 35 mét, nặng hơn 200 tấn, đường kính 3 mét, có thể được trang bị 10 đầu đạn hạt nhân, đây là loại tên lửa có khả năng bay xa tới 18.000 km, một bước nhảy vọt so với tên lửa đời trước là Voevoda, chỉ có tầm bắn 11.000 km. Mặt khác, Sarmat có thể vượt qua mọi loại hệ thống phòng thủ chống tên lửa để tấn công vào bất kỳ mục tiêu nào trên Trái Đất.
Ngay sau khi Nga loan báo thử nghiệm thành công tên lửa Sarmat, Washington cũng như một số chuyên gia phân tích đã cho rằng loại vũ khí mới này của Nga không hề là một mối đe dọa mới đối với phương Tây, và không làm thay đổi gì nhiều tương quan lực lượng hiện nay.
Là quốc gia đầu tiên lên tiếng phản ứng về vụ thử tên lửa Sarmat, Hoa Kỳ, thông qua tuyên bố của phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby, đã khẳng định rắng đó không phải là một mối đe dọa, và Mỹ đã được phía Nga báo trước về vụ thử, đúng theo tinh thần hiệp ước về các vụ thử hạt nhân New Start. Hơn nữa, quân đội Nga rõ ràng đã không thay đổi lịch trình của mình khi tiến hành thử nghiệm. Moskva đã lên kế hoạch thực hiện năm cuộc thử nghiệm RS-28 Sarmat trong năm 2022, mà vụ thử mới đây là vụ thử đầu tiên trong một loạt dài.
Trả lời nhật báo Pháp Le Parisien ngày 21/04, ông Emmanuelle Maître, chuyên gia về vũ khí của Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp FRS, cho rằng : "Nếu họ muốn thì Nga đã có thể tấn công phương Tây hoặc Hoa Kỳ bằng tên lửa, từ các căn cứ trên bộ hoặc tàu ngầm". Đời trước của loại tên lửa vừa được thử nghiệm đã từng có tầm bắn 11.000 km và mang theo tới 10 đầu đạn hạt nhân rồi, nên đã có thể dễ dàng tấn công mọi nơi trên thế giới.
Trên đài truyền hình Pháp BFMTV, ông Jérôme Pellistrandi, một viên tướng Pháp đã hồi hưu, cũng khuyên mọi người bình tĩnh. Theo ông : "Đó chỉ mới là một cuộc thử nghiệm nên sẽ cần thời gian trước khi tên lửa đi vào hoạt động thực sự". Theo nhà quan sát này, vụ thử nghiệm tên lửa Sarmat chỉ là một bước mới trong một lịch trình đã cũ về tiến trình phát triển tên lửa liên lục địa ở Nga. Ông lưu ý : "Người Nga đã phát triển tên lửa liên lục địa từ năm 1957".
Đối với các nhà phân tích, mục tiêu của Moskva khi loan báo rầm rộ thông tin về vụ thử, kèm theo những hình ảnh do quân đội Nga công bố, rõ ràng là nhằm gây nên tâm lý sợ hãi trong dư luận phương Tây.
Theo ghi nhận của đài BFMTV, hỏa lực lý thuyết của loại tên lửa Sarmat rất ghê gớm, vì số đầu đạn hạt nhân mà vũ khí này mang theo có thể gây ra một vụ nổ nguyên tử lớn hơn 100 hoặc 200 lần so với sức công phá của quả bom mà Mỹ đã thả xuống Hiroshima vào cuối Đệ nhị Thế chiến. Biệt danh Satan-2, tức Quỷ dữ Satan, mà báo chí phương Tây dùng để gọi tên RS-28-Sarmat đã nhấn mạnh đến uy lực tàn phá kinh khủng đó.
Khủng khiếp hơn nữa, theo nhiều nhà phân tích, là tầm hoạt động rộng lớn, và tốc độ của loại tên lửa này, có khả năng bay từ Moskva đến Paris trong vỏn vẹn sáu phút đồng hồ !
Theo giới phân tích, đối tượng hù dọa của tổng thống Nga khi khoe loại vũ khi hủy diệt mới này chính là phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ. Trả lời đài BFMTV, ông Emmanuel Dupuy, chủ tịch Viện Nghiên cứu Triển vọng và An ninh Châu Âu, đã ghi nhận : "Hướng bắn của tên lửa này chính là về hướng Hoa Kỳ trong bối cảnh tổng thống Nga đã đề cập đến vấn đề hạt nhân khi bắt đầu cuộc chiến (tại Ukraine)".
Mục tiêu tuyên truyền trong nước cũng được giới chuyên gia nhắc tới trong bối cảnh Nga vừa bị một cú sốc quân sự đáng kể vào tuần trước khi soái hạm của Hạm đội Hắc Hải, chiếc tàu tuần dương Moskva bị chìm xuống đáy Biển Đen, rất có thể là do bị trúng tên lửa của Ukraine.
Theo tướng Pellistrandi, việc phô trương thành công của vụ thử tên lửa Sarmat do đó có mục tiêu "đưa ra một hình ảnh tích cực về một quân đội Nga đang gặp khó khăn rất lớn ở Ukraine bởi vì nó cho phép nói với dư luận : Bạn thấy đấy, chúng ta có vũ khí công nghệ rất cao".
Bình luận gia chuyên về thời sự quốc tế của đài BFMTV Patrick Sauce, cũng coi đó là một cách Điện Kremlin vớt vát thể diện sau những điều có thể gọi là "thất bại" ban đầu trong chiến dịch tấn công Ukraine, trong đó có vụ chiếc Moskva bị chìm : "Đó là một thông điệp cho người Nga hơn là cho cộng đồng phương Tây : "Chúng ta đã mất con tàu của mình, cách đây một tuần, nhưng chúng ta vẫn có những khả năng mạnh mẽ".
Nhà bình luận này không ngần ngại xem đó là một nỗ lực để tô bóng hinh ảnh của chế độ, theo một mô hình nổi tiếng ở nơi khác, cụ thể là ở Bắc Triều Tiên : "Đó cũng là thông điệp mà Kim Jong-un gửi tới đồng bào của mình khi Bắc Triều Tiên thực hiện các cuộc thử nghiệm của riêng họ".
Trọng Nghĩa