"Chống tham nhũng : Cuộc chiến của cả dân tộc Romania"
Báo chí Pháp ngày 09/02/2017 chú ý đến thời sự nóng bỏng Romania với những hàng tựa như "Toàn dân" đọ sức với chính quyền chống tham nhũng, "Xã hội dân sự đang hình thành", chính phủ thì tìm cách "làm chủ lại tình hình".
Một cuộc biểu tình tại Budapest REUTERS/Stoyan Nenov
Trong mắt phóng viên báo La Croix, D-N-A là ba chữ cái đang khiến giới công chức và doanh nhân Romania lo sợ. Đây là Cơ Quan Quốc Gia Chống Tham Nhũng, được lập ra năm 2013, để trừng phạt những người lạm dụng quyền thế chuộc lợi. DNA là "kẻ thù chung" của tất cả các đảng phái chính trị tại Romania. Năm 2015, đã có hơn 1.250 quan chức, bị xét xử về tội tham nhũng, trong đó có cựu thủ tướng Victor Ponta, 5 bộ trưởng, 16 đại biểu Quốc Hội và 5 thượng nghị sĩ.
Theo thông tín viên của báo La Croix, nạn tham nhũng ở Romania lan tràn đến mọi cấp, mọi lĩnh vực trong đời sống hàng ngày của người dân. Tiêu biểu hơn cả là trong ngành y tế, một "ưu tiên" của chính phủ. Ngân sách y tế của Romania hàng năm lên đến 7 tỷ euro, nhưng khoản tiền đó không bao giờ đến tay các bệnh viện và các hiệu thuốc công thì không có thuốc để bán cho dân.
Vào lúc thủ tướng Grindeanu hy vọng nhanh chóng "sang trang khủng hoảng chính trị" thì phóng viên của La Croix không mấy lạc quan khi cho rằng dù chính phủ đã rút lại nghị định mang tính khoan hồng với những kẻ tham ô, hối lộ, nhưng người dân Romania vẫn muốn "giải quyết dứt điểm" vấn nạn này và còn dự trù biểu tình tiếp vào những ngày cuối tuần sắp tới.
Cũng về Romania và cuộc chiến chống tham nhũng, Le Monde chú ý đến gương mặt của Laura Kodruta Kovesi, nhân vật số 1 của DNA. Bà đang được dân chúng xem như biểu tượng của làn sóng bài tham nhũng, và được hàng trăm ngàn người biểu tình yêu mến, gọi với cái tên thân mật là "Laura".
Năm nay 43 tuổi, bà được chỉ định đứng đầu cơ quan chống tham nhũng Romania, từ khi định chế này được thành lập cách nay ba năm. "Laura" đã tấn công vào thành trì kiên cố của giới chính khách Bucarest. Mở hai cuộc điều tra nhắm vào lãnh đạo đảng Xã hội Dân chủ PSD và chính lôi thôi pháp lý này đã không cho phép ông Dragnea trở thành thủ tướng. Nếu như nghị định của chính phủ Romania giảm nhẹ tội tham nhũng được thông qua, thì ông này còn phải trả lời tư pháp về tội biển thủ công quỹ.
Chính nhờ "Laura" mà Romania hiện nay là một trong những thành viên Liên Hiệp Châu Âu có luật chống tham nhũng nghiêm khắc nhất. Chẳng hạn như không một ai đã phạm tội hình sự có thể trở thành bộ trưởng.
Tư pháp Nga loại một đối thủ của Putin
Tại Moskva, nhà đấu tranh chống tham nhũng Alexei Navalny vừa bị tước quyền ra tranh cử tổng thống Nga 2018. "Tư pháp Nga loại một nhà đối lập" tựa trên Les Echos. Tờ báo bình luận : một quyết định thật "đúng lúc" đối với chính quyền Nga khi biết rằng ông Navalny đang chuẩn bị ra tranh cử tổng thống tháng 3/2018, cạnh tranh với Vladimir Putin.
Vừa khai trương trụ sở tranh cử tại thành phố Saint Petersburg, Navalny được cả một thành phần dân chúng Nga có khuynh hướng tự do và những người đã quá chán ngán một xã hội bị tham nhũng làm lũng đoạn ủng hộ. Blogger Navany gần đây đăng tải trên mạng hình ảnh về khu dinh thự xa hoa của thủ tướng Medvedev, tiết lộ tin chính tổng thống Putin ra lệnh rót 1,5 tỷ euro công quỹ cho một tập đoàn hóa dầu, mà một trong những cổ đông chính lại con rể của tổng thống Nga.
Hạt nhân Bắc Triều Tiên, chiến lược hù dọa "hết thiêng"
Chuyển sang phần trang Châu Á, La Croix nhận thấy : các chính quyền bảo thủ ở Seoul luôn đem Bắc Triều Tiên ra là "ông kẹ" để thuần phục công luận, nhưng chiêu bài này đã hết thiêng, khi mà người dân Hàn Quốc đang phải lo lắng về cơm áo gạo tiền, kinh tế ngày càng khó khăn.
Tình hình tại Hàn Quốc đang sôi sục. Hàng trăm ngàn người mỗi tuần đều đặn biểu tình ôn hòa đòi tổng thống Park Geun-hye chóng ra đi. Chủ nhân các đại tập đoàn công nghiệp từng là niềm tự hào của cả một đất nước, một dân tộc, bị điều tra vì tham nhũng. Số phận chính trị của bản thân tổng thống họ Park như chỉ mành treo chuông.
Dù vậy Park Geun-hye và ban cố vấn của bà từ hai tháng qua vẫn khai thác mối đe dọa hạt nhân và quân sự xuất phát từ Bắc Triều Tiên với hy vọng lái công luận về hai mối "nguy hiểm thực sự đó" để người dân quên đi vụ tai tiếng được gọi là "Choi Gate". Có điều như lời Magdalena, một cụ bà 60 tuổi trình bày với nhà báo Pháp : "Tất cả những nhà độc tài Hàn Quốc được Mỹ yểm trợ từ sau chiến tranh đến nay đều khai thác lá bài Bắc Triều Tiên để hù dọa (…). Tất cả các vị tướng lĩnh đều mang nước láng giềng cộng sản phương bắc ra để biện minh cho chính sách đàn áp, để chà đạp các quyền tự do cá nhân, để chống giới công đoàn hòng làm giàu cho các đại công ty". Có điều, 60 năm sau chiến tranh, bà Park Geun-hye quên mất rằng công luận Hàn Quốc không còn sợ Bình Nhưỡng hay Kim Jong-un.
Theo ghi nhân của đặc phái viên báo La Croix, Dorian Malovic, đây thực sự là một thay đổi lớn trong xã hội Hàn Quốc. Một thanh niên Hàn Quốc, trợ lý cho dân biểu Quốc Hội ở Seoul hoàn toàn chia sẻ quan điểm của cụ bà Magdalena khi cho rằng, chẳng còn mấy ai rúng động trước tin Bình Nhưỡng thử tên lửa hay vũ khí hạt nhân. Thời kỳ mà thông tin chỉ được các báo đài chính thức cung cấp đã đi qua. Một nhà báo Hàn Quốc từng tu nghiệp tại Paris nhận định : cả Seoul lẫn Bình Nhưỡng cùng lấy "bên kia" ra làm ông kẹ vì những mục tiêu chính trị, để tuyên truyền về mặt đối nội.
Hao mòn dự trữ ngoại tệ Trung Quốc
Gói dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc thấp nhất từ 6 năm nay. Đang từ gần 4.000 tỷ đô la, nay đã rơi xuống dưới ngưỡng 3.000 tỷ. Le Monde nói tới một "khoản dự trữ cứ bị hao mòn dần từ tháng này sang tháng khác" chỉ vì Bắc Kinh muốn giữ giá đồng nhân dân tệ nhằm duy trì ổn định tài chính và tiền tệ cho nước nhà. Nhưng chiến lược đó chỉ hiệu quả một cách "tương đối", khi biết rằng, trong năm 2016, nhân dân tệ mất giá gần 7% so với đô la. Giới trong ngành đặt câu hỏi "đến khi nào thì Bắc Kinh ‘xây một bức tường’, ngăn cản nhân dân tệ thất thoát ra nước ngoài" ?
Còn liên quan tới những cáo buộc của tổng thống Trump cho rằng Tokyo phá giá đồng yen tạo đà cho xuất khẩu hàng Nhật ra nước ngoài thì sao ? Một ngày trước thượng đỉnh Mỹ Nhật tại Washington, báo Les Echos nhắc lại : đồng yen Nhật Bản thường xuyên là mục tiêu tấn công của Donald Trump. Thêm vào đó, thống kê gần đây nhất cho thấy cán cân thương mại của Hoa Kỳ bị thâm hụt đến gần 69 tỷ đô la chỉ riêng với bạn hàng Nhật Bản trong năm 2016. Giới quan sát chờ đợi đây sẽ là "hồ sơ gay go" nhất trong hai ngày làm việc và đánh golf của thủ tướng Abe với tổng thống Trump.
Donald Trump và giới tài chính, tuần trăng mật đã đi qua
Cũng Les Echos, trong bài viết "Donald Trump và giới tài chính, tuần trăng mật đã đi qua", nêu bật hai ý chính : một là chính sách giới hạn người nhập cư và kiểm soát giá cả được chủ nhân Nhà Trắng đưa ra gây lo ngại và hai là viễn cảnh đô la, lãi suất ngân hàng tăng giá gây trở ngại cho tăng trưởng và đầu tư. Tác giả là giáo sư kinh tế Nouriel Roubini, giảng dậy tại Stern School of Business – Đại học New York.
"Tuần trăng mật đã đi qua" bởi lẽ, từ khi ông Donald Trump đắc cử, chỉ số chứng khoán tài chính thế giới nhìn chung đã tăng mạnh, Dow Jones của Mỹ đi từ kỷ lục này đến kỷ lục khác trước những hứa hẹn bơm tiền đầu tư vào cơ sở hạ tầng, trước cam kết giảm thuế doanh nghiệp để khuyến khích đầu tư trở lại vào Hoa Kỳ, qua đó tạo công việc làm cho người dân.
Ba tuần sau khi ông Donald Trump nhậm chức, thái độ lạc quan đó bắt đầu nhường chỗ cho một số lo ngại : chỉ số chứng khoán tại New York có dấu hiệu hụt hơi. Giới đầu tư không còn hào hứng như ban đầu, bởi thứ nhất chính sách kích cầu của ông Trump sẽ đẩy đồng đô la và lãi suất ngân hàng lên cao. Cả hai yếu tố này cùng có hại cho khu vực sản xuất và cả bất động sản. Tác giả đưa ra con số 400.000 chỗ làm có nguy cơ bị đe dọa.
Thứ hai nước Mỹ có thể lại phải đối mặt với lạm phát là điều này lại càng gây áp lực để ngân hàng trung ương Fed tăng lãi suất. Lo ngại thứ ba, là các doanh nhân Mỹ bắt đầu "ngán" khi thấy tổng thống can thiệp mạnh vào các hoạt động kinh tế và không có gì cấm cản ông còn đưa ra những biện pháp "cực đoan hơn nữa". Tựu chung câu hỏi hiện nay là liệu những quyết định của tổng thống Hoa Kỳ có làm phương hại tới tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ hay không và giới tài chính bắt đầu thận trọng với đường lối đang được Nhà Trắng vẽ ra.
Dùng văn hóa để khẳng định màu sắc "Trung Hoa"
Dưới tựa đề "Bắc Kinh di dời Tử Cấm Thành", Le Monde chú ý đến phẫn nộ của công luận Hồng Kông trước tin Trung Quốc dời một bộ phận của bảo tàng Tử Cấm Thành sang đặc khu hành chính này. Thậm chí có nhiều tiếng nói coi đây là một hình thức "lục địa hóa" Hồng Kông, là bước đầu tiên để chính quyền Bắc Kinh từng bước "nuốt" hẳn vùng lãnh thổ này. Phe chống đối xem dự án đã được Trung Quốc đơn phương quyết định và thông báo vào cuối tháng 12/2016 như một kiểu "con ngựa thành Troie" để "pha loãng bản sắc riêng biệt của Hồng Kông".
Hồng Kông sử dụng tiếng Quảng Đông, khác hẳn với Quan Thoại, lại có cả một quá khứ là thuộc địa của Vương Quốc Anh. Đó là chưa kể, theo ghi nhận của Le Monde, với người dân Hồng Kông, Tử Cấm Thành là một biểu tượng gắn liền với thảm sát ở Thiên An Môn nhân phong trào dân chủ năm 1989, mà hàng năm Hồng Kông vẫn tưởng niệm các nạn nhân của Mùa Xuân Bắc Kinh. Nhìn từ góc độ đó, "di dời" một phần di sản văn hóa của Trung Quốc sang đặc khu hành chính này, không khác nào một hành động khiêu khích của chính quyền Bắc Kinh.
Thanh Hà
Hôm 05/02/2017, trên toàn nước Rumani, nửa triệu người đã xuống đường mừng thắng lợi trong cuộc đọ sức với chính phủ : Bucarest đã buộc phải rút bỏ nghị định giảm nhẹ trừng phạt tội tham nhũng. Riêng tại thủ đô Bucarest, khoảng 300 ngàn người tập hợp trước trụ sở chính phủ trong bầu không khí hồ hởi, phấn khởi.
Biểu tình mừng thắng lợi ở Bucarest sau khi chính phủ Rumani hủy nghị định giảm nhẹ tội tham nhũng. Ảnh 05/02/2017. REUTERS/Alex Fraser
Từ thủ đô Rumani, thông tín viên Benjamin Ribout gửi về bài tường trình :
"Đó là một trạng thái cảm xúc kỳ lạ khi nhìn những người biểu tình cùng nhau ca hát và nhẩy múa vui mừng. Không bao giờ tôi nghĩ là mình lại có thể chứng kiến một cuộc biểu tình lớn như vậy. Daniela, một phụ nữ khoảng ba chục tuổi, đã tâm sự như vậy. Cô sống tại Pháp từ ba năm nay, nhưng đã tới tham dự cuộc biểu tình ở Bucarest.
Sau khi chính phủ vào tối thứ Bẩy, 04/02, thông báo rút bỏ nghị định giảm nhẹ trừng phạt tội tham nhũng, người ta biết là sẽ có biểu tình lớn vào Chủ Nhật. Thế nhưng, cuộc biểu tình tối qua đông hơn các lần trước, diễn ra trong bầu không khí lễ hội, vui vẻ. Đám đông nhiều lần hát quốc ca, lời bài hát được chiếu lên tường trụ sở chính phủ.
Những người biểu tình hài lòng với việc rút bỏ sắc lệnh, nhưng giờ đây, họ đòi thủ tướng Sorin Grindeanu phải ra đi. Lãnh đạo chính phủ Rumani trước đó đã tuyên bố không muốn từ chức.
Cô Daniela nói : Tôi tin chắc là chính phủ không từ bỏ dự án này. Do vậy, cần phải tiếp tục đấu tranh bởi vì sẽ có những hành động lạm dụng khác. Đây cũng là suy nghĩ của đám đông biểu tình.
Trong lúc có hơn 10% dân số Bucarest biểu tình mừng thắng lợi trước trụ sở chính phủ, thì một cuộc biểu tình khác ủng hộ đảng Dân Chủ được tổ chức trước dinh tổng thống, nhưng chỉ có khoảng gần 2000 người tham gia".
RFI tiếng Việt
Sau Liên Hiệp Châu Âu, đến lượt Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO, hôm qua, 01/02/2017, kêu gọi "các bên tôn trọng lệnh ngưng bắn" và yêu cầu Moskva gây áp lực với phe nổi dậy để chấm dứt bạo động ở biên giới đông Ukraine. Từ đầu tuần, chiến sự gia tăng đã làm 19 người thiệt mạng tại thị trấn Avdiyvka.
Xe của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu ( OSCE ) và xe tăng tại thành phố Avdiyvka, Ukraine, ngày 01/02/2017. Reuters
Về phía Moskva, đêm hôm qua rạng sáng hôm nay, bộ Quốc Phòng Nga đã triệu đại diện quân sự Ukraine để phản đối việc máy bay Ukraine bay ngang qua không phận ngoài khơi bán đảo Crimea. Đây là nơi có nhiều cơ sở dầu khí của Nga. Bộ Quốc Phòng Nga coi việc máy bay dân sự của Ukraine bay ngang qua khu vực này là mối "đe dọa đối với an ninh của các cơ sở và nhân viên" làm việc cho ngành dầu khí của Nga.
Sự kiện nói trên xảy ra trong bối cảnh từ Chủ Nhật 29/01/2017 xung đột gia tăng giữa phe nổi dậy Ukraine thân Nga và quân đội trung thành với chính quyền Kiev. Moskva và Kiev quy trách nhiệm lẫn nhau về việc không tôn trọng lệnh ngưng bắn.
Thông tín viên Muriel Pomponne từ Moskva cho biết thêm :
"Moskva bác bỏ kết luận từ các báo cáo viên Tổ Chức An Ninh và Hợp Tác Châu Âu OSCE, lên án chính quyền tự xưng là nước Cộng Hòa Donbass và Nga đẩy chiến sự leo thang trong vùng Donbass. Phát ngôn viên phủ tổng thống Nga cho rằng, chính quân đội Ukraine và một số các đơn vị tự nguyện mới là những thành phần đã khiêu khích. Theo ông Dmitri Peskov chính thứ trưởng Quốc Phòng Ukraine mới là người đã ‘mở chiến dịch tấn công’ khi tuyên bố : ‘Lính Ukraine đã oai hùng tiến bước trên từng tấc đất’.
Cố vấn tổng thống Nga, ông Iouri Ouchakov, thì cho rằng Kiev muốn thăm dò về ý định của chính quyền mới ở Washington xem Mỹ có sẵn sàng ủng hộ những quyết định quá đà của quân đội Ukraine nữa hay không. Vẫn theo nhân vật này, có thể là chính quyền Kiev muốn nhân cơ hội này đả xé rào ra khỏi thỏa thuận Minsk.
Trong bối cảnh đó, điện Kremlin cho rằng các bên lại càng cần nhanh chóng nối lại đối thoại về hồ sơ Ukraine và hợp tác Nga-Mỹ là cần thiết. Tổng thống Vladimir Putin và Donald Trump đã đề cập đến Ukraine trong cuộc điện đàm đầu tiên hôm thứ bảy vừa qua, nhưng hai bên đã không đi sâu vào chi tiết".
Thanh Hà
****************
Romania : Biểu tình phản đối việc giảm nhẹ trừng phạt tội tham nhũng (RFI, 02/02/2017)
Quang cảnh cuộc biểu tình tại Quảng trường Thắng Lợi, Bucarest, 01/02/2017. Reuters
Hôm qua, 01/02/2017, tại Romania, hàng trăm ngàn người đã xuống đường phản đối một nghị định của chính phủ giảm nhẹ các trừng phạt đối với một số tội danh như tham nhũng, lạm dụng quyền lực.
Theo Reuters, người biểu tình tố cáo sự thụt lùi về tư pháp chưa từng thấy kể từ khi Romania gia nhập Liên Hiệp Châu Âu. Riêng tại thủ đô Bucarest, khoảng 100 đến 150 ngàn người đã tập hợp trước trụ sở chính phủ để phản đối. Đây là cuộc biểu tình lớn nhất kể từ khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ ở Romania năm 1989.
Từ Bucarest, thông tín viên RFI Benjamin Ribout gửi về bài tường trình :
"Người biểu tình hừng hực khí thế tụ tập trước trụ sở chính phủ, ở quảng trường Thắng Lợi, thủ đô Bucarest, để bày tỏ sự chán ngán của họ. Nghị định phi hình sự hóa các tội danh tham nhũng, mà chính phủ xã hội -dân chủ thông qua cách nay hai ngày, đã làm dấy lên làn sóng công phẫn.
Một người biểu tình nói : Tôi nghĩ là mọi người cần ở lại trên đường phố để tiếp tục phản đối. Nếu không, chính phủ, nghị viện và các định chế sẽ dần dần sụp đổ, kể cả Tòa Bảo Hiến. Cần phải liên tục cảnh giác để bảo vệ quyền tự do.
Đến 22g30, tình hình xấu đi. Một số người biểu tình quá bực bội bắt đầu ném gạch đá, pháo, chai lọ vào cảnh sát. Lực lượng an ninh đáp trả, bắn lựu đạn khói và dần dần chiếm lại quảng trường Thắng Lợi.
Tuy nhiên, không phải tất cả những người biểu tình đều ủng hộ bạo lực. Một người biểu tình nói : Cần phải tuân thủ các biện pháp hợp pháp, không nên dùng bạo lực. Giải pháp là phải minh bạch và sử dụng các biện pháp hợp pháp. Nếu dùng lựu đạn khói và kích động hận thù thì sẽ không giải quyết được việc gì cả. Những hành động này chỉ làm hạ thấp ý nghĩa cuộc biểu tình.
Tổng thống Klauss Iohannis, thuộc phe trung-hữu, đã đề nghị Tòa Bảo Hiến cho ý kiến trước khi nghị định của chính phủ có hiệu lực trong 8 ngày nữa.
Trước áp lực của làn sóng biểu tình, không chắc là chính phủ chấp nhận rủi ro kéo dài cuộc đọ sức".
Thanh Hà